Kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam?


2007.07.25

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Việt Nam đạt kế hoạch vào năm 2020 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ đi vào hoạt động, và ngay từ bây giờ nhiều chương trình, kế hoạch cũng đang được ráo riết chuẩn bị cho dự án tầm cỡ này. Một trong những việc quan trọng nhất là tìm đối tác cung cấp lò phản ứng cho nhà máy cũng như nguồn cung cấp nhiên liệu vận hành.

Nhu cầu điện năng

CarlyleThayer150.jpg
Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam hiện đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng Úc. RFA file photo

Những con số thống kê luôn cho thấy mức tiêu thụ điện luôn đi đôi với đà sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế và bài toán này hiện nay đang làm các giới chức hữu trách Việt Nam lúng túng.

Khi nền kinh tế bắt đầu tăng tốc cũng là lúc Việt Nam nhận ra được nguồn điện của mình không đủ cung cấp cho xã hội và cho các nhà máy có yêu cầu sử dụng điện công nghiệp ngày một tăng cao.

Mặc dù nguồn nhiệt điện và thủy điện đã chạy hết công xuất, Việt Nam vẫn phải mua điện của Trung Quốc cho các tỉnh phía Bắc và trong tương lai gần, cho cả miền Trung và Cao nguyên trung phần.

Giải pháp điện hạt nhân được đưa ra nhằm cân bằng tình trạng thiếu điện trầm trọng này cũng là phương cách tối ưu trong tình hình thế giới đang lo ngại về ô nhiễm môi sinh vì khí thải của các nhà máy nhiệt điện tại nhiều nước.

Dự án cho một nhà máy điện hạt nhân đã được chính phủ thông qua và hiện tại vài viên chức cao cấp đầu ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam đang có mặt tại Mỹ để nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến dự án.

Mỹ sẽ cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho VN?

Mới đây trên tờ The Straits Times, Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam hiện đang làm việc cho Viện Quốc Phòng Úc đã trình bày một vài chi tiết có liên quan đến vấn đề này.

Ông Thayer đặc biệt chú ý đến việc Hoa Kỳ là nước có khả năng cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam và nếu điều này thật sự xảy ra thì đây là một quyết định có tính chiến lược sẽ thay đổi cục diện vùng Đông Nam Á, ít ra trên lĩnh vực hạt nhân.

Chúng tôi liên lạc với Giáo sư Carlyle Thayer để hỏi thêm ông một vài điểm mà nhìn chung được nhiều người chia sẻ hiện nay. Khi chúng tôi đặt vấn đề là liệu nước Mỹ có đặt niềm tin vào Việt Nam trước khi quyết định cung cấp lò phản ứng hạt nhân dùng vào việc sản xuất điện năng hay không, giáo sư Thayer trả lời:

“Nước Mỹ có vẻ rất nghiêm túc khi quan tâm đến vấn đề an toàn hạt nhân cũng như sự an toàn của phóng xạ nguyên tử. Nếu Mỹ thỏa thuận lắp đặt lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam có nghĩa là Hoa Kỳ rất tin tưởng vào thiện chí của nước này và việc cung cấp lò phản ứng cũng đòi hỏi việc chuyển giao công nghệ cho nước thụ hưởng.

Vì vậy việc này có liên quan đến sự an toàn hạt nhân mà Mỹ là quốc gia đang đặt ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ và kiểm soát trên khắp thế giới. Quyết định của Mỹ, vì vậy cũng đặt Việt Nam trong vị trí của một nước có kỹ thuật hạt nhân trong tương lai và đây là kế hoạch đầu tiên trong một loạt kế hoạch tiếp theo sau đó có liên quan đến việc lắp đặt một nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam.”

Khi chúng tôi đưa ý kiến của nhiều nhà quan sát cho rằng Việt Nam và Bắc Hàn đều cùng chung một hệ thống chính trị và cùng theo đuổi chủ nghĩa Cộng Sản, điều này cũng có nghĩa là không loại trừ việc Việt Nam có thể hành xử giống như Bình Nhưỡng trong tương lai nếu có những bất ổn hay biến cố chính trị xảy ra?

Giáo Sư Thayer cho rằng đây là vấn đề của lịch sử, và hai nước có những hành động cũng như cách hành xử khác nhau đối với cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã chứng tỏ vượt qua được những thử thách kinh tế khó khăn và đã có những động thái hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà quốc tế quan tâm, ông nói:

“Đây là vấn đề lịch sử. Việt Nam đã có những thành tựu ý nghĩa trong những hiệp ước mậu dịch giữa các nước trên thế giới, đặc biệt vào tháng 11 năm ngoái khi nước này tổ chức hội nghị APEC tại Hà Nội và việc Tổng Thống Bush sang tham dự hội nghị.

Tại Hà Nội, một thỏa thuận quan trọng đã đạt được giữa ba phía là Nga, Mỹ và IAEA bàn về vấn đề một nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này cũng bàn về sự trao đổi những thanh Uranium có tinh độ cao đổi lấy những nguyên liệu Uranium có tinh độ thấp dùng để chạy trong các lò phản ứng hạt nhân tại Việt Nam.

Những thanh Uranium thấp này không có khả năng chế biến thành vũ khí hạt nhân. Việt Nam sẽ hoàn lại tất cả các thanh nhiên liệu có chất Uranium cao cho Nga. Những thỏa thuận cạnh đó Việt Nam sẽ hợp tác toàn diện với Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ để đảm bảo sự an toàn hạt nhân cũng như sẽ tuân thủ những quy định của IAEA.

Nếu Mỹ thỏa thuận lắp đặt lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam có nghĩa là Hoa Kỳ rất tin tưởng vào thiện chí của nước này và việc cung cấp lò phản ứng cũng đòi hỏi việc chuyển giao công nghệ cho nước thụ hưởng. Quyết định của Mỹ, vì vậy cũng đặt Việt Nam trong vị trí của một nước có kỹ thuật hạt nhân trong tương lai.

Ông Mohamed ElBaradei, giám đốc IAEA còn gọi là Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc, đã chính thức cho thành lập một bộ phận nghiên cứu về vấn đề này tại Việt Nam. Việc này cho thấy các bên liên hệ đã tin tưởng Việt Nam như thế nào và những hoạt động cụ thể cũng cho thấy các bên đánh giá cao Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc của tổ chức IAEA.

Tổ chức này luôn đòi hỏi các nước sở hữu các nhà máy điện hạt nhân không được mua bán những thanh nhiên liệu Uranium tinh độ cao để tránh tình trạng lạm dụng các thanh nhiên liệu này vào ý đồ tái chế vũ khí hạt nhân của bọn khủng bố.”

Mức độ an toàn của điện hạt nhân

Khi được hỏi tại sao Việt Nam lại chọn Mỹ là nước cung cấp lò phản ứng hạt nhân mà không chọn Pháp, Nga hay Nam Hàn khi những nước này đều đưa ra những đề nghị rất có lợi cho Việt Nam, giáo sư Thayer cho biết:

“Chúng ta chưa đoan chắc là Việt Nam sẽ chọn Mỹ vì họ chưa có quyết định cuối cùng và hơn nữa trong kế hoạch nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam cũng còn phải qua nhiều chặng nữa. Tuy nhiên theo tôi việc chính yếu của Việt Nam hiện giờ là chuyên tâm vào vấn đề nhân lực.

Việt Nam cần có kế hoạch huấn luyện nhân sự, có thể cần một hợp đồng dài hạn để Nga hay Ấn Độ đào tạo nguồn nhân lực này trước khi nhận lò phản ứng hạt nhân từ công ty sản xuất Westinghouse. Đồng thời tất cả những doanh nghiệp của các nước khác như Nam Hàn hay Nhật Bản hỗ trợ cho dự án này. Tuy nhiên tôi xin nhắc lại là cho tới giờ này thì chưa có một quyết định chính thức nào được đưa ra cả.”

Sự việc nước Nhật trong vài ngày qua đang khó khăn đối phó với nhà máy hạt nhân của mình bị thiệt hại nặng sau vụ động đất có cường độ 6,7 Richter đã khiến dân chúng Nhật quan tâm và có dư luận đòi phải xem lại hạ tầng của việc xây dựng nhà máy này đã khiến cho Việt Nam phải suy nghĩ lại.

Là một nước có nền công nghiệp hạt nhân hàng đầu thế giới nhưng sau biến cố này Nhật vẫn phải xem lại việc tính toán trong xây dựng nhà máy hạt nhân và điều này khiến Việt Nam không thể nào không lo ngại về khả năng xây dựng của mình.

Ngay cả việc nhờ một nước có nền công nghiệp hạt nhân tiên tiến thì Việt Nam tối thiểu cũng phải hiểu rõ kết cấu cần thiết cho độ an toàn về chịu lực của một nhà máy hạt nhân trong khi theo dõi tiến độ thi công. Tai nạn của người cũng là dịp may cho Việt Nam rút ra những kinh nghiệm cần thiết trong tương lai của mình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.