Phụ nữ khuyết tật ở Việt Nam


2007.12.03

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Hôm nay ngày 3 tháng 12 cũng là Ngày Quốc Tế Vì Người Tàn Tật. Cho đến bây giờ, người khuyết tật vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ở Việt Nam, mặc dù có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng những người khuyết tật vẫn gặp muôn vàn thử thách, nhất là đối với những chị em phụ nữ.

DangThiNgocAnh200.jpg
Chị Đặng thị Ngọc Ánh. Photo courtesy TuoTre Online

Để đứng vững và vươn lên trong cuộc sống, họ đã phải trải qua rất nhiều gian nan, vượt qua mặc cảm, thắng mọi định kiến xã hội để đạt tới mơ ước của mình. Những chị em không may bị tật nguyền, lại gặp hoàn cảnh gia đình khó khăn lại càng thêm mặc cảm khi thấy mình trở thành gánh nặng cho những người thân.

Có người bị gia đình bỏ rơi, hắt hủi đến nỗi phải rời tổ ấm để đi tha phương cầu thực. Có người vì quá buồn chán và tuyệt vọng nên tìm đến cái chết. Trang Phụ Nữ kỳ này xin dành để nói về hai người phụ nữ tật nguyền, ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng một số phận và cuối cùng đã vươn lên trong cuộc sống bằng chính nghị lực cuả mình.

Chị Trần Phương Liên

Trước hết, nói về chị Trần Phương Liên, hiện là giáo viên dậy tiếng Nhật nổi tiếng ở Huế. Cha mẹ gốc Huế và tập kết ra Bắc, chị sinh ra ở Hải Phòng. Đến năm 4 tuổi, sau một trận sốt nặng, hai chân chị bị bại liệt hoàn toàn. Từ đó, mỗi ngày bạn bè cõng chị trên vai đến trường. Thời chiến tranh, nhiều lúc bạn bè phải cõng chị trên lưng để xuống hầm tránh bom đạn hay đi sơ tán.

Đã có lúc chị muốn bỏ cuộc nhưng rồi lòng đam mê học tập đã giúp chị vượt qua mặc cảm. Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, chị theo cha mẹ trở về Huế. Lúc đó chị được 16 tuổi và tiếp tục học hai năm cuối trường THCS Hai Bà Trưng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông loại giỏi và thi đậu vào trường Đại Học Tổng Hợp Huế, nhưng chị không được đi học vì bị liệt. Chị kể lại:

“Tôi thi đậu, cũng được điểm cao, thời điểm đấy cũng có người bị câm, bị tàn tật…nhưng không phải ai cũng được nhận. Bác sĩ Cương có khám bệnh và nói là bị liệt hai chân nhưng vẫn đủ sức khoẻ để học.

Nhưng khi nghe có thông báo trường Đại Học Sư Phạm Huế có mở lớp tiếng Nhật do người Nhật tình nguyện dậy, lúc đó, tôi cũng muốn đăng ký đi học, nhưng tôi bị liệt hai chân, cho nên tôi không được học.

Các thầy cô ở trường cũng cố gắng đấu tranh, đưa hồ sơ học bạ của tôi…Cuối cùng tôi được nhận nhưng với điều kiện sau này ra trường không được nhà trường phân công tác. Khi tốt nghiệp, bạn bè ai cũng được phân công tác rất chu đáo, thời đó là thời bao cấp. Tôi và gia đình cũng tìm nhiều việc nhưng không được cơ quan nhà nước nào nhận cả.”

Năm 1981, tốt nghiệp đại học loại ưu nhưng mảnh bằng của chị cũng chẳng giúp gì cho đời chị vì:

“Học xong thì xin việc rất khó khăn, tôi ngồi bán, thuốc lá, nước ở trước cửa nhà, làm đủ thứ nghề, bóc lạc, đan len tay, móc tuí xách bằng dây cước…tôi vẫn đau đáu về những gì mình đã học, nên vẫn cứ ngồi đọc sách. Thỉnh thoảng, buổi tối, tôi vẫn nhờ bạn tôi chở đến trung tâm học tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp.

Nhưng khi nghe có thông báo trường Đại Học Sư Phạm Huế có mở lớp tiếng Nhật do người Nhật tình nguyện dậy, lúc đó, tôi cũng muốn đăng ký đi học, nhưng tôi bị liệt hai chân, cho nên tôi không được học.

Nhưng những người đậu vào học thì có sách vở, tôi liên hệ, tôi mượn để tôi tự học…Các thầy cô giáo người Nhật nghe tin như thế đã đến nhà chơi và tìm hiểu. Thấy tôi cũng có thể bập bẹ chút ít, họ rất cảm động và họ hàng ngày thu xếp sau giờ ở trường thì đến giúp tôi.”

Thay đổi cuộc đời

Cuộc đời chị đã thay đổi hoàn toàn từ khi học tiếng nhật. Sau khi đã biết tiếng Nhật kha khá, chị được thầy cô giáo người Nhật tìm học bổng bên Nhật. Trong quá trình làm đơn xin đi học, chị đã gặp lại người ca sĩ Nhật năm xưa đã đến Việt Nam mà chị hằng ngưỡng mộ. Một cuộc gặp gỡ cảm động đã diễn ra tại Huế vì người nữ ca sĩ ấy hàng năm vẫn đến Việt Nam để làm công việc từ thiện.

Sau khi từ Nhật trở về, chị trở thành giáo viên dậy tiếng Nhật chính thức ở Huế. Rất nhiều sinh viên, học sinh đã tìm đến chị để nhờ hướng dẫn. Ngoài ra, chị còn làm thông dịch viên cho các công ty Nhật khi cần. Cuộc sống của chị bây giờ đã tương đối dễ thở và ổn định hơn. Nhìn lại những năm tháng gian truân đã qua, chị tâm sự rằng: “Bây giờ thì đỡ rồi, xã hội quan tâm đến người tàn tật nhiều hơn. Nhưng nói chung, những người có điều kiện, những người có nỗ lực thì trước tiên, đều phải tự vươn lên, tự phấn đấu trước đã. Về chính sách thì với những người thực sự nghèo khổ, không thể tự lập được thì nhà nước cũng có chính sách.

Các hội từ thiện ở nước ngoài hay ở trong nước cho những người tàn tật xe lăn rất nhiều. Tôi ước mơ cho những người tàn tật được hoà nhập với cộng đồng, với những người lành lặn, không bị phân biệt đối xử…cũng như tất cả mọi người, được sinh hoạt, được sống, được có công ăn việc làm và được công nhận như một thành viên bình thường trong xã hội.

Hiện bây giờ những điạ phương khác thì em không biết, nhưng ở địa phương của em thì không thấy có một chút gì giúp đỡ để phát triển. Nhà nước cũng không ưu đãi gì hết, cũng không ngó ngàng gì cho những người phụ nữ khuyết tật như tụi em hết..Tụi em tự vươn lên. Nói chung, toàn bộ đến em không thôi.

Đó là những người tàn tật bình thường. Còn những người không thể tự vươn lên được, không thể hội nhập với mọi người được thì được xã hội quan tâm giúp đỡ nhiều của xã hội.”

Chị Đặng Ngọc Ánh Đó là trường hợp của chị Trần Phương Liên. Riêng trường hợp của chị Đặng Ngọc Ánh, ở Đà Nẵng thì lại khác. Thuở nhỏ, không được may mắn có một lý lịch và gia đình như chị Phương Liên, cũng sau một cơn bạo bệnh, đôi chân bị liệt hoàn toàn. Nhà nghèo, anh chị em đông, chị đành phải xa gia đình khi chưa đầy 16 tuổi.

Trên đường từ Đà Nẵng vào Sàigòn, để mưu sinh và kiếm một nghề cho bản thân, chị đã phải trải qua biết bao nhiêu gian nan, đói khổ. Cuối cùng học được nghề may, chị trở về quê cũ và ngày ngày luyện tập bơi lội.

Sau khi trở thành vận động viên bơi lội khuyết tật quốc gia, thắng giải, chị đã dành hết tiền thưởng của mình để lập ra cơ sở Tâm Thiện, với mơ ước là dậy nghề và nuôi dưỡng những em tàn tật mồ côi, không nơi nương tựa. Thế nhưng, cho đến nay, niềm mơ ước của chị vẫn không trọn vẹn. Chị tâm sự:

“Hiện bây giờ những điạ phương khác thì em không biết, nhưng ở địa phương của em thì không thấy có một chút gì giúp đỡ để phát triển. Nhà nước cũng không ưu đãi gì hết, cũng không ngó ngàng gì cho những người phụ nữ khuyết tật như tụi em hết..Tụi em tự vươn lên. Nói chung, toàn bộ đến em không thôi.

Mới đây, em có làm đơn xin hỗ trợ đất, họ nói em thuê. Thuê thì lấy tiền đâu mà trả. Ngày 3-12, ngày người tàn tật quốc tế, em làm công văn tổ chức cho các cháu, nhưng cũng chưa thấy hỗ trợ gì hết. Nhiều lúc cảm thấy rất buồn, nhưng mình đã vượt lên được số phận của mình…Ước mong nhất là phải làm một điều gì ở đây để tạo cho những người cùng cảnh ngộ như mình vượt lên. Đó là mơ ước của mình.”

Chị cũng cho biết rằng, có một số chị em phụ nữ tật nguyền như chị, gặp hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhưng tài chính eo hẹp, chị không thể nào đủ sức để giúp cho gia đình của các em. Chính vì thế, mới đây, trong cơ sở may của chị, có một thiếu nữ khuyết tật, 19 tuổi, vì quá tuyệt vọng và buồn chán nên đã quyên sinh. Chị kể:

“Cháu Trương thị Hậu, cháu rất buồn, vì đã là một người tàn tật, lại là một phụ nữ, nên không thể tự chăm sóc cá nhân của cháu. Mẹ già ,một em gái, nhà cửa không có, cháu là một người tàn tật mà lại gánh vác mẹ, những người bạn bình thường lại coi thường cháu…Ở đây, không thể lo cho gia đình cháu được vì không có khả năng. Cho nên, không hiểu vì sao, cháu về nhà, và tự sát, thắt cổ chết tại nhà.

Mong sao họ cởi mở đón nhận những người tàn tật để chúng tôi có một điểm tưạ…Mái ấm của Ánh thì còn rất nhiều thiếu thốn. Hiện nay, cơ sở của Ánh tiếp đón rất đông, nhưng việc làm thì không đủ cung cấp cho các cháu.

Cháu có viết tờ di chúc để lại là số phận của cháu là người tàn tật, một mai đây, mẹ già yếu mất đi, không ai lo cho cháu được thì chẳng thà cháu chết trước đi. Qua cái chết của Hậu, mình nghĩ là những người phụ nữ tàn tật không phải biết chống chọi như thế nào như trường hợp của Hậu.”

Cởi mở tấm lòng

Trải qua kinh nghiệm bản thân và thấu hiểu những hoàn cảnh của những chị em bị tật nguyền, trong nhiều năm qua, lúc nào chị Đặng Ngọc Ánh cũng chỉ mong rằng:

“Mong sao họ cởi mở đón nhận những người tàn tật để chúng tôi có một điểm tưạ…Mái ấm của Ánh thì còn rất nhiều thiếu thốn. Hiện nay, cơ sở của Ánh tiếp đón rất đông, nhưng việc làm thì không đủ cung cấp cho các cháu.

Một mình Ánh chạy vạy ở ngoài để cung cấp thêm. Vừa rồi, em có làm đơn xin bảo hiểm sức khoẻ cho các cháu bệnh tật, nhưng họ cứ nói là người điạ phương mới cấp. Người ta cứ chỉ về điạ phương nhưng các cháu đâu có điạ phương đâu mà về.”

Phương Anh vừa gửi đến quí vị những lời tâm sự của hai phụ nữ khuyết tật ở Việt Nam. Một người có một lý lịch và có hoàn cảnh tốt. Một người phải bơ vơ, không nơi nương tựa …Cả hai đều chung một số phận tật nguyền, và đều mơ ước được đối xử một cách công bằng như những người bình thường khác.

Với niềm tin và nghị lực, họ đã phải trải qua rất nhiều gian khổ để có được cuộc sống như hôm nay. Cho đến bây giờ, chính sách của nhà nước Việt Nam có những thay đổi nào để giúp cho những người khuyết tật như hai chị? Mời quí vị và các bạn đón nghe trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần trong chương trình phát thanh sáng mai. Trang Phụ Nữ xin chấm dứt nơi đây, Hẹn gặp lại quí vị vào tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.