Hội nghị tổng liên đoàn lao động lần thứ 9: do đâu mà công đoàn thất bại ?


2007.09.07

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Nhân hội nghị ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều bài báo, ý kiến đóng góp về vấn đề hiện trạng giai cấp cơ sở của đảng Cộng sản Việt Nam ra sao, và cần phải làm gì để cải thiện nó, đã được đưa ra. Lê Dân tổng hợp và trình bày thêm một số nhận xét khác.

StrikeUnion200.jpg
Chủ tịch Công đoàn Hepza Lê Trung Nghĩa vận động công nhân Công ty Kollan ổn định trật tự. Photo courtesy of LaoDong Online

Hồi trung tuần tháng Bảy, để chuẩn bị cho đại hội, Tổng Liên đoàn Lao động đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Thực trạng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp Công nhân, những đề xuất, kiến nghị" do ông Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng Liên đoàn mà cũng là Ủy viên Trung ương đảng, chủ trì.

Tại đây, giáo sư-tiến sĩ Vũ Minh Giang thuộc đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định là phải xây dựng sao cho giai cấp công nhân thực sự là bệ đỡ chính trị của đảng.

Bệ đỡ công-nông

Chẳng ai quên được đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay đã có thời gian mệnh danh là đảng Lao Động, đảng chính trị của giai cấp công nhân, nông dân. Dùng bệ đỡ công-nông để cướp chính quyền, nhưng ngày nay thì đảng viên trên ngựa, dưới xe, còn "bệ đỡ" đó thì ra sao ? Một công nhân viên ở miền Bắc nhận xét:

“Tổ chức công đoàn Việt Nam thì của đảng Cộng sản, không có tiếng nói. Nhiều năm gần đây tổ chức công đoàn không làm được việc gì cả để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, mặc dù cho nhân dân rất khổ, người công nhân Việt Nam cũng rất khổ.”

Về Công đoàn Việt Nam, chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Đặng Ngọc Tùng tiếp tục khẳng định "quyết liệt đổi mới mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, xây dựng gia cấp công nhân phát triển về số lượng và chất lượng, chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động".

Tổ chức công đoàn Việt Nam thì của đảng Cộng sản, không có tiếng nói. Nhiều năm gần đây tổ chức công đoàn không làm được việc gì cả để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, mặc dù cho nhân dân rất khổ, người công nhân Việt Nam cũng rất khổ.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn thì từ đầu năm tới nay đã có 182 cuộc đình công do công nhân tự phát gây ra. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi, ông Đỗ Hoài Ân, nêu băn khoăn là đã có quy định về đình công nhưng các cuộc đình công vẫn bất hợp pháp, như vậy phải chăng quy định bất cập, gây bất lợi cho người lao động hay sao ?

Vì sao các cấp lãnh đạo công đoàn cơ sở không đảm nhiệm trách vụ lãnh đạo của mình để hướng dẫn anh chị em công nhân tranh đấu cho quyền lợi của họ một cách hợp pháp ? Một cán bộ công đoàn một tỉnh miền Trung thừa nhận thực tế:

“Bởi vì hầu hết các ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, hoặc chính chủ tịch công đoàn cơ sở, chủ yếu là người làm công ăn lương do chủ sử dụng lao động trả. Cho nên khi đình công gì thì cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của riêng họ.”

Nhiều nơi do chuyển dịch từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần nên vẫn giữ cơ cấu cũ, đảng ủy vẫn lãnh đạo, có khi lại dàn dựng ra công đoàn một cách tùy tiện, như trường hợp điển hình tại công ty Habada, Bắc Giang. Phó giám đốc kiêm bí thư chi bộ đảng, cũng là con gái giám đốc, đã lấy danh nghĩa đảng để triệu tập ban Chấp hành Công đoàn tổ chức Công đòan Cơ sở mới cho phù hợp nguyện vọng của hai cha con giám đốc.

Ngoài ra còn nhiều lý do khác khiến gần 60% công nhân lao động tại những doanh nghiệp FDI không muốn gia nhập công đoàn, theo kết quả cuộc thăm dò do Viện Công nhân Việt Nam xúc tiến.

Nhu cầu chính đáng và bức thiết

Do nhu cầu chính đáng và bức thiết của người lao động cần được bảo vệ, đã có không ít người hằng tâm đã chủ xướng thành lập công đoàn độc lập, ngoài hệ thống chính trị của đảng. Điển hình như các luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân. Cô từng cho biết :

“Yêu cầu phải có công đoàn của chính người lao động Việt Nam, công đoàn phải độc lập so với công đoàn hiện nay do Nhà nước Việt Nam thành lập, lãnh đạo và duy trì, cụ thể là do đảng Cộng sản. Tôi nghĩ là yêu cầu bắt buộc và bức thiết của giới công nhân Việt Nam là bây giờ phải có một công đoàn do chính họ lập nên, do chính họ nộp tiền và do chính họ quản lý.

Họ còn có thể thuê những người quản lý chuyên nghiệp về để làm công tác công đoàn đó. Chứ không thể như công đoàn bây giờ được vì tôi thấy là họ không hỗ trợ được gì cho người lao động, đặc biệt là về vấn đề đình công.”

Tổ chức công đoàn độc lập đó phải giải thích cho người dân rõ rằng chúng tôi là người bênh vực cho người dân, chứ không phải là phản động, chống lại nhân dân. Nhân dân phải hiểu rằng "phản động" là chống lại nhân dân mà thôi, còn chống lại một tập đoàn, hay một tổ chức đảng nào đó, thì không phải là phản động.

Như vậy thì chí ít các vị lãnh đạo công đoàn cơ sở phải có nghiệp vụ chuyên môn về hoạt động công đoàn, về thương thuyết đàm phán với chủ nhân. Họ cũng phải độc lập với doanh nghiệp mà mình đại diện công nhân thì mới có sự tin cậy cần thiết từ phía người lao động. Một viên chức công đoàn cơ sở nhận xét:

“Chúng tôi cũng khảo sát thì thấy là rất nhiều chủ tịch công đoàn cơ sở lại là người quản lý, hay có vị trí nhất định nào đó cho người chủ sử dụng lao động. Họ phụ thuộc vào người chủ, tiếng nói của họ người lao động chưa tin lắm.”

Như vậy thì cần có những lãnh đạo công đoàn không lệ thuộc vào chủ nhân, lãnh lương từ một nơi nào khác và được trang bị đầy đủ kiến thức về luật pháp và hoạt động công đoàn. Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ này có đạt đồng thuận về mục tiêu đó hay không ? hay phải lập công đoàn lao động độc lập để bảo vệ quyền lợi giai cấp công nhân ?

Tuy quyền tự do lập hội, tức gồm cả lập công đoàn, đã được Hiếp pháp Việt Nam khẳng định và bảo vệ, nhưng những ai có ý định thành lập công đoàn khác với tổ chức do đảng lập ra đều gặp khó khăn không thể vượt qua, nhiều khi còn tù tội, như trường hợp hai luật sư Lê thị Công Nhân và Nguyễn văn Đài.

Nặng hơn thì có khi còn bị quy kết là do phản động câu kết với nước ngoài. Nhiều người quan sát cho là kinh nghiệm công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan năm nào vẫn còn giấc ác mộng cho những chế độ toàn trị còn lại.

Do đó mà bất cứ dự định thành lập công đoàn nào nằm ngoài sự chế ngự của đảng đều bị mạnh mẽ và nhanh chóng kết tội phản động. Một đại diện công nhân bức xúc về từ ngữ "phản động" nhà cầm quyền thường sử dụng để lên án những ai không cùng chính kiến:

“Tổ chức công đoàn độc lập đó phải giải thích cho người dân rõ rằng chúng tôi là người bênh vực cho người dân, chứ không phải là phản động, chống lại nhân dân. Nhân dân phải hiểu rằng "phản động" là chống lại nhân dân mà thôi, còn chống lại một tập đoàn, hay một tổ chức đảng nào đó, thì không phải là phản động.”

Hôm thứ Năm tại Hà Nội, hội nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra trọng tâm nhiệm vụ từ nay đến cuối năm.

Trong 6 đề mục là tăng cường kiểm tra, giám sát thục hiện pháp luật; tiếp tục phát triển đoàn viên; đẩy mạnh thi đua lao động giỏi, cải thiện đời sống; tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát triển đảng; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ; và chống thất thu kinh phí và đoàn phí, phối hợp bộ Tài chính sử dụng ngân quỹ để mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.