Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Các giới chức có thẩm quyền bật mí thêm một ít chi tiết về những cam kết mà Việt Nam thoả thuận để xin gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Chúng tôi tổng hợp các bài báo liên quan cũng như ý kiến chuyên gia về một số lãnh vực có thể chịu ảnh hưởng nặng nề một khi Việt Nam mở cửa thị trường đầy đủ.

Hôm 21-8 tại TP.HCM Uỷ Ban Đối Ngoại Quốc Hội Việt Nam tổ chức hội thảo mang tên Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, qui tụ các chuyên gia kinh tế trong ngoài nước. Vietnam Net đưa lên mạng bài tường thuật ghi nhận nhiều thông tin mới từ ông chủ nhiệm uỷ banVũ Mão.
Nhân vật khá quen thuộc của quốc hội Ba Đình tỏ ra thận trọng khi cho rằng, khả năng gia nhập WTO của Việt Nam vào tháng 10 này ở mức 80%.
Để có thể được hội nghị bộ trưởng WTO bỏ phiếu thông qua trong phiên họp ngày 10-10 tại Geneve thì quốc hội Việt Nam phải phê chuẩn toàn bộ các cam kết mà đoàn đàm phán Việt Nam đã ký kết. Vẫn theo lời ông Vũ Mão thì quốc hội chỉ còn 30 ngày để làm việc này tính từ ngày 21-8.
10 nội dung chính
Vietnam Net tóm lược 10 nội dung chính của các cam kết đa phương khi Việt Nam gia nhập WTO.
Theo tôi đấy là một chặng đường có thể coi như thoả đáng để Việt Nam thực hiện các cam kết trở thành nền kinh tế thị trường. Đó là một khoảng thời gian có thể chấp nhận được.
Thứ nhất: Việt Nam sẽ cải cách thương mại thông qua việc mở cửa thị trường hàng hóa. Đến năm 2008 sẽ chính thức mở cửa theo lộ trình và đến năm 2009 sẽ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài thành lập 100% vốn tại Việt Nam. Về hàng hóa cam kết cắt giảm thuế tất cả các mặt hàng nhập khẩu khoảng 20%, so với mức hiện hành. Đặc biệt, một số ngành như hóa chất, dược phẩm, thiết bị thông tin sẽ cắt giảm chỉ còn 0% tới 5%.
Thứ hai: Thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử thông qua 2 luật là Quy chế tối huệ quốc và Đãi ngộ quốc gia.
Thứ ba: Phá bỏ trợ cấp xuất khẩu hoàn toàn cho mặt hàng nông sản.
Thứ tư: Cam kết cắt bỏ trợ cấp cho công nghiệp bị cấm trong vòng 5 năm, đối với các dự án đã được cấp phép liên quan đến nội địa hóa và hàng xuất khẩu.
Thứ năm: Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, và doanh nghiệp thương mại nhà nước, qua bất kỳ hình thức nào.
Thứ sáu: Cam kết về quyền kinh doanh. Từ ngày 1-1-2007, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quyền kinh doanh các mặt hàng như doanh nghiệp Việt Nam, chứ không chỉ giới hạn mặt hàng kinh doanh trên giấy phép kinh doanh như trước đây.
Thứ bảy: Minh bạch hóa chính sách, Chính phủ phải thành lập trang web để thông báo về các văn bản, pháp quy liên quan đến thương mại, đầu tư… để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các doanh nghiệp và người dân trước khi ban hành là 60 ngày.
Thứ tám: Cam kết thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ quyền tácg giả.
Thứ 9: Tuân thủ các tiêu chuẩn quy định của WTO về kiểm dịch và vệ sinh dịch tễ.
Phải có những hệ thống giải pháp thấu đáo, như tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá kho tàng bến bãi. Đây không chỉ là chuyện hoạch định ra chiến lược mà đòi hỏi cả vấn đề tổ chức, cả về chính sách và cả đầu tư.
Thứ 10: Việt Nam sẽ được coi là nền kinh tế phi thị trường trong một thời gian sau khi gia nhập WTO.
Chúng tôi xin nhắc lại rằng, trong cam kết song phương với Mỹ Việt Nam đồng ý thời hạn vừa nói là 12 năm. Trong một dịp trả lời Nam Nguyên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định rằng:
“Theo tôi đấy là một chặng đường có thể coi như thoả đáng để Việt Nam thực hiện các cam kết trở thành nền kinh tế thị trường. Đó là một khoảng thời gian có thể chấp nhận được.”
Những thách thức
Trở lại cuộc hội thảo 21-8 ở Saigon, Vietnam Net trích lời ông Nguyễn Sơn, phó chánh văn phòng uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế thuộc bộ thương mại nói rằng, trong số 10 nội dung cam kết đa phương thì việc bỏ trợ cấp cho hàng nông sản ngay khi gia nhập WTO và vấn đề mở cửa hệ thống phân phối là những thách thức lớn đối với Việt Nam.
Nhà nước sẽ chỉ được phép sử dụng 10% trị giá nông sản để hỗ trợ cho nông nghiệp. Ông Nguyễn Sơn cho rằng nếu không áp dụng tốt thì hàng triệu nông dân sẽ bị đẩy vào bước đường cùng, khi đó hàng nông sản sẽ thua ngay trên sân nhà.
Cùng về cuộc hội thảo 21-8, Tuổi trẻ Online tường thuật ở các khía cạnh khác, như chuyện ngay khi vào WTO, Việt Nam phải thực hiện ngay toàn bộ các hiệp định của WTO, bao gồm các qui chế điều hành về thương mại cho tất cả các nước thành viên.
Ông Nguyễn Sơn cho biết, trong quá trình đàm phán Việt Nam đề nghị lộ trình từ 3 tới 5 năm để thực hiện các hiệp định, nhưng không được chấp thuận. Vẫn theo ông Sơn, Việt Nam phải thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa mọi thành phần kinh tế. Cam kết này không chỉ cấm các hành vi đối xử trực tiếp tạo nên sự phân biệt đối xử mà còn cấm các hành vi gián tiếp.
Theo tờ Tuổi trẻ, bình luận về việc những cam kết gia nhập WTO có quá nặng đối với Việt Nam, nhất là nông dân, ông Michael A. Samuels, cựu đại sứ Mỹ tại WTO cho rằng, đó là giá phải trả đối với những nước gia nhập muộn như Việt Nam.
Nếu người Việt Nam chúng tôi không kịp thời nắm bắt, phát huy, không chạy theo kịp cái nhịp của thời đại thì rõ ràng những công ty chăn nuôi của nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường này, đó chính là điều tôi lo ngại nhất.
Tuy nhiên theo ông Samuels, Việt Nam vẫn có thể áp dụng những biện pháp hỗ trợ khác, mà luật của WTO không cấm, để giúp đỡ nông dân mình, trong đó đặc biệt các chính sách về khuyến nông, đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Cùng về vấn đề này ông Đoàn Ngọc Bông phó chủ tịch phòng thương mại công nghiệp Việt Nam được tờ Thanh Niên Online trích thuật nói rằng, để hội nhập WTO một cách hiệu quả, trước hết Nhà nước cần có ngay chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Ông Bông gọi là hỗ trợ theo lối mới phù hợp qui tắc chung của WTO, cụ thể, Nhà nước cần chăm lo phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn như đường sá, điện, thuỷ lợi, ứng dụng công nghệ mới, cung cấp thông tin thị trường.
Chúng tôi trích phát biểu của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, một chuyên gia về chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của Việt Nam: "Phải có những hệ thống giải pháp thấu đáo, như tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá kho tàng bến bãi. Đây không chỉ là chuyện hoạch định ra chiến lược mà đòi hỏi cả vấn đề tổ chức, cả về chính sách và cả đầu tư."
Nông dân yếu thế
Thanh Niên Online ngày 22-8 có bài ‘Việt Nam vào WTO nông dân được hỗ trợ như thế nào’. Tờ báo cho rằng một cơn lốc hàng ngoại nhập sẽ tràn vào thị trường Việt Nam khi chúng ta gia nhập WTO. Sản phẩm nông nghiệp là lĩnh vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong khi sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam quá thấp, nông dân thì quá yếu thế.
Tờ báo trích lời Tiến sĩ Võ Mai, chủ tịch hiệp hội trái cây Việt Nam nói rằng, ngay khi chưa gia nhập WTO, hiện nay trái cây Việt Nam đã bị lấn sân bở trái cây ngoại rồi. Muốn cạnh tranh trước hết phải bắt đầu từ chất lượng sản xuất.
Trong lãnh vực chăn nuôi, ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty Phú An Sinh ở TP.HCM nhận định là ngành chăn nuôi có thể gặp khó khăn, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước sẽ khó cạnh tranh lại với các sản phẩm cao cấp của Mỹ.
Riêng đối với thịt gà, theo Thanh Niên Online, ông Minh cho biết các doanh nghiệp trong nước sẽ thua lớn, bởi vì ưu thế lớn nhất của Mỹ là họ chỉ tiêu thụ phần ức gà, các phần còn lại của con gà là xuất khẩu nên giá thành cực rẻ. Ông Phạm Văn Minh nói :
“Nếu người Việt Nam chúng tôi không kịp thời nắm bắt, phát huy, không chạy theo kịp cái nhịp của thời đại thì rõ ràng những công ty chăn nuôi của nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường này, đó chính là điều tôi lo ngại nhất.”
Ông Minh cho rằng người nuôi bò heo thì có thể sống cầm chừng vì người tiêu dùng hiện chưa quen với việc sử dụng thịt heo thịt bò đông lạnh.
Bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu
Trở lại vấn đề bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với nông nghiệp của Việt Nam, thật ra đây không phải là một vấn đề quan trọng, vì trợ cấp không nhiều và nông dân không được hưởng, có chăng là các doanh nghiệp nhà nước. Điểm cốt lõi là các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thiếu sức cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, tổng thư ký hiệp hội lương thực Việt Nam nhận định rằng, cam kết bỏ trợ cấp xuất khẩu thật ra không ảnh hưởng nhiều đến mặt hàng gạo.
Còn bà Phạm Chi Lan, cựu phó chủ tịch phòng thương mại công nghiệp Việt Nam nhận định rằng, lâu nay hỗ trợ của Nhà nước về xuất khẩu nông nghiệp nếu có cũng chủ yếu chảy vào các công ty Nhà nước nhưng theo bà điều oái ăm là những công ty này lại lỗ lã, làm ăn không hiệu quả.
Bà Chi Lan đưa ra thí dụ tổng công ty cà phê đâu có hoạt động hiệu quả và năng động như các công ty tư nhân nhưng lại được hưởng nhiều quyền lợi. Theo Bà Chi Lan Việt Nam cần phải thay đổi căn bản, nên tái cấu trúc các công ty Nhà nước để những công ty này hoạt động một cách bình thường, theo đúng nghĩa kinh tế thị trường.