Nghệ sĩ Năm Nghĩa


2008.02.23

Soạn giả Nguyễn Phương

Thưa quý thính giả, trong số những nam nghệ sĩ tiền phong, khán thính giả rất ái mộ các danh ca như Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Út Trà Ôn, Tám Thưa, Năm Phồi, Thành Công, Ba Khuê, Tám Bằng, Sáu Thoàn, Thanh Cao, v…v.… Trong số các danh ca đó, các anh Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê, Út Trà Ôn… đứng ra lập gánh hát và trở thành kép chánh của gánh hát nhà.

danhcaNamNghia150.jpg
Nghệ sĩ Năm Nghĩa. Hình của Soạn giả Nguyễn Phương.

Nghệ sĩ Năm Nghĩa tên thật là Lư Hoà Nghĩa sanh năm 1917 tại Bạc Liêu, mất năm 1959 tại Saigon.

Khi Năm Nghĩa được 15 tuổi, anh đã nổi tiếng danh ca nhờ có một làn hơi thiên phú và một kỹ thuật ca với giọng ơ ơ dứt câu rất là độc đáo. Thầy dạy cho anh Năm Nghĩa ca và đờn kìm là các ông nhạc sư Sáu Lầu, tức Cao Văn Lầu, nhạc sư Ba Chột, con của hậu tổ Nhạc Khị và nhạc sĩ Mười Khói là người chuyên đờn luyện giọng ca cho anh Năm Nghĩa khi nhạc sĩ Mười Khói đờn cho gánh hát Hậu Tấn - Năm Nghĩa và sau này anh Mười Khói đờn cho gánh hát Thanh Minh – Năm Nghĩa.

Bản Dạ Cổ Hoài Lang

Năm Nghĩa nổi tiếng trong giới đờn ca tài tử ở tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh phụ cận nhờ nơi giọng ca rất mùi và chắc nhịp và nhờ nơi anh biết đờn kìm và luôn luôn tìm chữ đờn mới, cách ca mới, bay bướm hơn, mới lạ và mùi mẫn hơn các bạn ca sĩ trong nhóm đờn ca tài tử Bạc Liêu.

Bản Dạ Cổ Hoài Lang nhịp đôi của nhạc sĩ Sáu Lầu sáng tác năm 1918. Năm 1927, nhạc sĩ Tư Chơi tức soạn giả Huỳnh Thủ Trung đờn mở thành ra nhịp tư và viết bài ca Tiếng Nhạn Kêu Sương, bản Dạ Cổ Hoài Lang nhịp tư đầu tiên. Ông nhạc sĩ Sáu Lầu rất khen và chấp nhận cách kéo nhịp giản ra của nhạc sĩ Tư Chơi vì nhạc sĩ Tư Chơi thêm chữ đờn trong lòng câu Dạ Cổ mà không phá căn bản của bài Dạ Cổ Hoài Lang.

Mời các bạn tham gia mục Cổ nhạc do Soạn giả Nguyễn Phương phụ trách. Mọi email xin gửi về vietweb@rfa.org

Năm 1934, thời kỳ rất thạnh hành của bản Dạ Cổ Hoài Lang nhịp tư, nhưng danh ca Năm Nghĩa nghĩ cách kéo dài gấp đôi bản đờn Dạ Cổ với những chữ đờn được chỉnh sửa cho mùi hơn nhưng vẫn giữ y nguyên những chữ đờn ở những nhịp chính của bản đờn gốc.

Nhạc được kéo dài ra thành ra lời bài ca cũng phải viết nhiều chữ hơn nên danh ca Năm Nghĩa sáng tác bài ca vọng cổ Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa nhịp 8. Bài hát nầy được hãng dĩa Béka thu thanh và phát hành dĩa 78 tours trên toàn quốc, đã đề cao tên tuổi của danh ca vọng cổ Năm Nghĩa, mở màn cho sự phát triển của bản vọng cổ, từ nhịp tám tăng lên thành nhịp 16, rồi nhịp 32, nhịp 64 sau nầy, làm rạng danh cho những danh ca vọng cổ như Út Trà O6n, giọng ca vàng Hữu Phước, giọng hát Liêu Trai Mỹ Châu, giọng ca sầu nữ Út Bạch Lan …v…v.

Việc thêm chữ đờn, giản nhịp ra, thêm lời ca cho phù hợp với chữ đờn, người ngoài nghề nghĩ đó là việc bình thường nhưng trong giới nhạc sư, nhạc sĩ cổ nhạc, các nghệ sĩ tài danh Phùng Há, Năm Châu, Tư Chơi, Năm Nở đều đánh giá cao sự sáng tạo của nghệ sĩ Năm Nghĩa giúp cho bản vọng cổ được phát triển mạnh và trường tồn. Bản Dạ Cổ Hoài Lang được đổi tên là Vọng cổ, một bản nhạc được xem như là bản nhạc vua trong nghệ thuật cải lương.

Nhạc sư Cao Văn Lầu đã phát biểu cảm tưởng nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ngành ca kịch cải lương tại nhà Hội nghệ sĩ ở đường Cô Bắc như sau : Phải cám ơn thằng Năm Nghĩa, nếu nó không chế biến ra thành bản vọng cổ Bạc Liêu nhịp 8 thì bài Dạ Cổ Hoài Lang của tôi sẽ giống như các bàiOán, bài Nam bất biến. Cứ theo khuôn khổ đờn ca cũ như bao nhiêu bản cổ nhạc khác thì làm sao mà nó được phát triển và được cả mọi người ưa thích như ngày nay.

Cái hay của thằng Nghĩa là nó biết nhồi thêm nhiều chữ đờn cho mùi hơn, réo rắt hơn, xôm hơn mà vẫn giữ đúng các chữ đờn ở các nhịp chánh, thành ra khi hòa đờn với nhau, mạnh ai nấy biến tấu, miễn cùng giữ đúng chữ đờn ở những nhịp chánh thì nghe nhạc càng thích thú chớ không có trái tai hay đờn chỏi, đâm hơi với nhau.

Thu nhiều bộ dĩa hát nổi tiếng

Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng ca của danh ca Năm Nghĩa trong tuồng Hoa rơi cử Phật Nghệ sĩ Năm Nghĩa nổi danh trên đài phát thanh cùng hãng dĩa BéKa và Asia, anh đã thu những bộ diã hát nổi tiếng như bộ dĩa Quan Công Quy vị, vọng cổ câu, nhan đề Nặng Gánh Nợ Đời, Đêm Đông, Tình Yêu Trong Mộng Tưởng, Hoa Rơi Cửa Phật, Tam Ban triều điển Đổng Quý Phi, Gươm Vàng Máu Đỏ, Võ Đông Sơ…

Năm 1936, nghệ sĩ Năm Nghĩa đi hát cho gánh hát Hề Lập, cùng với kép Tư Long, hề Sáu Dình, Cô Năm Đặng, Ba Hông và Mai Huệ. Năm Nghĩa là kép ca sáng chói nhứt của gánh hát. hề Lập.

Năm 1942, Ông Phạm Minh Tấn, quản lý rạp hát Thành Xương và là chủ nhân của năm căn phố bên hông rạp Thành Xương, ông mời hai danh ca Năm Nghĩa và Bảy Cao hợp tác, thành lập hai gánh hát đại ban, lấy bảng hiệu Hậu Tấn - Năm Nghĩa và gánh Hậu Tấn - Bảy Cao. Gánh hát Hậu Tấn Bảy Cao chuyên hát tuồng chiến tranh mà thời đó nhiều người còn gọi là tuồng Cắc Bùm.

Gánh hát Hậu Tấn Năm Ngjhĩa chuyên hát tuồng Phật như Thích ca Đắc Đạo, Mục Liên Thanh Đề và các tuồng truyện cổ tích Thoại Khanh Châu Tuấn, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa. Năm Nghĩa trong vai Phạm Công ca vọng cổ, diễn tả tấm lòng chung thủy trước mộ của Cúc Hoa đã khiến cho biết bao khán giả phải rơi lụy và si mê thần tượng vọng cổ Năm Nghĩa.

Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng ca của danh ca Năm Nghĩa trong tuồng Tam Ban triều điển Đổng Qúy Phi ca chung dĩa hát với cô Năm Cần Thơ. Hồi xưa, giọng ca ngân dứt câu hơ hơ… ngân đổ hột là một cái mode thời thượng. Giọng ngân phải đều đặng, không được đứt khoản và phải vuốt nhỏ dần là một lối ca rất khó, danh ca Năm Nghĩa khởi đầu lối ca ngân đổ hột này.

Năm 1948, gánh hát Hậu Tấn – Năm Nghĩa hát ở Tân Định, nữa đêm bị kẻ gian phóng hỏa thiêu rụi gánh hát. Sau đó năm 1949, nghệ sĩ Bảy Cao bị Công An bắt nhốt trong khám nên ông Ba Tấn cho rã hai gánh hát Hậu Tấn - Năm Nghĩa và Hậu Tấn - Bảy Cao.

Năm 1949, ông Năm Nghĩa thành hôn với bà Nguyễn Thị Thơ, lập ra gánh hát Thanh Minh. Hầu hết những danh ca và nghệ sĩ tài danh thời đó đều có hát cho đoàn hát như các nghệ sĩ Út Trà Ôn, cô Ba Kim Anh, Kim Chưởng, Thanh Loan, Thu Ba, Bé Hoàng Vân, Hoàng Giang, Kim Giác, Việt Hùng - Ngọc Nuôi, Phước Trọng - Thúy Nga, Văn Chung - Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Minh Điển, Văn Ngà, Hữu Phước, Thành Được, Út Nhị, Út Hậu, Út Hiền, hề Kim Quang, hề Châu Hí, Tám Vân, Sáu Nhỏ, Vinh Sang, Bích Sơn, …v…v….

Ông Năm Nghĩa, bị thổ huyết vì bịnh loét bao tử, chết tại nhà thương Grall, tháng 12 năm 1959.

Chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.