Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 5-3-2005)
2005.03.05
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tin ông Lý Quí Chung, nhà báo họat động qua cả hai chế độ ở Việt Nam từ trần ở Sài Gòn, câu chuyện thuế má và giới ca sĩ; và Việt Nam thực tế đang xuất khẩu giùm nứơc khác…Đó là các đề tài chúng tôi chọn đọc báo trên mạng tuần này.
Nhá báo Chánh Trinh từ trần
Thưa quí thính giả, hiếm có nhà báo chế độ cũ còn tiếp tục sự nghiệp lâu dài ở trong nước sau năm 1975, ông Lý Quí Chung là một trong những trường hợp ngọai lệ.
Trong ngày 3 và 4 tháng ba, ít nhất có hai tờ báo mạng là VietnamNet và Người Lao Động đưa tin nhà báo Lý Quí Chung từ trần chiều ngày 3/3 ở Saigon hưởng thọ 66 tuổi. Đây là sự kiện khá hiếm hoi vì ít khi báo chí do nhà nứơc quản lý trân trọng những tên tuổi cũ, đặc biệt như trường hợp ông Lý Quí Chung một nhà báo, một người làm chính trị của chế độ cũ.
Ở lại Saigon sau năm 1975 ông Lý Quí Chung tiếp tục viết báo với bút hiệu mới là Chánh Trinh, theo chỗ chúng tôi được biết họat động báo chí xã hội chủ nghĩa của ông Lý Quí Chung cũng thăng trầm không kém giai đọan làm báo của ông thời VNCH.
VietnamNet đưa lên mạng một bài dài gần 500 từ với tựa đề “Vĩnh biệt nhà báo Chánh Trinh: một nhân sĩ trong làng báo”. VietnamNet viết rằng: Trong suốt hơn 40 năm họat động, nhà báo Chánh Trinh, tức ông Lý Quí Chung, được biết đến với tư cách một cây bút tài năng trên nhiều lãnh vực và có nhiều đóng góp với báo chí nước nhà.
VietnamNet lược lại tiểu sử nhà báo Chánh Trinh - Lý Quí Chung, ông sinh năm 1940 tại Mỹ Tho, bắt đầu viết báo năm 1962 với các bút danh như Phát Chung, Nguyên Lý. Trong thời gian sau đó ông Lý Quí Chung làm chủ nhiệm chủ bút một số báo và bị chế độ cũ đình bản. VietnamNet viết là năm 1965 ông Lý Quí Chung tránh đi quân dịch bằng cách xin vào làm ở Bộ Thanh Niên VNCH. Từ năm 1966 tới 1975, ông Lý Quí Chung tham gia họat động chính trị 3 lần đắc cử dân biểu VNCH, song hành ông chủ trương các tờ báo đối lập khá nổi tiếng là Tiếng Nói Dân Tộc và Điện Tín. Ngày 28/4/1975 ông được bổ nhiệm làm tổng trưởng thông tin trong chính phủ 3 ngày của đại tướng Dương Văn Minh.
Dưới chế độ cộng sản, ông Lý Quí Chung giữ chức phó tổng biên tập tờ báo Tin Sáng, một tờ báo do cựu dân biểu Ngô Công Đức thành lập, và được nhà nứơc cộng sản cho họat động trong buổi giao thời. Sau khi Tin Sáng đình bản, ông Lý Quí Chung về làm tổ trưởng tổ thể thao báo Tuổi Trẻ và sau đó làm phó thư ký tòa sọan.
VietnamNet ghi nhận từ năm 1991 tới năm 1994 ông Lý Quí Chung làm tổng thư ký tòa sọan báo Lao Động.
Chúng tôi xin thêm rằng, theo giới thạo tin ở Việt Nam, đây là giai đọan quan trọng trong sự nghiệp làm báo xã hội chủ nghĩa của ông. Vào khi nền báo chí chế độ mới còn đóng khung trong khuôn khổ tuyên truyền của nhà nước, ông Lý Quí Chung và hai người bạn của ông là nhà báo Trần Trọng Thức và họa sĩ Chóe Nguyễn Hải Chí đã thổi một làn gió mới vào sinh họat báo chí xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tờ Lao Động thay hình đổi dạng từ cách trình bày mặt báo, thông tin chọn lọc và chuyên nghiệp hơn, cũng như có nhiều biếm họa đặc sắc của họa sĩ Chóe, một họa sĩ nổi tiếng của tờ Sóng Thần trứơc năm 1975.
Khi tờ Lao Động có số phát hành rất cao, thành công vượt bực về tài chánh, thì đấy cũng là thời điểm bộ ba nhà báo chế độ cũ Lý Quí Chung, Trần Trọng Thức và Chóe phải từ bỏ tờ báo với nhiều áp lực.
Ông Lý Quí Chung sau một giai đọan vắng bóng, đã trở thành nhà báo thể thao cộng tác viên của các báo ở TP.HCM. Họa sĩ Chóe thời gian sau có trở lại vẽ biếm họa cho Lao Động, ông Chóe từ trần năm 2003 trong dịp đi chữa bệnh ở Hoa Kỳ. Ông Trần Trọng Thức hiện nay là giảng viên đại học, đồng thời là cây bút Gia Vinh của Saigon Kinh Tế Thời Báo.
Người Lao Động Online cũng đăng một bài với tựa đề ‘Vĩnh biệt nhà báo Chánh Trinh, không còn những trang bản thảo cuộc tròn giấy trắng mực xanh’. Thưa quí thính giả lễ tang nhà báo Chánh Trinh Lý Quí Chung sẽ diễn ra vào sáng chủ nhật 6 tháng 3 tại Saigon.
Giới nghệ sĩ và chuyện thuế má
Có lẽ giới nghệ sĩ là người của công chúng, nên suốt tuần qua, tất cả các báo đưa lên mạng nhiều bài liên quan tới chuyện giới nghệ sĩ ca sĩ thờ ơ với nghĩa vụ đóng thuế thu nhập.
Theo Vn Express ngày 3/3, sau khi báo chí đưa nhiều thông tin về chuyện nghệ sĩ làm như không hay biết gì về việc phải đăng ký mã số thuế và kê khai thuế 2004, hạn chót đã qua vào ngày 28/2, giới ca sĩ đã bắt đầu có phản ứng tích cực hơn, nhưng đa số đều viện cớ không biết không hiểu rõ qui định thuế.
Nữ ca sĩ Ánh Tuyết phát biểu một cách bức xúc, Cục Thuế ấn định mức thuế theo thu nhập chứ không cho ca sĩ hạch tóan giải chi. Ánh Tuyết đưa ra thí dụ, làm một album 2 ngàn bản, từ năm ngóai tới nay chưa bán hết, trong khi vốn đầu tư cho album, lên tới 50 triệu đồng. Nữ ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc Văn Cao cho rằng, Cục Thuế không quan tâm tới những chi phí đó, trong khi nhu cầu của ca sĩ được giải chi là hòan tòan chính đáng.
Ánh Tuyết cho rằng cần xem lại khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng mỗi tháng, cô cho rằng như thế ca sĩ ăn còn không đủ chứ đừng nói là hát. Ánh Tuyết đưa ra một vấn đề nữa có lẽ phản ánh quan điểm chung của giới nghệ sĩ, liên quan đến phúc lợi sau này của họ, vì ca sĩ phần lớn không thuộc biên chế nhà nứơc. Theo cô nếu bây giờ ca sĩ đóng thuế đầy đủ, sau này không còn hát được, họ có đưởng hưởng chế độ phúc lợi gì hay không.
Trong số các thông tin được loan tải, chỉ có vài nghệ sĩ đăng ký mã số thuế và khai thuế đúng hạn, tuy vậy mức chính xác về thu nhập của họ là một thực tế phải xét lại . Ngôi sao Đan Trường là một thí dụ, ca sĩ này là người tiên phong khai lợi tức trọn năm là 233 triệu đồng, khấu trừ các lần đã tạm thu 10%, Cục Thuế TP.HCM thu tiếp của Đan Trường 15 triệu đồng cho lợi tức năm 2004. Tuy nhiên tờ Lao Động cho rằng, cát sê của ngôi sao Đan Trường rất cao khỏang 15 triệu đồng một đêm diễn. Nên mức khai thuế của Đan Trường là chưa đúng thực tế.
Khi được báo cáo về tình trạng giới nghệ sĩ thờ ơ với nghĩa vụ thuế thứ trưởng văn hóa thông tin Lê Tiến Thọ phát biểu trên tờ Lao Động rằng, ông cảm thấy rất thất vọng trứơc cách xử sự của không ít ca sĩ nghệ sĩ. Ông Thọ cho biết, ngành thuế đã phát hiện ra những khỏan thu nhập khá cao mà không khai thuế của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ. Cơ quan chức năng sẽ xử lý với các chế tài theo qui định của Pháp luật. Thứ trưởng Thọ thêm rằng, về phần mình bộ văn hóa thông tin sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng cấp phép biểu diễn đối với thành phần nghệ sĩ trốn nghĩa vụ thuế. Hiện nay tổng cục thuế đã gia hạn tới hết tháng 3/2005, để giới nghệ sĩ đăng ký mã số thuế và kê khai thu nhập năm 2004.
Từ 14 năm qua ngành thuế bỏ ngỏ chuyện thu thuế thu nhập của ca sĩ diễn viên và một số thành phấn hành nghề tự do. Các báo trên mạng như Tuổi trẻ Thanh Niên Lao Động Vietnam Net vẫn tỏ ra hòai nghi về tính khả thi của công tác tận thu thuế giới nghệ sĩ. Phát biểu của một cư dân TP.HCM cũng phản ánh quan điểm này:
“Đối với ca sĩ, ngọai trừ một vài tụ điểm lớn, show lớn, nhà hát lớn, nhà nứơc còn quản lý được tiền thu trong mỗi đêm…còn chạy show phòng trà, tụ điểm nhỏ, khó lòng biết được ca sĩ thu bao nhiêu tiền…”
Xem các báo xong, chúng tôi nghĩ rằng kể từ năm nay ngành thuế sẽ thu được thuế từ giới nghệ sĩ, trừ phi là họ không thực sự lắng nghe ý kiến phản hồi của người chịu thuế. Ca sĩ diễn viên ngôi sao của VN chắc không nhiều hơn con số trăm, giới thạo tin cho rằng, cả một tổng cục thuế vĩ đại như vậy, chẳng lẽ không có cách để điều tra thu nhập thực sự của vài chục ngôi sao ca sĩ diễn viên.
Thực tế ngành xuất khẩu Việt Nam
Đề tài cuối chúng tôi dành cho các thông tin về hội nghị thương mại diễn ra hai ngày 28/2 và 1/3 ở Hà Nội. Xem các bài của Tuổi Trẻ, Lao Động người đọc báo cảm nhận là các nhà lãnh đạo Việt Nam bắt đầu nhìn vào sự thật. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2004 đạt 26 tỷ rưỡi đô la, tăng 31,4% so với năm 2003, nhưng phó thủ tứơng Vũ Khoan cho rằng chẳng phải là thành tích ấn tượng gì. Tuyên bố tại Hội Nghị Thương Mại Tòan Quốc tổ chức tại Hà Nội, ông Vũ Khoan xác nhận là nền xuất khẩu của VN trên thực tế không đạt được nhiều giá trị hiệu quả.
Phát biểu của ông Vũ Khoan được nhiều cơ quan truyền thông đăng tải, theo đó cho tới nay Việt Nam vẫn chưa hình thành được hệ thống các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Dệt may và gia dày phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu gần hết trị giá xuất khẩu. Sự lệ thuộc nguyên phụ liệu nứơc ngòai không những làm cho tiền lãi thực sự không bao nhiêu, mà còn khiến sản phẩm dệt may Việt Nam khó cạnh tranh. Như phát biểu của ông Lê Quốc Ân , chủ tịch Hiệp Hội Dệt May VN ở Hà Nội:
“Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hòan tòan lệ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu, nên thực hiện đơn hàng bị chậm, khó lòng cạnh tranh với các nứơc khác mà công nghiệp dệt may của họ chủ độ nguồn hàng nguyên phụ liệu.”
Theo VNExpress, giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu cho 2 nhóm sản phẩm dệt may, da giày chiếm tỷ lệ tới gần 70% kim ngạch xuất khẩu. Nói cho dễ hiểu để xuất khẩu 5 tỷ đôla hàng dệt may và da giày, thì các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu 3 tỷ rưỡi đô la nguyên phụ liệu. Đối với dệt may thì đó là vải, chỉ, nút, giây kéo, nhãn mác và nhiều thứ linh tinh khác.
Có những con số được nêu ra khiến nhiều người giật mình, nhưng với các doanh nghiệp xuất khẩu thì đây là một thực tế lọai chuyện thường ngày. Chẳng hạn như ngành da giày cho biết cứ 5 đôla xuất khẩu thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực lãi vài chục cent.
Đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu, một ngành hàng đang lên cũng vậy, mục tiêu ngấp nghé 1 tỷ đôla không là chuyện khó, nhưng nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu tới 50%.
Một trong các vấn đề trọng yếu được Hội Nghị Thương Mại Hà Nội mổ xẻ, đó là sự kiện nền xuất khẩu của Việt nam rất dễ bị tổn thương. Theo VietnamNet, trong số 26 tỷ rưỡi đôla tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2004, 6 mặt hàng dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử, linh kiện máy tính và sản phẩm gỗ đã chiếm tới 66%. Tờ báo trích lời thứ trưởng thương mại Phan Thế Ruệ nhìn nhận rằng, việc phụ thuộc vào một số ít nhóm hàng hóa như trên làm cho nền xuất khẩu của Việt Nam dễ bị tổn thương khi thị trường thế giới có biến động.
Các bài liên quan
- Điểm báo trong nứơc trên mạng Internet (ngày 26-2-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 12-2-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 5-2-2005)
- Ðiểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 22-1-2005)
- Ðiểm báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 8-1-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 1-1-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 18-12-2004)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 11-12-2004)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 3-12-2004)
- Đọc báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 20-11-2004)