Dịch heo tai xanh hậu quả khó lường


2007.07.28
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Dịch heo tai xanh đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội cho các tỉnh miền Trung và đe doạ cả khu vực phía nam. Ảnh hưởng của dịch bệnh được báo chí mô tả như thế nào, đây là đề tài đọc báo trên mạng kỳ này.

PigFlu200.jpg
AFP PHOTO

Trong vòng một tháng, dịch heo tai xanh lây lan theo hai chiều, phía bắc qua Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế và phía nam vào Quảng Ngãi. Số lượng heo mắc bệnh chính thức khoảng hơn 30 ngàn con, số chết khoảng vài ngàn con, 90% thiệt hại vừa nói thuộc về tỉnh Quảng Nam.

Theo Tuổi Trẻ Online tính đến sáng 25/7, tỉnh Quảng Nam ghi nhận bùng phát dịch heo tai xanh ở 73 xã phường thị trấn thuộc 11 huyện thị xã thành phố.

Mặc dù số heo nhiễm bệnh khoảng 28 ngàn con, 1.600 con chết nhưng cả tỉnh có tới 600 ngàn con heo và sự đe doạ của dịch bệnh là vô cùng nghiêm trọng. Theo lời ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc sở NN &PTNT thì phải mất bốn năm nữa tỉnh Quảng Nam mới gầy dựng lại được đàn heo như trước.

Ông Nguyễn Đức Hải chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng để dịch bùng phát trên diện rộng như hiện nay là do hệ thống chính trị ở cơ sở phản ứng chậm và chưa quyết liệt trong công tác phòng chống và dập dịch. Trên nguyên tắc Quảng Nam đã ban hành biện pháp quyết liệt từ ngày 12/7, nghiêm cấm giết mổ vận chuyển, tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo.

Người dân Quảng Nam cho chúng tôi biết là họ từ bỏ thịt heo trong bữa ăn hàng ngày: “Lệnh cấm không cho bán thịt heo thì đã lâu rồi, có thông báo nên phải sợ cũng không dám ăn nữa . Nói chung thì còn cá, thịt bò nhưng giá các mặt hang thực phẩm thứ nào cũng lên hết.”

Phá sản trắng tay

Tờ Lao Động ngày 23/7 mô tả người dân huyện Thăng Bình phá sản trắng tay vì dịch tai xanh, đàn heo chết sạch nhất là heo nái và heo con. Người dân vay tiền ngân hàng để nuôi heo làm kế sinh nhai, thảm hoạ tai xanh làm cho huyện Thăng Bình như có tang chung. Huyện có 44 ngàn dân thì 40 ngàn người sống nhờ chăn nuôi heo.

Tờ báo trích lời ông Nguyễn Văn Hương, trưởng phòng kinh tế huyện Thăng Bình, theo đó các xã vùng đông sống trên xứ cát, trồng trọt chỉ có rau màu và vài miếng đất bồi ven sông Trường Giang trồng lúa chỉ đủ lấy công đổi gạo. Thế nên toàn bộ người dân đều chăn nuôi và cũng chỉ chăn nuôi heo.

Đặc biệt heo nái ở Thăng Bình đã làm nên chợ cung cấp lợn sữa Hà Lam lớn nhất miền Trung, thị trấn Hà Lam mỗi ngày cung cấp 2.500 con lợn sữa cho thị trường cả nước.

Một người dân ở Thăng Bình cho biết: “ Nuôi heo để sinh sống, vừa rồi bị nhiều lắm, những gia đình nuôi nhiều bên y tế cho xe tới nhà chở ra bãi trống để tiêu hủy. Ở đây nhà nào cũng nuôi năm, bảy con…nhiều lắm.”

Vẫn theo tờ Lao Động, tập quán hủ lậu của dân chăn nuôi xứ cát Thăng Bình là khi heo chết phải đem ra sông thuỷ táng để còn mát tay mới có thể tiếp tục nuôi heo đầy đàn. Đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến thảm hoạ môi trường do xác heo dịch tai xanh ngập sông Trường Giang.

Vietnam Net ngày 25/7 có bài viết ‘Tâm ổ dịch tai xanh ngập xác heo thối. Bên vệ đường và trên các con kênh, những xác heo trương phình thối rữa bốc mùi xú uế nồng nặc. Ngoài chợ, vẫn lấp ló những phản thịt heo.

Trong nhà, những tiếng thở dài não nuột trước đàn heo vắng dần. Một cán bộ lãnh đạo xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết , sau khi heo chết, không bán được, lại không có người đi chôn, nên bà con lén đem vứt ra ao hồ. Đó là chưa kể chuyện mê tín khi heo chết thì không được chôn sợ chuyện xấu cho ngày sau.

Sở dĩ dịch heo tai xanh có thể lây lan nhanh tới Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là vì nạn vận chuyển lậu heo bệnh bán tẩu tán ngoài địa bàn Quảng Nam, như lời TS Văn Đăng Kỳ chuyên gia dịch tễ thú y ở Hà Nội nhận định: “ Nguyên nhân bắt nguồn từ vấn đề quản lý vận chuyển tại các ổ dịch rất khó thực hiện…còn người dân thì hoang mang cứ bán chạy lợn thành ra lây lan dịch.”

Vấn đề nghiêm trọng

Theo Việt Nam Net thành phố Đà Nẵng chính thức công bố dịch heo tai xanh vào ngày 20/7. Dịch bùng phát ở huyện Hoà Vang và quận Cẩm Lệ, làm cho người dân Đà Nẵng e ngại và từ bỏ thịt heo. “ Mọi thực phẩm có liên quan tới heo là không còn sử dụng nữa…đây là vấn đề nghiêm trọng.”

Ngày 25/7 trong cuộc họp ở Huế thứ trưởng bộ NN &PTNT Bùi Bá Bổng nói rằng 1.500 con heo bệnh ở Thừa Thiên Huế, có những triệu chứng lâm sàng của bệnh heo tai xanh. Ở Quảng Ngãi cùng ngày 24, thú y tỉnh đã phát hiện đàn heo 76 con ở huyện Tư Nghĩa có triệu chứng bệnh tai xanh, các biện pháp khoanh vùng, tiêu huỷ heo bệnh đã được áp dụng.

Theo mạng Đọc Báo Trực Tuyến, trước nguy cơ dịch lây lan đến các tỉnh phía nam, ngày 25/7 ngành thú y thống nhất kiến nghị tạm ngưng nhập heo từ miền trung nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân và ngành chăn nuôi heo trong vùng.

Ông Phạm Xuân Bình, giám đốc thú y vùng VI đông nam bộ cho biết mỗi ngày đêm có khoảng 1 ngàn con heo được vận chuyển bằng đường bộ từ các tỉnh miền trung vào nam,nhất là về TP.HCM tiêu thụ. Giới chức vừa nói tỏ ý lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh heo tai xanh và bệnh liên cầu trùng ở heo lây cho người ở vùng chưa có dịch.

Theo ông Huỳnh Hữu Lợi, chi cục trưởng thú y chỉ cần 100 con heo dính bệnh tai xanh tiêu thụ trót lọt ở TP.HCM thì sẽ không thể lường trước nguy cơ người dân bị lây bệnh liên cầu. Được biết heo bị bệnh tai xanh thường kết hợp với các loại bệnh nguy hiểm khác như tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn và cả loại bệnh có thể lây và làm chết người là liên cầu trùng.

Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ chuyên gia dịch tễ thú y mô tả tình hình bệnh nhân lây bệnh liên cầu trùng từ heo:

“ Kết quả kiểm tra thì hầu như là những người mắc bệnh liên cầu khuẩn từ streptococcus đều do tiếp xúc với heo, như người chăn nuôi mắc bệnh, người giết mổ, người xử lý tiêu hủy gia súc bệnh…người ăn thịt heo bệnh và rất nhiều trường hợp là ăn tiết canh heo. Miền bắc đã có 22 người mắc bệnh 2 người tử vong.

Chúng tôi đã tìm hiểu các bệnh nhân là trước khi phát bệnh họ đã làm những việc gì, ghi nhận rằng đa số bệnh nhân đều có tiếp xúc trực tiếp với heo. Dễ lây bệnh nếu chân tay xây xát, lây qua đường hô hấp hít thở trực tiếp và đặc biệt ăn tiết canh heo là rất dễ bị nhiễm bệnh.”

Theo Vietnam Net, người bị nhiễm liên cầu khuẩn từ Heo có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp tỷ lệ tử vong 7%, nghĩa là 100 người nhiễm bệnh thì có 7 người chết. Ngoài khả năng gây nguy hiểm cho con người do kết hợp bệnh, dịch heo tai xanh làm chết heo nái heo sữa có thể gây thiệt hại kinh tế lớn lao, trong bối cảnh chăn nuôi của Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm phó cục trưởng thú y nhận định: “ Nói chung thiệt hại kinh tế do bệnh tai xanh khá lớn, các nước khác đã có tổng kết. Nhưng ở Việt Nam thiệt hại sẽ lớn hơn vì chăn nuôi manh mún, điều kiện vệ sinh thú y không được tốt nên heo bị nhiễm trùng tái phát và chết.

Heo chết tỷ lệ cao hơn, người dân bị thiệt hại trực tiếp vì đàn gia súc bị chết, những con còn sống cũng ảnh hưởng sản xuất. Hơn nữa thiệt hại gián tiếp là dịch bệnh đẩy giá cả tăng lên.”

Việt Nam hiện nay đang phải chống đỡ một lúc ba mặt trận dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc và nay dịch heo tai xanh. Quả thật đây là một tai họa lớn lao chưa từng có đối với 8 triệu hộ nông dân toàn quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.