Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Cúm gia cầm lại tái xuất hiện ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, đe doạ lây lan trên diện rộng trong khi đang thiếu vaccine tiêm ngừa cho gà vịt.

Mùng một Tết Đinh Hợi một ổ dịch H5N1 bùng phát ở tỉnh Hải Dương, vùng đồng bằng sông Hồng. Ngày 1/3 Cục thú y xác nhận cúm gia cầm cũng đã quay lại tỉnh Vĩnh Long, một trong 8 tỉnh phát dịch hồi đầu năm dương lịch và tạm khống chế trong một thời gian.
Dù đã dự báo trước là dịch có thể lây lan trên diện rộng, nhưng sau hơn 1 tháng cả nước không có ổ dịch mới, Bộ NN&PTNT thoạt đầu dự tính công bố toàn quốc thoát dịch cúm H5N1 vào ngày 27/2 vừa qua.
Tuy nhiên sự kiện này đã không xảy ra, vì đúng 29 Tết một ổ dịch được phát hiện ở Xã Đoàn Tùng Huyện Thanh Miện Tỉnh Hải Dương. Chúng tôi xin trích lời Ông Đồng Văn Chúc, chi Cục Trưởng Thú Y Hải Dương về tình hình thực tế ở địa phương:
“Ở tỉnh Hải Dương ngày 16/2 có xảy ra ở một hộ nuôi 10.500 con gà bị chết rải rác. Khi được tin thì ngày 18/2 chúng tôi xác định là dịch cúm gia cầm và tiêu huỷ ngay. Đến buổi trưa ngày 18 chúng tôi tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm của hộ gia đình ông Trương Quang Tạo.
Chúng tôi thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch. Chúng tôi coi như khoanh gọn trong hộ gia đình ông Tạo mà thôi. Chúng tôi tiến hành tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm 65 ngàn con của toàn bộ năm xã xung quanh khu vực đó.
Sau khi tiêu huỷ đàn gia cầm chúng tôi đã thành lập các chốt tại xã có dịch và các xã chung quanh. Lệnh này đang duy trì cho hết 21 ngày, không cho buôn bán vận chuyển gia cầm ra khỏi xã Đoàn Tùng và 5 xã chung quanh. Những xã khác ở xa thì vẫn hoạt động bình thường.”
Thiếu vaccine tiêm phòng
Tỉnh Hải Dương hiện nay có khoảng hơn 7 triệu con gia cầm và thuỷ cầm. Vaccine thì chúng tôi đã sơ bộ điều tra số gà nuôi dài ngày trong diện tiêm phòng cũng như vịt và ngan, Chúng tôi đã đăng ký với trung ương rồi, nhưng hiện nay vaccine chưa về tới.
Ngày 27/2, Vietnam Net trích lời ông Cao Đức Phát bộ trưởng Bộ NN&PTNT về khả năng dịch cúm gia cầm lây lan toàn miền Bắc, vì virus H5N1 đang có điều kiện phát triển thuận lợi và thiếu vaccine tiêm phòng.
Khi trả lời chúng tôi, ông Đồng Văn Chúc chi cục trưởng thú y Hải Dương xác nhận có khó khăn về vấn đề vaccine. Ông nói:
“Tỉnh Hải Dương hiện nay có khoảng hơn 7 triệu con gia cầm và thuỷ cầm. Vaccine thì chúng tôi đã sơ bộ điều tra số gà nuôi dài ngày trong diện tiêm phòng cũng như vịt và ngan, Chúng tôi đã đăng ký với trung ương rồi, nhưng hiện nay vaccine chưa về tới.”
Tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia tại Hà Nội, ngày 27/2 ông Bùi Quang Anh Cục trưởng cục thú y cho biết hiện nay chỉ còn tồn kho 900 ngàn liều vaccine, tức là còn thiếu khoảng hơn 120 triệu liều vaccine thì mới đủ cho kế hoạch cả năm 2007. Dự kiến từ 11 đến 13/3 sắp tới Trung Quốc sẽ giao khoảng 20 triệu liều.
Ông Bùi Quang Anh tỏ ra bối rối vì việc cho ấp nở nuôi mới thuỷ cầm ở miền Namsẽ càng thêm thiếu vaccine tiêm ngừa. Trong khi đó với ổ dịch bùng phát ở Hải Dương, các tỉnh miền Bắc lại cần tiêm phòng khẩn cấp cho đàn gia cầm. Các cơ quan hữu trách đang nỗ lực để có nguồn vaccine cung cấp cho các tỉnh.
Báo chí Việt Nam tỏ ra bức xúc về chuyện ổ dịch ở Hải Dương, tiêu huỷ từ ngày 18/2 và Cục Thú Y chỉ công bố sau khi báo chí đã đưa tin. Vietnam Net cho rằng tỉnh Hải Dương và Cục Thú Y đã thống nhất với nhau không công bố dịch.
Trên tờ Thanh Niên online, ngày 28/2 cục trưởng Bùi Quang Anh trấn an rằng, mọi người hãy yên tâm không có chuyện che dấu thông tin. Theo lời ông, sở dĩ chậm thông báo là vì virus H5N1 trong các mẫu bệnh phẩm đã có dấu hiệu biến đổi, độc lực có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn nên qua 2 lần xét nghiệm vẫn chưa có kết quả chính xác mà chỉ dừng lại ở nghi vấn gà chết do cúm gia cầm.
Vẫn theo ông cục trưởng thú y, sau đó các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp xét nghiệm của Hong kong mới phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với virus H5N1, và sau khi hội đồng khoa học xác định lại thì mới đưa ra kết quả chính xác.
Trên báo chí, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, Hải Dương 2 năm 2005, 2006 không tái phát dịch cúm gia cầm mà nay lại bùng phát ổ dịch, điều này chứng tỏ virus có ở bất cứ nơi nào trên cả nước.
Có thể tái phát bất cứ lúc nào

Ngăn chặn dịch ở Hải Dương và vùng đồng bằng sông Hồng, câu chuyện còn đang nóng, thì hai hôm sau ngày 1/3 Cục Thú Y lại thông báo, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại tỉnh Vĩnh Long. Theo Vietnam Net, cơ quan thú y vùng 7 ở Cần Thơ cho biết, ngày 25/2 dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã Thới Hoà huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long.
Dịch tái phát trên đàn vịt 800 con, số vịt này nuôi được 45 ngày và chưa tiêm phòng vaccine. Kết quả xét nghiệm dương tính với H5N1. Địa phương đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số vịt trên và tiêu độc khử trùng quanh ổ dịch.
Thông tin cho biết đàn vịt này nguồn gốc từ Sóc Trăng chuyển về, nên có khả năng Sóc Trăng tái phát dịch bất cứ lúc nào. Tờ báo nhắc lại rằng, thời điểm các ổ dịch xuất hiện dồn dập là vào cuối tháng 1/2007, lúc ấy dịch bùng phát ở 43 xã phường, 23 huyện, thị thuộc 8 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.
Thưa quí thính giả vùng đồng bằng sông Cửu Long chằng chịt sông rạch, sự vận chuyển khó lòng kiểm soát, khi một ổ dịch bùng phát thì sự lây lan không thể lường trước được. Ông Đinh Công Thận, chi cục trưởng thú y Kiên Giang nhận định về tình trạng nuôi vịt chạy đồng:
“Các tỉnh vùng ĐBSCL nuôi vịt chạy đồng là sự kiện thường xuyên diễn ra. Toàn vùng thì chúng tôi không ước lượng được, nhưng riêng tỉnh Kiên Giang đàn vịt này ước lượng từ 400 tới 500 ngàn con.”
Nuôi vịt thả đồng
Trước khi lệnh cấm ấp nở nuôi mới thuỷ cầm được giải toả vào ngày 28/2/2007, sau khi áp dụng 2 năm, trên thực tế nông dân miền tây vẫn phát triển bất hợp pháp đàn vịt chạy đồng lên tới hàng chục triệu con. Sở dĩ lúc trước có lệnh cấm vì các chuyên gia xác định rằng, virus H5N1 có thể lưu ký trong cơ thể con vịt mà vật nuôi không phát bệnh, cho nên vịt là phương tiện cho virus lây lan.
Sau nhiều thời gian tranh cãi, ngày 27/2/2007 vừa qua Bộ NN&PTNT loan báo cho phép ấp nở nuôi mới thuỷ cầm theo điều kiện an toàn sinh học. Vịt chạy đồng được cho phép trở lại nhưng qui định là chạy đồng gần, không được chạy liên tỉnh. Vịt thả đồng hay nuôi nhốt đều phải đăng ký với chính quyền địa phương và thực hiện vaccine tiêm phòng ngừa cúm H5N1.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một quyết định sáng suốt, nuôi vịt thả đồng là một đặc trưng chăn nuôi của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cấm cách nào thì người dân vẫn nuôi vịt chăn thả tự do, vì không tốn chi phí thức ăn lại diệt rầy bám lúa. Như sự xác nhận đầy hồ hởi của người nông dân vùng sông nước Cửu Long:
Con vịt còn làm vệ sinh môi trường về vấn đề sinh học rất tốt. Tại vì lợi hại đan xen nhau, thành ra chúng tôi rất lo. Nó diệt được rầy nâu ăn sâu bọ, nhưng lại kèm theo khả năng dịch cúm gia cầm. Thành ra chúng tôi không dám khuyến khích vấn đề này.
“ Người ta nuôi vịt dữ lắm, vịt nó ăn rầy hết trơn hết trọi luôn…rầy đeo lúa vịt nó rỉa nó ăn hết trơn luôn vì thế họ nuôi vịt.”
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Phó viện trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mô tả hoạt động này:
“Thông thường nông dân khi có đợt rầy xuống thì người ta bơm nước vào ruộng, nước ngập tới trảng ba trên, thì rầy nâu đun lên đậu trên lá , lúc đó vịt nó vô và ăn rất tốt. Thông thường rầy chỉ bu dưới gốc thôi, nhưng mà người ta bơm nước vô rầy phải đậu trên lá thì vịt sẽ xử lý được phần này.
Con vịt còn làm vệ sinh môi trường về vấn đề sinh học rất tốt. Tại vì lợi hại đan xen nhau, thành ra chúng tôi rất lo. Nó diệt được rầy nâu ăn sâu bọ, nhưng lại kèm theo khả năng dịch cúm gia cầm. Thành ra chúng tôi không dám khuyến khích vấn đề này.”
Không thể ngăn cấm
Quan điểm của một số giới chức cao cấp trong chính phủ đã thắng thế, nếu không thể ngăn cấm thì hãy cho nuôi vịt chạy đồng một cách có kiểm soát. Điều kiện đưa ra là chạy đồng gần, phải đăng ký và thực hiện tiêm phòng. Tuy nhiên tiến sĩ Hoàng Văn Năm, phó cục trưởng cục thú y vẫn tỏ ra băn khoăn:
“Nếu như chăn nuôi với các điều kiện tương đối chặt chẽ vẫn có thể được. Nhưng từ điều kiện đến chỗ thực hiện các điều kiện ấy đối với người nông dân ở thôn ấp như thế nào, thì đây là một vấn đề. Bởi vì trước đây chủ trương biện pháp cụ thể đều có hết, nhưng khâu thực hiện thì không tốt.”
Dịch cúm gia cầm mùa dịch những năm trước đã cướp đi sinh mạng của 42 người Việt Nam, cả nước từng phải tiêu huỷ hơn 40 triệu gà vịt, nhiều người chăn nuôi và nông dân điêu đứng. Từ hai năm nay Việt Nam được thế giới đánh giá cao về hoạt động phòng chống dịch cúm H5N1.
Cách làm của người Việt Nam được giới thiệu như một mô hình hiệu quả và được áp dụng ở hàng chục quốc gia trên thế giới. Hơn một năm qua không có bệnh nhân lây nhiễm cúm H5N1 được phát hiện ở Việt Nam, hy vọng mùa dịch 2007 này người Việt Nam cũng sẽ khống chế thành công dịch bệnh với sự thiệt hại tối thiểu.