29 năm trôi qua kể từ ngày bộ đội cộng sản của miền Bắc, trong khuôn khổ chiến dịch Hoa Sen, kéo vào thành phố Sài Gòn, chiếm dinh Độc lập, thay đổi chế độ chính trị ở miền Nam rồi đặt cả nước dưới quyền thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trên chiến trường và vào thời điểm tháng Tư năm 1975, không ai có thể phủ nhận được rằng kẻ chiến thắng không thể là ai khác hơn Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bấm vào đây để nghe bài bình luận này
Rightclick to download this audio
Nhưng trải qua gần một phần ba thế kỷ, câu chuyện thắng bại đã bị thực tế của đất nước tương đối hoá. Xin mời quý thính giả đọc bài bình luận sau đây của Đông Văn theo đó, trước sự thử thách của thời gian, đã không ai có được sự chiến thắng tuyệt đối, vì ai cũng vừa có phần thắng vừa có phần thua.
Related Stories - Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về ngày 30/4? - Những thay đổi tại Việt Nam trong 29 năm qua - Vấn đề Môi trường tại Việt Nam - Hành trình biển Đông - Ông Bùi Tín và cảm nghĩ sau 29 năm nhìn lại Việt Nam - Những biến cố lịch sử trong ngày cuối tháng Tư năm 1975
12giờ 10 phút trưa 30 tháng Tư năm 1975, những chiếc chiến xa đầu tiên của bộ đội cộng sản bắt đầu tiến vào Dinh Độc lập ở Sài Gòn và lá cờ Việt Nam Cộng Hoà sau đó ít phút đã bị hạ xuống để cho lá cờ của “Mặt trận Giải phóng” được kéo lên. Lời nói sau cùng của ngưới Tổng thống sau cùng của Việt Nam Cộng Hoà, Đại tướng Dương Văn Minh, được loan đi từ Đài phát thanh vào lúc 12 giờ rưỡi trưa là để yêu cầu tất cả mọi nhân viên quân lực Việt Nam Cộng Hoà hãy buông súng và xác nhận rằng chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương bị giải tán hoàn toàn.
Như vậy là cuộc chiến ở Việt Nam đã kết liễu trên chiến trường, hơn hai năm sau, khi nó được kết thúc trên văn kiện của Hiệp Định Paris 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nhưng không kết liễu bằng đường lối hoà giải và hoà hợp dân tộc như Hiệp định nói trên đã dự liệu, mà bằng súng đạn của hai quân đội giao tranh. Tình hình đã ngã ngũ với sự chiến thắng của quân đội miền Bắc trước sự tan rã của quân đội miền Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo cuộc đánh chiếm ấy, dĩ nhiên đã là kẻ chiến thắng về mặt quân sự. Nhưng đồng thời còn là kẻ chiến thắng cả về mặt chính trị nữa, vì chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã bị giật sập để được thay thế bằng chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước. Dù ai muốn hay không muốn, thắng bại cũng phải được kể như đã phân định. Và ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã trở thành một ngày lịch sử, với hai ý nghĩa trái ngược nhau, ngày chiến thắng cho miền Bắc và ngày quốc hận cho miến Nam.
29 năm đã trôi qua, ý nghĩa hai mặt ấy về hình thức có vẻ như không thay đổi. Nhưng về nội dung thì khó phủ nhận được rằng thời gian dường như đã ra tay cải tạo, kẻ thắng đang trở thành thua và người thua đang được chiếu cố như người thắng. Thật vậy, đỉnh cao của sự nghiệp chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là việc đưa những người tự nhân là vô sản lên ngôi “chuyên chính”, với Hiến pháp năm 1980, với những quyền uy cao ngất chưa từng có trong lịch sử nước nhà, kể cả dưới thời quân chủ.
Vậy mà chỉ mấy năm sau những người cầm quyền mới này đã phải vội vã xuống ngôi theo lễ tân “đổi mới “. Rồi dần dần họ dón dén bước theo những gì trước đây họ đã ra tay tiêu diệt như “thị trường tự do”, như “dân chủ”, “nhân quyền” v.v…Và nhất là những người ngoại quốc từng bị bị quét sạch để không còn bóng dáng trên giải đất chữ S, nay đã lại được trang trọng đón mời trở lại vùng đất trước kia họ từng bị nguyền rủa và xua đuổi.
Còn nữa, tiền bạc viện trợ một thời bị vạch mặt chỉ tên là vũ khí của đế quốc can thiệp xâm lăng nay như được rửa sạch để đều đặn hàng năm đổ vào hà hơi tiếp sức cho đời sống kinh tế Việt Nam đạt chỉ tiêu phát triển cao, giúp xoá đói giảm nghèo trong dân chúng. Xem ra sự sống ở Việt Nam đã và còn đang trở lại bình thường. Cách mạng là chuyện phi thường để làm nhiệm vụ thay chủ đổi ngôi không phải là chuyện bình thường. Cho nên cách mạng khó có thể là cách mạng thường trực.
Vì vậy mà người kiên trì loại cách mạng này, Leon Trostky, đã phải mất mạng và quê hương cách mạng của ông ta cũng phải chia tay với con đường cách mạng để tìm lại cuộc sống bình thường không cách mạng. Hiện tượng này người ta có thể cho nó những tên gọi mới, thí dụ cách mạng nhung, cách mạng xanh v.v…
Có điều cuộc hành trình tự nhiên có dạng chu kỳ này đã không, hay có thể là chưa, giải quyết những bất công mà những kẻ thua cuộc đã phải gánh chịu, những kẻ đã không làm gì khác hơn là bảo vệ và xây dựng thị trường tự do, dân chủ, nhân quyền v.v…Những bất công này nếu chỉ mới được cảm nhận nơi lòng người không thôi thì chưa đủ, mà phải được thể hiện qua những biểu tượng phục hồi lẽ công bằng để cho hoà bình đích thực được kiến tạo .
Nhưng có một điều khám phá ngày càng rõ là, rút lại, kẻ bị thua nặng nhất trong cuộc chiến Việt Nam không phải là quân cán chính của Việt Nam Cộng Hoà cũ mà là đông đảo quần chúng, hay nói theo thuật ngữ chính trị thịnh hành hiện nay, là nhân dân. Thật vậy, nếu Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được thi hành, thì, như đã được dự liệu, nơi điều 11, nhân dân miền Nam Việt Nam được hưởng 12 quyền tự do cụ thể được liệt kê rõ ràng, những tự do vẫn còn hiếm muộn dưới chế độ pháp quyền đương hanéh.
Đó là (trích dẫn) “tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh” (hết trích dẫn) và nơi điều 15, việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình, trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa hai miền Nam Bắc, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào. Nghĩa là đã không cần phải có ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Dù sao, bánh xe lịch sử đã quay, và như giáo sư Tạ Văn Tài, một luật gia người Việt tị nạn nổi tiếng trên đất Mỹ, đã viết, “chế dộ Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam hiện nay, vô hình chung, dù muốn hay không, và có phần là chẳng đặng đừng, cũng đã tạo một số điều kiện xã hội tiên quyết thuận lợi cho việc tiến tới dân chủ (…), có đẩy mạnh được hơn nữa dân chủ tại Việt Nam hay không, tức là đòi hỏi chế độ tôn trọng nhiều hơn các tiêu chuẩn hay nguyên tắc dân chủ , thì tuỳ nhiều nhất vào sự tranh đấu của đồng bào Việt Nam ở trong nước (…) vậy muốn có dân chủ, phải “ trường kỳ kháng chiến”, nhứt là trong trường hợp những người cầm quyền không những có tiền “ cả vú lấp miệng em'' , mà còn có thể “ lấy thịt đè người”.
Cuộc kháng chiến này không nhất thiết phải xảy ra, nếu những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam dám sớm thực hiện lời căn dặn của lãnh tụ kính yêu của họ là biết và chịu làm đầy tớ dân, phục vụ dân, lo trước dân và vui sau dân. Để xoá đi vết tích khiên cưỡng về kẻ thắng người thua nay không còn mang ý nghĩa cũ nữa./.