Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu ủng hộ đơn xin gia nhập Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với tư cách hội viên không thường trực của Việt Nam. Từ Washington, Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do có tường trình chi tiết sau đây.

Muốn VN có vai trò quan trọng hơn
Tin từ Washington cho Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do biết chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định sẽ bỏ phiếu ủng hộ đơn xin gia nhập Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc của Việt Nam.
Lời thông báo chính thức sẽ được đưa ra vào tuần tới, trong cuộc gỡ bên lề giữa Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, khi hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ có mặt ở New York để tham dự phiên nhóm Ðại Hội Ðồng.
Nguồn tin đáng tin cậy nói với Ðài chúng tôi rằng quyết định bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam được sự tán thành mạnh mẽ của các viên chức cao cấp hành pháp, bao gồm những viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, với mục đích giúp Việt Nam mở rộng tầm hoạt động và thật sự đóng một vai trò quan trọng trong chính trường quốc tế, như lời Bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice đã nói với Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm hồi đầu năm nay, và còn thể hiện lời hứa ủng hộ Việt Nam mà Tổng Thống George W. Bush đã nói khi gặp Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết ở Thượng Ðỉnh APEC Hà Nội 2006 và Thượng Ðỉnh Sydney 2007.
Một giới chức yêu cầu được dấu tên còn nói rằng khi ủng hộ cho Việt Nam đảm nhận vai trò một nước thành viên của Hội Ðồng Bảo An, Washington muốn tạo cơ hội cũng như thúc đẩy Việt Nam không dừng hoặc tụt hậu ở những bình diện khác, tức sẽ phải tiếp tục phát huy ở nhiều mặt khác nhau, kể cả đi đến dân chủ, cổ võ cho tự do và tôn trọng nhân quyền.
Ðiều lệ của Liên Hiệp Quốc quy định đơn xin gia nhập Hội Ðồng Bảo An với tư cách không thường trực cần được sự ủng hộ của 5 nước thành viên thường trực –bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp-, và phải được ít nhất 2/3 phiếu đồng ý của các nước hội viên Liên Hiệp Quốc.

Lá phiếu của Trung Quốc?
Thanh Quang: Cám ơn anh Nguyễn Khanh. Có một vài câu hỏi muốn đặt ra với anh liên quan đến đơn mà Việt Nam đệ nạp. Câu hỏi đầu tiên là như vậy, cả 5 nước hội viên thường trực đều ủng hộ đơn của Việt Nam?
Nguyễn Khanh: Tôi không dám vội nói như thế, cho dù tôi nghĩ rằng cuối cùng Việt Nam sẽ được cả 5 nước hội viên thường trực tán thành…
Thanh Quang: Anh có thể giải thích rõ hơn được không?
Nguyễn Khanh: Hiện giờ, có thể nói là Việt Nam được sự ủng hộ của tất cả mọi quốc gia hội viên thường trực, và đã có phiếu thuận của Hoa Kỳ, Nga, Anh và Pháp. Theo tôi hiểu thì lá phiếu duy nhất còn lại là phiếu của Trung Quốc thì hình như Hà Nội vẫn đang chờ đợi câu trả lời rõ rệt hơn đến từ phía Bắc Kinh.
Chúng ta phải để ý đến hai chuyện. Thứ nhất Việt Nam là nước duy nhất ứng cử với tư cách đại diện cho Châu Á, do đó, khó lòng Trung Quốc bỏ phiếu chống, nhưng chưa hẳn là họ sẽ bỏ phiếu thuận. Ngay chính tin cuối cùng từ Hà Nội mà tôi ghi nhận được còn nói là dù chưa thấy tín hiệu mà Hà Nội gọi là “trúc trắc”, nhưng vẫn phải e dè có thể Bắc Kinh sẽ bỏ phiếu trắng.
Ðiều này dẫn đến chuyện thứ nhì là trong hai tháng qua, Việt Nam đã mở một cuộc vận động ngoại giao sâu rộng, được thực hiện ở ngay Hà Nội, ở Liên Hiệp Quốc và ở các nước mà Việt Nam có tòa đại sứ, để đảm bảo khi đưa ra trước Ðại Hội Ðồng, đơn xin vào Hội Ðồng Bảo An của Việt Nam sẽ được thông qua với số phiếu tuyệt đối hay ít nhất, phải gần như tuyệt đối.
Nhiệm kỳ 2 năm tại LHQ
Trường Văn: Bao giờ cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra và khi nào Việt Nam sẽ chính thức nhận ghế không thường trực ở Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc?
Nguyễn Khanh: Một viên chức thuộc Văn Phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nói với tôi hồi chiều hôm qua, thì rất nhiều khả năng cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào đầu tuần lễ thứ 3 của tháng Mười, và Việt Nam sẽ chính thức nhận vai trò mới vào ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2008, và chấm dứt vai trò của mình vào ngày 31 tháng 12 năm 2009.
Trường Văn: Chiếc ghế mà Việt Nam sẽ lãnh hiện đang do ai nắm giữ?
Nguyễn Khanh: Thưa anh, chiếc ghế mà Việt Nam sẽ nhận lãnh vào đầu năm tới hiện là ghế của Qatar.
Thanh Quang: Sau khi mãn nhiệm kỳ, Việt Nam có thể nộp đơn tiếp được không?
Nguyễn Khanh: Theo quy định thì một quốc gia không được quyền làm hội viên không thường trực của Hội Ðồng Bảo An 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Do đó đến cuối năm 2009 thì Việt Nam phải nhường ghế cho một nước Châu Á khác, và ít nhất 1 năm sau mới có thể xin ứng cử lại.
Nhưng thông thường điều này cũng rất hiếm xảy ra, vì không phải chỉ mình Việt Nam mà có nhiều nước muốn giữ vị trí này, do đó chính Việt Nam cũng biết sau khi nhiệm vụ của mình đã xong thì phải nhường vinh dự cho nước bạn.
Trường Văn: Cám ơn anh Nguyễn Khanh.