Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Thật là nghịch lý khi một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam lại phải bỏ ra gần tỷ đô la mỗi năm để nhập khẩu bắp (ngô), khô dầu đậu nành (đỗ tương). Hai loại nguyên liệu này chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi mà nhu cầu ngày càng gia tăng.
Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng, ngoài ra còn có thông tin cập nhật về việc ngành thuỷ sản VN siết chặt kiểm tra sản phẩm đối với các lô hàng xuất khẩu sang Nhật.

Nghịch lý nông nghiệp Việt Nam
Việt Nam thường tự hào về thế mạnh trong nông nghiệp, gạo xuất khẩu, cà phê xuất khẩu đều vượt ngưỡng 1 tỷ đô la mỗi năm. Thế nhưng ít ai ngờ VN cũng phải bỏ ra non tỷ đô la mỗi năm, để nhập khẩu bắp và bã đậu nành, còn gọi là khô dầu đậu nành hoặc khô dầu đỗ tương, cho nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tờ Tuổi trẻ có bài viết về sự bất hợp lý trong sản xuất thức ăn chăn nuôi với tựa đề ‘Chi hàng tỉ USD để chở củi về rừng’. Tờ báo ghi nhận sự kiện giá thức ăn chăn nuôi đã liên tục điều chỉnh đến 8 lần trong năm nay. Và nguyên nhân chính của vấn đề này là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ông Lê Bá Lịch Chủ Tịch Hiệp Hội Thức Ăn Chăn Nuôi VN cũng nhìn nhận tình trạng này:
“Việt Nam phải nhập các loại nguyên liệu như khô dầu đậu tương (soya bean meal) từ Hoa Kỳ, Argentina… giá cả đã tăng 1, 5 lần so với 2004, 2005…Chúng tôi cũng đang phải nhập khẩu ngô, ngoài ra còn các loại lysine, amino acid các loại khoáng. Nói chung năm 2006 VN nhập trên 800 triệu đô la các loại nguyên liệu dành cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bột cá thì chúng tôi cũng có nhập từ Peru.”
Đối với lượng bắp nhập khẩu đến hơn nửa triệu tấn một năm, tờ Tuổi Trẻ trích lời ông Lê Bá Lịch cho rằng đây là điều hết sức vô lý, nguyên nhân là vì VN không chú trọng đầu tư cho cây bắp. Diện tích trồng bắp ở VN khoảng 1 triệu 100 ngàn hécta nhưng năng suất chỉ khoảng dứơi 4 tấn một ha, trong khi ở Mỹ nông dân trồng bắp đạt từ 9 tới 11 tấn trên một ha. Còn đậu nành thì cả nứơc cũng chỉ khoảng hơn 100 ngàn ha và canh tác rải rác.
Ông Chủ Tịch Hiệp Hội Thức Ăn Chăn Nuôi nhận định: "Có thể nói là VN chúng tôi không có thế mạnh về trồng cây đỗ tương (đậu nành) hơn nữa năng suất và diện tích ngô cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ chăn nuôi nên phải nhập thêm 500 ngàn tấn ngô, 1 triệu tấn khô dầu đậu tương mỗi năm."
Quả thật nông nghiệp VN làm ăn nhỏ lẻ phân tán nên không có thế mạnh về sản xuất đậu nành hàng hoá. Nhưng không tự túc được về nguyên liệu bắp hạt, thì xin dành câu trả lời cho các giới chức của Bộ NN&PTNT.
Thiếu một chính sách hợp lý

Theo Tuổi trẻ Online, ngoài hai lọai nguyên liệu bắp và bã đậu nành phải nhập khẩu khoảng 750 triệu đô la, mỗi năm ngành thức ăn chăn nuôi còn phải mua hơn 100 triệu đô la bột cá từ nứơc ngoài.
Tờ báo trích lời ông Lê Bá Lịch nhận định rằng, VN là một trong những quốc gia xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới, với bờ biển dài hơn 3 ngàn km cùng đội tàu đánh bắt hàng ngàn chiếc nhưng cũng phải đi nhập bột cá tận xứ Peru ở Nam Mỹ. Trên thực tế VN có thể tự túc nguyên liệu bột cá sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, với điều kiện ngành thuỷ sản chú trọng hơn đối với lĩnh vực này.
Theo tài liệu của Bộ NN&PTNT mặt bằng giá thức ăn nông nghiệp sản xuất trong nước cao hơn khu vực khoảng từ 10 tới 20% và nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại VN sẽ lên tới gần 19 triệu tấn vào năm 2010. Ông Lê Bá Lịch cũng cho biết các công ty nứơc ngoài đầu tư vào công nghiệp thức ăn chăn nuôi tại VN hiện đang chiếm giữ một thị phần khá lớn lao:
“Các công ty nứơc ngoài đầu tư vàoVN, như CP Group của Thái Lan, Proconco của Pháp và Cargill của Mỹ. Nói chung là các công ty lớn trên thế giới đã có mặt ở VN về lãnh vực thức ăn chăn nuôi và chiếm tới 50 sản lượng hàng năm”.
Tuổi trẻ Online dẫn lời một chuyên gia nông nghiệp kết luận rằng, một nứơc sản xuất nông nghiệp như VN mà phải nhập hàng loạt nông sản về làm nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi, thì tất nhiên giá thành phải cao. Ngành nông nghiệp lẽ ra cần có những chính sách hợp lý để loại bỏ những nghịch lý này.
Khủng hoảng dư lượng chất kháng sinh
Trở lại cuộc khủng hoảng dư lượng hoá chất kháng sinh trong thuỷ sản VN xuất sang Nhật Bản. Ngày 12/7 Vietnam net đưa tin Bộ Thuỷ Sản ban hành biện pháp mạnh để tránh bị mất thị trường hơn tỷ đô la này. Theo đó kể từ 26/7/2007 chỉ có những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Thuỷ Sản mới được phép xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra những doanh nghiệp vừa nói còn phải thực hiện kiểm tra chứng nhận Nhà nứơc về dư lượng, hoá chất kháng sinh cấm đối với 100% lô hàng như tôm cua ghẹ và mực bạch tuộc. Ông Nguyễn Tử Cương, Cục Trưởng Vệ Sinh An Toàn và Thú Y Thuỷ Sản cho biết:
“Chúng tôi sẽ kiểm tra toàn bộ các loại hoá chất kháng sinh mà phía Nhật cấm, tương đương với tổng lượng Châu Âu và Mỹ cấm, cộng lại là 17 chất. Chi phí kiểm nghiệm 1 công hàng khoảng 4 triệu rưỡi tương đương 300 đô la cho riêng chỉ tiêu kháng sinh”.
Theo tin này, doanh nghiệp xuất liên tiếp 10 lô hàng không vi phạm nhiễm dư lượng kháng sinh hoá chất cấm, thì có thể được miễn kiểm tra chứng nhận bắt buộc.
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản về chế biến, phải kiểm tra 100% và phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu trong lô hàng thành phẩm khi xuất khẩu. Điều này có thể hiểu là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu chế biến để xuất khẩu sẽ chịu kiểm tra bắt buộc tới hai lần.
Bộ thuỷ sản còn nói rõ là những doanh nghiệp từng bị phiá Nhật cảnh báo kháng sinh cấm từ 2 lần trở lên sẽ không được phép xuất khẩu các mặt hàng tôm cua ghẹ, mực hay bạch tuộc sang Nhật Bản.
Các chuyên gia thị trường nhận định là, Bộ thuỷ sản quá chậm chạp trong vai trò quản lý Nhà nước, bởi vì vấn đề dư lượng kháng sinh hoá chất cấm trong sản phẩm tôm và mực của VN đã được ngừơi Nhật cảnh báo từ hơn 1 năm qua. Những quyết định cấp thời vừa nói đã chỉ được ban hành sau khi ngừơi Nhật gởi tối hậu thư vào cuối tháng Sáu, cảnh báo lần cuối về khả năng cấm cửa hàng thuỷ sản VN.