Người dân biểu tình khiếu kiện cầu cứu công luận

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Mấy ngày nay, dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm về việc các cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai của đông đảo bà con dân oan liên tiếp xảy ra tại cả hai miền Nam-Bắc, trong đó vụ đang được chú ý nhiều nhất là tại văn phòng 2 Quốc hội ở TPHCM. Trà Mi ghi nhận tâm tình của một số bà con đang có mặt tham gia vào cuộc biểu tình này.

TienGiangLandDispute200.jpg
Dân chúng Tiền Giang tập trung khiếu kiện trước Văn phòng 2 Quốc hội ở thành phố HCM đã gần 20 ngày nay. Hình do Người đưa tin từ Sài Gòn cung cấp.

Trước tiên là trường hợp của một nông dân tỉnh Kiên Giang, hơn chục năm nay vác đơn khiếu nại khắp nơi mà vẫn hoài công vô ích:

“Tôi tên là Nguyễn Thị Út, bị thu hồi đất. Năm 1991 tôi được cấp đất hoang, rồi tôi làm đến năm 1995 đóng thuế rồi năm 1996 huyện ra quyết định thu hồi, rồi bắt tôi, giam nhốt tôi, lấy đất của tôi cấp cho 2 hộ cán bộ huyện và tỉnh ở Hòn Đất, Kiên Giang.

11 năm nay tôi đi khiếu kiện nợ nần chồng chất không thể trả nổi mà vẫn tiếp tục đi kêu oan hoài vì sự oan ức. Bây giờ lên đây bữa đói bữa no.”

Trà Mi: Trong 11 năm bà đi thưa kiện, có được một sự phản hồi nào từ phía chính quyền, dù là địa phương hay trung ương hay không?

Bà Út: Thì trung ương cũng có nhận đơn, kêu tỉnh phải giải quyết, nhưng tỉnh không giải quyết. Họ lừa đảo không, không giải quyết.

TienGiangProtest200b.jpg
Hàng trăm người vẫn ngày đêm chờ chực trước Văn phòng Quốc hội để chờ gặp các giới chức trung uơng. Hình do Người đưa tin từ Sài Gòn cung cấp.

Trà Mi: Những khoảng đất đai mà bà nói là bị mất, bà có giấy tờ chứng minh mình là người đứng tên chủ quyền hay không?

Bà Út: Ấp Nguyễn Văn Hanh, xã Mỹ Thuận có ký xác nhận là hồi năm 1991 có cấp cho dân đất hoang. Dân địa phương được hưởng mỗi hộ 3 hecta. Đến năm 1996 huyện ra quyết định thu hồi. Tài sản tôi đổ vô đó dữ dằn lắm, cho nên tôi không thể nào giao lại cho họ.

Tôi cự với họ hoài vậy mà họ cứ đùn đẩy hoài đến 11 năm nay vẫn không giải quyết cho tôi. Tôi đi khắp nơi, không còn xót chỗ nào, Hà Nội thì lên mấy lần, tỉnh thì nằm sương phơi nắng ở thành phố mấy tháng luôn.

Đồng cảnh ngộ với bà Út, ông Quánh, một cư dân khác từ Kiên Giang lặn lội lên Sài thành tham gia đoàn biểu tình tại Quốc hội 2 suốt mấy ngày qua, chua xót than thở:

“Tôi là Huỳnh Văn Quánh, tôi thay mặt cho 11 hộ trên 396 công đất khiếu kiện đến nay là hơn 20 năm rồi.”

Trà Mi: Lý do vì sao ông khiếu kiện thưa ông?

Ông Quánh: Đất của tôi họ lấy, đuổi gia đình tôi và 11 hộ đó đi chỗ khác ở. Họ lấy đất giao cho cán bộ xã, thân nhân quyến hữu của họ.

Trà Mi: Thưa ông nói đất đó là ở đâu, thuộc khu vực nào, thưa ông?

Ông Quánh: Đất tại xã Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.

Trà Mi: Nhưng ông có giấy tờ gì chứng minh ông là chủ quyền của khoảng đất đó không?

Ông Quánh: Dạ có giấy tờ bằng khoán đàng hoàng.

Trà Mi: Ông có giấy tờ đàng hoàng mà họ vẫn tịch thu thì họ nêu lý do vì sao?

Ông Quánh: Họ nêu lý do là xâm canh, không cho những người không phải ở trong huyện Tân Hiệp, ở chỗ khác mà đến đó làm. Họ muốn lấy đất mình họ nói vậy thôi, chứ đâu có phải là có lý do gì đâu. Đất của mình, mình móc từng củ cỏ, khai mở mới làm được thành như thế.

Trà Mi: Từ ngày bị tịch thu đến nay ông đã khiếu kiện ở những đâu và được phản hồi như thế nào?

Ông Quánh: Khiếu kiện tại huyện Tân Hiệp, rồi họ đưa lên tỉnh Kiên Giang. Tỉnh xử cho mình thất, rồi mình lên tới Sài Gòn, rồi mình khiếu nại tới Hà Nội. Họ không giải quyết thoả đáng. Hiện giờ tôi đang ở tại Quốc hội 2.

Gìơ họ xúm lại đông lắm, tỉnh này tỉnh khác đủ thứ hết trơn, mà không có cán bộ nào giải quyết cho mình hết đó. Xung quanh đó ai mà buôn bán cho những người dân khiếu kiện thì họ đánh đập, cấm đủ thứ. Dân chúng khổ sở lắm. Bây giờ mỗi ngày dân lại càng thêm thêm thêm. Ở xung quanh đó đặc hết trơn hết trọi, yêu cầu can thiệp như thế nào cho dân được thong thả.

Một dân oan khác tên Vân, cũng đến từ tỉnh Kiên Giang, chia sẻ câu chuyện của mình: "Tôi tên là Dương Thị Thu Vân, ở huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang. Tôi đi khiếu kiện hai mươi mấy năm mà họ không giải quyết gì cả. Họ gạt tôi không à. Tôi đội đơn đến hết cơ quan này đến cơ quan khác, họ có giải quyết gì đâu."

Trà Mi: Hiện giờ bà đang tham gia vào đoàn người biểu tình ở Quốc hội 2, bà thấy quang cảnh ở đó ra sao?

Bà Vân: Tôi nói thiệt với cô, quốc hội đóng cửa lại không tiếp dân gì hết trơn. Mấy bà già đi không nổi, lết la ở đó, khổ lắm cô ơi. Tụi tôi tối ngày cứ phát loa hoài vậy đó, tỉnh nào cũng la lên hết trơn vậy đó.

Con đường đi tìm công lý của bà Tư ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang, suốt 20 năm qua đầy gian khổ, nhọc nhằn, nhưng dường như cũng vô vọng:

Tôi là Đỗ Thị Tư ở ấp Tân Điền, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Tôi khiếu kiện đến nay cũng đã 20 năm rồi. Đất của tôi đang mần họ lấy mấy chục công luôn, lấy hết. Tôi ra trung ương nằm ở ngoài đó 2 kỳ. Ở ngoài đó có giấy của thủ tướng gửi vào yêu cầu chủ tịch tỉnh Kiên Giang là Bùi Ngọc Sương phải trả đất, mà giờ họ lừa đảo họ không trả.

Họ không giải quyết, không nêu lý do gì hết mà thưa không xử, khiến tôi không nhà cửa, hết 10 năm nay lang thang ngoài đường. Hiện giờ tôi đang ở Quốc hội 2 khiếu nại. Bà con đông lắm, đầy đủ hết, phát loa “Đả đảo chủ tịch tỉnh cướp giật tài sản”, đã mười mấy ngày rồi không ai tiếp dân gì hết. Dân nằm la lết ở ngoài đường mỗi ngày kêu gào vậy mà họ vẫn câm lặng, không ai trả lời gì hết trơn hết trọi.

Trà Mi: Đại diện những người dân đang kêu oan ở đó, bà có nguyện vọng gì muốn bày tỏ?

Bà Tư: Kêu la mỗi ngày đây nè rằng công an quận 6 kết hợp với tỉnh Tiền Giang không cho dân đi khiếu kiện là không có nhân quyền, đón bắt người, hành hạ bà con.

Bà Nhung, một nhà giáo ở Sài Gòn, nhiều năm qua khiếu kiện vì bị tịch giới chức địa phương tịch thu tài sản-đất đai, kêu cứu:

“Tôi là cô giáo Đỗ Thị Hồng Nhung. Vụ oan ức của tôi bây giờ quận huyện không tiếp nữa. Trung ương và thành phố chuyển hồ sơ về mà quận không tiếp. Do đó xin nói nỗi oan, xin đài RFA lên tiếng dùm. Từ một giáo viên, có trường, có đất, có nhà, làm ăn lương thiện nhưng ngày hôm nay tôi đã mất hết tất cả. Tôi lên thành phố, lên thanh tra không ai tiếp hết.”

Trà Mi: Thưa bà, nếu như có cơ hội được làm đại diện của số dân oan ở đó để nêu lên những nguyện vọng, bức xúc của người dân, bà sẽ nói gì?

Bà Nhung: Bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người đang nằm ngoài sương ngoài gió thế đó. Do đó làm sao nhờ đài lên tiếng dùm để kêu gọi nhân quyền và quyền sống của con người Việt Nam. Quốc tế can thiệp với chính quyền nhà nước Việt Nam để họ trả lại cho gia đình tôi cũng như gia đình của những người bị mất mát nhân quyền và quyền được sống.

Con người mà không có nhà thì sống thế nào đây? Còn đây rất nhiều người, ai cũng không nhà không cửa. Người ta nói “nước mất nhà tan”, nhưng giờ đất nước Việt Nam mình độc lập rồi mà dân thì “nhà tan cửa nát” hết.

Chia sẻ với những nỗi oan khiên, cay đắng của bà con khiếu kiện hiện đang trong tình cảnh màn trời chiếu đất tập trung trước cửa văn phòng Quốc hội 2, một cư dân thành phố, góp lời:

“Tôi là Khải, sáng nay tôi đi ngang qua đó. Nói chung là ở đó bà con khiếu nại rất nhiều, từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Sông Bé, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cửu Long, TPHCM... tỉnh nào cũng có hết. Dân rất cực khổ. Công an vây xung quanh, áp lực, đe doạ làm cho người dân sợ hãi.

Đấy là những cái mà bây giờ chúng tôi nhờ quốc tế can thiệp một cách mạnh mẽ chứ không thể để thế này được. Và cũng đừng có tin lời hứa của cộng sản. Làm sao phải có những áp lực thật mạnh đối với chính phủ cộng sản Việt Nam. Vì nói đúng ra, không đa đảng thì không thể làm được gì cả, dân Việt Nam rất là khổ.

Làm sao bắt chính phủ Việt Nam phải làm đúng theo như Hiến chương Liên hiệp quốc, thực hiện dân chủ, nhân quyền thật sự, chứ đừng kiểu như vậy là khổ dân lắm. Nếu cần phải cắt một số đầu tư vào Việt Nam, vì họ đầu tư vào chỉ làm cho chính quyền mập lên, cuối cùng toàn đàn áp dân thôi. Bao nhiêu cái xóa đói giảm nghèo vào Việt Nam nhưng bây giờ lại đẩy dân đến chỗ khổ hơn nữa. Nói là “xoá đói giảm nghèo”, nhưng thực tế bây giờ đẩy dân đến chỗ “màn trời chiếu đất”, khổ ải.”

Tin tức chúng tôi ghi nhận được từ những người dân oan cũng cho biết bà Cao Quế Hoa, một thành viên trong đoàn biểu tình từ Tiền Giang, sau khi trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do hồi tuần trước, đã gặp nhiều rắc rối với phía chính quyền. Một dân oan trong đoàn cho biết:

“Chị Hoa sau khi lên tiếng thì chị đang bị công an khủng bố, giờ chị không dám cho ai số điện thoại nữa. Gìơ tinh thần của chị khủng hoảng quá rồi. Lúc nào công an cũng rình rập, mời chị hoài, đàn áp chị.”

Trà Mi: Thưa anh, ngoài anh, còn có ai biết được những khó khăn mà chị Hoa gặp phải sau khi lên tiếng với đài nước ngoài hay không?

Dân oan đoàn Tiền Giang: Dạ có rất nhiều. Gìơ đầu tiên chị gặp chị Vân, gia đình chị cũng khiếu kiện thường trực.

Bà Vân: Chị Hoa bữa nào họ cũng lại khủng bố chị. Họ rình rập để mời chị đi. Tụi tôi cứ chặn chị ấy lại, không cho chị đi ra ngoài. Vả lại giờ chị cũng sợ quá, không dám cho ai số điện thoại hết. Chính tụi tôi cũng có mần giấy chung với chị, kề cận với chị mà chị cũng không tin ai để cho số điện thoại cả. Họ bấm hai tay của chị ấy bầm tím hết trơn mà."

Quý vị vừa cùng chúng tôi ghi nhận tâm tình và hoàn cảnh của bà con khiếu kiện đất đai đang có mặt trong cuộc biểu tình kéo dài trước trụ sở của Quốc hội tại TPHCM.

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)