Điểm báo Trong nước trên mạng Internet (ngày 7-5-2005)
2005.05.08
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Sau dư âm của ngày kỷ niệm 30 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, tuần này các báo trên mạng tập trung cho kỳ họp thứ 7 quốc hội khoá 11 khai mạc hôm mồng 5-5 tại Hội Trường Ba Đình Hà Nội. Ngoài ra chúng tôi cũng điểm qua chuyến viếng thăm chính thức nước Úc của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải.
Đổi mới hoạt động báo chí?
Thật thú vị khi ghi nhận sự chuyển biến khá tích cực về mặt nghiệp vụ của các nhà báo trong nước. Các báo nay chú trọng nhiều hơn về các thông tin bên lề phiên họp quốc hội, thay vì chỉ tường thuật phiên họp chính thức đang diễn ra.
Hai tờ báo điện tử lớn nhất Việt Nam hướng trọng tâm vào vấn đề mức sống giá cả và lương bổng. VietnamNet phỏng vấn đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đơn vị Bắc Giang trước phiên khai mạc, ông Ngoạn đặt vấn đề ‘báo cáo của chính phủ phải sòng phẳng, minh bạch, đời sống của dân tăng ở đâu, đối tượng nào tăng, ai thụt lùi.’ Vị đại biểu đơn vị Bắc Giang nói rằng ông không đồng tình với nghị trình lần này, vì quốc hội không thảo luận ở hội trường về kinh tế xã hội.
Báo cáo của chính phủ phải sòng phẳng, minh bạch, đời sống của dân tăng ở đâu, đối tượng nào tăng, ai thụt lùi?
Ông Trọng Ngoạn nói rằng, chính phủ báo cáo năm 2004 tăng trưởng GDP tức tổng sản phẩm nội địa đạt 7,7%, con số này làm nức lòng nhiều người. Nhưng ông phê phán thẳng vào vấn đề rằng, cần đánh giá kỹ, nhà nứơc nói tăng trưởng kinh tế tăng lương, nhưng giá hàng hoá cũng tăng ghê gớm, vậy thì cần đánh giá là với ba bốn cái tăng như vậy thực tế đời sống của dân có được nâng lên hay không.
Đại biểu Ngoạn cho rằng, báo cáo của chính phủ phải có sự hạch toán sòng phẳng, minh bạch, thử hỏi đời sống của dân tăng ở đâu, các nhu cầu ăn, ở, đi lại chữa bệnh có được nâng cao hay không. Hãy làm rõ đối tượng nào được tăng, thành phần nào chưa được hưởng lợi, những nhóm dân chúng nào bị thụt lùi.
Đại biểu Ngoạn kể với VietnamNet rằng, mới đây ông đi giám sát ở Quảng Ngãi và phải giật mình vì huyện uỷ Tây Trà báo cáo bằng văn bản rằng tình trạng đói nghèo ở huyện này lên tới 83%. Đại biểu Ngoạn chứng kiến dân nghèo quá toàn nhà tranh dột nát, ông kể lại đã sững sờ khi thăm các xã của Huyện Tây Trà mà lòng chạnh nghĩ, bao nhiêu năm rồi mà vẫn thế này.
Trên thực tế tỉnh Quảng Ngãi báo cáo tỷ lệ nghèo toàn tỉnh là 11%, ở thị xã tỷ lệ nghèo chỉ có 7%. Như vậy đã có sự chênh lệch rất lớn trong mức sống của người dân Quảng Ngãi. Ông Ngoạn cho rằng chính quyền tỉnh đã đầu tư quá mức vào thị xã mà coi nhẹ các vùng sâu vùng xa. Ông Ngoạn còn báo động về lối sống xa đọa phát triển nhanh trong lớp trẻ thành thị, nhà nứơc lãng phí, nạn tham nhũng lên đến mức báo động.
Cũng trên VietnamNet, ông Nguyễn Đức Kiên chủ nhiệm uỷ ban kinh tế ngân sách quốc hội nhận định rằng ‘giá cả đã như nứơc tràn miệng cốc’. Ông Kiên cho rằng giữ được mức tăng giá 6,5% trong năm 2005 là cả một thử thách, còn chuyện tăng lương trên thực tế có nhiều người làm công ăn lương bị giảm thu nhập. Theo ông Kiên chính phủ không đạt được mục tiêu ngay bứơc đầu cải cách khi thực hiện chính sách mới về tiền lương.
Cùng một đề tài, VNExpress trích phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên, theo đó lương tăng không theo kịp mức trượt giá.
Bên lề kỳ họp Quốc hội
Thưa quí thính giả, phỏng vấn bên lề phiên họp quốc hội vẫn được các báo chú trọng, mặc dù hồi đầu năm chánh văn phòng Qúôc Hội đã thông báo là phóng viên nhà báo không được xâm nhập khu vực giải lao của đại biểu để phỏng vấn trực tiếp. Thay vào đó phải đưa phiếu yêu cầu để đoàn đại biểu các tỉnh cử người trả lời. Xem ra việc hạn chế quyền hành nghề của nhà báo không thực hiện được.
Dự án Dung Quất thể hiện sự lãng phí lớn nhất về thời gian, và gây ra nhiều thiệt hại về vật chất. Dự án này chậm trễ 7 năm trong triển khai... Nguyên nhân của sự lãng phí là do tầm nhìn cục bộ.
Trong số các thông tin bên lề, tờ Thanh Niên Online trích ý kiến đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhà sử học nổi tiếng Dương Trung Quốc về dự án Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất. Đây cũng là một nội dung được quốc hội xem xét trong phiên họp hiện nay. Ông Dương Trung Quốc nhận định rằng, dự án Dung Quất thể hiện sự lãng phí lớn nhất về thời gian, và gây ra nhiều thiệt hại về vật chất. Dự án này chậm trễ 7 năm trong triển khai, mà theo ông Dương Trung Quốc nguyên nhân của sự lãng phí là do tầm nhìn cục bộ.
Ông Quốc nhận định rằng, quyết định lựa chọn địa điểm chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những giải pháp mà về sau gặp phải những vấn đề rất phức tạp. Ông Dương Trung Quốc chua chát đặt câu hỏi là không biết VN sẽ còn phải trả giá thế nào nữa về tình trạng dự án Dung Quất. Ông Quốc thêm rằng lần này nếu quốc hội có ra nghị quyết thì cũng chỉ thúc giục cho nhanh, hiệu quả hơn chứ chưa chắc đã bàn đến việc đặt đúng chỗ của nó vì VN đã lỡ đầu tư quá nhiều vào hạ tầng rồi.
Khi xem những lời này, người đọc báo hiểu rằng, các đại biều quốc hội Việt Nam nhìn nhận Dự Án Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất là một thứ bỏ thì thương vương thì tội.
Nhà sử học Dương Trung Quốc vốn là người dám thẳng thắn phê bình đã tuyên bố với báo Thanh Niên rằng, điều đáng tiếc là Việt nam tuy thống nhất nhưng tư duy vẩn còn bị hằn lên những dấu ấn của lịch sử.Theo ông Quốc lẽ ra nền kinh tế phải là nền kinh tế thống nhất , thì vẫn còn những tính toán chưa thể hiện tính thống nhất ấy. Theo ông, không nhất thiết phải chọn những giải pháp ưu tiên cho vùng này, vùng kia mà bỏ qua những yếu tố hết sức kinh tế, những yếu tố khách quan.
Bao giờ Dung Quốc mới lọc được dầu?
Thanh Niên Online, dự án Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất được quốc hội khoá 10 thông qua năm 1997 với vốn pháp định đầu tư sau điều chỉnh là 1 tỷ rưỡi đô la, nhiều năm sau đó nhà nứơc tốn kém hàng triệu đô la trong việc lập luận chứng kinh tế khả thi. Tuy nhiên 3 ba nhà thầu nứơc ngoài đều lần lượt bỏ cuộc, đó là tập đoàn Total Pháp, Petronas Malaysia và mới đây là Zarubejnev của Nga.
Theo dự kiến ban đầu thì nhà máy Dung Quất sẽ hoàn tất năm 2001 và năm 2002 thì đi vào hoạt động, theo Thanh Niên online nếu theo tiến độ hiện nay thì đến năm 2009 nhà máy lọc dầu Dung Quất mới có thể đi vào hoạt động.
Không chắc chắn năm 2009 nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ bắt đầu lọc được dầu...
Tuy vậy, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn nói với Thanh Niên Online rằng, không chắc chắn năm 2009 Dung Quất sẽ lọc được dầu. Ông Ngoạn thêm rằng, cảng biển Dung Quất quá nông, cát từ sông Thu Bồn liên tiếp bồi vào khu vực này. Theo ông Ngoạn cảng dầu khi phải là một cảng nứơc sâu và lớn cho tàu dầu vô ra. Ông Ngoạn cho rằng cơ quan nào của chính phủ đề xuất dự án Dung Quất phải chịu trách nhiệm.
Thưa qúi thính giả, về mặt chính thức kỳ họp thứ bảy quốc hội khoá 11 hiện nay là nhằm xem xét và thông qua 11 bộ luật, 1 nghị quyết. Đồng thời thảo luận 12 dự luật khác. Đây là công tác chủ yếu của quốc hội, nhằm phục vụ nhu cầu đàm phán xin gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO.
Thủ tướng Việt Nam thăm Úc
Phần còn lại của mục điểm báo trên mạng kỳ này xin dành cho chuyên công du nứơc Úc từ 4 tới 7/5 của thủ tứơng Việt Nam ông Phan Văn Khải.
Tất cả các báo điện tử đều có đăng thông tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, nói rằng chuyến viếng thăm của ông Khải tạo động lực đưa quan hệ hợp tác Việt nam Úc phát triển lên một bứơc mới phù hợp với mong muốn và lợi ích của hai quốc gia.
Các báo trong nứơc không đưa tin là người Việt cư trú tại Úc đã tổ chức biểu tình phản đối khi thủ tứơng Phan Văn Khải tới Canberra.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Tâm một trong những người cổ vũ cho cuộc biểu tình mà ông xác định là qui tụ khoảng 800 người VN phát biểu với đài chúng tôi:
Chúng tôi có hai câu nói muốn chia xẻ là chính phủ Úc phải dùng tài trợ để áp lực với nhà cầm quyền Hà Nội trong vấn đề nhân quyền; thứ hai là muốn nói với phái đoàn ông Phan Văn Khải là lề lối cai trị không phù hợp.
“Chúng tôi đến đây tham dự với tư cách là thành viên cộng đồng và là thành viên ban tổ chức. Hiện có 800 nguời từ khu vực Đông Australia về tham gia cuộc biểu tình. Chúng tôi đang tập trung truớc tiền đình quốc hội Australia.
Chúng tôi có hai câu nói muốn chia xẻ là chính phủ Úc phải dùng tài trợ để áp lực với nhà cầm quyền Hà Nội trong vấn đề nhân quyền; thứ hai là muốn nói với phái đoàn ông Phan Văn Khải là lề lối cai trị không phù hợp”.
Được biết trao đổi thương mại hai chiều giữa Úc và Việt Nam đạt 2 tỷ 300 triệu đô la trong năm 2004. Nứơc Úc là đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Các tin, bài liên quan
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 23-4-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng internet (ngày 9-4-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng internet (ngày 2-4-2005)
- Ðiểm báo trong nước trên mạng Internet
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 5-3-2005)
- Điểm báo trong nứơc trên mạng Internet (ngày 26-2-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 12-2-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 5-2-2005)
- Ðiểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 22-1-2005)
- Ðiểm báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 8-1-2005)