Cá chết hàng loạt, nông dân vỡ nợ


2006.04.03

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Sắp sửa thu hoạch, đột nhiên những bè cá của bà con nông dân nuôi thả trên sông Saigon thuộc khu vực xã Thanh An, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương chết sạch, thiệt hại hàng tỉ đồng. Người dân đã báo cáo lên cơ quan chức năng cũng như đệ đơn kiện lên Ủy ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

FishFarmer150.jpg
AFP PHOTO

Nhằm bảo đảm nguồn nước sạch cho dân chúng thành phố Hồ Chí Minh, do con kinh Đông đưa nước từ hồ về các nhà máy nước tại thành phố, việc nuôi cá bè trên hồ Dầu Tiếng đã bị bãi bỏ.

Do đó, một số hộ dân thuộc huyện Dầu Tiếng tổ chức đầu tư nuôi cá bè trên sông Saigon khúc chảy qua các xã Thanh An, Minh Hòa.

Đến lúc gần thu hoạch, vào buổi chiều ngày 17 tháng 3 vừa qua, các hộ dân nuôi cá khám phá ra cá nuôi tại các bè của mình chết hàng loạt. Nhiều nhất là các loại cá lăng, cá điêu hồng và cá chình.

Thiệt hại của các hộ nuôi cá lên đến khoảng bốn tỉ đồng. “Cá bè người ta nuôi hao hớt cả 4 tỉ bạc.”

Nước sông bị ô nhiễm

Người dân nghi ngờ cá chết hàng loạt như vậy là do nước sông bị ô nhiễm vì nước thải của 2 nhà máy cao su Dầu Tiếng thuộc thị trấn Dầu Tiếng và nhà máy chế biến tinh bột mì Mi-Won Việt Nam nằm trong ấp B2 xã Phước Minh thuộc huyện Dương minh Châu tỉnh Tây Ninh.

Báo chí được người dân đưa đi xem một con rạch nước đen ngòm, bốc mùi hôi từ nhà máy Mi-Won chảy ra sông Saigon. “Cá chết cũng mới đây vì nước lò mì xả ra mới chết, nhà máy ở ấp B2 xã Phước Minh.”

Ngay khi cá chết, các hộ nuôi cá đã báo cáo với cơ quan chức năng xin được giải quyết giúp đỡ. Cho đến nay dù có đơn kiện của 16 hộ nuôi cá bị thiệt hại nặng, Ủy ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương vẫn chưa có hướng giải quyết. “Người dân người ta phản ảnh nhưng cuối cùngchính quyền cũng chẳng nói gì.”

Một người dân sống tại khu vực nuôi cá nhưng không có bè cá cho rằng người dân khó có thể kiện đòi bồi thường vì lý do hai nhà máy caosu Dầu Tiếng và Mi-Won được thành lập trước khi người dân nuôi cá. Do không điều nghiên trước nguồn nước vùng này, cá chết là chuyện tất nhiên:

“Điều đó không trách người ta được vì người ta thải nước thải trước khi mấy anh này nuôi cá chớ không phải sau khi phải chi mấy anh này nuôi cá trước đây rồi bây giờ do nước thải mà cá chết thì mới có thể kiện được.”

Để giúp các hộ dân có thể nuôi cá trở lại thì chỉ có cách là yêu cầu các nhà máy ngưng xả nước bẩn ra sông mà phải lập hệ thống xử lý nước thải.

“Muốn hộ dân đầu tư nuôi cá thì phải giải quyết lò mì đừng xả nước thải ra nữa vì nếu vẫn xả nước thải thì người dân đầu tư lỗ trắng không có ai chịu trách nhiệm thì dân đâu có tiền đầu tư nữa.”

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là người dân hiện phải trả lãi ngân hàng trong khi không có lợi tức nào để trả nợ. Như vậy người dân không lấy đâu ra tiền để mua cá giống nuôi lại.

Hiện nay hàng chục hộ nuôi cá đang trên đà phá sản vì số tiền vay nợ quá lớn không trả nổi. Người dân đang trông chờ sự giúp đỡ của chính quyền và các cơ quan chức năng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.