Luật sư Trần Thanh Hiệp – Nguyễn An, RFA
Ngày 06-03-2007 Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố nội dung bản phúc trình hàng năm về tình trạng nhân quyền của gần 200 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Phần dành cho Việt Nam dài 19.000 từ, đã nói những gì? Những tin tức cũng như những nhận định ấy có khiến cho dư luận phải đánh giá lại việc Hà Nội được rút tên ra khỏi sổ đen CPC không?

Đó là hai trong nhiều đề tài sẽ được nêu lên trong cuộc trao đổi sau đây giữa BTV Nguyễn An của Đài Á Châu Tự Do và Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền, trụ sở đặt tại Paris. Xin được nhắc rằng quan điểm của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên
Nguyễn An: Cùng lúc có đợt bắt giam bất đồng chính kiến dân chủ diễn ra ở trong nước hiện nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản phúc trình về nhân quyền năm 2007. Theo luật sư việc công bố này có thể coi là một biến cố không?
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Ai cũng thấy là đã có một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đó là việc bản phúc trình về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam của Bộ ngọai giao Hoa Kỳ đã được công bố vào đúng đầu tháng 3, lúc nhà cầm quyền Hà Nội leo thang đàn áp đối kháng tôn giáo và đối lập chính trị.
Cũng cần nhắc lại rằng bản phúc trình này đã được soạn thảo xong từ cuối năm 2006 nhưng tại sao mãi đến đầu tháng 03-2007 Bộ Ngoại giao mới đưa ra công bố? Mặt khác, nội dung của nó không có tác dụng nương nhẹ nhà cầm quyền Hà Nội mà nhằm vạch ra trước ánh sáng một tình trạng trong đó nhân quyền ở Việt Nam đã bị vi phạm dưới nhiều hình thức và tới mức có thể vẫn đáng quan tâm.
Có điều bản phúc trình đã dùng ngôn ngữ ngoại giao để gọi nó là “không hài lòng”. Vậy thì tuy việc nó được công bố vào lúc này chưa hẳn là một biến cố nhưng chắc chắn đã gây nên những phản ứng muốn đặt lại việc rút tên chế độ Hà Nội ra khỏi sổ đen CPC, mà cuộc họp báo vừa qua của dân biểu Christ Smith là một chỉ dấu.

Nguyễn An: Liệu có biết được là việc rút tên này sẽ được đặt lại như thế nào không?
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Hiện giờ thì vấn đề đặt lại chưa được đặt ra. Nhưng ở một chừng mực nào đó thì nội dung của bản phúc trình cũng như bước leo thang đàn áp mới hiện nay và nhất là nếu Hà Nội còn tiếp tục leo thang nữa thì việc đặt lại này là điều không thể tránh được.
Nội dung bản phúc trình
Nguyễn An: Nếu có thể được, xin Luật sư cho biết nhận định của Luật sư về nội dung bản phúc trình ngày 06-03 của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã quan sát và nhận định về tình trạng nhân quyền tại 196 nước trên thế giới trong năm 2006. Phần nói về nhân quyền ở Việt Nam dài 19.000 từ.
Tôi xin tóm lược thành mấy điểm chính nội dung của phần này. Nói một cách tổng quát, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã dựa vào tiền đề theo đó Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một nước chuyên hoành (authotarian), nghĩa là độc đoán, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà sự độc tôn là điều tất yếu vì tất cả mọi chức vụ then chốt trong chế độ đều do các đảng viên nắm giữ, các đại biểu quốc hội do Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc tuyển chọn và không có một chính đảng nào khác ngoài Đảng cộng sản.
Chính sách quốc gia là do đảng này toàn quyền hoạch định. Khởi đi từ tiền đề ấy, bản phúc trình đã viện dẫn một loạt sự kiện cụ thể về mọi khía cạnh của nhân quyền, từ tự do ngôn luận, tự do báo chí, đến tự do tôn giáo, tự do lập hội, tự do họp v.v..., ngoài ra dân không có quyền thay đổi người cai trị, đối lập bị cấm.
Tất cả những lập luận của bản phúc trình đều nhằm chứng minh rằng thành tích thực hiện nhân quyền ở Việt Nam đã “không làm hài lòng”. Một Đài phát thanh khác thì nói là “không đạt yêu cầu”. của bản phúc trình, theo tôi, đã nhận định rất khách quan khi công nhận rằng đã có những tiến bộ có khả năng giảm bớt mức độ kiểm soát của đảng cầm quyền.
Nhưng có tiến bộ mà vẫn không làm hài lòng tức là gián tiếp bản phúc trình muốn nói rằng vẫn có những vi phạm nhân quyền. Dù vậy tôi cho rằng bản phúc trình này chưa thật đủ chính xác để giúp hiểu rõ được thực chất của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam.
Nguyễn An: Luật sư muốn nói đến sự chính xác nào?
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Bảo rằng CHXHCNVN là một nước độc đoán thì đúng nhưng chưa đủ. Vì nước này không nhận mình là độc đoán như những chế đô. Phát xít ngày xưa mà lại cứ khẳng định rằng mình là dân chủ.
Chính ở nơi tréo cẳng ngỗng này mà đã nẩy sinh tình trạng phi nhân quyền ở Việt Nam và tình trạng xấu này cứ kéo dài hết thập niên nọ đến thập niên kia. Giá mà Hà Nội dám tự nhận mình là độc đoán thì có lẽ tình trạng phi nhân quyền này đã được thanh toán từ lâu rồi và tiết kiệm được cho đất nước đồng bào biết bao nhiêu là thảm kịch.
Tác dụng tích cực
Nguyễn An: Nếu vậy thì liệu bản phúc trình này có đươc tác dụng tích cực nào đối với việc cải thiện tình trạng nân quyền ở Việt Nam không? Nhất là nó đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bác bỏ một cách khá mạnh mẽ.
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ rằng có. Bản phúc trình này có thể coi như một sự đóng góp tích cực, vì nó giúp cho dư luận thấy rõ thêm về sự ứng xử xâm phạm nhân quyền hàng loạt và có hệ thống của Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tất nhiên là như thường lệ Nhà nước này vẫn đưa ra những luận điệu rằng, “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra những nhận xét không khách quan và rằng ở Việt Nam không ai bị bắt vì lý do chính kiến hoặc vì lý do tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật và bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.”
Nhưng người phát ngôn bộ ngoại giao đã không nói rằng chính pháp luật này lại đi ngược lại các quy phạm của luật quốc tế về nhân quyền. Rút lại, muốn đưa được Việt Nam ra khỏi tình trạng rất xấu về nhân quyền hện nay thì chính người Việt Nam phải đưa cuộc tranh đấu dân chủ lên mức phát triển tương xứng với sự đòi hỏi thực tế của lịch sử.
Bản phúc trình 2007 của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho những người dân chủ Việt Nam trong và ngoài nước đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp.
Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về Nhân quyền có trụ sở tại Paris về bản phúc trình Nhân quyền 2006 của bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Xin nói rằng quan điểm của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.
Thông tin trên mạng:
- Country Reports on Human Rights Practices - 2006 - Vietnam
Theo dòng câu chuyện :
- Cuộc đàn áp nhân quyền hậu APEC tại Việt Nam
- Bàn về mặt pháp lý của việc giam tạm đối lập dân chủ ở Việt Nam