Thời Sự Tuần Qua kỳ này đề cập tới các đề tài: Cảnh thảm sát một sinh viên Việt Nam tại Nga, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang mất dần thị trường, Tân Vương xứ Chùa Tháp, tình hình liên quan kỳ bầu cử Tổng thống ở Afghanistan, diễn tiến tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, và Giải Nobel Kinh Tế năm 2004.
By line: Thanh Quang
Vụ thảm sát một sinh viên Việt Nam tại Nga
Tối thứ Tư, Vũ Anh Tuấn, 21 tuổi, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa St. Petersburg tại Liên Bang Nga, đã bị một nhóm thanh niên tấn công và đâm chết. Một số nhân chứng kể lại rằng nhóm này gồm khoảng 18 thanh niên đầu trọc, mặc quần áo đen và mang ủng, tấn công khi Anh Tuấn đang từ một ga xe điện ngầm đi ra, sau anh khi dự sinh nhật bạn ở ký túc xá Trường Y khoa Pavlov.
Một sinh viên người Nga bày tỏ thái độ trước vụ này: (Xin nghe audio clip bên trên)
Ngay từ đêm xảy ra bi cảnh này, hơn 100 sinh viên nước ngoài đã biểu tình mạnh mẽ phản đối vụ giết chết sinh viên Vũ Anh Tuấn.
Sau vụ sát hại dã man này, nhiều người bạn của Anh Tuấn cùng viết một lá thư bày tỏ sự phẩn nộ, cũng như khóc bạn và tranh đấu để giới hữu trách Nga có biện pháp bảo vệ họ khỏi điều mà họ gọi là chủ nghĩa phát xít mới, sự thù hằn dân tộc.
Một nhà báo người Việt tại Nga cho biết: (Xin nghe audio clip bên trên)
Hôm thứ Năm, cảnh sát Nga cho biết đã bắt được một số nghi can và thẩm vấn họ, nhưng sau đó phần lớn những người này được thả ra. Các cuộc điều tra chú trọng tới khía cạnh kỳ thị chủng tộc.
Chủ tịch hạ Viện Nga Boris Gryzlov tuyên bố các cơ quan thẩm quyền phải nhanh chóng và ưu tiên điều tra hành động tội ác chống sinh viên nước ngoài. Và ông nhấn mạnh tới việc nước Nga cần có luật mới chống các phần tử cực đoan và chủ nghĩa sô-vanh.
Theo tổ chức nhân quyền ở Moscow thì trong vòng 3 năm qua, bọn cực đoan “skinheads” đầu trọc đã tăng từ 30,000 lên 50,000, và trong 2 năm tới, số bọn này có thể lên 100,000.
Doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần thị trường
Tại Việt Nam, những tháng cuối năm nay là giai đọan bi quan cho nhiều doanh nghiệp tư nhân hạng vừa và nhỏ chuyên xuất khẩu ngành mộc và dệt may; những công ty này đang mất dần thị trường do ảnh hưởng các đợt tăng giá nguyên liệu cho tiến trình sản xuất, cùng cuộc khủng hoảng quota dệt may mới đây. Nam Nguyên trình bày thêm chi tiết: (Xin nghe audio clip bên trên)
Được biết Bộ Công An Việt Nam đã bắt đầu mở cuộc điều tra để tìm hiểu sự liên hệ giữa ông Mai Văn Dâu, thứ trưởng Bộ Thương mại với đường dây của vụ tham nhũng quota dệt may đi Mỹ. Tuần trước Bộ trưởng Trương Đình Tuyển lên tiếng với báo chí là ông Dâu tạm nghỉ việc và làm kiểm điểm.
Trong 9 tháng qua, nhà cầm quyền Việt Nam phát hiện 32 vụ tham nhũng có liên hệ tới 69 quan chức, trong đó, 22 người đã bị truy tố. Các vụ tham nhũng này làm thất thóat công quỹ 112 tỷ đồng.
Tân vương Cambodia
Tại Cambodia, Hội Đồng Tuyển Tân Vương hôm thứ Năm công bố chọn Hoàng Tử Norodom Sihamoni lên kế vị Vua Cha Norodom Sihanouk vốn đã tuyên bố thóai vị thứ Ba tuần trước.
Các lãnh tụ chính đảng ở xứ Chùa Tháp, kể cả thủ tướng Hun Sen, chủ tịch Quốc hội Norodom Ranaridh tức người danh dị bào của Tân Vương, và lãnh tụ đối lập Sam Rainsy.
Riêng hoàng thân Ranaridh kể lại rằng trước đó ông từng thúc giục hoàng tử Sihamoni làm Vua, vì ông hoàng Ranaridh chỉ thích tham chính; và nếu nếu hoàng tử Sihamoni không nhận lên ngôi, tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn. (Xin nghe audio clip bên trên)
Hôm thứ Sáu, thông diệp đầu tiên của Tân Vương Cambodia là ông không liên hệ tới các vấn đề chính trị.
Trong số các lãnh tụ nước ngoài, nhân vật gởi điện văn chúc mừng trước tiên là Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Pháp Jacques Chirac, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương cũng đã gởi những lời chúc tốt đẹp nhất cho Tân Vương Norodom Sihamoni.
Hôm thứ Ba, xứ Chùa Tháp cũng trở thành nước hội viên thứ 148 của Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới WTO.
Bầu cử Tổng thống ở Afghanistan
Tại Afghanistan, 5 ngày sau khi diễn ra kỳ bầu cử Tổng thống đầu tiên tại xứ Hồi Giáo Trung Á này, cuộc kiểm phiếu bắt đầu hôm thứ Năm vừa rồi; Vào thứ Sáu cuộc kiểm phiếu tạm ngưng vì là ngày đầu của tháng Chay Tịnh Ramadan, và đã được tiếp tục hôm thứ Bảy.
Dù khoảng hơn một tuần nữa mới có kết quả rõ nét, người ta tin rằng chủ tịch Hamid Karzai sẽ thắng cử, thậm chí hội đủ túc số phiếu từ 51 phần trăm trở lên để không phải tiếp tục tranh trong vòng nhì.
Nói chung cuộc bầu cử diễn ra suông sẻ, không có bạo động trong ngày bầu phiếu, khiến trong và ngoài xứ Afghanistan lạc quan về sự hình thành dân chủ ở xứ Hồi giáo bảo thủ này.
Lên tiếng về diễn tiến đó, phát ngôn viên Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ Richard Boucher cho biết rằng Afghanistan ngày nay khác hẳn với trước, khi người dân xứ này vừa có cơ hội tham gia bầu cử Tổng thống, và sẽ đi bầu Quốc hội vào mùa Xuân này; Rõ ràng là Afghanistan giờ không còn trong không khí khủng bố, mà là nơi người dân được quyết định vận mạng của mình.
Sở dĩ cuộc cuộc phiếu được thực hiện chậm trễ như vậy là vì 16 trong tổng cộng 18 ứng cử viên Tổng thống tuyên bố tẩy chay kết quả cuộc bầu cử mà họ cho là có những dấu hiệu gian lận.
Cuộc kiểm phiếu chỉ diễn ra sau khi vấn đề được dàn xếp, qua đó, một Ủy ban do LHQ bổ nhiệm đang tiến hành cuộc điều tra.
Mọi hành động tẩy chay kết quả bầu cử đe dọa tới công cuộc thực thi dân chủ đầu tiên tại xứ Hồi giáo Trung Á từng trải qua nhiều giai đọan lịch sử phức tạp này, từ thời thuộc địa, phong kiến, cộng sản, nội chiến cho tới ách thống trị của phe Hồi giáo cực đoan Taliban.
Bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu, 3 ngày sau khi 2 ứng cử viên Tổng thống George W. Bush và John Kerry tranh luận lần chót ở tiểu bang Arizona, cuộc thăm dò ý kiến do các hãng Reuters/Zogby thực hiện cho thấy Tổng thống Bush được 48 phần trăm mức hậu thuẩn của cử tri so với 44 phần trăm dành cho Thượng nghị sĩ Kerry.
Nhưng hiện hãy còn quá sớm chưa thể tiên đóan ứng cử viên nào thắng thế rõ rệt, vào khi công luận cho rằng cuộc tranh luận sáng thứ năm vừa rồi, giờ Việt Nam, nói chung chưa làm nghiên cán cân tranh cử. Nguyễn Khanh trình bày một số chi tiết về cuộc tranh luận trong 90 phút này (Xin nghe audio clip bên trên)
Nobel Kinh tế 2004
Giải Nobel Kinh tế 2004 được trao cho 2 nhà nghiên cứu, một Hoa Kỳ và một Na-Uy, về công trình của họ trong việc xác định yếu tố chi phối chu kỳ kinh tế thế giới.
Đó là các ông Edward C. Presscott, 63 tuổi và Finn E. Kydland, 60 tuổi. Ông Presscott là người Mỹ thứ năm được giải Nobel Kinh tế kể từ năm 2000; ông dạy tại đại học Arizona. Ông Kydland mang quốc tịch Na-uy, nhưng dạy tại đại học ở các tiểu bang Pennsylvania và California.
Thanh Quang cảm ơn quý thính giả vừa theo dõi TSTQ hôm nay, và xin hẹn tái ngộ cùng vị trong chương trình tuần sau.