Thêm người Thượng Tây nguyên tỵ nạn đến Phnompenh


2004.07.29

Lê Dân Hôm qua đã có thêm một nhóm người Thượng Tây nguyên trốn chạy sang Kampuchia tỵ nạn đã đến được thủ đô Phnom Penh và được Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Ba mươi tám người dân sơn cước Việt Nam được phi cơ do Liên Hiệp Quốc thuê mướn đã đáp xuống phi trường Pochentong ngày hôm qua.

Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio

Họ sẽ được văn phòng Cao ủy Tỵ nạn tại Kampuchia phỏng vấn và phân loại xem có thể đưa họ đi định cư ở một nước thứ ba hay không, sau nhiều tháng trốn tránh trong rừng rậm vùng Đông Bắc xứ Chùa Tháp, giáp giới núi rừng Tây nguyên Việt Nam.

Trong 38 người đó có 17 người từng bị cảnh sát Kampuchia bắt giữ hôm Chủ nhật tại tỉnh Ratanakiri cùng bốn người gồm nhà báo và nhân viên thiện nguyện. Bốn người này từ thủ đô Phnom Penh tới, gồm có ông Sok Rathavisal của đài Á châu Tự do, ông Kevin Doyle của nhật báo Anh ngữ The Cambodia Daily cùng một người thông dịch, và ông Pen Bunna, thành viên tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc của Kampuchia.

Related Stories - Đài Á Châu Tự Do kêu gọi Phnompenh thả ngay và vô điều kiện các nhà báo bị bắt - Kampuchea trả tự do cho các nhà báo và nhân viên tổ chức nhân quyền Adhoc - Kampuchea bắt giữ các nhà báo đưa tin về người Thượng Việt Nam - Nhóm người Thượng đầu tiên đến Phnom Penh xin quy chế tị nạn - Ngày càng nhiều người Thượng ra trình diện Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc - Người Thượng Tây Nguyên: thà chết đói ở Kampuchia còn hơn trở về Việt Nam - 44 người Thượng lẫn trốn trong rừng Kampuchea đã được tiếp xúc với LHQ - Câu chuyện của 3 người Thượng lẫn trốn trong rừng ở Kampuchea - Quân đội Kampuchea chưa được động viên để chống lại người Thượng - Thêm 85 người Thượng từ Việt Nam chạy trốn sang Kampuchea - Hun Sen: Không tìm thấy người Thượng Việt Nam tại Kampuchea - Nguy cơ căng thẳng ngoại giao giữa Bangkok và Hà Nội

Sau khi chính phủ Hun Sen nhượng bộ áp lực thế giới và trả tự do cho toàn bộ 21 người nay, hai nhà báo cùng ông Pen Bunna và người thông dịch đã về đến Phnom Penh. Hôm qua, 17 người Thượng đã được văn phòng Cao ủy Tỵ nạn đưa về thủ đô Kampuchia để làm thủ tục. Một trong số 6 phụ nữ, bằng thứ tiếng Việt không hoàn chỉnh, đã ngỏ lời cám ơn các nhà báo đã giúp đưa về Phnom Penh và do đó con cháu bà mới được chữa các bệnh bị nhiễm khi trốn tránh trong rừng: "Cám ơn các nhà báo ở đây quan tâm..."

Thời gian vừa qua, các tổ chức thiện nguyện ước lượng có hàng trăm người Thượng Tây nguyên trốn vào rừng để tìm đường sang Kampuchia tỵ nạn, tránh sự lùng bắt của nhà cầm quyền địa phương của họ.

Một số người không may đã bị bắt giam và truy tố. Điển hình như 9 người sắc tộc Êđê sắp phải ra tòa vào hai ngày mùng 3 và mùng 6 tháng Tám tại tỉnh Đắc Lắc. Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đỗ Quý Phóng cho biết những người này từng nhiều lần cầm đầu việc tổ chức bà con tụ tập lại để xuyên tạc chính sách nhà nước. Vì vậy họ sẽ bị truy tố theo điều 87 của bộ Luật Hình sự.

Thật ra, vụ hàng chục ngàn người Thượng phẫn uất kéo nhau đi biểu tình hồi tháng Hai vừa qua, chủ yếu là do các hoạt động tín ngưỡng của họ bị ngăn cản và đất đai canh tác bị cưỡng đoạt. Hồi đó, phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đích thân lên Tây nguyên tìm hiểu sự việc để giải quyết. Ông đã ra lệnh cho tất cả quan chức địa phương phải hoàn trả đất của người Thượng bị quy hoạch làm nông-lâm trường, mà thực chất vẫn còn bỏ hoang. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh nội trong tháng Sáu các tỉnh phải báo cáo số lượng đất phải trả lại.

Một trong số 17 người Thượng tỵ nạn vừa được đưa về Phnom Penh hôm qua đã cho đài Á châu Tự do biết: "Chúng tôi trốn ở trong rừng, chỉ ăn trái thôi, không có cơm an. Đất ở trong Việt Nam thì bị người Kinh lấy hết, dân tộc không có đất đai. Thế là chúng tôi chạy sang nước Kampuchia. Ý muốn của chúng tôi không muốn chạy sang nước Kampuchia, chỉ vì không có đất để làm..."

Trong số người Thượng Tây nguyên vừa được Liên Hiệp Quốc đón nhận có 5 người cần phải được điều trị trong bệnh viện do sốt rét và viêm phổi. Một người Thượng chủ gia đình đã ngỏ lời cám ơn tất cả những ai có lòng nhân từ: "Cám ơn ở đây đã giúp đỡ chúng tôi đến Ratanakiri rồi đi Phnom Penh. Bây giờ chúng tôi mừng, cám ơn ở đây rất nhiều..."

Nhiều nhà quan sát cho rằng khi nào người Thượng Tây nguyên ngỏ lời cảm ơn phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì lúc đó mới hết cảnh họ kéo nhau tìm đường lánh nạn sang xứ Chùa Tháp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.