Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Việt Nam cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm tái bùng phát trên toàn quốc ở cả ba miền Bắc Trung Nam. Những sự quan ngại như phát biểu sau đây của giới chức có thẩm quyền luôn cần được lưu ý. " Điều chúng tôi lo là mầm bệnh vẫn tiềm ẩn ở những tỉnh khác và vi rút lưu hành trong đàn thuỷ cầm"

Đang trong mùa Hè, nhưng chính phủ Việt Nam báo động toàn quốc về khả năng tái bùng phát dịch cúm gia cầm. Sau một loạt các ổ dịch nhỏ hồi đầu năm và nhanh chóng được dập tắt, xảy ra cho đồng bằng sông Cửu Long và một vài tỉnh miền Bắc, dư luận báo chí và người dân hầu như không còn lưu tâm tới vấn đề dịch cúm H5N1. Việc cho phép có điều kiện về ấp nở và nuôi mới thuỷ cầm, kể cả nuôi vịt thả đồng là một tín hiệu tích cực.
Tuy vậy mới được vài tháng, ngày 17/5 vừa qua trên SGGP điện tử, một giới chức Bộ NN&PTNT của Việt Nam là thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã cảnh báo là dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát trên cả nước.
Ông Bổng nhận định là đa số các khu vực miền Trung và miền Bắc chưa triển khai qui định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm của Bộ NN&PTNT. Công tác quản lý và theo dõi đàn thuỷ cầm mới tái đàn để tiêm phòng cúm chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo lời thứ trưởng Bổng, nhiều đàn thuỷ cầm đến hơn 1 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm phòng, kể cả với đàn lớn hàng ngàn con.
Không hiệu quả
Đối với miền Nam đặc biệt là vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, đang bước vào thu hoạch lúa Hè Thu sớm, sau thu hoạch người dân thả vịt chạy đồng làm cho nguy cơ dịch bùng phát rất cao.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng ở đây cũng như các khu vực khác, các cơ sở sản xuất ấp trứng con giống thuỷ cầm phần lớn là nhỏ lẻ. chưa đăng ký hoạt động và thực hiện kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y. Do đó, cơ quan thú y không kiểm soát được nguồn trứng giống nhập vào lò ấp; đàn bố mẹ chưa được quản lý , theo dõi chặt chẽ và chứng minh được khả năng an toàn với bệnh cúm gia cầm.
Ông Bổng nhận định là đa số các khu vực miền Trung và miền Bắc chưa triển khai qui định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm của Bộ NN&PTNT. Công tác quản lý và theo dõi đàn thuỷ cầm mới tái đàn để tiêm phòng cúm chưa được thực hiện nghiêm túc.
Trả lời câu hỏi của SGGP Online, thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói rằng, về qui luật dịch thường xảy ra vào mùa rét với cường độ cao, còn mùa hè ít khi xảy ra. Tuy nhiên, theo lời thứ trưởng Bổng, vi rút lưu hành ở thuỷ cầm thường rất lâu và có thể sống được trong điều kiện nhiệt độ lên đến 37 độ C. Vì thế khả năng dịch tái phát vào mùa hè vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhận định về việc xuất hiện hai ổ dịch liên tiếp ở Nghệ An mới đây như là biểu hiện về công tác kiểm soát vận chuyển, kiểm dịch không chặt chẽ. Được biết Người dân Nghệ An đã mua vịt từ huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây về nuôi, từ những lò ấp vịt không có giấy phép không được kiểm dịch.
Theo nhận xét của thứ trưởng Bổng, phần lớn các chốt kiểm dịch hoạt động không hiệu quả do không đủ lực lượng, không có sự phối hợp kết hợp giữa các ngành chức năng liên quan, không có kinh phí…
Khu vực cách ly cũng như địa điểm tiêu huỷ gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép cũng không có, vì thế nếu chọt kiểm dịch phát hiện vi phạm thì cũng chỉ xử phạt hành chính và buộc quay về nơi xuất phát. Những người buôn bán vận chuyển gia cầm lại tìm đường khác để tiếp tục đưa sản phẩm đi tiêu thụ.
Tình trạng thiếu cán bộ
Ông Bùi Quang Anh, Cục Trưởng Cục Thú Y phát biểu với đài chúng tôi về tình trạng thiếu cán bộ. Rất nhiều khiếm khuyết thiếu sót được nhận thức, nhưng sẽ phải tổ chức lại việc kiểm soát buôn bán vận chuyển và tiêu thụ gia cầm như thế nào.
Trả lời câu hỏi này, thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói rằng, không phải chỉ có nguy cơ trong nước như đã nêu mà hiện nay, xuất hiện nhiều nguồn trứng không rõ nguồn gốc từ Lạng Sơn được đưa vào ấp tại các lò ấp trứng.
Theo lời thứ trưởng Bổng, các cơ quan chứa năng gồm thú y, quản lý thị trường, công an, biên phòng cần phải tổ chức lại lực lượng, siết chặt kiểm dịch, phối hợp chặt chẽ hơn, phân công trách nhiệm cụ thể hơn để kiểm soát tình hình.

Lời báo động như vậy không phải bây giờ mới được các giới chức Việt Nam đưa ra, nhưng vấn đề là biên giới các tỉnh phía Bắc giáp TQ dài và hiểm trở, sự kiểm soát ngăn chặn chỉ có kết quả rất hạn chế. Sự mô tả của người dân địa phương thể hiện tình trạng này.
Trở lại các biện pháp phòng chống dịch bùng phát, thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói rằng, cùng với việc kiểm soát tận gốc cơ sở cung cấp gia cầm, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển vịt giống, nhất là với các hình thức chia nhỏ chỉ chở từ 100 tới 200 vịt con.
Chúng tôi được biết là với số lượng nhỏ như vậy, người bán người mua có thể chở bằng xe gắn máy. Việc này rất khó ngăn chặn.
Đối với kế hoạch tiêm phòng, thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho báo SGGP điện tử biết là, ngày 18/5 bộ NN&PTNT tiến hành nhập khẩu thêm 100 triệu liều vaccine từ TQ, để tiến hành tiêm ngừa cho đàn gia cầm. Ngoài ra Bộ NN&PTNT cũng có kế hoạch phát động chiến dịch vệ sinh tiêu độc khử trùng trên toàn quốc.
Vaccine H5N9 mất trắng
Cũng liên quan tới vấn đề phòng chống dịch cúm gia cầm, ngành thú y Việt Nam còn gặp phải những vấn đề khá đau đầu như chuyện 9 triệu liều vaccine H5N9 do Ý sản xuất. Nhà nước chi nhiều tỷ đồng để nhập loại vaccine này sau khi đã nghiên cứu. Đàn ngan ở Việt Nam khoảng 8 triệu con, được cho là mầm mống truyền bệnh với nguồn thải loại vi rút rất cao, và đàn ngan lại không có tác dụng với các loại thuốc chủng cho gà và vịt.
Ngày 10/5, Vietnam Net và nhiều tờ báo điện tử khác đưa tin có khả năng 9 triệu liều vaccine H5N9 là vô dụng, Nhà nước phí tiền vô ích và có thể đã quá vội vã khi cho phép nhập vaccine H5N9.
Theo Vietnam Net các giới chức có trách nhiệm chỉ lưu tâm đến việc vaccine đảm bảo hiệu giá bảo hộ miễn dịch, mà đã bỏ qua nguyên tắc kiểm tra thời gian miễn dịch sau khi tiêm, nay có tin là hiệu lực miễn dịch của vaccine H5N9 đối với ngan Việt Nam không kéo dài như trông đợi, mà chỉ được 70 ngày.
Theo dòng thời sự, tháng 2/2007 các tỉnh thành được phân phối vaccine H5N9 và tiến hành tiêm hàng loạt. Nửa chừng ngày 6/4 có lệnh ngừng tiêm vaccine H5N9 cho ngan, vì nhiều nơi phát hiện vaccine có hiện tượng tách lớp và khó hoà tan.
Tới thời điểm vừa nói đã có 3 triệu 200 ngàn liều vaccine được sử dụng, phần còn lại nằm trong kho các chi cục thú y tỉnh, riêng công ty nhập khẩu còn lưu kho gần 4 triệu liều vaccine H5N9.
Cuối cùng thì cũng đã có giải pháp để không có cơ quan hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm sự cố H5N9. Việt Nam Express đưa tin ‘Tiền tỷ mua vaccine cho ngan không bị mất trắng’.
Theo đó ngày 17/5 Cục Trưởng Thú Y Bùi Quang Anh đã yêu cầu các tỉnh thành tiếp tục tiêm vaccine H5N9 cho đàn ngan, sau khi hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT kết luận vaccine đảm bảo chất lượng, hiện tượng phân lớp vaccine là bình thường, không ảnh hưởng chất lượng.