Xử lý rác sinh hoạt gia cư

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu & Mai Thanh Truyết, RFA

Vào ngày 16/6/2005, một cuộc họp báo do ông Phạm Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế họach và Đầu tư cho biết có một dự án xử lý chất thải rắn tại Tp HCM do một người Mỹ gốc Việt đầu tư vào. Dự án có tên là: "Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước" thuộc huyện Bình Chánh do Cty California Waste Solutions, Hoa Kỳ do anh David Phương đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 400 triệu Mỹ kim.

Lễ động thổ xây dựng cây cầu, một công trình đặc biệt quan trọng phục vụ cho dự án đã diễn ra ngày 16/7 trên một khu đất rộng 128 mẫu tây. Trong Tạp chí Khoa học & Môi trường hàng tuần, Đỗ Hiếu trao đổi với Tiến sĩ Mai Thanh Truyết để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Hỏi : Thưa TS, được biết dự án đã bắt đầu đi vào thực hiện TS có biết tin tức chi tiết ngoài những thông tin trên báo chí vừa kể trên không?

Đáp : Thưa anh, Dự án do Cty California Waste Solutions thực hiện. Cty nầy ngụ tại thung lũng vàng San Jose do anh David Dương làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Đây là một Cty hoạt động trong lãnh vực thu gom, tái chế, và quản lý chất thải rắn trong 13 năm qua tại Hoa Kỳ. Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, theo dự án, là một phương án lớn mang lại lợi nhuận và đạt hiệu quả cao nhất trong việc tái chế, xử lý rác, và có thể xử dụng đến 130 lao động địa phương.

Ông Phương đã thành lập một Cty VietNam Waste Solutions với 100% vốn đầu tư nước ngoài, với vốn ban đầu là 107 triệu Mỹ kim. Công trình nầy sẽ gồm một nhà máy phân loại rác, một nhà máy vi sinh compost, và bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh. Các nhà máy nầy sẽ hoạt động song song mục đích nhằm giảm thiểu khối lượng rác cần phải chôn lấp.

Hỏi : Như vậy, quy trình xử lý của khu liên hợp nầy như thế nào thưa ông?

Đáp : Quy trình có thể được mô tả như sau:

1- Trước hết, các loại phế thải trong rác được đưa qua nhà máy phân loại để tách lọc những loại phế thải có thể thu hồi hay tái xử dụng như các loại plastic, chai nhựa, bao nylon, các loại thủy tinh, kim loại và giấy.

2- Phế thải hữu cơ là rác gia cư thực sự sẽ được tách ra để biến chế thành phân bón.

3- Cuối cùng, phế thải còn lại sẽ được chôn vào trong các bãi rác thiết lập theo tiêu chuẩn quốc tế nghĩa là có những lớp nylon dầy ngăn chận nước rỉ xâm nhập vào nguồn nước ngầm và hệ thống bơm sẽ được đặt chung quanh bãi rác để bơm nước rỉ phát sinh hàng ngày vào nhà máy xử lý nước rỉ.

Theo dự án, hàng ngày Cty liên hợp nầy có thể "xử lý" 3.000 tấn rác gia cư, hơn phân nửa lượng rác hàng ngày của Tp HCM là khoảng 5.500 tấn/ngày.

Hỏi : Đứng về phương diện chuyên môn, vì TS cũng đã ở trong ngành nầy trên 20 năm, TS nhận thấy tính khả thi của khu liên hợp nầy như thế nào?

Đáp : Đây là một câu hỏi hết sức tế nhị, nhưng chúng tôi cũng cố gắng trình bày những suy nghĩ hết sức khách quan và chuyên môn dựa theo sơ đồ của dự án, và theo kinh nghiệm cá nhân trong ngành quản lý và xử lý rác nhà cũng như rác kỹ nghệ.

Theo chi tiết kỹ thuật của dự án, nhà máy phân loại có công xuất 500 tấn/ngày và nhà máy compost có khả năng chế biến 1.000 tấn/ngày nguyên liệu thành khoảng 600 tấn phân hữu cơ vùa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước và vừa xuất khẩu.

Dù chưa nói đến chi tiết kỹ thuật và thiết kế cho hai nhà máy trên, chỉ nội hai thông số kỹ thuật trên đây đã nói lên tính cách bất hợp lý của công xuất nhà máy là "xử lý" 3.000 tấn/ngày.

Nhà máy phân loại chỉ có khả năng tách 500 tấn/ngày mà thôi, còn 2.500 tấn rác hàng ngày còn lại phải đi về đâu? Vào bãi rác phụ để chờ đợi phân loại ngày mai hay phải đi vào bãi chôn lấp? Nhà máy chỉ phân loại được 550 tấn/ngày thì phải lấy rác hữu cơ ở đâu để làm nguyên liệu cho nhà máy compost là 1.000 tấn/ngày.

Nên nhớ sau khi phân loại, lượng rác hữu cơ sẽ ít hơn 500 tấn/ngày. Hơn nữa, khu liên hợp xử dụng phương pháp vi sinh nào mà chỉ trong một ngày có thể biến rác hữu cơ thành compost hay phân hữu cơ?

Quả thật, chúng tôi khó tìm một lý giải thoả đáng cho các nghịch lý về tính tóan kỹ thuật cho khu liên hợp xử ký rác nầy.

Hỏi : TS có kinh nghiệm nào về các dự án những khu liên hợp xử lý rác gia cư tương tự như dự án trên tại Hoa Kỳ hay không?

Đáp : Thưa anh, chúng tôi không trực tiếp tham dự vào việc xây cất và vận hành của một khu liên lợp tương tự như trên, Tuy nhiên chúng tôi cũng đã được học tập và rút kinh nghiệm về một khu liên hợp tương tự ở thành phố San Marcos cách San Diego khoảng 50 Km về hướng Bắc.

Chi phí của khu liên hợp là 200 triệu Mỹ kim, do ngân sách thành phố đài thọ. Nhà máy đã được khánh thành vào năm 1996 và chỉ vận hành được 2 tuần lễ thì phải bị đóng cửa vĩnh viễn vì vi phạm một số quy định trong luật Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ.

Hỏi : Đó là những vi phạm gì thưa ông?

Đáp : Các vi phạm đó là:

1- Nhà máy phân loại có những dây chuyền để tách kim loại, chai lọ thủy tinh, bao bì, chai lọ plastic, giấy và carton... không vận hành dúng quy trình kỹ thuật đề ra và cần phải điểu động thêm nhiêù lao động tay chân để phụ tiếp việc phân loại và tránh việc rác rơi vung vãi trong các dây chuyền;

2- Mức ô nhiễm không khí và mùi lan tràn vào các khu gia cư lân cận;

3- Quan trọng nhất là công đoạn biến rác hữu cơ thành compost. Thời gian dự trù cho nhà máy là 7 ngày, nhưng trên thực tế thời gian nầy không đủ để biến rác hữu cơ thành phân, dù rác đã được nghiền nhỏ và kỹ thuật vi sinh cùng hóa chất cũng đã tham gia vào công đoạn nầy;

4- Rác nguyên thủy còn tồn đọng, cũng như rác hữu cơ đã được phân loại cần phải có hai bãi chứa khác nhau, do đó việc giải quyết nước rỉ phát sinh ngay sau đó và sự phóng thích khí methane do phản ứng phân hủy của rác không thể được giải quyết thích đáng được.

Chính vì 4 lý do nầy và một số vi phạm linh tinh khác mà Khu xử lý liên hợp San Marcos bị đóng cửa vỉnh viễn, tiêu tốn 200 triệu Mỹ kim của người chịu thuế.

Hỏi : Xin TS có thể cho biết sự khác biệt của rác gia cư ở Việt Nam và Hoa Kỳ?

Đáp : Thưa anh. Có thể nói rác gia cư ở Hoa Kỳ ít hợp chất hữu cơ qua thức ăn và khô hơn rác ở Việt Nam. Nghĩa là rác Hoa Kỳ chứa nhiếu bao bì phastic, chai lọ, giấy, và cây cỏ do việc chăm sóc sân cỏ và vườn hoa chung quanh nhà.

Gần như ở hầu hết các thành phố lớn ở Hoa Kỳ, mỗi đơn vị gia cư đều được cung cấp những thùng rác khác nhau như: thùng chứa tất cả các đồ gia dụng có thể tái sinh như giấy, chai lọ và plastic, một thùng chứa các sản phẩm rác thực vật, và thùng thứ ba chứa phế thải thực sự do thức ăn trong gia đình.

Do đó, công đoạn của nhà máy phân loại được tiết giảm rất nhiều. Thêm nữa, theo cung cách nấu nướng ở Hoa Kỳ, thì rác do thức ăn tương đối khô, không ướt đọng như rác Việt Nam.

Từ kinh nghiệm ở nhà máy rác San Marcos, chúng tôi nhận thấy dự án Khu liên hợp Đa Phước với khả năng xử lý và biến 1000 tấn rác hữu cơ thành phân trong vòng một ngày quả là một điều không tưởng, trừ phi Cty Việt Nam Waste Solutions có một quy trình đặc biệt nào khác không thể ghi ra trong dự án để giữ bí mật nghề nghiệp hay không?

Hỏi : Để kết thúc buổi thảo luận hôm nay, xin TS cho biết ý kiến chung về tình trạng rác gia cư và phương cách xử lý rác cùng nước rỉ ở Việt Nam như thế nào?

Đáp : Bắt đầu từ năm 1998, chúng tôi đã quan tâm nhiều đến vấn đề rác đô thị ở những thành phố lớn, nhất là những thánh phố đang phát triển mạnh ờ Việt Nam như TpHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẳng, Cần Thơ.... Riêng tại Tp HCM, chúng tôi đã có nhiều bài viết về tình trạng của bãi rác Đông Thạnh tại Hốc Môn.

Qua nhiều tai nạn bể bờ khu chứa nước rỉ làm tiêu hủy nhiều mẫu ruộng và hoa màu của cư dân. Nước rỉ đã tràn qua sông Rạch Tra và chảy thẳng vào sông SàiGòn. Một Cty do Hoà Lan viện trợ một phần, đã thiết lập một nhà máy xử lý nước rỉ tại đây, khánh thành vào tháng 6/2002, nhưng chỉ vận hành chưa đầy 1 tháng thì phải đóng cửa, tiêu tốn vào khoảng 32,5 triệu Mỹ kim. Những tình trạng như trên lại tiếp tục xảy ra cho nhà máy xử lý khác như ở Biên hòa, tốn khoảng 7 triệu.

Chúng tôi thiết nghĩ, qua những kinh nghiệm thất bại như trên, Việt Nam cần phải nhìn lại tính khả thi qua việc xây dựng những loại nhà máy xử lý phế thải. Trở qua dự án Đa Phước, chúng tôi nghi ngờ nguyên tắc vận hành của dự án trên lý thuyết. Qua kinh nghiệm ở Khu xử lý San Marcos chúng tôi mang ra làm thí du trên đây đã nói lên tính phức tạp của vấn đề.

Xin thưa, trong kỹ nghệ xử lý phế thải, mọi tính toán trên lý thuyết, trên quy trình kỹ thuật của dự án, kết quả ở phòng thí nghiệm.... tất cả vẫn chưa dủ để đem vào áp dụng trong thực tế. Hơn nữa tính chất rác gia cư ở Hoa Kỳ khác hơn rác ở Việt Nam. Sự khác biệt nầy sẽ đưa đến nhiều phương cách giải quyết khác cần phải nghiên cứu thêm, hơn là chấp nhận 100% quy trình của "người" và đem vào áp dụng một cách máy móc cho Việt Nam.

Rốt ráo hơn nữa là những thông số kỹ thuật ghi trong dự án đã đưa ra nhiều nghịch lý trong tính toán. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ dự án nầy cũng chỉ đem lại thêm một kinh nghiệm thất bại và một sự thất thoát không nhỏ là 400 triệu Mỹ kim, một số tiền lớn có thể đầu tư vào những dịch vụ khác có ích lợi hơn.

Đỗ Hiếu : Xin cám ơn Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết thuộc Hội KHKT/VN tại Nam California Hoa Kỳ và hẹn gặp lại quý vị thính giả cũng vào ngày giờ này tuần tới trên các làn sóng phát thanh cuả đài Á Châu Tự Do.