Đình công giọt nước tràn ly


2008.01.26
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Ngày Tết đang đến gần, bộn bề vật giá leo thang, dịch tả dịch cúm gia cầm chết người, nhưng chuyện bức xúc nhất lại là làn sóng đình công đang lan rộng ở TP.HCM, miền Đông Nam Bộ và lan xa đến tận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là đề tài chúng tôi Đọc Báo Trên Mạng cùng qúi thính giả tuần này.

StrikeUnion200.jpg
Công nhân Việt Nam đình công yêu cầu tăng lương, thưởng và cải thiện điều kiện làm việc. RFA file photo.

Hội nghị Ban Chấp Hành Tổng Liên Đoàn Lao Động họp ngày 23/1 tại Hà Nội báo cáo rằng, trong năm 2007 có khoảng 350.000 lượt công nhân tham gia đình công, lãn công ngừng việc để đòi tăng lương và phúc lợi lao động. Hội nghị cũng nhìn nhận là hầu hết các cuộc đình công đều tự phát, không thông qua tổ chức công đoàn cơ sở. Sự kiện báo chí VN như Lao Động, Tuổi Trẻ, Pháp Luật, Vietnam Net đưa tin đình công lên mạng điện tử mỗi ngày, cho thấy các nhà báo chưa bị hạn chế về vấn đề này.

Trong những tháng cuối năm 2007, nhất là sau khi chính phủ quyết định thực hiện nâng lương tối thiểu từ đầu năm 2008, giới hữu trách đã lường trước sẽ có nhiều vụ đình công vào dịp cuối năm âm lịch. Liên Đoàn Lao Động cũng đã khuyến cáo giới chủ nước ngoài từ hai tháng trước là cần hoàn tất việc nâng xếp lương và trả thưởng Tết cho công nhân đúng hạn. Tuy vậy không ai ngờ làn sóng đình công lại dữ dội như thế, diễn ra đều khắp ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Một doanh nhân ở miền Bắc cho rằng giới chủ đầu tư nước ngoài đã quá lạm dụng vấn đề nhân công giá rẻ tại thị trường lao động VN.Ông nói:

“ Những người chủ không có cách cư xử đúng mà cứ hạ mức lương xuống thì tất nhiên người ta sẽ phải đình công. Đặc biệt là những nhà đầu tư Á châu như Đài Loan Hàn Quốc họ dễ lạm dụng tình trạng ấy. Điều đó thì gây hậu quả cho chính họ thôi.”

Tổng hợp thông tin trên mạng của các báo Lao Động, Tuổi Trẻ và Pháp Luật có thể thấy rằng từ cuối năm ngoái đến hạ tuần tháng Giêng 2008, khu vực phía Nam đã xảy ra gần 100 cuộc đình công với khoảng trên dưới 50 ngàn công nhân tham gia. Mọi vấn đề đều phát xuất từ quyền lợi lương bổng không thoả đáng, tăng ca nhiều phúc lợi không đầy đủ.

Theo Vietnam Net ngày 22/1/2008 khoảng 8.000 công nhân công ty liên doanh Chí Hùng ở Tân Uyên Bình Dương đình công, yêu cầu tăng lương và tăng phúc lợi như tiền thưởng và cải thiện xuất ăn. Một người lao động tham gia đình công đã tâm sự với Đài Á Châu Tự Do:

“ Tụi em chỉ được 800 ngàn đồng mỗi tháng sống không nổi…tiền nhà trọ tiền điện tiền nước đều tăng… xin chủ quản tăng lương thì lại bị đe doạ bắt bớ…Tăng ca thì có bữa ăn nhưng thất thường lắm lại chẳng có gì ăn, rau muống rau cải hay đậu hũ thôi. Tụi em khổ lắm.”

Theo báo cáo tại hội nghị 23/1 ở Hà Nội, Tổng Liên Đoàn Lao Động VN nhận định rằng, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề đình công là do chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, trong khi công tác quản lý nhà nước về lao động bị buông lỏng, công đoàn cơ sở hầu như không thể hiện được vai trò đại diện trong đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Báo Pháp Luật Online, tường thuật hội nghị lần 10 ban chấp hành Tổng Liên Đoàn Lao Động VN ghi nhận rằng, vấn đề nhà ở cho công nhân nghèo vẫn chưa có một khởi động nào, mặc dù thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này từ một năm trước. Cho tới nay hầu hết các thành phố lớn, các khu công nghiệp lớn vẫn gặp khó khăn trong việc lo nhà ở cho công nhân.

Một chuyên gia về các vấn đề lao động và xã hội ở TP.HCM, ông Nguyễn Quang Huệ trong dịp trả lời đài ACTD đã đề cập tới một số giải pháp để giảm thiểu các cuộc tranh chấp lao động hiện nay:

“ Đề xuất xây dựng cơ chế để các bên tham gia quyết định giải quyết các vấn đề của thị trường lao động, về tiền lương tối thiểu thì nên để cho ba bên tự quyết định, đổi mới cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thoả thuận, thoả ước lao động tập thể sẽ qui định những thang bảng lương chế độ bậc lương…”

TP.HCM chưa khi nào xảy ra đình công nhiều như vậy, trong vòng 3 tuần lễ đầu tháng 8 khoảng 20 cuộc đình công đã xảy ra qui tụ hàng chục ngàn công nhân. Theo Lao Động Online, ngày 24/1/2008 đình công cùng lúc xảy ra tại 9 doanh nghiệp nằm trong Khu Chế Xuất Tân Thuận TP.HCM, gồm các công ty Đông Á, T.T.T.I, Yuki VN, Sanyo, Công ty Tempre, công ty Nidec Copal, Nidec Tosok, Công ty FAPV và Mekolong.

Hầu hết các cuộc đình công của công nhân đều liên quan tới việc đòi tăng lương khoảng 20%, mà một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã khuyến cáo, nhưng các chủ nhân chỉ chấp nhận tăng khoảng 15%, hoặc tăng lương nhưng lại cắt giảm các phụ cấp khác, thành ra cuối cùng công nhân trên thực tế chỉ tăng được vài chục ngàn đồng.

Các chủ nhân nước ngoài trong đó có ngừơi Nhật của công ty Nissey , ngừơi Đài Loan của công ty Đông Á nói rằng họ đã chuyển xếp lương mới cho công nhân theo hướng dẫn của Ban Quản Lý Các Khu Công nghiệp Khu Chế Xuất vào ngày 17/1, theo đó không cần chuyển xếp lương mới cho những công nhân có mức lương cơ bản cao hơn 1 triệu đồng. Đây là một sự hướng dẫn sai theo sự giải thích của đoàn công tác quận 7.

Báo Lao Động trích lời ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Liên Đoàn Lao Động VN xác định rằng doanh nghiệp vốn nước ngoài phải áp dụng nguyên tắc, theo đó lấy mức lương công nhân hiện hưởng chia cho lương tối thiếu cũ để ra hệ số, từ đó nhân với lương tối thiểu mới rồi cộng các khoản phụ cấp.

Như vậy đình công bùng lên vì một số lớn các doanh nghiệp FDI đã không thực hiện đúng qui định về việc tăng lương tối thiểu như hướng dẫn vừa nói.

Thông tin các báo trên mạng còn đặc biệt ghi nhận tình trạng đình cộng lan rộng ở Long An, điều mà các giới chức địa phương mô tả là tình trạng đáng báo động. Trong tháng giáp Tết mỗi ngày ở Long An xảy ra ít nhất một vụ đình công, lãn công tại các doanh nghiệp vốn nước ngoài, tập trung ờ vùng Bến Lức và Đức Hoà. Tờ báo cho biết, chính quyền tỉnh đã phải thành lập đoàn công tác đặc biệt, khẩn trương kiểm tra việc thực hiện lao động ở các doanh nghiệp, nhất là việc điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/1/2008.

Đình công còn lan xa hơn tới tận Vĩnh Long vùng đồng bằng sông Cửu Long . Vẫn theo Lao Động Online, một vụ đình công nghiêm trọng có xô xát xảy ra chiều ngày 23/1 tại Công ty sản xuất giày Tỷ Xuân vốn đầu tư Đài Loan. 4 ngàn công nhân ở đây đã bãi công đòi quyền lợi tiền lương, phụ cấp, nhất là việc ép tăng ca làm nhiều công nhân bị xỉu. Vụ đình công ở đây dẫn tới bạo động làm một số ngừơi bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Theo tờ báo, ít nhất có một công an xã, một chuyên gia Đài Loan và một công nhân bị thương. Mãi tới 22 giờ đêm trật tự mới được vãn hồi.

Ngày hôm sau 24/1, Hội đồng quản trị công ty Tỷ Xuân đã nhượng bộ loan báo đáp ứng các yêu sách của công nhân, và anh chị em đã đi làm việc lại.

Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, bao gồm 1 triệu người làm việc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Báo Tuổi Trẻ Online nhận định các cuộc đình công lan rộng hiện nay là giọt nước tràn ly, khi mà công nhân làm kiệt sức và nhận được những lợi ích hết sức lập lờ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.