Hội nghị Ủng hộ Nạn nhân Chất độc Da Cam/Dioxin tại Việt Nam


2004.08.12

Một hội nghị có tên "Hội nghị Ủng hộ Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin tại Việt Nam" đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7 năm 2004 vừa qua. Một số kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất của Việt Nam về ảnh hưởng của Chất Da cam/Dioxin đã được trình bày tại hội nghị.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

Để tìm hiểu thêm chi tiết về những nghiên cứu nầy, chúng tôi đã thảo luận với Tiến sĩ Mai Thanh Truyết của Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ bất vụ lợi có trụ sở tại California, Hoa Kỳ và được ông cho biết như sau.

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: "Hội nghị Ủng hộ Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin tại Việt Nam" do Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 25 tháng 7 năm 2004. Mục đích chính của hội nghị là (1) để chuẩn bị cho vụ kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ tại Tòa án Liên bang ở Brooklyn, New York sẽ được xét xử vào tháng 9, (2) để "triển lãm" những "nạn nhân Da cam" của cả nước, và (3) để quyên tiền cho Quỹ Bảo trợ Nạn nhân Chất Độc Da cam. Một số nhà khoa học Việt Nam, điển hình là Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết, đã báo cáo một số kết quả nghiên cứu mới nhất về ảnh hưởng của Chất Da cam/Dioxin đối với sức khỏe con người Việt Nam.

Đỗ Hiếu: Theo chỗ chúng tôi được biết thì, Bác sĩ Phượng đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của Chất Da cam/Dioxin từ trước. Vậy, kết quả nghiên cứu lần nầy có gì khác biệt với những nghiên cứu trước hay không?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Về vấn đề nầy, chúng tôi xin nhường lời cho Kỹ sư Nguyễn Minh Quang.

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang: Từ thập niên 1980, Bác sĩ Phượng được xem như một trong những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của Chất Da cam/Dioxin nhất là trên phương diện sinh sản. Giống như những nghiên cứu trước, Bác sĩ Phượng kết luận rằng Chất Da cam/Dioxin là nguyên nhân của tất cả các chứng bệnh liên quan đến sinh sản như dị tật bẩm sinh, dị thai, dị dạng, và sẩy thai; đặc biệt là ở những người vợ không bị nhiễm nhưng có chồng đi chiến đấu ở miền Nam. Khác với những nghiên cứu trước, lần nầy Bác sĩ Phượng cho rằng, không chỉ trên thai sản, người nhiễm trực tiếp chất độc da cam cũng gánh chịu nhiều căn bệnh quái ác như rối loạn tiêu hóa, da sần sùi, ngứa gãi chảy nước vàng, xơ gan, xuất huyết dạ dày, và ung thư máu.

Đỗ Hiếu: Vậy Bác sĩ Phượng có đưa ra những cơ sở khoa học nào để biện minh cho những kết luận đó?

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang: Đây chính là vấn đề mà Ông Gordon Andrew James, cố vấn biên tập của Thời báo Kinh tế Việt Nam, đặt ra trong hội nghị. Bác sĩ Phượng trả lời rằng: "Chúng tôi đã xét nghiệm nồng độ chất độc da cam trên nhiều nạn nhân và nhận thấy chúng cao hơn rất nhiều so với người bình thường. Nhưng không chỉ cơ sở khoa học, chúng tôi còn dựa vào những liên hệ nhân quả về mức độ tiếp xúc, địa lý... Tại Hoa Kỳ, khi điều tra để bồi thường cho cựu chiến binh, người ta cũng làm như thế mà thôi." Tôi cho rằng đây không phải là những cơ sở khoa học thích đáng và đầy đủ mà Bác sĩ Phượng cần phải có trước khi đi đến kết luận.

Đỗ Hiếu: Tiến sĩ Truyết có nhận xét gì về công trình nghiên cứu của Bác sĩ Phượng?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Xin cảm ơn Anh. Phần tôi, tôi không thấy một cơ sở khoa học nào cả. Về nồng độ chất da cam trong máu, không một ai có nồng độ dioxin cao hơn cư dân của thành phố Seveso sau vụ nổ nhà máy hóa chất vào năm 1976; nhưng kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu tỉ mỉ vẫn chưa khám phá ra bất kỳ một căn bệnh nào mà Bác sĩ Phượng đã nêu ra. Về liên hệ nhân quả, nhiều kết quả nghiên cứu trên cựu chiến binh tham dự chiến dịch Ranch Hand và cựu chiến binh Hoa Kỳ và Tân Tây Lan tham chiến ở Việt Nam cho thấy ảnh hưởng của chất da cam đối với họ và con cái của họ thì không đáng kể.

Về việc bồi thường cho cựu chiến binh Hoa Kỳ, thì bất cứ một cựu chiến binh nào phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam (dù chỉ ở trên các mẫu hạm đậu ngoài khơi hoặc ở các căn cứ bên Thái Lan) đều có thể được bồi thường nếu họ mang "bệnh Da cam" mà không cần phải xét nghiệm gì cả. Có thể đây là cơ sở để Bác sĩ Phượng khẳng định trong hội nghị rằng: "Không cần phải xét nghiệm cũng xác định chắc chắn những người nầy đều là nạn nhân chất độc da cam."

Đỗ Hiếu: Còn nghiên cứu của Giáo sư Tuyết thì sao?

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa Giáo sư Tuyết thì cũng nổi tiếng không kém Bác sĩ Phượng. Giáo sư Tuyết hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Giới tính, Gia đình, và Môi trường trong Phát triển ở Hà Nội. Các nghiên cứu của Giáo sư Tuyết có liên quan đến vấn đề mà giáo sư gọi là những "di hại của Chất độc Da cam/Dioxin" trên phương diện văn hóa xã hội ở Việt Nam, và được sự hỗ trợ của nhiều cớ quan quốc tế như Karolinska Institutet của Thụy Điển và CEDRATE của Pháp.

Đỗ Hiếu: Xin KS cho biết thêm chi tiết về các nghiên cứu của giáo sư Tuyết.

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang: Vì phần lớn tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Tuyết mà chúng tôi thu thập được được viết bằng tiếng Pháp; tôi nghĩ Anh Truyết có thẩm quyền hơn tôi trong việc trình bày kết quả nghiên cứu của Giáo sư Tuyết.

Đỗ Hiếu: Chúng tôi xin mời Tiến sĩ Truyết.

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Giáo sư Tuyết đã dùng các phương pháp khoa học xã hội như phương pháp nghiên cứu đường lịch sử sinh sản và phương pháp "chuyện kể đường đời" trong việc nghiên cứu những di hại của chất độc da cam đối với sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản, và chất lượng dân số. Kết quả cho thấy sức khỏe sinh sản của nhiều phụ nữ Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều người mẹ đã bị tước mất quyền sinh sản khi sinh ra những đứa con tật nguyền, sẩy thai hoặc phải nạo thai triền miên. Theo Giáo sư Tuyết, chất độc da cam đã gây nên hậu quả nghiêm trọng về nhiều phương diện khác nhau trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa vật chất và tinh thần, không những cho cá nhân, gia đình mà cho cả cộng đồng mà họ sinh sống. Sự tổn hại về thể chất đã di chứng đến đời thứ ba.

Đỗ Hiếu: Tiến sĩ có ý kiến về gì việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội đó để nghiên cứu di hại của Chất Da cam/Dioxin hay không?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Theo tôi, các phương pháp khoa học xã hội dùng trong nghiên cứu của Giáo sư Tuyết thì không có gì để thảo luận, nhưng việc áp dụng thì không đúng cách hoặc chủ quan; do đó, kết quả nghiên cứu không chính xác hoặc đáng nghi ngờ.

Đỗ Hiếu: Tiến sĩ có thể cho quý thính giả đang thẽo chương trình tạp chí KH &MT biết thêm chi tiết về việc nầy ?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Vâng. Thí dụ như, vì không thể xác định sự liên hệ di truyền giữa việc tiếp nhiễm chất dioxin của cha mẹ với bệnh tật của con cái, nghiên cứu của Bác sĩ Tuyết phải dùng "nạn nhân Da cam" do chính quyền địa phương hoặc Hội Chữ thập đỏ công nhận hoặc do nạn nhân tự khai báo.

Một số yếu tố quan trọng khác có ảnh hưởng lớn lao trên kết quả nghiên cứu, như tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng của người dân và chánh sách kiểm soát sinh sản của nhà nước, đã không được cứu xét. Tôi nghĩ Giáo sư Tuyết cũng biết điều đó. Trong bài viết đăng trên Tạp chí Reproductive Health Matters, tháng 11 năm 2001, Giáo sư Tuyết viết: "Hầu hết các gia đình trong nghiên cứu là những nông dân nghèo có cuộc sống rất cơ cực và bị suy dinh dưỡng."

Trên Tạp chí International Family Planning Perspectives, tháng 9 năm 1996, Giáo sư Tuyết viết: "Các nguyên nhân phổ biến nhất cho quyết định phá thai là vì không đủ tiền để nuôi con và không muốn bị phạt vì vượt quá quy định 2 con của nhà nước."

Đỗ Hiếu: Trong hội nghị, Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước và là Chủ tịch Danh dự của Hội Nạn nhân Chất độc Da Cam/Dioxin Việt Nam, có tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần phải thừa nhận hậu quả của chất độc da cam đối với người Việt Nam và thực hiện trách nhiệm về tinh thần, vật chất đối với họ, như đã từng làm đối với cựu chiến binh Mỹ. Quý anh nghĩ sao về lời tuyên bố của bà Bình.

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang: Về mặt khoa học, đã có nhiều nghiên cứu tỉ mỉ trên những người có tiếp xúc lâu dài với Chất Da cam và dioxin ở mức độ rất cao so với mức tiếp xúc ở Việt Nam. Nhưng chưa có một nghiên cứu nào cho thấy các hóa chất nầy là nguyên nhân của các căn bệnh mà chánh quyền Việt Nam đang cáo buộc.

Mặt khác, bệnh ung thư và các chứng bệnh liên quan đến sinh sản cũng có thể là hậu quả của tình trạng suy dinh dưỡng, việc sử dụng bừa bãi các loại hóa chất độc hại, và tình trạng ô nhiễm môi trường do đủ loại chất thải độc hại thải ra trong quá trình phát triển hiện nay ở Việt Nam. Do đó, việc đầu tiên cần phải làm là xác định nguyên nhân của các căn bệnh nêu trên.

Đòi hỏi người thừa nhận hậu quả và trách nhiệm cho những việc làm tắc trách và thiếu khôn ngoan của mình chắc chắn không phải là một hành động phù hợp với luân thường, đạo lý, và đạo đức của truyền thống dân tộc Việt Nam.

Hỏi: Còn tiến sĩ Mai Thanh Truyết thì ông có điều gì cần nói thêm ?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Chánh phủ Hoa Kỳ trợ cấp cho cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam có mang "bệnh Da cam" vì lý do chánh trị chứ không phải để bồi thường cho hậu quả của Chất Da cam/dioxin. Chính Tiến sĩ Christopher Portier, Giám đốc Viện Khoa học Y tế Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ, đã xác nhận điều đó khi tham dự Hội nghị Khoa học về Ảnh hưởng của Chất Da cam/Dioxin ở Hà Nội vào tháng 3 năm 2002.

Nó cũng giống như cái lý do tại sao những cái gọi là "nạn nhân Da cam" từng phục vụ cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã không được chánh quyền Việt Nam đưa vào danh sách trợ cấp. Nếu có sự khác biệt, thì sự khác biệt đó chính là sự ăn năn và lòng nhân đạo.

Kính chào Quý thính giả của Đài ACTD.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.