by Ðỗ Hiếu
Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Tổ Chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch ở New York đã phổ biến bản thông báo cho biết từ cuối tuần qua đến nay, đã có hàng trăm người Thượng mất tích. Tổ chức cũng nói là có thể những người này đã bị công an bắt giữ, hoặc đã bỏ trốn để tránh bị chánh quyền địa phương trả thù và xử lý.
Sau nhiều ngày hoàn toàn giữ yên lặng, hôm đầu tuần này Hà Nội đã lên tiếng xác nhận có xáo trộn xảy ra ở vùng Cao Nguyên, Trung Phần, nhưng lại đổ lỗi cho các tổ chức nước ngoài xúi dục đồng bào Thượng biểu tình để gây rối loạn trật tự, chống lại những viên chức thi hành công vụ, phá hoại công trình công cộng và tài sản chung, cho nên chánh quyền địa phương đã có các biện pháp ổn định tình hình.
Sáng hôm thứ Tư vừa qua, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam là ông Lê Dũng cũng lên tiếng bác bỏ tin của Human Rights Watch, và cho biết là không có ai bị giết chết trong những vụ xô xát giữa công an và các đoàn biểu tình cuối tuần rồi.
Trước đó, ông Lê Dũng cũng lên tiếng bác bỏ những điều mà ông cho là luận điệu xuyên tạc với dụng ý xấu, cho rằng nhà nước XHCN đàn áp dân tộc, bức hại tôn giáo.
Ông Lê Dũng khẳng định, chính sách của nhà nước là củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, chăm lo cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm tới đồng bào các dân tộc miền núi, kể cả dân chúng ở các tỉnh Tây Nguyên.
Trong khi đó, bản thông cáo của Human Rights Watch nói rõ rằng, chính sách cứng rắn mà Hà Nội áp dụng với đồng bào thiểu số ở Việt Nam là nguyên nhân khiến đồng bào Thượng phải biểu tình đòi hỏi được đối xử công bằng, được hưởng quyền tự do tín ngưỡng.
Tin tức từ các hãng thông tấn và báo chí quốc tế trong nhiều ngày qua đều nói là ngay sau khi vụ biểu tình rầm rộ ở Ðắc Lắc và Gia Gia Lai xảy ra, Hà Nội đã quyết định đưa thêm quân vào vùng Cao Nguyên, phối hợp với các đơn vị quân sự đang có mặt tại địa phương.
Các hãng thông tấn nước ngoài đánh đi từ Việt Nam cũng cho biết là biết công an và bộ đội được chỉ thị ở ngay trong nhà dân chúng, với mục đích ngân chận không cho các vụ biểu tình khác xảy ra trong những ngày tới.
Tin từ trong nước cũng nói hôm thứ ba vừa qua, Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từ Hà Nội bay vào vùng Cao nguyên, thảo luận với các viên chức điều hành ở địa phương. Một nguồn tin đáng tin cậy phát xuất từ Gia Lai cũng cho Ban Việt Ngữ chúng tôi biết là hôm qua, một phiên họp khẩn giữa phái đoàn đại diện trung ương từ Hà Nội vào, với ủy ban nhân dân hai tỉnh Ðắc Lắc và Gia Lai đã diễn ra. Cho đến 8 giờ tối hôm thứ tư phiên họp vẫn chưa kết thúc.
Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên ban Việt Ngữ chúng tôi ông Brad Adams, giám đốc điều hành Human Rights Watch đặc trách Châu Á đã nhấn mạnh rằng, nếu Hà Nội nói rằng không có đàn áp, không ai chết hay bị thương trong các cuộc biểu tình xảy ra cuối tuần rồi tại Tây Nguyên, tại sao họ không cho phép các nhà ngoại giao, các phóng viên báo chí và nhân vật tranh đấu được đến tận nơi để tìm hiểu tình hình? Và một khi nhà nước Việt Nam từ chối giới quan sát quốc tế được đến thăm các tỉnh Tây Nguyên, chắc chắc họ muốn che dấu điều gì đó?
Ông xác nhận rằng, những sự việc mà Human Rights Watch đưa ra trong bản thông báo về tình hình sôi động ở Tây Nguyên là do tổng hợp những tin tức trung thực ghi nhận tại chỗ, và ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì đã loan báo trước công luận.
Ông Brad Adams cũng nhấn mạnh rằng, Hà Nội coi những người Thượng là thù nghịch vì họ đã từng tham chiến bên cạnh lực luợng Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam trước kia, nên luôn tìm cách áp bức họ. Theo ông, trên thực tế người Thượng chỉ mong được có đất đai canh tác và hưởng quyền sống an bình và tự do tín ngưỡng.
Ông mong mỏi nhà cầm quyền Hà Nội công bố danh sách những người bị câu lưu khi lực luợng an ninh giải tán những cuộc biểu tình, và trả tự do cho tất cả những người hiện còn đang bị giam cầm, vì gia đình họ hàng ngày âu lo và trông chờ.