Ðiểm báo trong nước trên mạng Internet

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Những thông tin đáng chú ý trong tuần qua bao gồm các sự kiện, Uỷ Ban Châu Âu EC chuẩn bị áp thuế bán phá giá đối với sản phẩm giày có mũ da của Việt Nam. Các giới chức chính phủ Việt Nam vẫn hết sức lo lắng, dù được quốc tế khen ngợi chống dịch cúm gia cầm thành công.

ShoeTrade200.jpg
Công nhân làm việc tại một xưởng giày ở Hà Nội. AFP PHOTO

Và sau cùng là một thông tin phấn khởi liên quan tới chuyện doanh nghiệp trong khu vực tư, giới thiệu xuất khẩu lao động thành công, đưa được 200 thợ lò mổ sang Úc làm việc với thu nhập rất cao.

EC áp dụng mức thuế bán phá giá sản phẩm da giày Việt Nam

Hơn nửa triệu công nhân ngành sản xuất giày công nghiệp ở Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng xấu, do vụ kiện bán phá giá giày mũ da vào liên hiệp Châu Âu. Uỷ Ban Châu Âu EC tiến hành thụ lý vụ việc từ nhiều tháng qua, kể cả điều tra trực tiếp tại 8 doanh nghiệp sản xuất giày ở Việt Nam.

Mới đây EC xác định là ngành giày Việt Nam không hoạt động theo kinh tế thị trường, và vì thế EC đề nghị mức thuế bán phá giá đối với sản phẩm giày có mũ bằng da nhập khẩu từ Việt Nam. Nói rõ ràng như vậy vì các mã hàng xuất nhập khẩu thường rất chi tiết.

Các báo như Tuổi Trẻ, Vietnam Net đều có đưa tin dựa theo nguồn tin nước ngoài, theo đó EC có thể áp thuế bán phá giá 20% đối với các sản phẩm giày có mũ da của Việt Nam. Ngành sản xuất giày của Trung Quốc cũng nằm trong tầm ngắm chịu chung số phận với láng giềng Việt Nam.

Ngày 23/2 VnExpress nói rằng mức thuế mà Uỷ Ban Châu Âu áp đặt cho ngành giày Việt Nam sẽ là 16,8% chức không phải 20%. VnExpress đưa tin này nói rằng dựa theo nguồn tin riêng đáng tin cậy. Vẫn theo tin này, việc áp dụng thuế bán phá giá sẽ đượpc tiến hành theo lộ trình 4 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 7/4 với mức 4,2% tiếp tục tới mức thuế cao nhất là 16,8% vào thời điểm tháng 9.

VnExpress nói rằng, đây là mức thuế tạm thời áp dụng trong vòng 6 tháng, và sau đó có thể được duy trì trong vòng 5 năm. Đề nghị của EC sẽ phải được 25 nước thành viên EU thông qua. Cho tới ngày 23/2 thì mới có 3 quốc gia đồng ý với mức thuế vừa nói.

Khi các báo bên châu âu loan tin sơ khởi về mức thuế mà EC có thể áp đặt đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam. Từ Luân Đôn, Tiến sĩ Lê mạnh Hùng một chuyên viên tư vấn của ban Việt Ngữ đưa ra nhận định:

“Liên Hiệp Châu Âu là một tập hợp nhiều nước thành viên, cho nên quyết định áp thuế bán phá giá giày da của Việt Nam phải được các thành viên thông qua. Ý và Pháp là hai nước ủng hộ việc áp thuế bán phá giá đối với giày da Việt Nam và TQ, trong khi Anh và các nước bắc âu thì chống lại, họ cho rằng áp thuế sẽ làm giá hàng tăng lên ảnh hưởng người tiêu thụ…”

Trở lại thông tin của VnExpress, tờ báo cho biết từ 14 tới 16/3 sắp tới, đại diện Việt nam và uỷ Ban Châu Âu sẽ gặp nhau để thảo luận mức thuế vừa nói. Theo tin báo Saigon Giải Phóng Điện tử, chiều ngày 23/2 ông Lê Dũng người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm da giày vào châu âu.

Ông Lê Dũng thêm rằng các doanh nghiệp da giày Việt Nam hoạt động theo qui luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Ông Dũng xác định là chính phủ Việt Nam không can thiệp và không bao cấp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo Vietnam Net, các doanh nghiệp sản xuất giày hết sức lo lắng với các thông tin từ các báo, họ cho biết ngay khi EC mở cuộc điều tra thì nhiều nơi đã mất một nửa số đơn hàng thường lệ từ các nhà nhập cảng ở các nước EU. Nay nếu quả thật bị áp thuế bán phá giá, ngành da giày Việt Nam nói chung sẽ rất khó thâm nhập thị trường EU.

BirdFluVaccine150.jpg

Cúm gia cầm tại Việt Nam

Các báo điện tử trong nước cũng đưa tin nhiều về tình trạng cúm gia cầm xuất hiện ở các nước á, âu và cả phi châu. Trong khi đó Việt Nam hơn 3 tháng qua không có bệnh nhân nào bị nhiễm cúm H5N1, và cũng chưa tái phát ổ dịch mới kể từ ngày 15/12 năm ngoái tới nay.

Báo chí nước ngoài tán dương thành công vừa nói của Việt Nam, tuy nhiên các giới chức chính phủ Việt Nam vẫn hết sức lo âu về nguy cơ tái dịch. Tiến sĩ Hoàng Văn Năm, phó cục trưởng cục thú y Việt nam, khi trả lời Nam Nguyên đã xác định:

“Việt Nam hiện nay vẫn ở trong giai đoạn nguy cơ rất cao, dịch cúm gia cầm có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Các địa phương được yêu cầu tiếp tục phòng chống tích cực như chỉ đạo của chính phủ và bộ NN&PTNT, chứ không phải là dịch đã hết ở Việt Nam .”

Vietnam Net đưa tin chiều 23/2 phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu các bộ ngành, cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc, xiết chặt lại công tác kiểm dịch vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia cầm, tránh tình trạng buông lỏng kiểm soát như hiện nay.

Xuất khẩu thợ lò mổ sang Úc

Ngoài những thông tin nóng như vừa nói, báo Tuổi Trẻ Online ngày 23/2 có một bài đem lại nhiều tín hiệu vui, cho những công nhân nào muốn đi xuất khẩu lao động, một cách nghiêm chỉnh và với thu nhập công bằng.

Đó là chuyện xuất khẩu thợ lò mổ sang Úc, thợ lò mổ tức là những người hạ thịt súc vật làm việc cho lò sát sinh công nghiệp. Theo nội dung bài báo thì có vẻ khu vực doanh nghiệp tư nhân do những quan hệ cá nhân hoặc gia đình ở nước ngoài, có thể giúp đưa công nhân đi xuất khẩu lao động một cách bài bản an toàn.

Câu chuyện này thuộc về Công Ty Trách nhiệm hữu hạn Khải Nam, trụ sở ở Saigon, chủ quản một cơ sở giết mổ bò heo khá lớn ở phường Trảng Dài thành phố Biên Hoà. Theo Tuổi trẻ online, ban giám đốc công ty xác nhận là đã giới thiệu khoảng 200 người sang Úc làm việc, theo phương thức tư vấn giới thiệu, để người lao động trực tiếp ký hợp đồng với công ty đối tác bên Úc.

Những công nhân thuộc nhóm đầu tiên đã sang Úc từ tháng 6/2005. Nhà báo Tuổi Trẻ đã xác minh và cho biết, thợ lò mổ đi xuất khẩu lao động ở Úc thực sự làm công việc giết mổ gia súc, được trả thu nhập đúng hợp đồng đã ký, trong khoảng 30 ngàn tới 40 ngàn đô la Úc một năm, tương đương 300 triệu tới 400 triệu đồng, lương trả vào mỗi cuối tuần. Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, nhiều lao động dạng vừa nói làm việc ở Úc chưa tới một năm, mà đã gởi được về cho gia đình ở Việt Nam khoảng 15 ngàn đô la Mỹ.

Điểm đáng chú ý theo báo Tuổi trẻ, những thợ lò mổ cho biết là họ không phải nộp khoản tiền nào cho công ty Khải Nam. Họ chỉ phải tự trả tiền khám sức khoẻ, lệ phí visa với sứ quán Úc và mua vé máy bay, tổng cộng khoảng 1.200 đô la Mỹ một người.

Trong bài, nhà báo Tuổi Trẻ cho biết là những thợ lò mổ trước khi xuất cảnh, đã được tập trung vài tháng ở lò giết mổ gia súc của công ty Khải Nam ở Biên Hoà. Tại đây, công nhân được thực tập giết mổ hạ thịt gia súc vào ban đêm, gia súc có đủ loại như heo bò dê và cả cừu. Ban ngày anh em rèn luyện thể lực tại phòng tập với các máy móc thể dục đa năng, mục đích là có sức khoẻ thích hợp với công việc ở lò giết mổ công nghiệp bên Úc.

Giới chức công ty Khải Nam cho biết, công ty đã bỏ hai tỷ đồng để trang bị lò mổ theo qui cách gần đúng với công nghệ của Úc. Người lao động được thực hành trên dây chuyền công nghệ ấy với những người thầy kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn. Báo Tuổi Trẻ nói rằng, thợ lò mổ đi Úc làm việc không phải trả chi phí nào cho công ty Khải Nam, nhưng không nói rõ là trong mấy tháng học việc và thực tập ở lò mổ Biên Hoà thì qui chế của họ như thế nào.