Dịch cúm gia cầm và giá xăng dầu nội hóa tăng cao

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Việt Nam chia xẻ mối lo ngại toàn cầu về khả năng virus cúm gia cầm H5N1 đang biến thể… Giá xăng dầu nội hoá sản xuất từ Dung Quất sẽ cao hơn giá thế giới… Đây là các đề tài trong mục đọc báo điện tử hôm nay.

BirdFluConference150.jpg
Các giới chức từ 21 quốc gia và tổ chức tham dự cuộc hội nghị kéo dài 2 ngày của WHO tại Nhật Bản về cúm gia cầm hôm 12-1-2006. AFP PHOTO

Chính quyền Việt Nam ráo riết chuẩn bị đối phó với nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm, và khả năng virus H5N1 biến chủng có thể gây ra đại dịch ở người. Nhiều cuộc hội thảo bao gồm các nhà khoa học dịch tễ, y tế dự phòng, thú y, các bộ ngành và chính quyền địa phương liên tục diễn ra.

Virus cúm gia cầm H5N1 đang biến thể

Theo báo Saigon Giải Phóng bản điện tử, ngày 17/8 Thứ Trưởng Y Tế Trịnh Quân Huấn nói rằng, tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính với virus cúm týp A đang tăng, dẫn đến khả năng tái tổ hợp của virút cúm là rất cao. Ông Huấn trích báo cáo của Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung Ương để đưa ra tuyên bố vừa kể.

Vẫn theo tờ báo, cùng ngày 17/8 tại Hà Nội Bộ Y Tế đã tổ chức hội thảo quốc gia về cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thông tin tại chỗ cho biết hệ thống của Việt Nam đã được kết nối với hệ thống cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các quốc gia trong khu vực.

Bản tin của báo Saigon Giải Phóng đưa lên mạng lúc 01giờ 46 sáng 18/8 trích nguồn tin Cục Y Tế Dự Phòng Bộ Y Tế cho rằng kết quả xét nghiệm 2 ca tử vong nghi nhiễm cúm A H5N1 vừa qua tại Kiên Giang và Hậu Giang tuy âm tính với virus này nhưng cũng có thể là virus H5N1 đã biến đổi, hoặc tái tổ hợp gen, tạo ra một loại virus cúm nào đó không phải là H5N1 mà kỹ thuật xét nghiệm hiện nay chưa phát hiện được.

Nguy cơ là chính xác bởi vì các nước chung quanh người ta đã tái dịch rồi, trong khi ở Việt Nam sắp vào mùa đông xuân.

Tuy vậy vào sáng 17/8, chúng tôi được phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến viện trưởng viện pasteur TP.HCM trấn an về vấn đề này:

“Vừa rồi chúng tôi cũng ngại là có một chủng mới nào đó mà mình không tìm ra được. Nhưng vừa rồi xác định lâm sàng cuối cùng thì hai ca tử vong đó về bệnh cảnh lâm sàng hoàn toàn không phải là viêm phổi do virus.

Cuối cùng được biết ca thứ nhất là viêm não, bệnh nhân không hề tiếp xúc gia cầm bệnh, hoàn toàn bị rối loạn tri giác từ đầu, sau đó phổi của bệnh nhân trở lại bình thường và chết vì suy thể tạng và viêm não.

Còn ca thứ hai sau đó vào Bệnh Viện Nhiệt Đới, họ lấy dịch tiết ở dưới phế quản xét nghiệm được biết là nhiễm trùng huyết do vi khuẩn. Cả hai ca đều không phải là viêm phổi do virus như đã lo ngại.”

Trước đó, ngày 16/8 tại TP.HCM các giới chức chuyên môn về y tế, dịch tễ và thú y đã tham dự một cuộc hội thảo khác với chủ đề tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A H5N1 trên con người. Trong cuộc hội thảo các giới chức chuyên môn đồng thuận rằng có nguy cơ rất cao về việc cúm gia cầm tái xuất hiện ở Việt Nam.

Viện trưởng viện Pasteur TP.HCM bà Nguyễn Thị Kim Tiến xác định điều này: "Nguy cơ là chính xác bởi vì các nước chung quanh người ta đã tái dịch rồi, trong khi ở Việt Nam sắp vào mùa đông xuân"

Hậu quả ghê gớm

Xem các bản tin của Vietnam Net và Saigon Giải Phóng, người đọc có thể thấy rằng các giới chức chuyên môn và các nhà khoa học Việt Nam lường trước việc sẽ tái bùng phát dịch, nhưng điều làm họ quan ngại nhiều hơn chính là khả năng virus H5N1 biến đổi thành một chủng khác với khả năng truyền nhiễm từ người sang người, và khi ấy là một đại dịch với hậu quả ghê gớm.

Saigon Giải Phóng bản điện tử ngày 17/8 đưa tin, Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế cho biết virus cúm gia cầm H5N1 đã biến đổi tại Nam Trung Quốc, chủng virus này đã gây tái phát cúm gia cầm ở Tháio Lan và Lào hồi tháng 7.

Virus này có thể đã lây lan do buôn bán gia cầm. Theo tin này kết quả xét nghiệm cho thấy, virus gây cúm gia cầm ở tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan và ở gần thủ đô Lào Vientianne là một chủng chưa hề xuất hiện ở Thái và Lào, trong các đợt dịch trứơc đó. Sự biến đổi của virus H5N1 tạo ra sự lo ngại sẽ xảy ra đại dịch cúm cho con người. Hiện nay có 4 chủng H5N1 trong khu vực châu Á gồm chủng Thái-Việt, chủng Indonesia và 2 chủng của Trung Quốc.

BirdFluVaccine150.jpg
Hôm 4-8-2005, nhân viên thú y tiêm vaccine cho gà nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam/FILES

Vietnam Net tường thuật cuộc hội thảo 16/8 tại TP.HCM ghi nhận rằng, đặc tính nổi bật của virus cúm là sự thay đổi kháng nguyên trong quá trình lưu hành trong cộng đồng dân cư. Những thay đổi nhỏ xảy ra liên tục hàng năm, thường gây nên những vụ dịch nhỏ.

Do đó, virus cúm A/H5N1 hoàn toàn có thể biến đổi trở thành virus có khả năng lây truyền dễ dàng từ người sang người trong một tương lai gần. Với chiều hứơng này, tổ chức y tế thế giới đã cảnh báo khả năng xảy ra đại dịch cúm ở người với hàng chục triệu người mắc bệnh, số tử vong từ 2 tới 7 triệu người.

Nguy cơ cao

Theo Vietnam Net, âu lo về tái bùng phát dịch hết sức lớn lao, nhiều tỉnh có xét nghiệm H5N1 dương tính trên gia cầm thuỷ cầm như TP.HCM, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh. Lực lượng thú y quá mỏng ở cấp xã chỉ có một cán bộ thú y, làm sao có thể giám sát dịch bệnh tới tận hộ gia đình như chủ trương của chính phủ.

Vietnam net trích phát biểu đầy bức xúc của bà Nguyễn Việt Nga, chi cục trưởng thú y tỉnh Tiền Giang, bà Nga nói rằng chính quyền quản lý người dân còn chưa được, thì làm sao biết được nhà nào nuôi con gì, đặc biệt là trong qui mô chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà Nga thêm rằng, người ốm còn đi điều trị, chết thì chôn, ai cũng biết. Chứ con gà con vịt ốm, người nuôi muốn chữa thì chữa muốn làm thịt ăn thì làm thịt, họ báo thì chính quyền mới biết, không báo thì thôi.

Hoạt động phòng chống dịch tái phát ở Việt Nam đặt trọng tâm vào công tác tiêm phòng vắc xin ngừa cúm cho đàn gia cầm thuỷ cầm, kiểm soát kiểm dịch gà vịt xuất chuồng, cố gắng tổ chức chăn nuôi tập trung, giết mổ công nghiệp. Tuy vậy, cái khó mà Việt Nam gặp phải là nông dân ở thôn quê sống nghèo khổ, nhà nào cũng chăn nuôi gà vịt ở qui mô nhỏ lẻ để làm thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Thay đổi thói quen này không phải là một việc dễ làm.

Thưa quí thính giả gần 9 tháng qua Việt Nam chưa tái bùng phát ổ dịch cúm gia cầm, cũng như không ghi nhận có người nhiễm virus H5N1. Các đợt dịch từ cuối 2003 tới đầu năm 2006 đã làm gần 45 triệu gia cầm phải tiêu huỷ, ngoài ra có 42 người chết vì nhiễm cúm A/H5N1.

Xăng dầu nội hoá sẽ cao hơn giá thế giới

OilFuel200.jpg

Sau tin về nỗ lực phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát, trong những ngày qua, các báo điện tử cũng đưa lên mạng một thông tin từng được các chuyên gia cảnh báo từ trước, nhưng nay mới được chính thức nói ra từ một nhân vật có thẩm quyền. Đó là chuyện xăng dầu thành phẩm được sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có giá thành cao hơn giá nhập khẩu.

Theo dự kiến thì nếu không còn bị trở ngại tiếp tục thì Dung Quất sẽ xuất xưởng xăng dầu để tiêu dùng trong nứơc vào năm 2008 sắp tới. Tạp chí Thời Báo Kinh Tế Saigon có bài về vấn đề này và được nhiều báo điện tử đưa lên mạng.

Trong bài ông Nguyễn Đức Kiên, chủ nhiệm uỷ ban kinh tế và ngân sách quốc hội nói rằng, giá sản phẩm từ Dung Quất sẽ không thấp hơn giá nhập khẩu, nếu như áp dụng qui định khấu hao hiện hành. Ông Kiên thêm rằng dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất có được vận hành đúng hạn vào năm 2008 thì sản lượng cũng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu trong nước. Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.

Thưa quí thính giả, việc thiết lập dự án Nhà máy lọc dầu ở Dung Quất Quảng Ngãi, thay vì ở một nơi thuận lợi như Bà Rịa Vũng Tàu chẳng hạn, đã làm cho các nhà đầu tư nứơc ngoài lần lượt rời bỏ dự án này. Vị trí Dung Quất được các chuyên gia quốc tế tính toán là không thích hợp về mặt địa lý kinh tế, vì xa các mỏ dầu ở thềm lục địa phía nam.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn kiên quyết giữ nguyên ý định, như họ từng thể hiện trong dự án thuỷ điện Hoà Bình và đường dây tải điện Bắc Nam 500 KV. Vào thời điểm đó các chuyên gia quốc tế cũng không tán thành và cho rằng không lợi ích kinh tế với một đường truyền tải xa như vậy.

Dự án Dung Quất ngày nay đang được gấp rút thi công và cũng còn nhiều trở ngại. Sự trì trệ gần 10 năm đã gây lãng phí cả ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nứơc, và nay lại được biết trước là sản xuất ra xăng dầu với giá cao hơn đi mua của nứơc ngoài.