Việt Nam gia nhập WTO qua ngôn ngữ đời thường


2006.11.18

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Tư cách thành viên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Việt Nam theo dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng 12/2006, ba mươi ngày sau khi quốc hội VN phê chuẩn nghị định thư.

Đối với những công dân VN bình thường, công tư chức, tiểu thương, người lao động và nông dân, ba chữ WTO bây giờ đã nghe quen nhưng ý nghĩa về nó thì thực là mơ hồ, ít người hiểu được vì sao Nhà nứơc lại phải nỗ lực hết sức để tham gia.

“Mình hiểu biết không bao nhiêu, thành ra nghĩ rằng còn phải chờ thời gian trả lời, chứ nó không dễ dàng và không đơn giản đâu, còn phải qua nhiều giai đoạn thử thách nữa. Tôi nghĩ rằng đây là vinh dự cho VN được vào WTO, nhưng khi vào rồi nó làm sao thì ai mà biết trứơc được.”

Những lời vừa rồi là của ông Sáu trọng một nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng. Trong ý nghĩa vừa nói, mục Đọc Báo Trên Mạng tuần này, chúng tôi chọn đọc một trong những bài viết hiếm khi thấy trên báo chí VN, diễn giải câu chuyện WTO với ngôn ngữ đời thường, tác giả bài báo là luật sư Nguyễn Ngọc Bích thuộc câu lạc bộ chuyên viên của Thời Báo Kinh Tế Saigon.

Có lẽ luật sư Nguyễn Ngọc Bích đã chọn ngôn từ dễ hiểu nhất để phục vụ đối tượng độc giả báo Phụ Nữ. Tờ Tuổi Trẻ Online đưa bài này lên mạng với tựa Việt Nam vào WTO: Được gì, lo gì. Phần dẫn nhập khá thú vị, luật sư Bích viết: Ta tưởng tượng trên sân chơi có hai nhóm trẻ, một nhóm lớn có gần 150 em chơi với nhau, trong khi có một nhóm nhỏ độ 20 em đứng lẻ tẻ bên ngoài.

Vì nhóm lớn có luật chơi của nó nên em bé riêng lẻ muốn tham gia nhóm ấy phải từ bỏ một số thói quen của mình, chấp nhận luật chơi chung cho đến mức độ thoả mãn các yêu cầu của nhóm kia. Nhóm kia là WTO, còn em nhỏ là Việt Nam.

Đối với câu hỏi Vào WTO để làm chi. Luật sư Nguyễn Ngọc Bích giải đáp rằng, một nước muốn phát triển thì phải gia tăng mức sản xuất về hàng hoá và dịch vụ để ai cũng có công ăn việc làm, đồng lương khấm khá, có mua có sắm, có để dành cho con cháu. Múôn vậy phải trao đổi hàng hoá và dịch vụ của mình với các nứơc khác, mua nguyên liệu của họ, bán sản phẩm của mình hay ngược lại.

Tác giả thêm rằng, nếu khi việc buôn bán như thế mà bị 1, 2 nứơc nào đó ách lại, chỉ cho hàng nứơc mình nhập vào họ theo hạn ngạch hay phải có giấy phép khi nhập khi xuất, hay đánh thuế quan cao thì việc thương mại sẽ bị kẹt. Đây chính là các biện pháp bảo hộ mậu dịch.

Tác giả giải thích cho độc giả Báo Phụ Nữ rằng, WTO tức Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, khi VN chưa gia nhập có 149 nứơc hội viên. Các nứơc hội viên mua bán với nhau theo các nguyên tắc tối huệ quốc, đối xử quốc gia mà VN cứ đứng ngoài thì sẽ bị bỏ rơi về mặt kinh tế và phát triển.

Những giải thích về việc VN gia nhập WTO bằng ngôn ngữ đời thường trên Báo Phụ Nữ được nhiều người cho là rất hữu ích và nên được phổ biến rộng rãi. Bởi vì đa số ngừơi dân bình thường hiểu về việc gia nhập WTO một cách hết sức đơn giản như người phụ nữ ở quận 10 TP.HCM:

“Tụi tôi cho là sẽ được mua đồ rẻ hơn, cuộc sống bảo đảm an toàn hơn khi chưa vào (WTO), tức là hồi xưa như kiểu trôi sông lạc chợ còn bây giờ thì được công nhận, hiểu là như thế. Mấy tháng nay mấy người nội trợ định mua cái máy gì thì bảo với nhau đừng mua vội, chờ vào WTO mua vừa rẻ vừa an toàn hơn đồ tốt hơn. Dốt như chúng tôi thì nghĩ như thế còn giỏi hơn có trình độ hơn thì họ suy luận theo kiểu khác.”

Trở lại bài viết trên Báo Phụ Nữ, sau khi giải thích vào WTO để làm gì, tác giả trả lời tiếp câu hỏi vào rồi sẽ phải làm gì. Theo luật sư Bích, đã là hội viên WTO, chính phủ VN phải làm hai việc: tiếp tục các chính sách kinh tế mà dù có là thành viên hay không vẫn phải làm, xin gọi là chính sách cơ bản. Thứ đến phải thực hiện một số công tác mới trong tư cách hội viên của WTO, đó là chính sách đáp ứng. công tác này hỗ trợ nhau, cái sau thúc đẩy cái trứơc và cái trứơc tạo điều kiện cho cái sau.

Sau hết là phần, vào WTO doanh nghiệp sẽ phải làm những gì. Tác giả dùng hình ảnh biển ở Vũng Tàu để chỉ 149 nứơc trong WTO, Việt Nam là sông Saigon và các doanh nghiệp là các loại thuyền bè đi lại trên sông Saigon. Tác giả ví von, các doanh nghiệp đang làm ăn thì chính phủ khai rộng bờ và đào sông sâu, theo yêu cầu của WTO. Việc này khiến nứơc từ biển ùa vào, sông hoà với biển. Trong tình cảnh này các doanh nghiệp thấy bị sóng đánh từ 4 phía.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích giải thích tiếp cho độc giả Báo Phụ Nữ, theo đó do việc chính phủ tạo dẹp bớt rào cản, thị trường trở nên bớt bị rào cản, một môi trường kinh doanh cạnh tranh mở ra cho mọi doanh nghiệp, hàng hoá và dịch vụ từ các nứơc ngoài ùa vào và doanh nhân thấy hàng hoá của mình bị cạnh tranh khốc liệt, liên tục giảm giá, tăng mức chiết khấu, kéo dài khuyến mãi mà bán mãi chưa hết, thu tiền về khó hơn trứơc. Tác giả gọi đó là tác động của cạnh tranh.

Ngược lại do việc các nứơc mở cửa thị trường của họ cho hàng hoá VN, mức thuế quan thấp, bỏ hạn ngạch cho hàng hoá VN bán sang nứơc họ, lấy ngoại tệ thu về, thu lời lãi để tái đầu tư mở rộng. Đây là tác động gia tăng xuất khẩu.

VN vào WTO, thì doanh nghiệp đầu tư nứơc ngoài bây giờ không còn phải trả tiền thuê đất cao hơn, tiền trả cho điện nứơc cũng không khác gì với giá dành cho doanh nghiệp trong nứơc. Doanh nghiệp VN thấy có các doanh nghiệp ngừơi nứơc ngoài xuất hiện, biến mình thành nhà cung cấp hay mua hàng của họ, hoặc là hàng của doanh nghiệp nứơc ngoài cạnh tranh với doanh nghiệp trong nứơc. Tác giả nêu những ví dụ như thế để mô tả điều gọi là Tác Động của sự sầm uất.

Điểm cuối về việc doanh nghiệp phải làm gì khi VN vào WTO được luật sư Nguyễn Ngọc Bích gọi là tác động về tăm tiếng. Tác giả viết rằng, một ngày nào đó trong môi trường cạnh tranh và bình đẳng, doanh nghiệp bỗng thấy nhãn hiệu hàng hoá của mình đã đăng ký bị người khác bắt chước, hay bỗng nhiên thấy hàng của mình đang bán bị quản lý thị trường ách lại vì có ai thưa mình vi phạm nhãn hiệu hàng hoá hay bắt chứơc kiểu dáng của họ.

Theo tác giả, trong từng tác động một doanh nghiệp sẽ phải hành động khác nhau. Tuy nhiên điểm đáng lưu ý sau khi gia nhập WTO, là bây giờ các doanh nghiệp phải đóng vai trò chính, chính quyền chỉ hỗ trợ, không thể bao biện hay quản lý như trứơc.

Cùng về điều này mời quí thính giả nghe nhận xét của ông Nguyễn Thiền Đức, Phó Viện Trưởng Viện kinh Tế TP.HCM trong dịp ông trả lời Đài RFA:

“Họ vẫn ỷ lại xưa nay, nghĩ rằng chắc Nhà nứơc không bao giờ bỏ, nhưng người ta không biết rằng Nhà nứơc không thể nào còn hỗ trợ hay bọc lót hay là đỡ đầu gì hết. Bây giờ Nhà nứơc đâu được quyền làm như vậy nữa.”

Trở lại bài viết trên Báo Phụ Nữ, luật sư Nguyễn Ngọc Bích đã kết luận bằng hình tượng như ông đã ví von ở phần trứơc về sông biển hội nhập, mà doanh nghiệp VN là tàu thuyền. Tác giả cho rằng, Sau khi là thành viên chính thức, chính quyền VN bị luật của WTO ràng buộc.

Nhiệm vụ của chính quyền bây giờ là giữ cho lòng sông sâu, giữ cho bờ sông rộng, tạo cho luồng gió thổi trên cả dòng sông, nghĩa là bảo đảm cho môi trường kinh doanh phân minh, bình đẳng cho tất cả tàu thuyền. Doanh nghiệp phải tự chống chỏi vì chính quyền đứng ngoài việc đi lại của các con tàu.

Tác giả đã mô tả hoàn cảnh kinh tế của VN bằng những hình ảnh ví von dễ hiểu, và sự gia nhập WTO của VN có ý nghĩa như vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.