Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Tết và những ngày vui qua mau, ngay trong tháng Giêng âm lịch thường được gọi là tháng ăn chơi, chính quyền và người dân VN đang phải đối diện với những tín hiệu đầy quan ngại: hiệu ứng của các biện phát kiểm soát tiền tệ để chặn bớt lạm phát.

Đợt lạnh giá vừa kết thúc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân miền Bắc, đồng hành với nhiều loại dịch bệnh bùng phát khắp nơi, ảnh hưởng chăn nuôi và sức khoẻ cộng đồng. Đọc báo trên mạng tuần này, chúng tôi tổng hợp các sự kiện vừa nói cùng quí thính giả.
Lạm phát phi mã
Những chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời phát hành trái phiếu để rút khỏi thị trường khoảng 20 ngàn tỷ đồng, các biện pháp tài chánh của Ngân Hàng Nhà Nứơc được nhiều kinh tế gia trong ngoài nứơc tán dương. Tuy nhiên ảnh hưởng trước mắt là một số ngân hàng thương mại phải giảm tối đa hoạt động với không ít lời ca thán.
Báo Người Lao Động ngày 21/2 trích lời TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển một tổ chức tư nhân, nhận định rằng, những biện pháp vừa nói có thể ví von như thầy thuốc bắt trúng bệnh và kê đơn thuốc, dùng liệu pháp chữa trị đúng nên không thể không có kết quả.
TS Quang A gọi là điểm trúng huyệt lạm phát. Tuy nhiên ông cho rằng, đây mới chỉ là một phần vấn đề. Chính phủ sẽ phải giảm bớt chi tiêu, tiết kiệm ngân sách và tăng hiệu quả đầu tư. TS Quang A thêm rằng, không nên để các tập đoàn lớn của Nhà nứơc đầu tư tràn lan, thậm chí đi vay vốn nứơc ngoài để đầu tư một cách kém hiệu quả, hoặc sử dụng vốn này nhảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán.
Tất cả các báo lớn ở VN đều đưa tin về cuộc họp báo hôm 21/2 tại Hà Nội của ông Haruhiko Kuroda, chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB. Chủ tịch Kuroda khuyến cáo rằng, muốn kiềm chế được tình trạng lạm phát đang có chiều hứơng gia tăng, VN cần có chính sách kiểm soát tiền tệ, các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ cán cân thanh toán, giám sát tài khoản vãng lai được cấp bởi các dòng vốn.
Vào thời gian chủ tịch Kuroda kết thúc chuyến thăm VN, trả lời Mặc Lâm của Đài ACTD, TS Ayumi Konishi Giám đốc quốc gia của ADB tại Hà Nội nhận định rằng:
“Trong thời gian vừa qua tình hình lạm phát đã gia tăng tại VN đặc biệt trong lãnh vực thực phẩm. Nhà nứơc VN đã có những biện pháp mạnh và đồng bộ để lập lại quân bình trong thị trường nội địa hầu giảm bớt khả năng lạm phát.

Tôi nghĩ rằng tình hình hiện vẫn có thể kiểm soát được mặc dù chỉ số tiêu dùng vẫn còn rất cao nhưng không phải vì thế mà nền kinh tế của Việt Nam một sớm một chiều bị ảnh hưởng ngay tức khắc.”
Ông Konishi thêm rằng, mức tăng giá tiêu dùng 8,5% là rất cao, nhưng ông tin rằng chính phủ VN với quyết tâm của mình sẽ có thể kéo xuống mức 7,5% trong năm nay và sẽ dần dần hạ xuống hơn nữa trong năm tới.
Ông Konishi đặc biệt nhấn mạnh, Nhà nứơc VN ngay trong lúc này, cần phải có những biện pháp nhanh chóng và hữu hiệu để đối phó với tình trạng lạm phát để giải toả những áp lực nặng nề trên những gia đình nghèo khó cũng như các áp lực kinh tế khiến toàn xã hội gặp khó khăn hiện nay.
Thị trường chứng khoán tụt dốc
Trở lại các biện pháp tài chánh ngân hàng mà chính phủ VN vừa thực hiện, Ngừơi Lao Động Online đưa tin là đã có quyết định kiểm soát chặt chẽ việc rút tiền ngân hàng của các doanh nghiệp lớn.
Tin này dựa vào nội dung phiên họp bất thường của Hội Đồng Tư Vấn Chính Sách Tài Chính Tiền Tệ Quốc Gia hôm 21/2 tại Hà Nội. Theo đó, mặc dù hàng loạt biện pháp mạnh của Ngân Hàng Nhà Nứơc VN vừa qua khiến các ngân hàng thương mại bị khan vốn và căng thẳng lãi súât, nhưng trứơc mắt chưa có thay đổi trong chính sách tiền tệ quốc gia.
Ngoài ra, trong số các thông tin kém vui còn phải kể tới sự kiện ngày 21/2 , Vn Express mô tả là chỉ số chứng khoán Vn Index ở TP.HCM về sát mức 700 các nhà đầu tư tháo chạy. Ở mức rơi tự do này, Vn Index đã mất toàn bộ mức tăng trong suốt năm 2007.
Tin các báo cho thấy chính phủ VN vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2008 phải đạt mức 59 tỷ đô la. Đây là chỉ đạo của thủ tứơng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị thừơng niên các tham tán thương mại VN, tổ chức hôm 20/2 ở Hà Nội.

Trong nhiều năm qua, Nhà nứơc VN cố gắng đạt mức tăng tưởng tổng sản phẩm nội địa GDP ở mức cao và gia tăng hết khả năng của mình về hàng hoá xuất khẩu. Chiến lược này có thể có nhiều nhược điểm, như nhận xét của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ở California Hoa Kỳ:
“Đã đến lúc phải nhìn lại chiến lược ấy để khỏi lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, tới 60% tổng sản lượng GDP là một sự dại dột báo hiệu nhiều bất trắc. kế đó là phải cải thiện hệ thống quản lý vĩ mô sau khi mở cửa hội nhập với thị trường bên ngoài để trau dồi khả năng ứng phó.”
Thiệt hại nặng nề vì giá rét
Sau những sự kiện nhức đầu về lạm phát, giá cả và các biện pháp điều chỉnh tiền tệ tài chánh ngân hàng. Toàn bộ miền Bắc để cả các tỉnh bắc Trung bộ như Thanh-Nghệ-Tĩnh đã trải qua một đợt thời tiết lạnh giá kéo dài 38 ngày từ 14/1 tới 21/2 mới vừa kết thúc.
Đợt rét đậm rét hại này làm nông dân khốn đốn, nhiều thông tin khác nhau về mức độ thiệt hại, Tân Hoa Xã ngày 18/2 đưa tin tổng thiệt hại tính đến ngày 17/2 khoảng 60.000 trâu bò bị chết rét, trong khi Vietnam Net trích nguồn Cục Trồng Trọt cho biết khoảng hơn 30 ngàn gia súc bị chết, hư hại khoảng 110.000 ha lúa và mạ mới gieo cấy. Thiệt hại sơ bộ khoảng 200 tỷ đồng.
TS Nguyễn Quang Minh Cục Trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật phát biểu với đài chúng tôi:
"Đợt rét đậm rét hại này có những nơi xuống tới 3 độ, bình quân 7 độ chưa bao giờ rét như thế, lại đúng vào vụ Đông Xuân ở phía Bắc mạ gieo chết lúa cấy cũng chết hết vì rét quá và trâu bò chết hàng chục nghìn con." Mặc dù chính phủ quyết định chi 150 tỷ đồng để cấp thời hỗ trợ nông dân nhưng để khắc phục hậu quả có lẽ phải mất nhiều thời gian. Vn Net trích lời TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng viện chính sách và chiến lược phát triển NNNT theo đó, có thể coi thiên tai, như đợt rét vừa rồi, là cuộc tập dượt để từ đó VN có chính sách đối phó cơ bản lâu dài.
Theo lời TS Đặng Kim Sơn, trứơc kia vùng nào an toàn mới sản xuất, đủ điều kiện mới phát triển. Bây giờ phát trểin ar khắp mọi nơi, chỗ nào cũng nhạy cảm cả mà càng phát triển, rủi ro càng lên cao.
Sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá ở VN theo TS Sơn không hẳn không thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn mà quá trình này diễn ra không đồng đều, có chỗ đã công nghiệp hoá và phát triển, có chỗ vẫn con trâu đi trứơc cái cầy theo sau.

Nguy cơ bùng phát cúm gia cầm
Phần cuối mục đọc báo trên mạng tuần này, chúng tôi xin dành cho lời cảnh báo của Bộ NN&PTNT hôm 19/2 về nguy cơ một đợt cúm gia cầm mới ở VN. Vietnam Net có tựa bài ‘Gà chết khắp miền Bắc, dân vẫn ăn vô tư’ .
Điều đáng quan tâm là đợt dịch cúm hiện nay không có các ổ dịch lớn nhưng lại có 4 ngừơi chết vì H5N1 trong 3 tuần qua. Trả lời chúng tôi, TS Bùi Quang Anh Cục trưởng Thú Y nhận định về sự khiếm khuyết trong công tác chống dịch:
“Hiện nay vấn đề lây nhiễm H5N1 sang con người cũng rất khó giaỉ thích về cơ chế lây. Nhiều trường hợp có thể do tiếp xúc hoặc ăn thịt gia cầm, nhưng trong mùa lạnh vừa rồi nhiều trường hợp có thể do những nguyên nhân khác. Có những nơi tiếp cận với ổ dịch lại không bị, còn những nơi không có dịch thì lại bị.
Bây giờ cái lỗ hổng lớn nhất là công tác thông tin tuyên truyền không đến được tận ngừơi dân, hoặc ngừơi dân chủ quan lơ là không chấp hành qui định của ngành y tế và ngành thú y.
Cần làm tiếp tục công tác tuyên truyền đồng thời cần có những biện pháp để xử lý nghiêm những nơi không chịu làm, không chịu chấp hành. Chúng tôi cho rằng đây là trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở, họ phải quan tâm hơn.”
Cục trưởng Thú Y Bùi Quang Anh cho biết ngoài các địa phương có dịch cúm như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Long An, hiện tượng gà chết rải rác ở nhiều tỉnh khác ở miền Bắc được người dân phản ánh qua đường dây nóng của Cục Thú Y.
Theo Vietnam Net ngày 19/2 Thứ trưởng NN&PTNT Bùi Bá Bổng báo động đỏ toàn quốc về một đợt cúm gia cầm mới có thể bùng phát trong tháng 3, đặc biệt ạti các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó thời tiết lạnh, ẩm cộng với việc ngừơi dân không chịu khai báo gà chết, vận chuyển ăn thịt gia cầm bệnh và số lượng gia cầm tăng sau Tết là nguyên nhân chính khiến dịch tái phát.