Vai trò của liên đoàn lao động tại Việt Nam


2006.03.07

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Ở Việt Nam, trong điều kiện bình thường, vai trò của tổ chức công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp; đặc biệt là thuộc công ty tư nhân hay liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, khá lu mờ. Thế nhưng qua đợt đình công kéo dài từ hôm trước tết âm lịch cho đến tận những ngày đầu tháng ba này thì người ta lại nhắc nhiều đến vai trò của liên đoàn lao động từ cấp trung ương đến tỉnh, thành.

StrikeUnion200.jpg
Chủ tịch Công đoàn Hepza Lê Trung Nghĩa vận động công nhân Công ty Kollan ổn định trật tự. Photo courtesy of LaoDong Online

Trong thực tế các cấp của liên đoàn làm gì vào những lúc này và vai trò của họ ra sao? Thế rồi luật pháp có giúp cho công đoàn làm tròn trách nhiệm của họ? Mời quí vị theo dõi trình bày của Gia Minh trong phần sau.

Trước tình hình đình công rộ lên như hiện nay, với tư cách là một người làm truyền thông, chúng tôi tìm đến với các tổ chức công đoàn từ cấp trung ương đến tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, vào lúc này thật khó gặp được các viên chức phụ trách tại văn phòng làm việc của họ.

Lu mờ

Liên lạc với văn phòng liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, nơi mà đến ngày 2 tháng 3 tại Khu Công nghiệp Biên Hoà 2 lại có thêm đình công của công nhân công ty Sơn Nippon và Công ty Pranda, người nữ nhân viên tại đó cho biết: “Suốt tuần nay, các anh đi xuống các công ty hết.”

Tại văn phòng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 3 tháng 3, vị phó chủ tịch thường trực, ông Đặng Ngọc Tùng, cho chúng tôi biết việc mà bộ phận đầu não đang làm: “Chúng tôi họp để đưa ra nhận định chính thức báo cáo với các cơ quan chính phủ, Đảng, cũng như công nhân.”

Họ nên làm cho tiến trình đình công rõ rệt hơn. Những tiến trình này trong luật Lao động quá rắc rối. Đối với công nhân thì nó quá khó hiểu. Do đó mà họ cứ phớt lờ đi và đình công, bất kể có đúng luật hay không.

Ông cũng nhắc lại vai trò của liên đoàn lao động Việt Nam: “Chúng tôi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tìm đến điểm chung cho quyền lợi của chính quyền, người sử dụng lao động và quyền lợi quốc gia.”

Qua đợt đình công kéo dài vừa qua, một nghiên cứu sinh ngành kinh tế học, bạn Nguyễn An Nguyên có bài viết đăng trên một số báo mạng của Việt Nam cho rằng chính những người có tư cách đại diện cho người công nhân ở cơ sở đã không dám đấu tranh cho quyền lợi của công nhân.

Bạn Nguyễn An Nguyên chỉ ra rằng chính phủ có qui định phải điều chỉnh lương tối thiểu khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 10%; thế nhưng chính phủ đã trễ hẹn với lời hứa. Thích hợp nhất cho việc nhắc nhở điều đó là Tổng liên đoàn, cơ quan đại diện hợp pháp duy nhất cho toàn bộ công nhân Việt Nam. Nhưng rồi điều đó đã không xảy ra.

Bản thân một công nhân cũng nói đến vai trò lu mờ của tổ chức công đoàn: “Công đoàn không lo lắng mấy đến đời sống của công nhân.”

Cơ sở pháp lý rõ rệt

Tuy nhiên, trong thực tế với qui chế ở Việt Nam thì liên đoàn lao động các cấp đều khó có thể bảo vệ quyền lợi cho người công nhân.

Vì thiếu cơ sở pháp lý rõ rệt. Thống kê chính thức do báo chí trong nước đưa ra là tính đến nay có hơn 850 cuộc đình công. Thế nhưng không có vụ nào được xem là hợp pháp, theo đúng trình tự pháp lý.

Một đại diện cho doanh giới Đài Loan ở Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thật ra luật Lao động Việt Nam hiện quá phức tạp và khó hiểu: “Họ nên làm cho tiến trình đình công rõ rệt hơn. Những tiến trình này trong luật Lao động quá rắc rối. Đối với công nhân thì nó quá khó hiểu. Do đó mà họ cứ phớt lờ đi và đình công, bất kể có đúng luật hay không.”

Và khi công nhân đình công tự phát thì theo luật Việt Nam hiện nay cơ quan chức năng và công đoàn không thể giúp can thiệp bằng pháp lý.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.