Hà Nội xin lỗi một cách không chính thức phong trào Nhân Văn Giai Phẩm?


2007.02.24

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Điểm báo tuần lễ đầu năm Đinh Hợi, chúng tôi ghi nhận sự kiện khá đặc biệt, 4 tác giả tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm từng bị đoạ đày mấy chục năm ở miền Bắc, vừa được trao giải thưởng văn học Nhà Nước, phải chăng đây là một lời xin lỗi không chính thức từ nhà cầm quyền cộng sản.

NguyenHuuDang150.jpg
Ông Nguyễn Hữu Đang. Photo courtesy Diễn Đàn Forum

Ngày 14/2 ba ngày trước Tết Nguyên Đán, tại thủ đô Hà Nội Bộ Văn Hoá Thông Tin họp báo công bố quyết định của Chủ tịch nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho năm nhân vật và 158 người khác được giải thưởng Nhà Nước.

Phá vỡ sự bình thường

Tuổi Trẻ Online mô tả những người được trao giải là các tác giả có tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị cao, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Mỗi giải thưởng Hồ Chí Minh kèm hiện kim 100 triệu đồng, còn giải thưởng Nhà nước mỗi tác giả được trao giải sẽ nhận 60 triệu đồng.

Bản tin của báo Tuổi Trẻ sẽ chẳng gây sự chú ý khác thường, nếu như người đọc thiếu kiên nhẫn không xem hết nội dung. Ở những dòng cuối, phóng viên Uyên Ly mới bật mí sự kiện mà đáng lẽ phải đặt ở phần dẫn nhập, bởi vì đó chính là thông tin phá vỡ sự bình thường.

Ở đoạn tin này nhà báo viết, trong số 158 tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước có bốn tác giả từng liên quan tới phong trào Nhân Văn Giai Phẩm nửa cuối những năm 1950. Bốn nhân vật này được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định tặng thưởng riêng.

Đó là Hoàng Cầm với các tập thơ Bên Kia Sông Đuống, Lá Diêu Bông, 99 Tình Khúc; Trần Dần với các tác phẩm Bài Thơ Việt Bắc, Cổng Tỉnh, Người Người Lớp Lớp; Phùng Quán với tác phẩm Vượt Côn Đảo, Tuổi Thơ Dữ Dội, Tiếng Hát Trên Địa Ngục Côn Đảo và Lê Đạt với các tác phẩm Bóng Chữ, Ngó Lời, Hèn Đại Nhân. Nhà báo đã không tường trình là chỉ còn hai ông Lê Đạt và Hoàng Cầm còn sống, hai ông Phùng Quán và Trần Dần đã ra người thiên cổ.

Nỗi oan khiên

Vụ án này thật là kỳ quái trong văn học sử VN kéo dài hàng ba mươi năm trời. không có vụ án nào kỳ quặc như thế. Đấy là nỗi oan khiên của nhiều anh em văn nghệ sĩ trong giai đoạn ấy.

Thưa quí thính giả, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm được văn nghệ sỹ miền Bắc phát động vào năm 1956, có thể xem như một hoạt động đòi hỏi dân chủ, văn nghệ sĩ lúc ấy trước sau đều xác nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản nhưng họ mong muốn Đảng trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ, tức là có quyền tự do sáng tác thoát khỏi sự trói buộc của Đảng.

Vì thế Đảng đã thẳng tay đàn áp, báo Nhân Văn và các Giai Phẩm chỉ tồn tại khoảng 10 tháng gồm 5 số báo và 5 giai phẩm. Những người chủ trương, tham gia Nhân Văn Giai Phẩm hoặc bị án tù hoặc lao động cải tạo, sau đó bị gạt ra bên lề xã hội, thơ văn sáng tác của họ không được đăng không được in ấn xuất bản trong suốt 30 năm sau đó.

Nhà văn Hoàng Tiến ở Hà Nội có lần đã nhận định về vụ Nhân Văn Giai Phẩm: “Vụ án này thật là kỳ quái trong văn học sử VN kéo dài hàng ba mươi năm trời. không có vụ án nào kỳ quặc như thế. Đấy là nỗi oan khiên của nhiều anh em văn nghệ sĩ trong giai đoạn ấy.”

Nhà thơ Lê Đạt nay đã ngoài 80 tuổi, một trong bốn thành viên Nhân Văn Giai Phẩm vừa được chủ tịch nước quyết định trao tặng giải thưởng Nhà nước, đã nói về sự đoạ đầy kéo dài trong giai đoạn mấy chục năm chịu nhục hình của Đảng. Ông Lê Đạt đã nói những lời này trên đài RFI năm 1999:

“Anh Vũ Hoàng Chương nói ‘lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh’ chắc là chỉ nói văn chương thế thôi, chứ anh chưa biết thế nào thực sự là sự ruồng bỏ của xã hội, mà lại là một xã hội toàn trị.”

Theo tài liệu thu thập của Ban Việt Ngữ RFA, không chỉ nhóm chủ trương, ban biên tập Nhân Văn Giai Phẩm bị giam cầm đày đoạ như Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Trần Thiếu Bảo, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng. Nhiều học giả, trí thức tên tuổi như Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn mạnh Tường, Đào Duy Anh đều bị đình chỉ công tác, bao vây kinh tế và quản thúc cho đến khi qua đời.

Nhiều người bị hệ luỵ

Trong loạt bài về Nhân Văn Giai Phẩm, Nguyễn An của ban Việt Ngữ ghi nhận rằng, có rất nhiều người bị hệ luỵ chỉ vì có liên quan nào đó với Nhân Văn Giai Phẩm. Nhà Thơ Lê Đạt trong cuộc phỏng vấn của đài RFI xác nhận:

Cuộc cải cách ruộng đất đánh vào nông thôn, Nhân Văn Giai Phẩm đánh vào văn nghệ sĩ trí thức, lợi dụng một số ý kiến mà anh em phê bình khác ý với Đảng để coi là xét lại chống đảng để tiến hành một trận đàn áp mạnh mẽ như vậy

“ Những người ủng hộ như sinh viên đều là những phần tử ưu tú hay những cán bộ người ta cũng khao khát một tí dân chủ, chỉ cần có một tờ Nhân Văn hay gửi tiền đến Nhân Văn thì sau khi Nhân Văn bị đánh rồi thì bị vào sổ đen hết.

Có thể bị chuyển công tác, hay đi lao động cải tạo. Tôi đã gặp nhiều không đếm xuể, những cô sinh viên trẻ phải đi lao động rất lâu năm vì đã đọc Nhân Văn, số người ấy nhiều không thể đếm xuể.’

Phải một tuần lễ sau bản tin của Tuổi Trẻ Online, ngày 22/2 Báo mạng Vietnam Net là tờ duy nhất phỏng vấn Ông Lê Đạt, một người thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và đoạt giải thưởng Nhà Nước. Tuy nhiên các báo không một dòng nào giải thích cho độc giả về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong thập niên 1950, và vì sao các văn nghệ sĩ miền Bắc bị tước đoạt cuộc sống, bị đoạ đầy ba mươi, bốn mươi năm.

Đài ACTD đã có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Minh Cần hiện cư trú ở Nga, giai đoạn vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, ông là phó chủ tịch Uỷ Ban Hành Chính Hà Nội, về mặt Đảng là thành uỷ viên phụ trách tuyên huấn. Với sự hiểu biết của một người từng trong guồng máy, ông Nguyễn Minh Cần nhận định về bối cảnh vụ Nhân Văn Giai Phẩm:

“ Để tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa và để tiến hành cuộc chiến với miền Nam, Đảng múôn tất cả phải nơm nớp sợ hãi, để họ có thể làm mọi chính sách mà không gặp một sự phản ứng nào.

Cuộc cải cách ruộng đất đánh vào nông thôn, Nhân Văn Giai Phẩm đánh vào văn nghệ sĩ trí thức, lợi dụng một số ý kiến mà anh em phê bình khác ý với Đảng để coi là xét lại chống đảng để tiến hành một trận đàn áp mạnh mẽ như vậy…”

Tuy muộn, nhưng còn hơn không

Trở lại cuộc phỏng vấn Nhà Thơ Lê Đạt, một người bị tử hình tinh thần và đoạ đày suốt 40 năm vì đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm, nay được chủ tịch Nước quyết định trao tặng giải thưởng Nhà nước.

Trên Vietnam Net và Tuổi trẻ Online ngày 22/2/2007, Nhà Thơ Lê Đạt xem chuyện giải thưởng là một cử chỉ đẹp tuy muộn nhưng còn hơn không. Chừng như nhà thơ Lê Đạt xem đây là một sự tạ lỗi không chính thức, khi ông nhắc lại lời của ông Đỗ Chu thành viên của hội đồng giải thưởng nói rằng, có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em với các anh. Các anh ở đây có nghĩa là 4 người được giải là Lê Đạt Hoàng Cầm và hai vị đã khuất là Trần Dần Phùng Quán.

Cũng có một sự trùng hợp là vài ngày trước quyết định trao giải thưởng Văn Học Nhà nước, một chủ biên của Nhân Văn Giai Phẩm là ông Nguyễn Hữu Đang 94 tuổi từ trần ở Hà Nội. Báo chí trong nước không đăng một dòng nào về cuộc đời sự nghiệp của ông.

Trả lời một câu hỏi của Vietnam Net, nhà thơ Lê Đạt nhấn mạnh rằng, một nghệ sĩ thực sự bao giờ cũng nói theo lương tâm của mình, không nói theo tiếng của người khác. Nghệ sĩ cần nhất là làm gì cũng phải có lương tâm. 51 năm sau vụ án văn học lịch sử Nhân Văn Giai Phẩm, quan niệm của nhà thơ Lê Đạt và của bạn bè ông vẫn mãi mãi như vậy.

Theo dòng câu chuyện:

- Vai trò của nhạc sĩ Văn Cao trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (phần 9)

- Những nhân vật trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm (phần 7)

- Sắc lệnh Báo chí bóp chết các tờ Trăm Hoa, Giai Phẩm, và Đất Mới không kèn không trống (phần 6)

- Giai Phẩm Mùa Thu ra đời với những bài vở nặng về chính trị hơn (phần 5)

- Ông Nguyễn Minh Cần kể tiếp về diễn tiến của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (phần 4)

- Phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cần về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 3)

- Phỏng vấn ông Trần Gia Phụng về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 2)

- Mở lại bộ hồ sơ vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 1)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.