Vấn đề Môi trường tại Việt Nam

Đối với tất cả mọi người Việt Nam, dù sống trong nước hay ngoài nước, ngày 30 tháng tư năm 1975 là một mốc lịch sử hết sức quan trọng cho đất nước Việt Nam. Ngày Đất Nước được Thống nhất và quy về một mối. Nhưng sau gần 30 năm thống nhất đất nước, tâm cảm của hơn 80 triệu người dân Việt, dù ở nơi đâu vẫn chưa thể đạt được một sự đồng thuận hài hòa về nhiều vấn đề của Đất Nước từ chính thể đến quan diểm về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, cũng như những phương cách giải quyết vấn đề phát triển quốc gia và bảo vệ môi trường.

Nguyễn An: Sau 29 năm, Tiến sĩ có thấy những thay đổi nào ở Việt Nam ngày hôm nay không về phương diện môi sinh?

Related Stories - Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về ngày 30/4? - Những thay đổi tại Việt Nam trong 29 năm qua - 30 tháng Tư : Ai thắng ai bại? - Hành trình biển Đông - Ông Bùi Tín và cảm nghĩ sau 29 năm nhìn lại Việt Nam - Những biến cố lịch sử trong ngày cuối tháng Tư năm 1975

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Nhìn chung, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc giải quyết các ưu tư kễ trên. Đứng về mặt môi trường, Việt Nam, trên nguyên tắc, đã cố gắng đáp ứng những yêu cầu của thế giới qua Hội nghị Thượng đỉnh về Môi sinh tại Rio de Janeiro (Ba Tây) năm 1992. Việt Nam cũng đã thiết lập Bộ Luật Môi trường vào năm 1993, và các luật liên hệ về Biển, Da dạng sinh học, Rừng, Bảo vệ Tài nguyên Nước, v. v... ở những năm kế tiếp.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn vướng phải nhiều vấn dề trong việc phát triển quốc gia và bảo vệ môi trường, mà nguyên do chính khách quan lẫn chủ quan đều có cả.

Nguyễn An: Xin Tiến sĩ tóm lược cho vài nguyên nhân chính.

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Trong 10 năm đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội để đưa đất nước đi lên vì một chính sách quản lý quốc gia không thích hợp với điều kiện của Việt Nam. Nhưng kễ từ khi có chính sách Đổi Mới năm 1986, khuôn mặt Việt Nam đã có những thay đổi tích cực hơn, nhưng những thay đổi đó vẫn chưa đủ để rồi 10 năm sau đó, Tiến sĩ Võ Quý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường của trường Đại học Quốc gia Hà Nội phải thốt lên: "Việt Nam đang đối phó với một số vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm việc phá rừng, đất đai suy thoái, thiếu nước, tài nguyên sinh học bị khai thác thái quá, hệ sinh thái bị đe dọa, và gia tăng ô nhiễm môi sinh".

Và trong hiện tại, gần 10 năm sau lời phát biểu của Tiến sĩ Võ Quý, tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp, có thể nói là đã đến mức báo động. Và nguyên nhân chính yếu không gì khác hơn là do phát triển ồ ạt, thiếu kế hoạch, không nghiên cứu tác động môi trường trước khi thực hiện một dự án, và sau cùng chưa lưu tâm đúng mức đến việc bảo vệ môi trường.

Nguyễn An:: Tiến sĩ có thể đưa ra một thí dụ cụ thể hay không?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Trước hết, chỉ cần nêu ra đây hiện trạng phá rừng làm điển hình. Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây ra nhiều ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến môi trường và đời sống con người.

Mặc dù Việt Nam đã có chương trình trồng rừng "327", nhưng tiến độ trồng rừng vẫn chưa theo kịp mức độ phá rừng để chiếm đất cho xây cất và nông nghiệp. Căn cứ theo Hội thảo Khoa học Bảo vệ Môi trường và Phát triển Bền vững tại Hà Nội vào tháng 10,2003 thì hàng năm vùng Tây Nguyên mất 60 ngàn mẫu rừng. Hiện tại vùng ĐBSCL chỉ còn 5% rừng che phủ trong đó 80% rừng ngập mặn bị biến mất do việc khai thác nuôi tôm. Cũng cần nên biết, trong suốt thời gian chiến tranh, ở Việt Nam không có một tai nạn cháy rừng ngập mặn nào, mà nay hiện tượng trên đã là một nỗi bận tâm lớn đã xảy ra hàng năm vào mùa khô.

Sự hủy diệt rừng đã đưa đến nhiều ảnh hưởng trực tiếp là sự thoái hóa của đất: 1)- bị sói mòn, rữa trôi, sạt lở do mưa; 2)- mất độ ẩm vì không còn rừng để giử nước, do đó sẽ dễ bị sa mạc hóa và hoang hoá; 3)- riêng tại ĐBSCL, thì xảy ra nạn ô nhiễm phèn, nhiễm mặn, việc mất chất hữu cơ trong đất. Thêm nữa, việc phá rừng cũng cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây nên nạn lụt lội và hạn hán ở nhiều miền đất nước.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ năm 2003 thì hàng năm Việt Nam mất một lượng đất khoãng 2 tỷ tấn trong đó hiệu ứng sói mòn đã lấy đi từ 50 đến 450 tấn đất trong một mẫu đất nông nghiệp hàng năm.

Nguyễn An: Còn những nguyên nhân khác thì sao?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Ngoài nguyên nhân phá rừng kễ trên, cũng cần phải kễ thêm nhiều vấn nạn tồn tại trong lãnh vực môi trường như nước sinh hoạt đã có chỉ dấu ô nhiễm ở nhiều nơi. Riêng tại ĐBSCL, nhiều vùng đã bị nhiễm Arsenic và D.D.T trong nguồn nước. Vấn đề phế thải rắn, lỏng, và khí như phế thải gia cư, phế thải kỹ nghệ và y tế cũng như ô nhiễm không khí là những vấn đề cấp bách mà Việt Nam cần phải có quyết tâm để giải quyết nếu muốn thực hiện việc cân bằng phát triển và quản lý môi trường thích hợp với yêu cầu của LHQ đề ra qua Nghị trình 21 là: tạo dựng tăng trưởng kinh tế, cân bằng môi sinh, va tiến bộ xã hội.

Sự cố gắng của Việt Nam trong việc quản lý tài nguyên nước là một cố gắngđáng khích lệ như đã thiết lập 27 Pháp lệnh, Luật, Nghị định, Quyết nghi v. v… và huy động 10 Bộ liên hệ cùng tất cả Uy ban Tỉnh, Huyện, Xã…Nhưng tất cả vẫn chưa đủ để đẩy mạnh tiến trình phát triển bền vững và hạn chế được nạn ô nhiễm chung.

Nguyễn An: Tiến sĩ có đề nghị gì cho những vấn đề vừa nêu trên để có thể đề ra một phương hướng thích hợp cho Việt Nam hay không?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Mặc dù các hoạt động bảo vệ môi trường đã được tăng cường trong 10 năm qua, nhưng tình trạng môi trường Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái. Đại thể, nguyên nhân chính yếu vẫn là do sự khiếm khuyết của hệ thống bảo vệ môi trường hiện tại nhát là trong lãnh vực quản lý và nhân sự chuyên môn.

Muốn phát triển bền vững, Việt Nam cần phải có một môi trường bền vững. Do đó Việt Nam cần phải thay đổi toàn diện và sâu rộng đường lối quản lý hiện tại để cải thiện hệ thống quản lý môi trường. Đó là: Việt Nam cần phải tăng cường khả năng quản trị, huấn luỵện và giáo dục nhân sự kỹ thuật, song hành với việc soạn thảo và điều chỉnh luật lệ về bảo vệ môi trường cho thích hợp với điều kiện Việt Nam và có hiệu quả hơn so với hiện tại.