Ðại hội 10 có đáp ứng nguyện vọng của dân chúng Việt Nam?


2006.04.22
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Đại hội toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 10 khởi sự từ ngày 18 kéo dài đến 25/4/2006 tại Hà Nội, trong bối cảnh lòng dân trông chờ cải tổ cùng sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm về nạn tham nhũng. Nhưng đại hội lần này có đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hay không.

“Bây giờ người ta đang nói tới đổi mới lần hai, đổi mới từ dưới áp đặt lên trên, đây thực sự là đổi mới từ đòi hỏi của người dân.”

NongDucManh200.jpg
Ông Nông Ðức Mạnh sẽ nắm chức Tổng bí thư đảng CSVN thêm một nhiệm kỳ nữa? AFP PHOTP.

Đó là nhận định của ông Trần Vũ Hải, một luật sư ở Hà Nội được nhiều người biết tiếng vì những phát biểu thẳng thắn. Mục đọc báo trên mạng hôm nay, chúng tôi dành trọn thời gian để tổng hợp tin tức liên quan đến đại hội 10, sự kiện chính trị trọng đại đang diễn ra tại Việt Nam.

Trọng tâm của Ðại hội 10

Về hình thức đảng cộng sản VN họp đại hội toàn quốc 5 năm một lần. Theo báo chí trong nước, đại hội 10 bàn sâu hơn một chút là đánh giá thành tựu, bài học sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nứơc từ Đại Hội VI tới nay.

Bây giờ người ta đang nói tới đổi mới lần hai, đổi mới từ dưới áp đặt lên trên, đây thực sự là đổi mới từ đòi hỏi của người dân.

Ngoài ra đại hội 10 cũng xác định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ và những giải pháp lớn để phát triển đất nứơc trong 5 năm 2006-2010 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị.

Dĩ nhiên điều quan trọng nhất mà dư luận theo dõi là việc bầu cử ban chấp hành trung ương đảng, bộ chính trị và chức tổng bí thư đảng cũng như quyết định các chức vụ quan trọng về mặt nhà nứơc và chính phủ. Dù rằng các chức danh về phía nhà nước sẽ do quốc hội thông qua.

Trước thềm đại hội, hàng ngàn ý kiến đóng góp cho văn kiện chính trị đại hội 10 và không ít người nêu ý kiến là cần tiến tới đa nguyên đa đảng vì chế độ độc đảng không còn phù hợp với tình hình, nhất là khi VN đã chọn hứơng đi theo kinh tế thị trường từ năm 1986. Chúng tôi trích dẫn ý kiến ông Trần Mạnh Hảo, một nhà văn đang sống và làm việc ở Hà Nội:

“Kinh tế đa thành phần là kinh tế tư bản, nền kinh tế đó phải đi đôi với nền dân chủ đa nguyên đa đảng. Không có dân chủ đa nguyên đa đảng nên không có sự kiểm soát của các đảng phái khác, vì thế mới xảy ra tham nhũng khủng khiếp như ở bộ GTVT. Tôi nghĩ là đã tới lúc đảng CSVN phải trả lại hai chữ dân chủ cho Nứơc VN Dân Chủ Cộng Hoà.”

Vẫn cứ là độc đảng

Tuy vậy dựa theo thông tin từ Đại Hội 10 mà các báo loan tải, chế độ chính trị VN sẽ vẫn cứ là độc đảng. Điều này được ông Phạm Thế Duyệt chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc VN khẳng định thêm một lần nữa vào ngày 19/4, khi ông trả lời phóng viên báo đài nứơc ngoài đang có mặt ở Hà Nội. Ông Phạm Thế Duyệt nói rằng, không thể có chuyện đa nguyên đa đảng ở VN và đó là vấn đề nguyên tắc.

Theo VNExpress, tại phiên khai mạc Đại Hội 10, tổng bí thư Nông Đức Mạnh đề cập tới những nguy cơ đe doạ sự sống còn của chế độ một đảng hiện nay, đó là nạn tham nhũng, thất thoát lãng phí.

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam cam kết là sẽ xử lý kiên quyết kịp thời, thông tin công khai người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu. Sẽ thịch thu sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Những người bao che cho tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống sẽ bị xử lý nghiêm.

Không có dân chủ đa nguyên nên mới xảy ra tham nhũng khủng khiếp như ở bộ GTVT. Tôi nghĩ là đã tới lúc đảng CSVN phải trả lại hai chữ dân chủ cho Nước Việt NamDân Chủ Cộng Hoà.

Trong ngày khai mạc đại hội 10, ông Phan Diễn uỷ viên bộ chính trị trường trực ban bí thư khoá 9 đã đọc báo cáo về điều gọi là kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành trung ương đảng khoá 9. Bản báo cáo này mô tả là ban lãnh đạo hoàn thành cơ bản các mục tiêu của đại hội đảng cộng sản lần thứ 9 năm 2001.

Tuy nhiên bộ chính trị bị phê bình là trong lãnh đạo kinh tế, cơ quan có quyền lực cao nhất này, đã chưa tập trung chỉ đạo khắc phục có hiệu quả một số vấn đề yếu kém. Bộ chính trị khoá 9 cũng có những yếu kém trong công tác xây dựng đảng, xây dựng lực lượng và công tác cán bộ của ngành công an.

Vẫn theo báo cáo chính thức do ông Phan Diễn đọc thì Bộ chính trị đã phạm sai sót trong công tác đề bạt, bố trí cán bộ và tình trạng nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng pháp luật nhà nứơc.

Bản báo cáo tuy không nói thẳng vào sự kiện cụ thể, nhưng nhìn nhận là có một số uỷ viên trung ương đảng thể hiện điều gọi là thiếu gương mẫu về đạo đức lối sống, bản thân có hành động hoặc để mặc cho vợ con gia đình hay cán bộ cấp dứơi lợi dụng chức quyền thu vén lợi ích cá nhân, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Có gì mới ở Ðại hội 10?

Tất cả các báo điện tử như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, VNExpress, SGGP đều đăng tải các sự kiện gọi là đổi mới trong vấn đề đề cử và bầu cử ở đại hội 10. Nhưng các giới quan sát cho rằng không có thay đổi gì nhiều, vì qui chế bầu cử vẫn theo nguyên tắc chung là đại hội toàn quốc bầu ra ban chấp hành trung ương.

Ban chấp hành trung ương khoá 10 sẽ bầu ra bộ chính trị, ban bí thư và tổng bí thư, uỷ ban kiểm tra trung ương và chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trung ương.

Điểm mới duy nhất thuộc loại rút kinh nghiệm cho kỳ đại hội sau, đó là tất cả 1.176 đại biểu dự đại hội đều được phát phiếu thăm dò, để họ giới thiệu những người trong ban chấp hành trung ương đảng vào chức vụ tổng bí thư. Phát ngôn viên của đảng là ông Đào Duy Quát cho rằng, kết quả thăm dò rất có tác dụng trong việc định hướng cho việc ứng cử, đề cử.

Một điểm mới là nhân sự ban chấp hành trung ương đảng sẽ có nhiều gương mặt mới, tỷ lệ có thể tới 60%. Điều này được ông Phan Diễn và ông Đào Duy Quát xác nhận với các nhà báo phụ trách tường thuật đại hội.

Báo Tuổi trẻ tường thuật ngày làm việc thứ nhì của đại hội 10 với tiêu đề, dân chủ trong Đảng tốt thì dân chủ trong dân mới tốt. Tờ báo đã tổng hợp 10 bản tham luận do đại biểu đọc tại hội trường.

Một trong các sự kiện đáng chú ý, đó là các đại biểu muốn thay đổi phương án bầu cử ban chấp hành trung ương, không chia theo cấp trung ương hay cấp địa phương mà phải gộp chung một danh sách và theo mẫu tự ABC. Danh sách để bầu chọn phải có số dư 15% vì như thế có thể mở rộng điều kiện lựa chọn cho người bỏ phiếu.

Ðảng viên làm kinh tế tư nhân

Báo chí Việt Nam hiện nay cũng chú trọng tới thông tin bên lề nhiều hơn là các sự kiện chính thức được loan tải. VietnamNet tường thuật cuộc gặp gỡ báo chí của phó thủ tứơng Vũ Khoan hôm 18/4 trong giờ đại hội nghỉ giải lao.

Ông Vũ Khoan xác định rằng đại hội 10 sẽ bỏ phiếu quyết định việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Và một khi đã cho phép thì có thể cho phép không giới hạn về qui mô tiền vốn và lãnh vực hoạt động.

Tuy vậy ông Vũ Khoan cho báo chí hiểu là còn quá sớm đối với việc có thể kết nạp giám đốc doanh nghiệp tư nhân vào đảng cộng sản Việt Nam. Nguyên văn lời ông nói là đừng cầm đèn chạy trứơc ô tô.

Ông Vũ khoan bày tỏ sự lạc quan với mức tăng trưởng kinh tế mỗi năm từ 7,5% tới 8% trong giai đoạn 5 năm sắp tới. Phó thủ tứơng Vũ Khoan đề cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân mà ông cho rằng là nhân tố quan trọng, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm nội địa GDP giúp VN đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật trong 5 năm qua.

Dân không được bầu lãnh đạo

Sau hai ngày làm việc của đại hội 10, chiều 19/4 tại trung tâm báo chí ông Trần Đình Khiển thứ trưởng bộ kế hoạch đầu tư đã họp báo chuyên đề về thành tựu kinh tế 20 năm đổi mới và kế hoạch kinh tế xã hội cho 5 năm 2006-2010.

Trong cuộc họp báo này thứ trưởng Khiển nói rằng đã tìm ra những lỗ hổng trong quản lý kinh tế, đặc biệt là qua vụ PMU 18. Trả lời báo chí, ông Khiển cho rằng vụ PMU 18 có ảnh hưởng môi trường đầu tư hay không là nằm ở vấn đề quan điểm của đảng cộng sản và chính phủ VN đối với chống tham nhũng như thế nào.

Theo chương trình thì tới ngày chủ nhật 23 tháng Tư, 1.176 vị đại biểu dự đại hội 10 mới tiến hành bỏ phiếu bầu ban chấp hành trung ương đảng khoá 10. Và đến ngày thứ ba 25 tháng Tư vào ngày bế mạc đại hội mới công bố danh sách trung ương đảng, kết quả bầu bộ chính trị, ban bí thư và chức danh tổng bí thư.

Cho tới lúc đó người dân VN mới được biết thành phần nhóm quyền lực cao nhất nắm giữ vận mạng của họ. Ở các nước dân chủ đa nguyên người dân được biết trứơc, những ai muốn ứng cử vào vai trò lãnh đạo đất nước, và họ đưa ra những chương trình gì để thực hiện sau khi đắc cử.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.