Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 23-4-2005)


2005.04.24

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Sự kiện chính phủ Việt Nam nhìn nhận dịch cúm gia cầm đang tồn tại một cách nguy hiểm, và đưa một kế hoạch đối phó dài hạn kéo dài tới năm 2010, được xem là một quyết định mang tính công khai và can đảm. Chương trình triệt tiệt tiêu hoàn toàn dịch cúm H5N1 gây ra một ảnh hưởng rất lớn về kinh tế xã hội ở Việt Nam. Do tầm quan trọng như vừa đề cập, chúng tôi xin dành trọn chương trình đọc báo trong nứơc tuần này để tổng hợp vấn đề vừa nói.

Thông tin rõ ràng về dịch bệnh

Đọc các báo trong nước, chúng tôi ghi nhận là hồi gần đây khuynh hướng nói thẳng nói thật về dịch cúm gia cầm ở Việt Nam có vẻ thắng thế. Có một thời gian dài báo chí trong nước đâm ra thận trọng, sau khi chính phủ yêu cầu là không được thổi phồng thông tin về dịch cúm gia cầm. Trong một chỉ thị của mình, thủ tứơng Phan Văn Khải còn nói thẳng rằng nhà báo sẽ phải chịu trách nhiệm nếu đưa tin sai.

Sau một thời gian chỉ loan báo các thông tin chính thức liên quan tới các ca tử vong, tới người bệnh nhiễm cúm H5N1 nhập viện, kèm theo thông tin bản đồ dịch cúm gia cầm thu hẹp dần gần như là sắp hết dịch. Rất bất ngờ, ngày 13/4 vừa qua báo Tuổi Trẻ đưa lên mạng một bài viết có thể gọi là gây sốc đối với dư luận. Đó là chuyện 71% mẫu xét nghiệm huyết thanh đàn vịt và 21% đàn gà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dương tính với vi rút cúm H5.

Thông tin này, bắt nguồn từ một phiên họp giao ban định kỳ vào tháng 3/2005 của ngành thú y 11 tỉnh thành phố miền Tây, ngoại trừ Long An Tiền Giang và Bến Tre. Theo chỉ đạo đã có từ trước của chính phủ, một đàn gia cầm thuỷ cầm phải bị tiêu huỷ nếu như có xét nghiệm huyết thanh dương tính H5.

Điều này có nghĩa từ 10 triệu tới 20 triệu thuỷ cầm gia cầm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng bị tiêu huỷ để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát lây lan. Tuy nhiên điều này không thể làm được vì không có đủ kinh phí và nông dân cũng không chấp nhận, do gà vịt của họ không có biểu hiện bên ngoài là nhiễm cúm, chưa rù chưa toi.

Hội nghị phòng chống cúm gà

5 ngày sau thông tin của báo Tuổi Trẻ, ngày 18/4 tại Hà Nội diễn ra hội nghị tổng kết phòng chống dịch cúm gia cầm, chính phủ VN nhìn nhận cuộc chiến đấu chống dịch cúm gia cầm là một chương trình quốc gia dài hạn. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng hồi tháng 4 năm 2004, do những lợi ích về kinh tế và chính trị, VN vội vã công bố là đã không chế dịch cúm gia cầm, bất chấp khuyến cáo của đại diện Y tế Thế Giới và Lương Nông Quốc Tế ở Hà Nội. Lần này Hà Nội đã sửa sai thái độ vừa nói và được dư luận đánh giá cao.

Đọc các báo trên mạng, chúng tôi thấy gần như chỉ có một mình Vietnam Net chú ý tới vấn đề đây là một kế hoạch lâu dài, bài báo mang tựa đề ‘Nỗ Lực Thanh Toán Bệnh Cúm Gia Cầm Vào Năm 2010’. Nhà báo trích phát biểu của thứ trưởng NNPTNT Bùi Bá Bổng đề ra giai đoạn hai năm 2006-2007 để khống chế bệnh cúm gia cầm H5N1 trên toàn quốc, tiến tới thanh toán hoàn toàn dịch bệnh vào giai đoạn 2008-2010.

Nhiều biện pháp mạnh được thực hiện

Để thực hiện kế hoạch vừa nói một loạt các biện pháp mạnh được đề cập tới trong đó có việc nghiêm cấm chăn nuôi thuỷ cầm theo phương thức chăn thả tự do. Dân gian gọi là vịt chạy đồng như lời giải thích của một chủ trại miền Tây.

Quyết định vừa nói phá vỡ truyền thống lâu đời ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Theo VNExpress bản tin ngày 18/4, Ông Nguyễn Thiện Nhân phó chủ tịch UBNDTP.HCM phát biểu tại hội nghị rằng, vịt mà không thả xúông nứơc thì không còn là vịt’.

Nuôi chăn thả tự do cho chạy đồng, thì với kinh rạch chằng chịt ở miền Tây, những đàn vịt nhiều ngàn con thường xuyên di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Tỉnh An Giang có 2 triệu con vịt nhưng hiện nay có khách vãng lai khoảng 1 triệu con vịt khác từ các tỉnh lân cận chạy đồng sang kiếm ăn.

Các biện pháp ngắn hạn được hội nghị loan báo, bao gồm việc từ nay đến cuối năm 2005, tạm ngừng ấp trứng sản xuất con giống và gầy mới đàn thuỷ cầm như vịt ngan ngỗng cũng như chim cút. Nông dân cả nứơc hoang mang trứơc tin này. Một chủ trại ấp vịt giống ở miền Tây cho biết chuẩn bị giải nghệ.

80% huyết thanh dương tính

Theo các báo trên mạng, Viện Thú Y Việt Nam báo cáo trứơc hội nghị 18/4 tại hà Nội rằng, hiện nay tỷ lệ huyết thanh dương tính ở đàn vịt vùng đồng bằng Cửu Long đã lên tới 80%. Chuyên gia dịch tễ của Viện, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng đề nghị giải pháp nuôi vịt nhốt, vì theo ông vịt là ổ dự trữ vi rút H5N1 lâu dài, mang vi rút mà không phát bệnh. Loài vịt có thể là nguy cơ khiến dịch bùng phát bất cứ lúc nào khi chúng lây lan vi rút qua gà.

Tham dự hội nghị 18/4 tại Hà Nội, phó thủ tứơng Nguyễn Tấn Dũng để ngỏ khả năng phải tổng tiêu huỷ đàn vịt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Dũng hứa là chính phủ sẽ nâng mức trợ cấp gà vịt bị tiêu huỷ cho nông dân. Mức đền bù hiện nay ở trong khoảng từ 5 tới 10 ngàn đồng một con vịt hay gà là qúa thấp.

Đối với vấn đề xử lý vịt mang huyết thanh dương tính, ông Hoàng Văn Năm trưởng phòng dịch tễ Cục Thú Y, giải thích thêm với đài chúng tôi sau khi ông dự hội nghị 18/4:

Đổi mới hệ thống chăn nuôi

Ngày 21/4 VNExpress loan tải chi tiết đề án đổi mới hệ thống chăn nuôi gia cầm, nhằm thanh toán dịch bệnh và phát triển bền vững. Bộ NNPTNT dự kiến đầu tư 670 tỷ đồng để thực hiện đề án, mà nếu thành công sẽ đưa giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm đạt 20 ngàn tỷ đồng vào năm 2010.

Theo đó trong tương lai gần, trên toàn quốc sẽ chấm dứt tình trạng nuôi phân tán, chuyển từ qui mô nhỏ sang sản xuất hàng hoá lớn theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trên cơ sở có qui hoạch vùng chăn nuôi hàng hoá tập trung tại từng địa phương.

Vẫn theo VNExpress, sẽ có thay đổi lớn về ứng dụng khoa học kỹ thuật liên quan tới giống, thức ăn, thú y, qui trình nuôi dưỡng. Việc phát triển chăn nuôi gia cầm phải gắn liền với thị trường tiêu thụ với công nghệ giết mổ, chế biến tập trung tại một số vùng và địa phương.

Chúng tôi nhận thấy rằng, đây là một đề án cực kỳ khó khăn với tập quán chăn nuôi và thói quen buôn bán chợ búa của người Việt Nam. Và không hiểu 8 triệu nông dân ở thôn quê, sẽ có bị cấm nuôi gà vịt ở vườn nhà mình hay không.

Bộ NNPTNT xây dựng đề án vừa nói, ứơc tính lạc quan rằng vào năm 2010, tổng đàn gia cầm sẽ đạt khoảng 360 triệu con, khối lượng thịt 600 ngàn tấn, sản lượng trứng 7,4 tỷ quả mỗi năm.

Vẫn theo VNExpress, ngân khoản 670 tỷ dự kiến chi tiêu vào một số dự án trọng điểm như di dời và mở rộng qui mô cơ sở giống gia cầm, tài trợ xây dựng thí điểm cơ sở giết mổ chế biến gia cầm tập trung. Tài trợ sử dụng vắc xin cúm gia cầm, đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm, tăng cường năng lực kiểm tra giám sát thú y.

Hiện nay Việt Nam đang tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa cúm tên một số đàn gia cầm. Chuyên gia dịch tễ cục thú y ông Hoàng Văn Năm cho biết.

Nguy cơ truyền nhiễm trong cộng đồng

Trở lại nội dung hội nghị 18/4 tại Hà Nội, các báo mạng trích phát biểu của ông Trần Chí Liêm thứ trưởng bộ y tế, theo đó ông cảnh báo rằng, có nhiều trường hợp người lành mang vi rút H5N1 mà không bị phát bệnh, không có triệu chứng lâm sàng.

Sự kiện này theo thứ trưởng Liêm là một nguy cơ về khả năng truyền nhiễm vi rút trong cộng đồng. Trong ba đợt dịch từ cuối năm 2003 tới nay có 71 trường hợp bệnh nhân xác định là nhiễm cúm H5N1, trong đó 37 ca tử vong.

Chúng tôi xin trích dẫn thông tin của Reuters đánh đi từ Hà Nội khi tường thuật về hội nghị 18/4. Reuters đặt tựa bài xin tạm dịch là ‘Vietnam hiểu chống cúm gia cầm là một cuộc chiến lâu dài”.

Trong bài Reuters viết, điều mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới quan ngại là vi rút có thể biến đổi thành một chủng mới, có khả năng lây từ người này sang người khác, khi ấy sẽ là một đại dịch cúm toàn cầu với số thiệt mạng từ 50 tới 100 triệu người.

Trưởng Văn Phòng WHO ở Hà Nội, ông Hans Troedson nói rằng, thế giới đối diện một tình trạng nghiêm trọng không riêng gì ở Việt Nam, mà ở khắp các vùng xảy ra dịch cúm gia cầm. Ông đưa một thí dụ la 2nếu vi rút biến chủng, 20 người đầu tiên nhiễm bệnh sẽ có thể truyền nhiễm cho 800 người trong vòng 10 ngày. Rồi thì chỉ sau một thời gian ngắn thế giới sẽ phải gánh chịu một thảm hoạ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.