Đặc sứ LHQ đến Miến Điện gặp lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi
2007.09.30

Đặc sứ Liên hiệp Quốc, ông Ibrahim Gambari, hôm nay đã có cuộc gặp với lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi tại Nhà khách Chính phủ. Bà Suu Kyi được đưa từ tư dinh nơi bị nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện quản chế lâu nay, đến để gặp người đại diện cho Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên chi tiết cuộc gặp gỡ giữa bà Aung Sang Suu Kyi với ông Ibrahim Gambari không được tiết lộ.
Một nguồn tin ngọai giao nói, ngay sau cuộc gặp theo kế họach đặc sứ Ibrahim Gambari sẽ bay sang Singapore, nhưng đến nay ông này vẫn còn ở Miến Điện.
Hội nghị đặc biệt về Miến Điện
Trong khi đó hôm nay hơn 120 tổ chức nhân quyền tại khu vực Châu Á Thái Bình dương công bố một bức thư ngỏ gửi chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi tổ chức một hội nghị đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Miến Điện.
Một bức thư ngỏ của các vị dân cử thuộc một số quốc gia thuộc khối ASEAN cũng được Ủy hội Nhân quyền Á Châu chuyển đi với nội dung kêu gọi chính quyền quân nhân Miến Điện thực hiện những cải cách thực sự tại quốc gia này.
Cũng tin liên quan, thì giáo hội Công giáo tại Miến hôm nay có ý kiến yêu cầu tu sĩ thuộc giáo hội không được can dự vào những cuộc biểu tình và họat động chính trị.
Tuy nhiên, theo thông báo mà giáo dân đọc được tại các nhà thờ ở Rangoon trong ngày chủ nhật hôm nay thì họ có thể có những hành động nếu xét thấy phù hợp.
Ở Miến Điện, giáo dân Công giáo La Mã có chừng 450 ngàn người chiếm chừng 1% dân số Miến mà thôi.
Trong khi đó, tại Italia, Đức giáo hòang Bênêđíctô thứ XVI lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình tại Miến Điện. Ngài bày tỏ hy vọng sẽ đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề ở đó.
Đây là phát biểu đầu tiên của nguời đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã về tình hình Miến Điện suốt hơn tháng qua.
Các tin, bài liên quan
- Công nghệ thông tin và biến cố chính trị ở Miến Điện
- Nhận định về biến cố chính trị ở Miến Điện
- Trung Quốc yêu cầu Miến Điện chấm dứt đàn áp biểu tình
- Biến động chính trị ở Miến Ðiện
- Biến chuyển ở Miến Điện, quá nhanh và bất ngờ?
- Cuộc Cách mạng áo cà sa
- Miến Điện sử dụng vũ lực trấn áp người biểu tình
- Làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Miến Điện càng lúc càng tăng cao
- Miến Điện điều động quân đội để đối phó với làn sóng biểu tình