Những điều cần biết về Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc


2007.09.23

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Đầu tuần này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ sang New York tham dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và trong dịp này sẽ chứng kiến ngày Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Trong dịp này, cũng là ngày kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, Lê Dân tìm hiểu thêm về định chế đặc biệt Hội đồng Bảo an của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam sắp được tham gia.

BanKiMoonUnintedNation200.jpg
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu tại hội nghị ở Geneva hôm 2-7-2007. AFP PHOTO

Trước tiên, chúng tôi xin mời quý thính giả nghe Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu hôm thứ Sáu, nhân ngày Quốc tế Hòa Bình.

Chức năng và quyền hạn

Hòa bình, thưa quý thính giả, là mục tiêu và nhiệm vụ gìn giữ của Hội đồng Bảo an, được thành lập theo tinh thần Hiến chương Hội Quốc Liên 1946, mà sau này được đổi tên thành Liên Hiệp Quốc cho tới ngày nay.

Chức năng và quyền hạn của Hội đồng Bảo an gồm có:

-Gìn giữ an ninh và hòa bình quốc tế theo các nguyên tắc và mục đích của Liên Hiệp Quốc.

-Điều tra tất cả những tranh chấp hay tình huống có thể đưa tới va chạm quốc tế.

-Đề xuất những giải pháp cho các tranh chấp đó, hoặc thể thức dàn xếp.

-Thảo kế hoạch nhằm thiết lập một hệ thống giám sát tình hình vũ trang thế giới.

-Định nghĩa mối đe dọa cho hòa bình, hay hành vi hiếu chiến và đề xuất biện pháp đối phó.

-Kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế và những biện pháp khác ngoài vũ lực để chấm dứt hay ngăn ngừa sự hiếu chiến.

-Áp dụng biện pháp quân sự chống lại sự hiếu chiến.

-Nghiên cứu việc thu nhận thành viên mới.

-Hành xử quyền giám hộ của Liên Hiệp Quốc tại những "khu vực chiến lược".

-Đề xuất với Đại hội đồng chức danh Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và cùng Đại hội đồng bầu các chức danh Thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế.

Hoạt động của Hội đồng Bảo an

Hỏi: Anh có thể nêu vài thí dụ điển hình về hoạt động của Hội đồng Bảo an trong thời gian gần đây không ?

UnSecurityCouncil200.jpg
Một buổi họp của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Photo courtesy Un.org

Đáp: Gần đây và cũng gần nhà, ta thấy Hội đồng Bảo an hồi năm 1994 đã can thiệp vào Cambodia và sau đó giúp xứ Chùa Tháp tổ chức tổng tuyển cử, tái thiết đất nước. Hay gần hơn, là tại Đông Timor sau khi cư dân vùng này bỏ phiếu chọn độc lập khỏi Indonesia.....

Hỏi: Thể thức hoạt động của Hội đồng Bảo an khi cần phải đối phó với một cuộc xxung đột thì như thế nào, có hữu hiệu hay không?

Đáp: Hữu hiệu hay không thì cũng còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Nhưng theo lý thuyết thì khi nhận được một lời than phiền về một mối nguy cho hòa bình, phản ứng đầu tiên của Hội đồng Bảo an phải là khuyến cáo các phe liên hệ tìm cáh dàn xếp hòa dịu với nhau. Trong vài trường hợp thì Hội đồng tự điều tra và làm trọng tài. Hội đồng có thể đề cử đặc phái viên hoặc yêu cầu Tổng thư ký trực tiếp đảm trách.

Trong trường hợp xung đột dẫn đến giao tranh thì nhiệm vụ hàng đầu của Hội đồng Bảo an là làm sao chấm dứt nó càng sớm càng tốt. Trong nhiều trường hợp, Hội đồng phải ra chỉ thị đình chiến lập tức, vốn là yêu cầu cơ bản để tránh cho tình trạng thù nghịch lan rộng.

Khi cần thì Hội đồng Bảo an sẽ quyết định gởi đội quân chí nguyện quốc tế đến bảo vệ hòa bình, làm trái độn giữa các vùng giao tranh, như ta vẫn thấy hiện nay ở châu Phi, hoặc ở Bosnia khi trước.

Hỏi: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mà theo dự trù thì Việt Nam sẽ được bầu vào chức danh thành viên không trường trực của Hội đồng Bảo an. Vậy hiện nay hội đồng hoạt động ra sao, và do đâu mà Việt Nam tới bây giờ mới được bầu vào ?

Đáp: Hội đồng Bảo an gồm tất cả 15 thành viên. Trong số đó có 5 thành viên thường trực gồm 5 nước đồng minh thắng trận đệ nhị thế chiến hồi năm 1945 là Hoa Kỳ, Anh, Nga, Pháp và Trung Hoa. Các nước này đồng sáng lập hội Quốc Liên, là tiền thân tổ chức Liên Hiệp Quốc bây giờ, với mục tiêu gìn giữ hòa bình, không để xảy ra chiến tranh thế giới nữa.

Năm cường quốc này giữ quyền phủ quyết tối thượng. Sau này Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết trao chức danh thành viên chính thức Liên Hiệp Quốc từ Đài Loan, lúc đó mang tên Trung Hoa Dân quốc, sang cho Bắc Kinh, tức Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.

Còn lại các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an từ 6 nước được tăng thành 10 quốc gia hồi năm 1965, được phân chia cho các châu lục và khu vực còn lại trên thế giới. Hiện nay có Vương quốc Bỉ và Italia đại diện châu Âu, Congo, Ghana và Nam Phi đại diện châu Phi, Panama và Peru đại diện châu Mỹ, Slovakia thay mặt vùng Đông Âu. Châu Á tuy rộng lớn, đông dân nhưng chỉ được 2 ghế hiện nay do Qatar và Indonesia nắm giữ.

Nhiệm kỳ các thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an là hai năm và không được bầu lại, phải nhường cho một nước khác trong khu vực mình. Nhiệm kỳ của Qatar sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2007, và sau đó nếu Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an thì sẽ thay thế vào vị trí này.

Tất cả 15 nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ luân phiên đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng trong một tháng, liên tục theo thứ tự vần alphabet trong Anh ngữ. Hiện nay Liên bang Nga Russia làm chủ tịch và tháng sau sẽ đến Slovakia. Theo thứ tự này thì Việt Nam sẽ làm chủ tịch Hội đồng Bảo an vào khoảng giữa năm 2008, sau khi gia nhập được vài tháng.

Hỏi: Như vậy thì khi đã là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rồi, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế có tăng trọng lượng hay không ?

Đáp: Mỗi nước thành viên Hội đồng Bảo an phải có đại diện thường trực của mình để có thể giải quyết tất cả mọi tình huống trên thế giới, xảy ra vào bất cứ lúc nào. Dù vậy, gọi là tiếng nói tăng thêm trọng lượng chỉ là về hình thức, ấn tượng mà thôi.

Mội thành viên Hội đồng Bảo an có 1 phiếu và trong biểu quyết về thủ tục, tiến trình thì chỉ cần 9 trên tổng số 15 phiếu là đạt đa số.

Còn tại các cuộc biểu quyết trọng yếu hơn thì cũng cần 9 phiếu, nếu 5 quốc gia thành viên thường trực không sử dụng quyền phủ quyết của họ.

Quý thính giả muốn tìm hiểu thêm thông tin về Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an xin truy cập vào trang Internet theo địa chỉ www.un.org.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.