Thêm chuyện kinh hoàng nước thải bệnh viện


2007.09.08

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Báo chí thời gian qua đánh động dư luận về chuyện rác thải y tế được bán cho tư thương. Câu chuyện Nhà thương nhà ghét chưa ngừng lại, hôm nay chúng tôi chọn đọc bài viết trên Vn Express ngày 4/9/2007, một bản tường trình với tựa đề ‘Kinh hoàng nước thải bệnh viện’.

nuocthaibenhvien200.jpg
Nguồn nước thải bệnh viện được đổ trực tiếp ra kênh rạch. Hình của báo Tiền Phong. >> Xem hình lớn hơn

Vn Express trích lời thạc sĩ Từ Hải Bằng một phó trưởng khoa thuộc Viện Y Học Lao Động và Vệ Sinh Môi Trường ở Hà Nội nói rằng, trong hơn 1 ngàn bệnh viện ở Việt Nam chỉ khoảng 1/3 có hệ thống xử lý nước thải, chủ yếu ở tuyến trung ương và tỉnh, và ít đơn vị đạt tiêu chuẩn.

Nhiều nơi có khu xử lý nước cũng như không vì hệ thống không được bảo dưỡng, dẫn đến hỏng hóc. Nhiều bệnh bệnh viện chỉ vận hành hệ thống trong giai đoạn bảo hành, sau đó bỏ không với lý do không có kinh phí trả tiền điện, hoá chất khử trùng. Một Chuyên gia vệ sinh môi trường ở Hà Nội giải thích thêm:

“Ngày xưa chưa có qui định xây dựng bệnh viện phải có hệ thống xử lý nước thải. Tình hình chung ở Việt Nam không những chỉ có bệnh viện mà các công trình khác cũng thế. Tuy nhiên cũng có một số bệnh viện có xây dựng trạm xử lý nước thải, nhưng không được chăm sóc sửa chữa thường xuyên. Hơn nữa các bệnh viện ngày một lớn hơn dẫn tới quá tải, số bệnh nhân nhiều hơn so với lúc thiết kế trạm xử lý.”

Chứa vô số loại vi trùng, virus

Vn Express mô tả, nước thải bệnh viện chứa vô số loại vi trùng, virus và các mầm bệnh sinh học khác trong máu mủ, dịch đờm, phân của người bệnh, các loại hoá chất độc hại từ cơ thể và chế phẩm điều trị, thậm chí cả chất phóng xạ. Do đó nước thải bệnh viện được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.

Theo kết quả phân tích của cơ quan chức năng, loại nước này ô nhiễm nặng nề về mặt hữu cơ và vi sinh. Hàm lượng vi sinh cao gấp 100 tới 1.000 lần tiêu chuẩn cho phép, với nhiều loại vi khuẩn như Salmonella, tụ cầu, liên cầu, virus đường tiêu hoá, bại liệt, các loại ký sinh trùng, a-míp, nấm. Hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp 2-3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Tình hình chung về nước thải không riêng gì về nước thải y tế mà còn nước thải dân dụng, nước thải công nghiệp. Đa số đều thải trực tiếp ra nguồn nước và đây là vấn đề nghiêm trọng. Lượng hoà loãng ngày càng giảm dần, vì lượng nước thải tăng theo nền kinh tế, trong khi lưu lượng nguồn nước là vẫn vậy.

Trả lời Thanh Quang của Đài chúng tôi, Thạc sĩ Hồ Long Phi một giảng viên đại học về lãnh vực thoát nước ở TP.HCM cũng nhìn nhận vấn đề này theo nhãn quan của ông:

“Tình hình chung về nước thải không riêng gì về nước thải y tế mà còn nước thải dân dụng, nước thải công nghiệp. Đa số đều thải trực tiếp ra nguồn nước và đây là vấn đề nghiêm trọng. Lượng hoà loãng ngày càng giảm dần, vì lượng nước thải tăng theo nền kinh tế, trong khi lưu lượng nguồn nước là vẫn vậy.

Rộ lên gần đây nhất là chuyện nước thải y tế, số lượng bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải có thể là hơn phân nửa nhưng thực tế họ có cho hoạt động hay không là chuyện khác, không ai kiểm tra được. Vận hành hệ thống xử lý thì sẽ tốn thêm chi phí.”

Vẫn theo Vn Express, nước thải bệnh viện không qua xử lý, sau khi hoà lẫn vào hệ thống nước thải sinh hoạt, những mầm bệnh này chu du khắp nơi, xâm nhập vào các loại thuỷ sản, vật nuôi, cây trồng, nhất là rau thuỷ canh và trở lại với con người. Việc tiếp xúc gần với nguồn ô nhiễm còn làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác cho người dân.

Chúng tôi hỏi chuyện ông Quân cư dân TP.HCM, ông cũng có nhận xét tương tự: em>“Những mầm bệnh độc hại xả thẳng ra nguồn nước, vi trùng sẽ lây lan trong môi trường rất nhanh và đi xa qua hệ thống kênh rạch .”

Gần như giữ nguyên mức độc hại

TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương có nhiều bệnh viện và cơ sở y tế so với cả nước. Theo bài viết của Vn Express, ở TP.HCM hiện còn trên 40 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, ngoài ra còn 35 bệnh viện và cơ sở y tế khác thậm chí chưa bao giờ thiết trí hệ thống xử lý nước thải.

Phóng viên Vn Express đưa ra hai ví dụ về trường hợp có hệ thống xử lý nước thải nhưng lại không đạt chuẩn vệ sinh. Nhà báo mô tả, bước vào cổng Bệnh Viện Ung Bướu TP.HCM, nhiều người phải bịt mũi vì mùi hôi bốc lên. Qua một lỗ cống vỡ, dòng nước đen chảy ồng ộc ra phía ống thoát nước công cộng, trong khi phòng xử lý nước thải cách đó chỉ vài mét.

Không có nhân viên trực, không nghe thấy tiếng máy bơm thuỷ lực, hệ thống xử lý nước thải duy nhất của Bệnh Viện Ung Bướu thành phố xây trên diện tích gần 20 m2 chỉ có bồn chứa dung dịch Clor và vài thứ khác. Nước được coi là đã qua xử lý nhưng vẫn đậm đặc mùi bệnh viện. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Chấn Hùng Giám đốc Bệnh Viện cho biết hệ thống xử lý nước thải vẫn hoạt động, còn chất lượng nước sau xử lý thì bệnh viện rất khó kiểm soát.

Theo hướng của thủ tướng chính phủ từ nay đến 2010 thì 100% bệnh viện từ tuyến trung ương xuống tuyến huyện đều phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên thực hiện được hay không thì là chuyện khác vì còn nhiều khó khăn…

Thí dụ thứ hai là Bệnh viện An Bình TPHCM tuy có khu xử lý nước thải khá rộng nhưng hệ thống không hoạt động hơn 10 năm nay, khiến nước thải y tế chảy thẳng ra cống công cộng. Theo lời một nhân viên ở đây, hệ thống được xây dựng từ năm 1995 nhưng chỉ hoạt động được khoảng 2 năm.

Một chuyên viên vệ sinh môi trường ở Hà Nội nhận định: “Theo hướng của thủ tướng chính phủ từ nay đến 2010 thì 100% bệnh viện từ tuyến trung ương xuống tuyến huyện đều phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên thực hiện được hay không thì là chuyện khác vì còn nhiều khó khăn…”

Theo số liệu ngành môi trường, TP.HCM tích góp khá lớn vào lượng nước thải công nghiệp 480 ngàn mét khối xả trực tiếp ra hệ thống sông Đồng Nai. Riêng về nước thải y tế , các bệnh viện TP.HCM mỗi ngày đổ ra sông 17 ngàn m3 nước thải y tế, trong đó chỉ có một lượng rất nhỏ là có qua xử lý đạt chuẩn.

Tại Hà Nội, Vn Express trích thông tin ngành Tài Nguyên Môi Trường cho biết, trong số 400 ngàn m3 nước thải hầu hết không qua xử lý đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy mỗi ngày, có gần 200 ngàn m3 là nước thải bệnh viện. Như thông tin của Vn Express thì rõ ràng tình hình ở Hà Nội nghiêm trọng gấp 10 lần TP.HCM.

Nhà báo ghi nhận Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức, cơ sở ngoại khoa lớn nhất nước, nơi thực hiện hàng chục nghìn ca mổ mỗi năm, đồng nghĩa với việc xả ra lượng nước thải y tế khổng lồ. Tuy vậy Việt Đức chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn vệ sinh môi trường.

Do đó nước thải y tế từ Bệnh viện Việt Đức gần như giữ nguyên mức độ độc hại khi xả ra môi trường. Chúng tôi xin thêm rằng Việt Đức chính là bệnh viện vừa xả ra vụ bê bối nghiêm trọng, bệnh viện đã bán rác thải y tế độc hại cho tư thương để tận dụng nhựa phế liệu và chai lọ thuỷ tinh.

Không có cách nào khác?

Vẫn theo Vn Express, Bệnh Viện Việt Đức tuy nằm trong 6 bệnh viện được chính phủ phê duyệt xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp kinh phí để tiến hành.

Tình hình không khác gì ở Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương, nhiều năm nay nước thải y tế, sản phẩm của phòng mổ, phòng sinh và nhiều khoa phòng khác, vẫn được xả trực tiếp vào hệ thống cống ngầm rồi tập kết ra sông Tô Lịch. Phó giám đốc bệnh viện tiến sĩ Trần Quốc Việt nhìn nhận là rất đau lòng vì bệnh viện là nơi chữa bệnh mà lại xả ra nguồn gây bệnh, nhưng theo lời ông, khi hệ thống xử lý chưa có thì không có cách nào khác.

Sống giữa xung quanh nào là không khí, rồi thức ăn , môi trường ô nhiễm độc hại vô cùng. Nhưng cứ việc ăn đi, chừng nào ông trời kêu ai thì nấy dạ.

Tâm lý vừa nói cũng là chuyện miễn cưỡng chấp nhận của người dân, như lời phát biểu của một phụ nữ ở Hà Nội: “Sống giữa xung quanh nào là không khí, rồi thức ăn , môi trường ô nhiễm độc hại vô cùng. Nhưng cứ việc ăn đi, chừng nào ông trời kêu ai thì nấy dạ.”

Thực ra vấn đề xử lý nước thải y tế, cũng có một vài tín hiệu tích cực, như trường hợp Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định ở TP.HCM. Theo Vn Express hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện này đạt chuẩn vệ sinh môi trường. Kỹ sư Nguyễn Tăng Tiến cho biết, nước thải ở Bệnh viện Gia Định sau xử lý rất trong và không có mùi hôi.

Chi phí cho hệ thống này khoảng 800 triệu đồng, bao gồm hồ chứa rộng 100 nét vuông với công suất xử lý 1.500 mét khối mỗi ngày. Hệ thống máy xử lý gồm các khoang chứa nước đến, có bộ phận lọc rác phía ngoài. Nước được cho vào bồn khử mùi bằng dung dịch Clor lỏng, sau đó là lọc khử vi sinh, hữu cơ. Toàn bộ các khoang chứa nước được xây kín, không cho thoát mùi. Hệ thống được xả cặn 2 lần mỗi tuần.

Câu hỏi đặt ra là khi nào tất cả bệnh viện ở Việt Nam đều thực hiện được hệ thống xử lý nứớc thải như Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định ở TP.HCM. Chúng tôi trích lời tiến sĩ Nguyên Trung Việt chuyên gia môi trường ở TP.HCM thay cho lời kết mục đọc báo hôm nay:

“Dù sao Việt Nam mới phát triển mười mấy năm thôi, nhiều ngừơi cũng hiểu biết được vấn đề môi trường nhưng thực tế quá chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Sức ép về bảo vệ môi trường và nhận thức của ngừơi dân thì nay đã nhanh hơn trước rất nhiều. Sự hiểu biết nhiều hơn về mặt môi trường sẽ giúp cho môi trường cuả Việt Nam không đến nỗi như môi trường một nước khác ở châu Âu mà ngày xưa đã phải trả giá.”

Thưa quí thính giả, phát triển kinh tế mà vẫn song hành bảo vệ môi trường, theo nhiều nhà phân tích, luôn là một mục tiêu không dễ dàng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.