Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng đối với Việt Nam


2006.03.23

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Hội nghị 14 Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã bước sang ngày thứ 3, trong khi những dấu hiệu về lịch trình làm việc phái đoàn đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang có mặt tại Việt Nam càng tạo cho dư luận nhiều dấu hỏi. Cập nhật một số thông tin liên quan đến Hội nghị Trung ương 14, Việt Hùng có bài ghi nhận.

KhaiGiaKhanhLam200.jpg
Ông Phan Văn Khải tiếp ông Giả Khánh Lâm, thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc tại Văn phòng Chính phủ hôm 21-3-2006. Photo courtesy of VNA

Hội nghị Trung ương 14 đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra đúng thời điểm một phái đoàn Bắc Kinh đến Hà Nội do ông Giả Khánh Lâm, thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu.

Cũng trong ngày khai mạc, với tư cách thường trực Bộ chính trị, ông Phan Diễn đã có buổi làm việc với ông Giả Khánh Lâm ngay trong khuôn viên Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Ðảng tại số 1A Hùng Vương, nơi các Ủy viên Trung ương đang họp Hội nghị 14.

Những dấu hiệu về chuyến đi của nhân vật thứ 4 trong Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc trong những ngày này càng tạo cho dư luận thêm bàn tán về thành phần nhân sự cũng như những ảnh hưởng của Bắc Kinh trong việc chuẩn bị Ðại Hội X của đảng Cộng sản Việt Nam.

Những nguồn tin riêng mà chúng tôi ghi nhận được, bước vào Hội nghị các Ủy viên được yêu cầu tắt điện thoại, sau mỗi ngày họp các Ủy viên được "chăm sóc rất cẩn thận" tức là có xe đưa đi, đón về nghỉ tại khu Biệt thự Tây Hồ.

Vẫn theo nguồn tin, ngay trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị, vấn đề nhân sự đã được bàn đến khi có tin nói rằng, ông Nông Ðức Mạnh đang bị sức ép phải ra đi vì đã đồng ý với ông Trần Ðình Hoan trong việc sắp xếp nhân sự, cụ thể là trường hợp ông Ðào Ðình Bình đang từ phụ trách ngành Ðường Sắt được đưa lên Bộ trưởng Giao thông Vận tải, hay với Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến, người cũng đang bị điều tra trong một vụ án khác liên quan đến đường dây PMU18.

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Việc việc phong hàm Trung tướng cho ông Nguyễn Chí Vịnh bên Tổng Cục 2, hay đưa con trai là Nông Quốc Tuấn vào chức Bí thư Trung ương Ðoàn thanh niên rồi đưa vào Trung ương cũng là những vấn đề đặt ra với ông Mạnh. Khả năng đi hay ở của ông Mạnh cũng chưa mấy rõ ràng, trong khi có tin nói rằng ông Nguyễn Văn An có thể được thay ông Mạnh hiện cũng chỉ là những dự kiến, vì nếu theo tuổi thì ông An cũng nằm trong diện nghỉ.

Về Thủ tướng thay ông Phan Văn Khải, theo nguồn tin ghi nhận, chưa có dấu hiệu về một gương maặt cụ thể nào để có đủ hậu thuẫn, riêng ông Phan Diễn hiện đang được để ý, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng là một nhân vật rất có thể thay ông Khải, trong khi dư luận trong và ngoài đảng lại chờ đợi ông Vũ Khoan sẽ được giữ ở lại mặc dù theo tuổi cũng thuộc diện nghỉ.

Bên Quốc Hội, những nguồn tin ghi nhận cũng nói rằng dù không bằng ông Nguyễn Văn An nhưng khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nắm Quốc Hội không phải là không có cơ sở. Trong khi đó bên Quốc Phòng, 4 nhân vật đang được chú ý là Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Thượng tướng Lê Văn Dũng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Trung tướng Phan Trung Kiên.

Ba trong số 4 nhân vật này là các ông Lê Văn Dũng, Nguyễn Huy Hiệu và Phan Trung Kiên, theo những tin ghi nhận nói là thuộc "phương án" của ông Trần Ðình Hoan và ông Lê Ðức Anh. Riêng Thượng tướng Phùng Quang Thanh, tin tức cũng nói nhân vật này được sự ủng hộ của hàng ngũ Tướng lãnh trong quân đội.

Bên Công An, khả năng ông Lê Hồng Anh vẫn ở lại Bộ Chính Trị, nhưng Bộ trưởng Công An thì không mấy thuyết phục, vì một số ý kiến cho rằng, ông Lê Hồng Anh không có thực lực, trong đó chưa kể đến những yếu tố có mâu thuẫn trong nội bộ công an. Tin ghi nhận cũng nói đến hai nhân vật đó là ông Nguyễn Khánh Toàn và ông Lê Thế Tiệm, tuy nhiên khả năng này chỉ là những lời bàn được đưa ra ngay từ Bộ Công An.

Tin tức cuối cùng ghi nhận, cũng trong ngày làm việc thứ hai và thứ ba của Hội nghị, việc ông Trần Ðình Hoan xin được ở lại Bộ chính trị đảm trách Ban tổ chức Trung ương, nơi hiện ông đang nắm cũng đã được ghi nhận và theo nguồn tin trên thì khi bàn đến vấn đề này Hội nghị "rất căng".

Những hoạt động chính thức cũng như hành lang của phái đoàn đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là những yếu tố mà dư luận cho rằng sẽ ảnh hưởng tới Hội nghị 14 rất nhiều.

Khi được hỏi, nguyên do nào khiến vị thế Tổng bí thư của ông Nông Ðức Mạnh lại lung lay, lúc có tin đi, lúc tin ở, ông Trần Ðại Sơn, một người từng nhiều năm làm việc trong ngành tình báo Việt Nam nay đã nghỉ hưu tại Hà Nội cho biết:

Ông Trần Ðại Sơn: Ông Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh người ta đưa ra nhiều khuyết điểm lắm. Tôi chỉ sơ bộ thế này thôi, ông ấy là Tổng bí thư chủ trì để cho Trần Ðình Hoan là Trưởng ban Tổ chức điều chỉnh các cán bộ sai lầm mà ông về hùa chứ không đứng lên để giữ cương vị Tổng bí thư của mình. Ví dụ như Ðào Ðình Bình nó lót 3 tỷ mấy (tiền Việt) vẫn giữ chức Bộ trưởng Giao thông mặc dầu là mọi người rất phản đối, rồi Nguyễn Việt Tiến đang là Trưởng phòng Tài vụ của Bộ Giao thông đưa lên làm Thứ trưởng thì đấy là một tội. Tội khác là cùng với Trần Ðình Hoan đề bạt Nguyễn Chí Vịnh lên Trung tướng, định đưa lên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng người ta phản đối quá thành ra không dám làm và đưa vào Trung ương

Việt Hùng: Những thông tin đó mức độ khả tín là như thế nào?

Ông Trần Ðại Sơn: Những thông tin đó cụ thể rồi, Trần Ðình Hoan là Trưởng ban Tổ chức rồi ông ấy là Tổng Bí thư ông ấy duyệt luôn thế cũng như chuyện Nguyễn Chí Vịnh thì Trần Ðình Hoan xếp đặt, ông ấy là Tổng bí thư duyệt luôn. Ông ấy còn gia đình trị, đưa Nông Quốc Tuấn là con mình lên Bí thư Trung ương Ðoàn rồi đưa vào Trung ương. Ở quê nhà thì làm đường cái lớn, xây sân bay dã chiến bao nhiêu trăm tỷ của nhân dân, ngân sách của nhà nước trong khi dân còn nghèo. Ðấy, những khuyết điểm lớn như thế.

Việt Hùng: Nhưng mà cái tin nói rằng ông Nguyễn Chí Vịnh với ông Lê Ðức Anh đi sang Trung Quốc trước Hội nghị Trung ương 14 thì cái tin đó như thế nào ạ?

Ông Trần Ðại Sơn: Như vậy là đi từ sau Hội nghị 13, chính xá rồi, cái tin này từ những anh em tướng lĩnh ở trên Bộ, Lê Ðức Anh danh nghĩa là đi chữa bệnh, xin đi chữa bệnh ở Trung Quốc.

Cũng vẫn là những tin tức, diễn tiến xoay xung quanh Hội nghị Trung ương 14, khi được hỏi về vấn đề nhân sự, ông Lê Hồng Hà, từng là Chánh văn phòng Bộ Công An đã không đưa ra lời bình luận cụ thể về một nhân vật nào, theo ông bên cạnh vấn đề nhân sự một nan đề nữa mà Hội nghị cần phải giải quyết đó là:

Ông Lê Hồng Hà: Có lẽ sẽ phải bàn một cái qui chế làm việc của cái Ðại hội như thế nào? Trước đây là theo sự chỉ đạo của một nhóm có quyền lực cao nhất trong đảng thế thì rồi ra đến Ðại hội thì gần như hợp thức hóa, công khai hóa thông qua những ý kiến ấy.

Nhưng mà kỳ này đây người ta muốn rằng Ðại hội thực sự là cơ quan cao nhất trong đảng làm cái việc ấy. Thế thì trong điều kiện hiện nay, thái độ của các anh em ở trong nước trông chờ sự đổi mới của đảng mà bắt đầu từ sự "đổi mới" từ Hội nghị Trung ương và Ðại hội.

Cái trông chờ ấy thì nhiều người cho rằng không thể có được, nhưng mà theo chúng tôi, một nhóm anh em chúng tôi nghĩ rằng, việc đó có thể. Có thể với khối lượng, sức nặng của những ý kiến tham gia, riêng tôi suy nghĩ cái việc đó có thể có khả năng hiện thực.

Vừa rồi là nhưng thông tin ghi nhận được cập nhật tính cho đến chiều tối ngày thứ Tư (22-03) tính theo giờ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.