Ứng dụng kỹ thuật Điện Mặt Trời tại Việt Nam


2007.12.03

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Việt Nam là quốc gia được đánh giá dồi dào về nguồn năng lượng mặt trời. Vào khi các loại nhiên liệu truyền thống đang ngày càng trở nên đắt đỏ thì nguồn năng lượng mặt trời là một trong những nguồn năng lượng tái tạo được đặc biệt chú ý để khai thác phục vụ cuộc sống con người.

Tại Việt Nam, một kỹ sư trong mấy năm qua thiết kế một hệ thống thu năng lượng mặt trời tại nhà riêng của ông, đồng thời lắp đặt ở một số công sở khác. Đó là kỹ sư Trịnh Quang Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chuyên mục Sáng kiến & Đời sống tuần này, mời quí vị và các bạn cùng nghe kỹ sư Trịnh Quang Dũng trình bày về công trình ông đang thực hiện tại gia đình cũng những họat động trong việc ứng dụng năng lượng mặt trời vào cuộc sống ở Việt Nam. Qua cuộc nói chuyện với biên tập viên Gia Minh, đầu tiên ông cho biết: “Từ năm 1997 lắp 500 Watt, sau đó khoảng năm 2000 chúng tôi tiến lên 1.000 Watt, rồi 1.500 Watt, rồi đên năm 2004 thì chính xác chùng tôi lắp đặt như bây giờ là 2.000 Watt.”

Gia Minh: Sau 3 năm thực hiện như vậy thì ông thấy chương trình này giúp tiết kiệm được như thế nào, thưa ông?

KS Trịnh Quang Dũng: Hiện nay cái của chúng tôi lắp như vậy gọi là hệ thống hybrid, hệ thống lai, hệ thống tích hợp giữa điện mặt trời và điện lưới. Bởi vì ở Việt Nam chưa có luật cho tư nhân bán điện vào lưới quốc gia cho nên chúng tôi..., hơn nữa cái lượng điện cũng nhỏ không đủ bán điện vào lưới quốc gia, cho nên chúng tôi dùng nhưng mà thiếu thì chúng tôi vẫn phải dùng điện lưới. Chính vì thế chúng tôi mới thiết kế hệ thống gọi là hệ thống tích hợp giữa điện mặt trời và điện lưới.

Chúng tôi hiện nay có 2 Kilowatt, mỗi tháng chúng tôi sản xuất được khoản 300 kilowatt/giờ điện. (300kWh). Chúng tôi dùng 300kWh điện đó cho tất cả các nhu cầu của gia đình, trừ máy lạnh vì máy lạnh rất là tốn. Riêng máy lạnh không cũng tốn độ ba bốn trăm kilowatt/giờ. Máy lạnh chúng tôi vẫn dùng điện lưới.

Gia Minh: Như vậy thưa ông, không cung cấp đầy đủ là do trang thiết bị hay do cái nguồn đầu tư?

KS Trịnh Quang Dũng: Do đâu tư. Do nguồn đầu tư. Thí dụ như là tôi phải đầu tư gấp đôi, gấp ba như thế thì mới đủ hết toàn bộ điện cho gia đình.

Gia Minh: Còn đối với nguồn năng lượng mặt trời theo tính toán thì ra sao, thưa ông?

KS Trịnh Quang Dũng: Việt Nam thuộc loại điện mặt trời tốt mà. Việt Nam theo bức xạ ở đây nó là 5,2 kw/h trên mét vuông trong ngày/năm. Đó là vùng thuộc loại vùng cao của cái radiation thế giới. Chúng tôi trước khi làm chúng tôi phải xem xét, cân nhắc trên cái gọi là bản đồ bức xạ.

Ở Việt Nam thì Sài Gòn nằm trong vùng ánh sáng bức xạ quanh năm. Mùa mưa thì nó chỉ giảm độ khoảng 20% so vớí mùa khô thôi. Nó không có giảm nhiều. Trong một ngày mùa mưa thì bao giờ cũng có nắng chứ. Nên nó chỉ giảm 20% thôi. Khi thiết kế thì chúng tôi bắt đầu thiết kế theo cái số liệu của lúc thấp nhất.

Gia Minh: Về thiết kế để có thể thu năng lượng và phát ra như lâu nay ông đang thực hiện đó, thì ra sao?

KS Trịnh Quang Dũng: Vâng. Cái hệ thống đấy gồm 4 hệ thống. Một hệ thống đầu tiên phải là dàn pin mặt trời. Hiện nay chúng tôi lập dàn phi mặt trời 2 kilowatt ở trên mái. Và mái nhà như vậy chiếm diện tích khoảng 8 mét vuông. Và gồm 2 loại pin, một loại pin của PP Solar và một loại pin của Siemen Solar. Pin PP Solar là của Anh, còn Siemen Solar là của Đức.

Loại pịn mặt trời này, 40 tấm này thì nó được đưa xuống dưới tầng trệt. Nhà tôi 3 tầng. Và tầng trệt này thì qua một bộ gọi là bộ trung tâm điều khiển xạ. Điện mặt trời thì nó sạc vào hệ thống ắc-quy. Hệ thống ắc-quy của chúng tôi là 800AH-24 volt. Sau khi nó sạc vào hệ thống này thì tôi dùng một hệ thống thứ hai gọi là hệ thống inverter là bộ biến đổi điện, từ điện DC 24 volt trở thành điện 220 volt AC. Hệ thống do tôi lắp tự sản xuất và theo công nghệ mới nhất, công nghệ high frequency, và sóng sin, có nghĩa là chất lượng điện tôi sản xuất ra tương đồng với chất lượng điện của mạng điện quốc gia.

Từ hệ thống inverter này điện sản xuất ra chúng tôi đưa vào điện lưới thôi. Chúng tôi đưa vào lưới của nhà. Lưới của nhà chúng tôi lúc nào mà thiếu thì sẽ nhảy vào dùng điện lưới, còn lúc nào không thiếu thì tự động dùng trong mạng lưới của nhà là điện mặt trời.

Ngoài ra thì ban đêm hoặc mùa mưa mà lượng điên mặt trời sạc vào không đủ thì chúng tôi có một hệ thống nữa gọi là hệ thống sạc bằng điện lưói quốc gia thì điện tự động nó cũng sẽ đẩy vào, lấy điện lưới quốc gia để sạc vào. Hệ thống này nó còn có tác dụng nữa là mua điện giá rẻ. Vì ở Việt Nam từ 10 giờ đêm cho đến 4 giờ sáng gọi là giờ ưu đãi thì giá điện bằng 1/3 giá lúc cao điểm và lúc ngày thường. Giờ đó hệ thống của chúng tôi nhảy vào lưới để mua điện lưới sạc vào pin. Tức là ban ngày sạc bằng điện mặt trời, ban tối dùng điện lưới sạc vào ắc quy.

Gia Minh: Như ông vừa đề cập đến một số loại pin mặt trời phải nhập thì giá cả ra sao?

KS Trịnh Quang Dũng: Vịêt Nam chưa có nhà máy sản xuất pin mặt trời. Hiện nay phin mặt trời ở Việt Nam phải nhập một trăm phần trăm. Trong kế hoạch trong năm nay thì Việt Nam sẽ có những cơ quan mà hiện nay chúng tôi cũng đang làm tư vấn cho một số tổ chức tư nhân để trong năm nay sẽ nhập về một nhà máy chế tạo pin mặt trời tại Việt Nam.

Gia Minh: Toàn bộ tất cả những trang thiết bị để lắp đặt đó tốn kém bao nhiêu, như hiện nay ông đang sử dụng, và nó có dễ kiếm không?

KS Trịnh Quang Dũng: Hiện nay dàn của chúng tôi trị gia đầu tư khoảng 21.000 đô. Ngoại trừ pin mặt trời thì nhập ngoại còn tất cả những đồ còn lại thì đều thiết kế và chế toạ tại Việt Nam hết.

Gia Minh: Với giá 21.000 đô thì theo ông nghĩ là nó có quá cao?

KS Trịnh Quang Dũng: Tất nhiên so với hiện nay đời sống của người Việt Nam thì đấy là một giá quá cao với lại dân chúng. Nói chung ở thành phố HCM cũng không phải là cao lắm đâu. Chỉ có điều là nếu tính bài toán kinh tế với lại việc dùng điện nhà nước đã có sẵn thì tất nhiên đó không phải là bài toán kinh tế rồi. Nhưng mà nếu so với giá cả ô nhiễm môi trường, nếu khi Việt Nam có chính sách như nước Đức hay một số nước tiên tiến khác, tức là có tính thuế môi trường, có tính đến nhiều facteur (yếu tố) khác thì tất nhiên lúc bấy giờ cái vấn đề ghi nhận điện mặt trời sẽ khác đi.

Tuy nhiên cũng báo cho các ông một tin vui là như vậy đã có một nhà mặt trời thư hai ở Sài Gòn. Nhà này đầu tư bằng nửa nhà của tôi. Và chúng tôi vừa mới lắp đặt xong vào tháng trước. Một ông chủ trẻ cũng thích điện mặt trời và cũng có đề nghị chúng tôi lắp đặt. Và chúng tôi vừa mới lắp đặt nhà điện mặt trời thứ hai, công suất 1 kilowatt ở Quận 8 thành phố HCM.

Gia Minh: Thưa ông, trước đây tổ chức SIDA của Thuỵ Điển họ tài trợ phải không ạ?

KS Trịnh Quang Dũng: Trước đây thì SIDA Thụy Điển đấy không phải là tài trợ mà họ tài trợ một chương trình nghiên cứu. Chúng tôi tham gia trong chương trình đó gọi là Chưong Trình Công Nghệ Điện Mặt Trời Châu Á, gồm có 6 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Trong đợt tài trợ này chúng tôi đã tìm được ra và đã làm thành công, nghiên cứu và thành công trong cái chế tạo inverter rồi chế tạo các chi tiết để sử dụng trong mạng điện mặt trời.

Gia Minh: Đó là một phần góp cho thành công, nhưng ông thấy vấn đề triển khai, như ông có nói là có một yếu tố khó khăn, đó là luật và giá cả vẫn còn cao. Để phổ biến càng ngày càng rộng ra thì theo ông cần có những điều kiện như thế nào?

KS Trịnh Quang Dũng: Điều kiện đầu tiên hiện nay là chính sách nhà nước, tức là hiện nay tất cả các nước đang triển khai điện mặt trời tốt, có điều là phải có chính sách vĩ mô của nhà nứơc, đó là chính sách ưu đãi của nhà nước. Chính sách ví dụ như thay vì đóng thuế thì họ có tài trợ bằng cách thay vì đóng thuế thì dùng các tiền đó để làm điện mặt trời. Ví dụ như chính sách ở Đức, chính sách ở Tây Ban Nha, thí dụ như của nhà tôi như thế này mà làm ở Tây Ban Nha thì như vậy ít nhất tôi được nhà nước tài trợ khoảng từ 20 tới 30%.

Điều thứ hai nữa là điện lực phải ký hợp đồng với tôi mua điện của tôi bán vào lưới giá gấp 3 lần giá bình thường so với điện trưyền thống, và ký hợp đồng trong 25 năm. Đấy, tất cả những thứ đấy hiện nay Việt Nam chưa có mà còn thiếu. Vì vậy cho nên để phát triển được điện mặt trời thì việc đầu tiên Việt Nam cần thiết là chính phủ Việt Nam phải có một số chính sách khuyến khích cho điện mặt trời.

Tất nhiên là hiện nay chính phủ Việt Nam đã bắt đầu khởi động cái chương trình này rồi, đã có các chính sách về tiết kiệm điện cũng như là khuyến khích điện năng lượng mới, cụ thể là sẽ dưa thành luật đấy. Trong năm nay sẽ có luật đưa qua quốc hội về vấn đề tiết kiệm năng lượng.

Gia Minh: Ông nói như vậy thì điện mặt trời vẫn còn là một thứ quá xa xỉ đối với đại bộ phận người dân Việt Nam.

KS Trịnh Quang Dũng: Tôi có thể nói là chẳng riêng gì Việt Nam mà hiện nay điện mặt trời còn xa xỉ cả vói Hong Kong, cả với Mỹ nữa chứ chả riêng đối vớí Việt Nam. Nếu cứ mang so với lại điện lưới thì ở đâu nó cũng xa xỉ vì điện lưới là điện mà nhà nước đẫ bỏ tiền ra làm đường dây, làm tất cả các thứ và không tính để sau này rồi mới thu hồi gọi là kinh doanh lại. Cho nên điện mặt trời hiện nay nếu nói về giá cả thì nó cao trên quy mô toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam.

Nhưng tất nhiên đối với Việt Nam thì nó càng cao là bởi vì thu nhập của Việt Nam nó quá thấp. Nhưng mà tình hình này thì tôi thấy nói chung là nó đang cải thiện bởi vì chỉ trong vòng từ 2010 thì bình quân thu nhập của Việt Nam đang phấn đấu vượt lên 1.000 đôla một đầu người, capita như vậy sẽ khác nhiều.

Gia Minh: Được biết là cũng có nhiều chương trình rải rác khác ở Việt Nam phải không, thưa ông?

KS Trịnh Quang Dũng: Vâng. Hầu hết điện mặt trời ở Việt Nam là chúng tôi là cơ quan đẻ ra điện mặt trời ở Việt Nam, một trong những cơ quan đẻ ra điện mặt trời ở Việt nam vào 30 năm trước. 30 năm trước chúng tôi đã có phòng thí nghiệm nghiên cứu về pin mặt trời và chế tạo pin mặt trời.

Tôi gốc là một nhà công nghệ về điện mặt trời chứ không phải chỉ làm điện mặt trời này. Chúng tôi là nhà công nghệ chế tạo solar cell và chính vì thế nên sau này chúng tôi có nghiên cứu và chuyển sang thành ra dùng cái điện cụ thể như thế này. Đó là chương trình cụ thể thôi, chứ còn chúng tôi có rất nhiều chương trình.

Trước đây chúng tôi đã có chương trình làm việc với Pháp 10 năm và chuơng trình làm việc với SIDA Thuỵ Điển, chương trình hợp tác với Đức, hợp tác với Hàn Quốc. Và hiện nay tôi đâng là chủ nhiệm cho chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.

Gia Minh: Nhiều trường nhiều viện họ cũng đang có một số các ứng dụng, ông có được biết không? Và có sự hợp tác và có sự tham vấn ý kiến như thế nào không?

KS Trịnh Quang Dũng: Hiện nay tôi đang được đặt hàng, tức là tôi dã làm tư vấn cho một số các công ty để xây dựng các nhà mặt trời ở Việt Nam. Thí dụ như công ty cổ phần Mai Linh, Taxi Mai Linh cũng đang định, chúng tôi đã thiết kế dàn máy 2 kilowatt ở trên nóc toà nhà Mai Linh. Và đặc biệt là Viện Môi Trường của Đại Học Quốc Gia Việt Nam cũng đang xây dựng ở Thủ Đức và cũng sẽ đặt ở trong kế hoạch, và tôi cũng đang là người thiết kế và tư vấn cho chương trình này, cũng là khoảng 12 kilowatt pin mặt trời trên nóc của toà nhà Viện Môi Trường Việt Nam.

Ngoài ra ở Hà Nội thì trên trụ sở của Bộ Công Nghiệp Việt Nam, bây giờ gọi là Bộ Công Thương, thì cũng đã đặt 3 kilowatt pin mặt trời nối lưới. Và tại nóc của toà nhà của Viện Năng Lượng Việt Nam ở Hà Nôi cũng đặt 2 kilowatt. Ngoài ra ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia của Việt Nam ở Mỹ Đình thì có một giàn khoảng 150 kilowatt cũng nối lưới.

Ngoài ra chúng ta còn rất nhiều các chương trình khác. Hiện nay chúng tôi đang có các chương trình điện mặt trời nông thôn. Hiện nay tổng cộng toàn bộ Việt Nam thì đã lắp đặt khoảng 1,5 megawatt pin mặt trời. Và hướng tới chúng tôi đang phấn đấu để cho tốc độ này vươn lên. Có khoảng 4.000 hộ dân đang sử dụng điện mặt trời ở tại nhà.

Gia Minh: Như khí nảy ông trình bày thì nó cũng tốn kém rất là nhiều, vậy thì ở vung nông thôn như thế thì điện mặt trời được cung cấp ra sao?

KS Trịnh Quang Dũng: Hiện nay các chương trình điện mặt trời cho nông thôn, như tôi đã nói với anh, đã có khoảng 4.000 hộ dân có điện mặt trời, chủ yếu là nguồn tiền của các hợp tác quốc tế và tổ chức của Việt Nam tài trợ chứ còn người dân chỉ đóng gớp khoảng chừng 10%.

Gia Minh: Được thực hiện ở những vùng nào vậy, thưa ông?

KS Trịnh Quang Dũng: Hiện nay khoảng 4.000 hộ dân ở khắp các tỉnh, nhưng chủ yếu tập trung ở MiềnTrung và Nam Bộ vì Miền Bắc điện mặt trời hơi kém một chút bởi ít nắng và gián đoạn vào mùa đông và mùa thu.

Cho nên điện mặt trời phát triển ở Miền Bắc là không phù hợp lắm nên tập trung chủ yếu ở Miền trung và Miền Nam., đặc biệt là đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Địa hình địa lý Việt Nam rất phức tạp. Những vung chúng tôi làm điện mặt trời đều cô lập.

Hiện nay Việt Nam đang mùa bảo lũ và trong mùa này họ có thể 6 thấng không đi lại được, không có nguồn tiếp tế,không có gì cả, rất là khó khăn. Con đường bình thường đi được vào mùa khô, còn đến màu mưa là nước ngập hết, không có đương đi vào. Họ trở thành ra những ốc đảo. Và thậm chí hiện nay trong các chương trình của chúng tôi luôn luôn chú ý tới vấn đề thông tin liên lạc để những nơi đó khi xảy ra sự cố hay thiên tai thì hoc vẫn có điện mặt trời để nối thông tin liên lạc.

Gia Minh: Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.