Toàn Cầu Hóa Khoa Học: Thực Tế hay Ảo Tưởng

Vào năm 2000, Hội Đồng Hàn Lâm Viện Liên Quốc (InterAcademy Council) đã được LHQ thành lập. Hội đồng họat động như một kho dữ liệu, sẵn sàng cung cấp cũng như tư vấn cho Ngân hàng Thế giới cùng các tổ chức quốc tế khác. Hội đồng có nhiệm vụ khuyến khích và thúc đẩy từng quốc gia khai triển thêm chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tại mỗi nước.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Tạp chí KHMT kỳ này sẽ bàn về những họat động của hội đồng này, như một hình ảnh cụ thể của tiến trình toàn cầu hóa khoa học. Thưa Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, câu hỏi đầu tiên xin được đặt ra với ông là, hội đồng đã được thành lập như thế nào?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Khái niệm về toàn cầu hóa khoa học đã được manh nha từ hội nghị Thượng Đỉnh Rio de Janeiro 1992 tại Ba Tây, và việc hình thành của HĐ HLV LQ là kết quả của cuộc vận động lâu dài. Ngày 7 tháng 12,2001 nhân lễ kỷ niệm 100 năm thành lập giải Nobel, vị đại diện 100 khôi nguyên của giải nầy đã kết luận trong một bài phát biểu như sau:" Để có thể sống còn trong thế giới chúng ta đã biến dạng, chúng ta cần phải học tập để nghĩ đến một hướng đi mới. Hơn bao giờ hết, tương lai của mỗi quốc gia tùy thuộc vào những điều phát kiến tích cực của cả nhân loại".

Do đó, vấn đề toàn cầu hóa khoa học không còn là một vấn đề cần phải bàn cải nữa, mà là mục tiêu của tất cả quốc gia trên thế giới phải nhắm tới. Thế giới cần phải đẩy mạnh tất cả những tiến bộ khoa học như trong lãnh vực giáo dục, viễn thông, ngân hàng, y khoa, công nghệ, và môi sinh trongtinh thần hổ tương cộng tác và tương tác liên hệ (interdependence).

Nguyễn An: Hội đồng Hàn Lâm viện Liên Quốc đã có những hoạt động như thế nào và đã có những kết quả cụ thể gì chưa?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Vào đầu tháng 2,2004, ông Kofi Annan, Tổng Thư Ký LHQ đã chủ tọa một buổi tường trình của Hội đồng Hàn Lâm Viện Liên Quốc (HLVLQ) sau gần 4 năm thành lập. Chủ đề của báo cáo là:" Chiến lược toàn cầu xây dựng kỹ năng khoa học và công nghệ". Trong đó, báo cáo kêu gọi cần phải có một sự hợp tác chặt chẻ hơn nữa giữa các khả năng khoa học liên quốc và chia xẻ các thành quả thu lượm được đến tất cả cộng đồng khoa học trên thế giới. Đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển, ngân sách dự trù cho việc nghiên cứu khoa học và công nghệ ít nhất phải từ 1,0 đến 1,5% tổng sản lượng quốc gia để hy vọng các nước nầy có thể theo kịp sức cạnh tranh và phát triển giữa các quốc gia toàn cầu.

Nguyễn An: Vậy thì các quốc gia đang phát triển đã đáp ứng với lời kêu gọi trên ra sao?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Với mục tiêu vừa kể trên, Hội đồng hy vọng sẽ thu ngắn được khoảng cách giữa các quốc gia "giàu" và "nghèo". Đây cũng chính là một vòng lẩn quẩn đối với các quốc gia đang phát triển. Lý do khách quan chính là các quốc gia nầy không có đủ ngân sách để nghiên cứu và đào tạo, cho nên khoảng cách ngày càng xa hơn so với các quốc gia đã phát triển. Do đó cần phải đẩy mạnh nhu cầu nầy cho các nước đang phát triển. Kết luận của báo cáo nhấn mạnh:" Các quốc gia đang phát triển phải tận dụng mọi cố gắng toàn dân cùng với sự giúp đỡ của các quốc gia bạn. Đối với sự thay đổi về tiến bộ nhanh chóng trong hiện tại, sẽ không còn đủ thời gian cho các nước nầy phí phạm thêm nữa nếu muốn hội nhập và thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo."

Nguyễn An: Rõ ràng, đây là khái niệm rất cao thượng của LHQ. Nhưng đứng về mặt thực tế, các quốc gia trên thế giới đã tiếp nhận và thẩm thấu khái niệm trên từ 4 năm qua như thế nào?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Câu trả lời gồm cả hai phần: tích cực và tiêu cực. Có rất nhiều chỉ dấu đậm nét nói lên tính cách tiêu cực hết sức rõ ràng của vần đề là:

- Trong hiện tại khoảng cách giữa các quốc gia Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu (gìau - nghèo) dường như dài thêm ra. Các nước kỹ nghệ hóa tiếp tục làm chủ thế giới nắm bắt hầu hết tất cả phát minh, sáng kiến ngay cả những sáng kiến đến từ các quốc gia đang phát triển.

- Về nhân sự, vẫn còn tình trạng xuất cảng chất xám của các quốc gia nghèo;

- Về tài nguyên và nhân công, các quốc gia nghèo vẫn còn là nơi sản xuất rẽ tiền để phục vụ cho những nước giàu;

- Chính sách "bế quan tỏa cảng" trong lãnh vực khoa học vẫn được một số quốc gia giàu áp dụng thay vì chia xẻ kiến thức với cộng đồng thế giới. Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn lo ngại Cộng đồng Âu Châu sẽ là một vùng cạnh tranh kinh tế quyết liệt vào năm 2010, qua sự việc yểm trợ tài chánh dồi dào cho nghiên cứu của Hội đồng Cạnh tranh Âu Châu (EU Competitiveness Council);

- Hiện tại, về phương diện khảo cứu khoa học, Hoa Kỳ vẫn hành xử giống như thời chiến tranh lạnh Mỹ - Nga trước kia. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc vẫn cấm cảng việc in ấn các báo cáo khoa học của các quốc gia như Iran, Sudan, và Cuba vào các tạp chí khoa học Hoa kỳ;

- Và quan trong hơn cả là các quốc gia giàu vẫn tiếp tục vi phạm quy định về xuất cảng phế thải độc hại trong đó có phế thải hạch nhân qua các quốc gia nghèo, trái với những điều mà họ đã ký kết trong Thượng Đỉnh toàn cầu hóa tại Rio De Janeiro năm 1992 ở Ba Tây. (Một thí dụ là HK đã xuất cảng máy điện toán và truyền hình đã phế thải qua Việt Nam và Pakistan hàng năm có thể lên đến trên 50 triệu chiếc).

Nguyễn An: Còn phần tích cực thì sao?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: May mắn thay, bên cạnh những tiêu cực vừa kể trên, chúng ta vẫn còn thấy nhiều hình ảnh tích cực, và chính những hình ảnh nầy đã mang lại niềm hy vọng cho tương lai cho sự toàn cầu hóa khoa học.

Trước hết cần phải kể đến Eugene Garfield Foundation, tổ chức đã mang đến sự thành lập HĐ HLV LQ. Hội Đồng nầy có mục đích kết hợp với 14 quốc gia khác và các Hàn lâm viện của các quốc gia đệ tam, trong đó Tiến sĩ Goverdhan Mehta, đại diện Ấn Độ và Tiến sĩ Bruce Alberts, đại diện Hoa Kỳ làm đồng Chủ tịch HĐ.

Thứ đến là ở kỳ Thượng đỉnh 1992, các quốc gia hậu kỹ nghệ đã đồng ý xóa nợ cho các nước đang phát triển là 0,7% tổng sản lượng của các nước đang mắc nợ hàng năm. Năm 1995 các nước giàu chỉ thực thi xóa nợ đến 0,27% và năm 2002, có nhiều quốc gia đã đạt được 0,7% đúng theo yêu cầu.

Từ hai thành quả tích cực vừa kể trên, trong nhiệm kỳ 1999 - 2004, Hội đồng HLVLQ đã cố gắng hoàn tất điều tra căn bản về khả năng khoa học và phát triển của các nước trên thế giới cũng như trình bày nhũng nhận định và đề nghị đến LHQ và Ngân hàng Thế giới, để hai cơ quan nầy có thêm dữ kiện để giải quyết các vấn nạn của những quốc gia nghèo. Năm 2000, HĐ tiếp nhận sự yểm trợ của chính phủ Hoà Lan, Alfred Sloan Foundation, Rockfeller Foundation, Carnegie Group.

Và sau cùng cần phải kể đến Bill Gates, vị hoàng tử của toàn cầu hóa. Bill Gates và Bill & Melinda Gates Foundation đã đóng góp hàng tỷ Mỹ kim cho các quốc gia cần giúp đỡ trên thế giới từ giáo dục đến y tế cùng vệ sinh phòng dịch.

Nguyễn An: Như vậy, theo Tiến sĩ, hiện tượng toàn cầu hóa khoa học có thể thực hiện được trên thế giới nầy hay không?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Từ những hiện tượng tiêu cực và tích cực trong việc toàn cầu hóa thế giới, hiện tại chúng ta đang đứng giữa hai quan niệm suy tư đối nghịch: Đây là một thực tế cần phải chấp nhận hay chỉ là ảo tưởng trong khái niệm về toàn cầu hóa khoa học?

Chắc chắn sẽ khó có câu trả lời rốt ráo cho câu hỏi trên. Tuy nhiên, chúng ta cần thấy rõ và chắc chắn là các quốc gia Bắc Bán cầu không thể nào tiếp tục khai thác và kéo dài khoảng cách giàu - nghèo so với các quốc gia Nam Bán cầu. Sẽ có một ngày sau cùng cho tình trạng nầy, để từ đó thế giới sẽ bình an hơn. Nếu không, cơn đại hồng thủy "nhân tạo" có thể xảy ra và hiện tượng hâm nóng toàn cầu sẽ là một trong những nguyên nhân đầu tiên xóa tan cuộc sống trên hành tinh của chúng ta.

Hy vọng trong tương lai sẽ còn nhiều mạnh thường quân trên cương vị quốc gia để có thể từ đó biến một thế giới không cân đối, không bình an đến chiều hướng phát triển hài hoà hơn. Từ đó chúng ta có thể tạo dựng lại đúng vị trí trong sáng vai trò của khoa học là Bảo vệ Di sản Thiên nhiên cho Toàn cầu./.