Nhiều doanh nghiệp càphê Việt Nam lo ngại trước nguy cơ phá sản
2006.11.25
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Khi những âm vang về hội nghị APEC, chuyến viếng thăm của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và phu nhân bắt đầu lắng xuống, thì cũng là lúc người Việt Nam trở lại với các âu lo thường ngày. Giá cà phê tăng cao ở mức chưa từng có trong 10 năm qua, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như ngồi trên đống lửa, thậm chí những nơi ít vốn còn lo ngại phá sản.
Cà phê tăng gía, doanh nghiệp thua lỗ
Báo Tiền Phong điện tử đưa lên mạng ngày 20/11 bài viết của Võ Phụng Hoàng ‘Cà phê tăng gía: Nhiều doanh nghiệp sẽ thua lỗ nặng’. Nhà báo ghi nhận rằng, Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch cà phê.
Không như dự đoán của các chuyên gia là khi vào vụ thì giá sẽ giảm, thực tế trong tuần qua giá cà phê robusta tức cà phê vối ở Đắc Lắc duy trì ở mức kỷ lục 24 ngàn/kg. Tờ báo dự báo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khốn đốn vì đã trót ký hợp đồng bán hàng giá thấp trứơc đó.
Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam luôn gặp một nghịch lý. Khi giá cả tăng, nông dân được lợi thu nhập tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại kêu lỗ. Tìm hiểu thực tế về vấn đề này, chúng tôi được ông Sáu Trọng ở Lâm Đồng xác nhận là vừa bán một mẻ vào hôm 15/11 với giá rất cao:
“Tôi mới bán 22.700 đồng/kg, hôm nay (20/11) tôi mới bắt đầu thu hoạch, những ngày trứơc là tỉa những cây chín sớm, được mấy chục kí lô kiếm tiền chợ thôi. Công cán phân tro này nọ trừ đi may ra còn lời phân nửa.”
Trứơc khi trở lại bài của Tiền Phong Online, mời quí thính giả nghe dự báo về sản lượng cà phê niên vụ 2006-2007 bắt đầu từ tháng 10 vừa qua tới hết tháng 9 năm sau. Dù có bệnh rụng quả do ấu trùng ve sầu xảy ra ở Tây Nguyên, nhưng Phó Chủ Tịch đối ngoại của Hiệp Hội cà Phê Ca cao VN ông Đoàn Triệu Nhạn vẫn lạc quan về sản lượng thu hoạch cũng như giá cả bảo đảm tái sản xuất cho nông dân:
“Năm nay có một vài vùng cà phê lá bị vàng, người ta cho là bị ve sầu, nhưng không phải, năm nay mưa nhiều, cây cà phê bị úng nứơc vàng lá, nhất là những vùng trũng. Dù vậy chúng tôi dự báo là sản lượng sẽ cao hơn mọi năm, ứơc tính khoảng 14, 5 triệu bao (mỗi bao 60kg cộng chung khoảng 870 ngàn tấn). Giá hiện nay đang tốt, nhưng có mối lo là đầu vụ nông dân bán hết để được giá tốt thì sau này sẽ khó đềiu tiết chương trình tiêu thụ.”
Tình trạng lạm dụng trong mua bán
Trong hai năm vừa qua ngành cà phê VN tập sự tham gia thị trường kỳ hạn Luân Đôn, sử dụng công cụ tài chánh phòng ngừa rủi ro qua các hợp đồng tương lai. Tuy nhiên một số doanh nghiệp và cá nhân đã bị lỗ hàng triệu đô la vì mua bán ảo trên mạng điện tử, mà người trong nghề gọi là chơi hàng giấy. Hiệp Hội Cà Phê nhìn nhận có sự lạm dụng:
“Một số người tham gia thị trường kỳ hạn nhưng là buôn trên giấy, tình trạng chỉ xảy ra ở Đắc Lắc trong số những ngừơi có tiền. Nông dân dĩ nhiên là không chơi thứ này.”
Tình hình thực tế hiện nay theo Tiền Phong Online thì sau chuyện thua, vì buôn cà phê trên giấy của những người không có hạt cà phê nào, thì bây giờ ngay chính các doanh nghiệp xuất khẩu buôn hàng thật đang có nguy cơ thua lỗ nặng.
Theo đó vào đầu tháng 8/2006, khi giá cà phê robusta giao hàng tháng 1/2007 tại Trung Tâm Giao Dịch Luân Đôn đạt mức 1.300 đô la một tấn, thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Đắc Lắc đã đồng loạt chốt giá bán.
Theo tờ báo, có một số công ty ký hợp đồng bán đến vài chục nghìn tấn cà phê robusta. Các công ty này cho rằng tới tháng 1/2007, là lúc các vườn cà phê VN cũng như Indonesia và nhiều nứơc khác thu hoạch rộ, thì giá cà phê robusta không thể vượt qua ngưỡng 1.300 đô la một tấn, tương đương gần 21 ngàn đồng 1kg.
Thách thức cho các doanh nghiệp
Tiền Phong Online ghi nhận là, những gì các doanh nghiệp đang chứng kiến qua mạng thông tin của thị trường kỳ hạn Luân Đôn, cho tới nay lại có dấu hiệu ngược lại. Giá chỉ giảm so với mức 1.300 đô la một tấn trong vài ngày đầu tháng 8, sau đó liên tục tăng đều. Ngày 11/11/2006 cà phê Robusta đạt mức 1.650 đô la/tấn tức hơn 26 ngàn 1kg, sau đó giảm nhẹ và ngày 17/11 lại có dấu hiệu tăng trở lại.
Nếu một doanh nghiệp chốt giá bán 10 ngàn tấn lúc giá 1.300 đô la một tấn thì đến thời điểm này đã có dấu hiệu bị lỗ 56 tỷ đồng. Tiền Phong Online viết rằng, theo luật của thị trường kỳ hạn, số tiền có dấu hiệu lỗ vừa nói, các doanh nghiệp phải nộp ngay vào tài khoản ký gởi ở ngân hàng bảo hộ trong vòng 24 giờ sau khi ngừng phiên giao dịch.
Nếu doanh nghiệp nào không đủ khả năng tài chính để đáp ứng luật chơi này, thì sẽ bị phạt bằng tổng số tiền có dấu hiệu bị lỗ và bị huỷ hợp đồng.
Tiền Phong online trích lời ông Vân Thành Huy, Chủ Tịch Hiệp Hội Cà Phê Ca Cao VN nói rằng, người trồng cà phê thường chỉ bán cầm chừng lúc giá có biến động để chờ giá cao hơn. Mặt khác, với giá hiện tại, người trồng cà phê chỉ cần bán 1/3 sản phẩm là đã đủ trang trải các khoản cần thiết trong năm.
Đây là một thách thức khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê VN qua thị trường kỳ hạn. Bởi rất có thể khi đến thời điểm phải giao hàng theo hợp đồng, dù đã phải chịu lỗ vài chục tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn không thể mua đủ số hàng đã ký hợp đồng để giao.
Trong lúc này thì người trồng cà phê hết sức phấn khởi, họ hy vọng giá cả sẽ ổn định ở mức cao không trồi sụt bất thường như nhiều năm đã qua. Ông chủ vườn cà phê ở Lâm Đồng phát biểu:
“Nếu giữ được cái giá như thế này nông dân chúng tôi vui lắm, trội hơn mọi năm nhiều lắm có lúc chỉ 4 ngàn 5 ngàn/kg mà bây giờ 22.700 đồng tương đối dễ trả nợ cũ, dễ thở. Chúng tôi chỉ mong giá cả ổn định, chứ còn trứơc đây giá cả bồng bềnh lắm.”
Giải pháp cho các nhà kinh doanh?
Tiền Phong Online ghi nhận nhiều luồng ý kiến về tình hình vừa nói. Theo đó một số ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến các nhà xuất khẩu cà phê hoạt động kém hiệu quả và dễ chao đảo khi thị trường biến động là do yếu vốn.
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thế bị động, không có sẵn nguồn hàng dự trữ trong kho, thường ký hợp đồng xuất khẩu trứơc rồi mới bắt đầu đi mua hàng trong nỗi lo lắng phập phồng. Tờ báo cho rằng có luồng ý kiến khác mô tả sự hoạt động gọi là liều lĩnh chủ quan của doanh nghiệp, không nắm được thông tin và không đánh giá được đối thủ.
Tuy nhiên, theo Tiền Phong Online đại đa số ý kiến ghi nhận đều có sự nhất trí là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam thiếu sự liên kết với nhau. Một lợi thế rất lớn của các nhà xuất khẩu VN là sản lượng cà phê mỗi niên vụ đầu từ 800 ngàn tới 900 ngàn tấn, chiếm một phần ba sản lượng cà phê robusta toàn thế giới.
Theo tờ báo, nếu các nhà xuất khẩu cà phê VN liên kết lại, hợp tác thu mua trứơc, rồi mới cùng điều tiết lượng hàng hoá xuất ra thị trường thế giới, thì việc làm chủ giá cả, tránh thua lỗ không phải là quá khó.
Tiền Phong Online kết luận rằng, Hiệp Hội Cà Phê Ca Cao VN được thành lập từ năm 1990. Tuy nhiên đến nay vai trò của hiệp hội này trong việc liên kết các nhà xuất khẩu cà phê vẫn khá mờ nhạt. Theo tờ báo, các đơn vị xuất khẩu vẫn ở trong tình trạng mạnh ai nấy làm, dân gian gọi là ‘mạnh cua cua máy, mạnh cáy cáy mò.’
Các tin, bài liên quan
- Việt Nam gia nhập WTO qua ngôn ngữ đời thường
- Vụ lừa gạt 10 triệu đôla gây chấn động dư luận Sài Gòn
- Những tiết lộ của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan
- Việt Nam chuẩn bị gia nhập sân chơi lớn
- Ngành cà phê xuất khẩu Việt Nam tìm phương thức bán hàng mới
- Chuyện dài cá cược bóng đá và chuẩn bị gia nhập WTO
- Việt Nam vẫn còn ngổn ngang trước ngưỡng cửa WTO
- Rất ít sản lượng cà phê Việt Nam bán qua sàn giao dịch Luân Đôn LIFFE
- Hậu quả nặng nề sau cơn bão Xangsane