Nguyên nhân của làn sống đình công lan rộng trên toàn quốc


2006.03.04

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Báo chí Việt Nam tiếp tục đưa tin về làn sóng đình công lan rộng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên toàn quốc. Tại sao vấn đề nhức nhối này mãi chưa được giải quyết, đây là đề tài chúng tôi chọn điểm báo trên mạng hầu quí thính giả.

StrikeDinhcong200.jpg
Làn sóng đình công lan rộng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên toàn quốc.

Nếu tính từ trước tết nguyên đán đến nay, những cuộc đình công của công nhân Việt Nam ở cả khu vực đầu tư nước ngoài lẫn nội địa đã lên đến trăm vụ. Riêng trong tuần lễ kết thúc ngày 2 tháng 3, số cuộc đình công ở miền đông nam bộ cũng đến non hai chục.

Ở cuộc đình công vài trăm người cho đến bảy tám ngàn người, yêu sách của người lao động vẫn chỉ là một yêu cầu cấp bách và chính đáng, tăng lương, cải thiện chế độ lao động và phúc lợi. Báo chí ghi nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp vốn nước ngoài, chưa bắt đầu áp dụng mức lương tối thiểu mới, dù thời điểm 1 tháng 2 theo qui định của chính phủ Việt Nam đã qua đi.

Một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội, ông Đỗ Gia Bính nhận định về vấn đề đình công như sau: “Từ đầu năm tới nay các cuộc đình công tại các xí nghiệp liên doanh và 100% vốn nước ngoài phát triển ồ ạt từ nơi này sang nơi khác, nó là một làn sóng không thể ngăn lại được.

Theo tôi chính phủ Việt Nam cũng muốn là công nhân đình công hợp pháp, thế nhưng công nhân nhiều khi chẳng tuyên bố chẳng đăng ký và cứ đình công. Nguyên nhân của nó là vì giới chủ nước ngoài vào Việt nam đầu tư, giá nhân công của Việt Nam vốn đã rẻ rồi mà họ còn trả rẻ đến mức người lao động không sống nổi…”

Liên khúc đình công

Tờ Thanh Niên ngày 2 tháng 3 đưa lên mạng bài tường thuật mang tựa “ Liên khúc đình công”, theo đó hàng vạn công nhân ở hai khu công nghiệp Biên Hoà 2 và Amata tỉnh Đồng Nai gần một tuần qua đã sống trong cảnh của những người thất nghiệp. Họ đình công để đòi tăng lương.

Khởi đầu từ một công ty, cho đến nay tình trạng đình công đã lan sang hơn 10 công ty khác. Bài báo cho biết cuộc đình công ở khu công nghiệp Biên Hoà 2 bắt đầu từ thứ sáu 24/2 ở các công ty Fujitsu, Mabuchi Motor vốn đầu tư Nhật bản, Tainan và Việt Tường của Đài Loan.

Thanh Niên Online có lẽ là tờ báo duy nhất, tường thuật về tình trạng xảy ra bạo động trong cuộc đình công qui tụ tới 7 ngàn công nhân ở công ty Mabuchi Motors. Tờ báo trích lời kể của công nhân nói rằng, hai ông quản lý tát tai một nữ công nhân, nhốt lại không cho ra…hoặc như chuyện một ông trưởng phòng đánh công nhân chảy máu đầu.

Theo đó các ông xếp đánh công nhân bằng dây lưng, que cũng như thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Theo tờ báo mâu thuẩn lên đến đỉnh điểm khi một số nam công nhân tìm cách lọt vào trong công ty đòi trả đũa mấy ông quản lý người Việt. Cơ quan công an đã phải cho người vào ngồi tận trong sân để giữ trật tự.

Ảnh hưởng đến khuynh hướng đầu tư trong tương lai

Những cuộc đình công ở công ty máy tính Fujitsu, công ty linh kiện điện tử Mabuchi Motors ở Khu Công Nghiệp Biên Hoà 2, cũng như công ty may mặc Quarill và N.O.K Khu Công Nghiệp Đồng Nai, liên quan tới các nhà đầu tư Nhật Bản. Các cuộc đình công xảy ra trước chuyến thăm Việt Nam của ông Okuda Hiroshi, chủ tịch Nippon Keidanren tức Liên Đoàn Các Tổ Chức Kinh Tế Nhật Bản.

Tại Hà Nội từ hôm 1/3 doanh nhân tầm cỡ này đã lần lượt gặp gỡ chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương, tổng bí thư Nông Đức Mạnh và các giới chức chính phủ Việt Nam. Các báo điện tử trong nước đưa tin vừa nói nhưng không đề cập tới một nội dung quan trọng.

Theo tin thông tấn xã Kyodo, trong buổi tiếp kiến ông Okuda Hiroshi, chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương đã ngỏ lời xin lỗi vị chủ tịch Liên Đoàn Các Tổ Chức Kinh Tế Nhật Bản, về tình trạng công nhân Việt Nam đình công hàng loạt tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản.

Ông Trần Đức Lương hứa là chính phủ Việt Nam sẽ vào cuộc để giúp giải quyết các tranh chấp bắt nguồn từ tiền lương. Theo tin này, ông Trần Đức Lương nói với vị khách Nhật bản rằng, chính phủ Việt Nam đã không nhận thức đúng mức về tính nghiêm trọng của vấn đề.

Riêng tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 2 tháng 3 đã đưa lên mạng bài phỏng vấn ông Okuda Hiroshi. Trước câu hỏi phải chăng các cuộc đình công ở Việt Nam hiện nay sẽ là trở ngại cho dòng vốn đầu tư từ Nhật bản, vị chủ tịch Liên Đoàn Các Tổ Chức Kinh Tế Nhật Bản trả lời rằng, nhà nước Việt Nam nên có sự can thiệp tốt để sớm giải quyết vấn đề vì đây là điều hết sức quan trọng.

Ông Hiroshi cho rằng giới chủ cũng như giới thợ cần ngồi lại với nhau để thảo luận và giải quyết vấn đề cho tốt đẹp. Theo Tờ báo, ông Hiroshi nhấn mạnh rằng ông được các nhà lãnh đạo Việt Nam cho biết là họ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và sẽ cố gắng để giải quyết vấn đề cho tốt.

Vẫn theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, ông Okuda Hiroshi nói là các diễn biến hiện nay không có ảnh hưởng gì xấu đối với khuynh hướng đầu tư trong tương lai.

Quyền lợi của công nhân

Ngoài các cuộc đình công lớn ở Đồng Nai xảy ra cho hơn chục công ty nước ngoài, ở khu công nghiệp Trảng Bàng Tây Ninh, hàng trăm công nhân công ty Thời Ích 100% vốn Đài Loan cũng đình công kéo dài 1 tuần tính đến ngày 1/3, và cũng như mọi nơi khác yêu sách của công nhân là vấn đề tăng lương.

Theo VN Express, 500 công nhân công ty liên doanh chế biến gỗ Bilico ở Bình Đa Biên Hoà cũng đình công từ ngày 25/3.

Theo báo Tuổi Trẻ Online, làn sóng đình công cũng lan ra các doanh nghiệp vốn trong nước, hàng ngàn công nhân 4 công ty Việt Nam ở Thủ Đức, Bình Chánh và Hốc Môn đã đình công, nhưng tới ngày 1/3 thì đi làm lại, do được công ty hứa thực hiện kiến nghị.

Tuy vậy theo Lao Động điện tử, tại Thủ Đức 300 công nhân xí nghiệp chế biến gỗ thuộc công ty cổ phần Upexim đã đình công gần 1 tuần lễ tính đến ngày 1/3. Công nhân phản ảnh là 10 năm qua chưa được một lần tăng lương, công ty này trả lương công nhật 27 ngàn một ngày, người mới vào chỉ trả 12 ngàn, thời gian bị xem là học việc kéo dài từ 6 tháng tới 1 năm.

Công ty Upexim hoạt động theo giấy phép vốn đầu tư trong nước, nhưng công nhân cho là trá hình vốn Đài Loan, vì họ ghi nhận rằng xí nghiệp chế biến gỗ hoàn toàn do người Đài Loan trực tiếp quản lý điều hành và trả lương công nhân.

Theo tờ Lao Động, sự việc đáng buồn trong cuộc đình công ở Upexim là các cơ quan chức năng địa phương, không bảo vệ quyền lợi công nhân, không vận động chủ Đài Loan tăng lương, ngược lại chỉ xoa dịu công nhân và khuyên người lao động cam tâm chấp nhận mức lương cũ, ai không chịu thì phải nghỉ việc.

Phúc lợi thấp kém

Ngoài chuyện lương thấp, phúc lợi của công nhân Việt Nam nói chung là rất thê thảm vì thế làn sóng đình công xảy ra là điều tất yếu. Báo Người Lao Động điện tử ngày 1/3 có bài phóng sự mang tựa “ Cơm công nhân: Mới nghe đã sợ.”

Tờ báo viết, hiện nay bữa ăn của công nhân tại nhiều doanh nghiệp chỉ trong khoảng từ 3 ngàn đồng tới 4 ngàn đồng một suất nhưng lại còn bị bớt xén. Thực tế là trong khi vật giá leo thang từng ngày nhưng định suất một bữa ăn của công nhân ở nhiều doanh nghiệp không thay đổi từ hàng chục năm qua, chỉ dao động từ 2.800 đồng tới 3.500 đồng.

Công nhân công ty giày Gia Định, một địa điểm xảy ra đình công mới đây, nói với nhà báo là cơm nuốt không nổi nhưng vẫn phải ăn để có sức mà làm. Bữa ăn ở công ty vừa nói chỉ có canh bí đỏ, rau muống chấm mắm, vài con cá khô, đôi ba bữa mới có chút thị vì định suất một bữa ăn chỉ có 3 ngàn đồng.

Báo Người Lao Động đưa ra một kết quả khảo sát cho thấy, ở các khu công nghiệp, gần 66% công nhân có nhu cầu chỗ ở, nhưng các doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng từ 4 đến 15%. Công nhân phải đi ở trọ trong điều kiện thiếu vệ sinh và không cả những tiện nghi tối thiểu, do thu nhập của họ quá thấp. Một vấn đề nữa theo tờ báo, ngoài khó khăn chỗ ở, lao động ngoại tỉnh lại còn thiếu đời sống tinh thần, không có giải trí hoặc bất kỳ thiết chế văn hoá nào.

Tờ báo cũng trích lời ông Nguyễn Hoà Bình, phó chủ tịch tổng liên đoàn lao động Việt Nam nói rằng, một số chủ doanh nghiệp triệt để tận dụng những bất cập của pháp luật lao động để ép công nhân làm thêm giờ và trả lương thấp, nhất là với doanh nghiệp dệt may, da giày.

Thưa quí thính giả, với tình hình đình công lan rộng khắp nơi chưa hiểu chính phủ Việt Nam sẽ vận dụng biện pháp nào, để ổn định tình hình. Thế nhưng theo các báo, yêu cầu bức thiết hiện nay của công nhân là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài phải nghiêm chỉnh áp dụng mức lương cơ bản tối thiểu của chính phủ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 vừa qua.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.