Tại sao Thuỷ Sản Việt Nam đang chịu án treo của Nhật Bản

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Do liên tiếp vi phạm qui định vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành thuỷ sản Việt Nam có thể mất một trong những thị trường xuất khẩu lớn là Nhật Bản. Liệu cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp Hội Chế Biến Xuất Khẩu Thuỷ Sản Việt Nam có thoát khỏi cái án treo lơ lửng trên đầu hay không, cho dù lời cảnh báo đã có từ hơn một năm qua.

ShrimpFarmer150.jpg
AFP PHOTO

Hệ luỵ của những vấn đề này được phân tích ra sao. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng hầu quí thính giả.

Trước khi nói đến khả năng mất thị trường, xin sơ lược qua về giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, riêng Nhật Bản năm ngoái đã mua của các doanh nghiệp Việt Nam hơn 1 tỷ đô la. Giới chức Bộ Thuỷ Sản cho rằng thuỷ sản Việt Nam trên thực tế đã phát triển vượt bậc:

“ Năm 2006 chúng tôi đạt kim ngạch 3 tỷ 310 triệu đô la xuất khẩu thuỷ sản, nhìn lại năm 1981 ngành thuỷ sản Việt Nam lúc ấy chỉ đạt hơn 11 triệu đô la. Phải thấy rằng đó là một tốc độ phát triển mà không một ngành kinh tế nào ở Việt Nam có thể đạt được. “

Cùng với các nước EU, Nhật Bản đã trở thành thị trường chuyển đổi cho các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam, sau khi cá basa và tôm bị vướng án bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ giàu có.

Nhưng khi trở thành một trong ba khách hàng lớn nhất đối với thuỷ sản Việt Nam, thì cũng là lúc nước Nhật tỏ ra chặt chẽ không kém gì Hoa Kỳ và có phần khó khăn hơn cả EU. Ông Nguyễn Tử Cương, Cục Trưởng Cục quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản nói với chúng tôi:

“Tháng 11/2005 quốc hội và chính phủ Nhật mới ban hành luật thực phẩm sửa đổi trong đó 17 loại kháng sinh tương đương với các loại kháng sinh hoá chất bị cấm tại Mỹ và EU, lúc đó người Nhật mới bắt đầu kiểm soát. Vào thời điểm tháng 5/2006 luật có hiệu lực thì 31 nước bán thuỷ sản sang Nhật bị phát hiện dư lượng kháng sinh cấm, trong đó có Việt Nam.”

Nguyên nhân

Ông nói vấn đề thực sự trở thành nghiêm trọng nhưng vì Nhật Bản không muốn chấm dứt chuyện mua bán thủy sản với Việt Nam nên đại sứ Nhật phải viết thư cho Bộ Thủy Sản để cảnh báo như vậy với hy vọng Việt Nam cải hiện kỹ thuật nuôi trồng và chế biến thủy sản của mình.

Ngược thời gian với các bài báo lưu trữ trên mạng của Vietnam Net và Vietnam Economy, câu chuyện án treo của Nhật Bản đã khởi sự từ cuối năm ngoái, cụ thể là vào ngày 28/12/2006 là thời điểm Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản quyết định kiểm tra 100% mặt hàng tôm của Việt Nam dù là tôm nuôi hay tôm đánh bắt.

Lý do của sự kiện này là vì các lô tôm do Việt Nam xuất đi liên tiếp bị phát hiện có dư lượng kháng sinh choramphenicol và các dẫn xuất của Nitrofuran ở mức độ 0,7 phần tỷ. Sở dĩ chỉ nói tới tôm vì đây là mặt hàng chủ lực, trong hai năm gần đây, mặt hàng tôm bán sang Nhật mỗi năm trị giá gần 500 triệu đô la. Mặt hàng mực hoặc sản phẩm chế biến cũng vướng kháng sinh hóa chất cấm, nhưng lượng xuất không đáng kể.

Người Nhật đã nâng mức kiểm tra mới đầu từ 5%, 10% lên 50% và sau cùng là 100% lô hàng tôm nhập của Việt Nam. Và hiện nay kiểm tra 100% các lô hàng thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam nói chung. Khi đã kiểm tra 100% thì một container thuỷ sản Việt Nam có khả năng chờ đợi 45 ngày tại cảng Nhật Bản, cho tới khi có kết quả kiểm tra xét nghiệm. Những chi phí phát sinh rất lớn, chưa kể phần kiểm tra chất lượng ở Việt Nam.

“Ít có doanh nghiệp xuất một lần hai công (container) hàng, hai công hàng khoảng 40 tấn và nếu mỗi lô hàng là 10 tấn thì có lúc họ phải trả chi phí kiểm nghiệm lên tới 600 đô la cho riêng chỉ tiêu kháng sinh.”

Đó là những dữ kiện ngược dòng thời gian, câu chuyện mới nhất trong những ngày đầu tháng 7, được mô tả như một tối hậu thư từ phía người Nhật cho ngành thuỷ sản Việt Nam. Nhiều báo điện tử đưa tin như Thanh Niên, Việt Nam Economy, Vietnam Net và Tiền Phong.

Các báo cho biết, ông Norio Hattori đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam gửi thư cho bộ trưởng thuỷ sản Tạ Quang Ngọc cảnh báo rằng, cơ quan phụ trách kiểm dịch của Nhật sẽ xem xét áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam. Trong thư Đại sứ Hattori nhắc lại rằng, từ năm 2006 tới nay, căn cứ theo luật vệ sinh thực phẩm của Nhật .

Cơ quan hữu trách liên tiếp phát hiện các chất kháng sinh bị cấm trong tôm và mực xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó nếu trong thời gian tới vẫn còn các trường hợp vi phạm thì Bộ Y Tế Lao Động và Phúc Lợi Nhật Bản bắt buộc phải xem xét áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu. Thanh Niên Online nhận định rằng, sau khi đã áp dụng nhiều biện pháp từ nhẹ tới nặng, phía Nhật bản đã ra tối hậu thư đi đến hình phạt cấm nhập khẩu.

Vẫn theo tờ báo, từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã xuất khẩu vào Nhật 6 ngàn lô hàng thuỷ sản và có 94 lô bị cảnh báo, chiếm tỷ lệ 1,6%. Trong đó, các loại kháng sinh bị phát hiện phổ biến nhất là Chloramphenicol, và các dẫn xuất của Nitrofuran như AOZ, SEM.

Riêng mặt hàng tôm vướng dư lượng hoá chất cấm bị phát hiện tới 54 lô, tức là hơn một nửa các lô hàng vi phạm vệ sinh an tòan thực phẩm. Được biết Việt Nam có khoảng gần 400 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp được xem là đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tình Trạng Khẩn Cấp

Ngày 3/7 VASEP Hiệp hội chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam công bố tình trạng khẩn cấp đối với việc kiểm soát dư lượng kháng sinh trong xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật. Quyết định này đạt tới sau phiên họp tại TP.HCM giữa Hiệp Hội và Cục Quản Lý Chất Lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản.

Trước đó trả lời Nam Nguyên, ông Nguyễn Tử Cương Cục Trưởng Cục Quản Lý Chất Lượng an toàn vệ sinh thú y thuỷ sản cho biết:

“Bộ Thuỷ Sản chúng tôi lúc đầu nghĩ rằng, những doanh nghiệp nào bị phát hiện thì chúng tôi đưa vào danh sách đen để kiểm tra. Tuy nhiên biện pháp này chưa hiệu quả và tình trạng thuỷ sản nhiễm hoá chất cấm vẫn chưa chấm dứt.

Cho nên Bộ Thuỷ Sản đã cùng với các doanh nghiệp thống nhất là sẽ không loại trừ bất cứ lô hàng nào nữa, và cũng không chỉ tập trung kiểm tra những chất được phía Nhật phát hiện. Chúng tôi sẽ kiểm tra toàn bộ các loại hoá chất kháng sinh mà phía Nhật cấm, tương đương với tổng lượng Châu Âu và Mỹ cấm, cộng lại là 17 chất”.

Theo Vietnam Net ông Trần Thiện Hải, chủ tịch Hiệp Hội VASEP đề nghị tạm ngưng cấp phép xuất khẩu với doanh nghiệp có nhiều lô hàng liên tiếp bị phiá Nhật phát hiện nhiễm kháng sinh.

Tuy nhiên ông Trần Thiện Hải cho rằng, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tự thân không giải quyết triệt để tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh bị cấm trong nguyên liệu thuỷ sản. Cần kiểm tra các lô hàng xuất khẩu do các doanh nghiệp thương mại không có nhà máy chế biến, để xác định rõ trách nhiệm những cơ sở trực tiếp chế biến và cung ứng các lô hàng này.

VASEP nhắc tới một số biện pháp mà Việt Nam đã chủ trương từ lâu nhưng chưa thực hiện được một cách hiệu quả, đó là tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt đối với chủ tàu, người nuôi, đại lý thu mua, đại lý bán hoá chất, thúôc thú y, các cơ sở chế biến thức ăn cho tôm cá nuôi. Kiên quyết xử lý các cá nhân và cơ sở cố tình sử dụng kháng sinh cấm, thu hồi giấy phép hành nghề các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong số các bài báo chúng tôi đọc trên mạng, Việt Nam Economy tiết lộ một chi tiết có thể dân thuỷ sản đều biết mà không nói ra, đó là chuyện người nuôi, ngư dân đánh bắt, các vựa thuỷ sản và cơ sở gia công chế biến đều dùng kháng sinh cloramphenicol thay nước đá để giữ tươi thuỷ sản, theo cách này giữ tôm cá mực tươi lâu mà giá lại rẻ.

Doanh nghiệp xuất khẩu một là mua hàng hay là không mua chứ không thể có biện pháp nào với ngư dân hoặc cơ sở chế biến. VASEP cho rằng vấn đề này cần có sự can thiệp của Nhà nước, nguồn nguyên liệu thuỷ sản đều bị nhiễm các chất kháng sinh cấm vấn đề là nhiều hay ít mà thôi. Vấn đề xem ra rất nan giải.

VASEP cho rằng vấn đề dư lượng kháng sinh Cloramphenicol chủ yếu từ việc bảo quản nguyên liệu trong quá trình khai thác. Còn các lô tôm nhiễm AOZ dẫn xuất của Nitrofuran có thể là nhiễm trong quá trình trị bệnh cho tôm của nông dân tại ao.

Rào cản kỹ thuật?

Thật ra bộ thuỷ sản Việt Nam có nhiều dự án để quảng bá ‘Qui phạm thực hành quản lý tốt hơn’ trong nuôi trồng thuỷ sản, bảo đảm từ ao nuôi theo giải pháp của Lương Nông Quốc Tế. Tuy nhiên làm thế nào để quản lý hàng triệu hécta nuôi tôm cá trải dài từ bắc chí nam, với rất nhiều ao nuôi nhỏ lẻ nửa hécta trở lại thì lại là một câu hỏi khác.

Trên thực tế, Việt Nam chưa phải là nước tồi tệ nhất về vấn đề thuỷ sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nếu so với Trung Quốc hoặc một vài quốc gia khác. Có luồng ý kiến cho rằng, dùng máy móc tối tân để phát hiện dư lượng kháng sinh ở tỷ lệ 0,7 phần tỷ thì quả là quá khắt khe và có thể ẩn chứa những động cơ khác. GSTS Lê Thanh Hùng một chuyên gia về bộ môn thuỷ sản ở TP.HCM đưa ra nhận định:

“ Thuỷ sản Việt Nam ngày càng tốt hơn nhiều, khi anh làm ăn nhỏ thì không có vấn đề gì cả, bây giờ thuỷ sản xuất khẩu lớn quá thành ra mới có chuyện. Chuyện vướng dư lượng kháng sinh là một thực tế, nhưng ở tỷ lệ rất thấp. Tôi cho rằng có chuyện tạo ra rào cản kỹ thuật và không những vậy còn có yếu tố chính trị trong đó.”

Trong phiên họp khẩn cấp ngày 3/7 tại TP.HCM, phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng có lời phát biểu đáng chú ý. Theo đó thách thức và cơ hội của thuỷ sản Việt Nam đang ở cùng một chỗ: nếu giải quyết tốt thị trường Nhật Bản, sẽ có thêm đơn hàng từ Mỹ, do thị trường này giảm sút nguồn cung từ Trung Quốc. Ngược lại nếu Việt Nam xử lý không tốt vấn đề dư lượng kháng sinh tại Nhật thì các nhà nhập khẩu lập tức gây sức ép về giá và chất lượng đối với hàng Việt Nam.