Nữ giám đốc xe ôm Cokbi
2008.01.07
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Với thời mở cửa, kinh tế thị trường, người dân thành thị ngày càng có nhiều nhu cầu ở mọi lãnh vực trong đời sống, nhất là việc giao dịch. Một trong những phương tiện giao thông thuận lợi, rẻ và thích hợp với túi tiền của người dân nhất là xe ôm. Vào những năm gần đây, vì miếng cơm manh áo, nhu cầu cạnh tranh ngày càng nhiều, khiến các bác tài xế xe ôm càng ngày càng gặp khó khăn nhiều hơn.

Bên cạnh đó, có nhiều chuyện xảy ra không hay nên giới xe ôm thường bị coi thường và khinh rẻ. Vào tháng 5 năm 2006, một công ty xe ôm ở Hà Nội ra đời, có tên là Công ty Thương Mại và Dịch Vụ Hiển Linh, hay còn gọi là CoKbi. Người đứng ra thành lập công ty này là một thiếu nữ rất trẻ, Trần thị Kim Ngân. Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị nghe chuyện của vị nữ giám đốc công ty xe ôm này.
Sinh ngày 1- 12 năm 1983, ở Vinh, Nghệ An. Thuở nhỏ, nhà nghèo, ngoài giờ học, cô bé Trần Thị Kim Ngân thường đi theo những gia đình thu hoạch chè, nhặt những lá chè vương vãi, mang về nhà rửa sạch rồi nấu lên, đem ra bến phà gần nhà bán cho khách đi đường. Số tiền nhỏ nhoi bán được cô cất để dành mua sách vở và đóng học phí.
Thời thơ ấu
Tốt nghiệp phổ thông, cô quyết định ra Hà Nội thi vào trường Đại Học Ngoại Thương. Ở Hà Nội, hình ảnh của những người tài xế xe ôm mình dính đầy bụi bặm trên các góc đường, lặng lẽ ngồi chờ khách luôn gợi nhớ cho cô kỷ niệm thời thơ ấu ở quê nhà. Cô tâm sự:
Hồi em còn bé, gia đình em rất nghèo, bố mẹ em không thể đưa em tới trường được, vì còn phải kiếm tiền, các anh chị khác thì phải phụ với bố mẹ, em phải đi “xe lai”, có nghĩa là xe đạp chuyển khách. Ngày trước, các bác xe lai rất tốt bụng.
Cả tuổi ấu thơ của em gắn liền với xe lai. Khi em lên đại học, các bác xe ôm ở thành phố hầu hết không mang lại sự tin tưởng cho em. Bây giờ, các bác xe ôm chèn ép nhiều hơn, có những hành xử không còn lương thiện như những hình ảnh của các bác xe lai ngày trước.
Trước khi tốt nghiệp đại học Ngoại Thương, cô quyết định thành lập một công ty xe ôm với một đội ngũ chuyên nghiệp. Cô nói tiếp:
Mỗi một con người đều có sự lương thiện tốt đẹp, tại sao hoàn cảnh lại bóp méo họ trở thành con người như thế, và em mong muốn làm một cái gì đó để thay đổi, hoặc khơi lại những gì tốt đẹp vẫn còn lưu lại trong họ. Họ bị giằng xé giữa miếng cơm manh áo… Em mong muốn thành lập công ty này cho họ ổn định.
Hồi em còn bé, gia đình em rất nghèo, bố mẹ em không thể đưa em tới trường được, vì còn phải kiếm tiền, các anh chị khác thì phải phụ với bố mẹ, em phải đi “xe lai”, có nghĩa là xe đạp chuyển khách. Ngày trước, các bác xe lai rất tốt bụng.
Em cũng từng đọc những câu chuyện rất đau thương. Một câu chuyện em nhớ mãi là một lão xe ôm, chở hai mẹ con, cô con gái mù, đến cầu Long Biên. Sau đó, lão xe ôm này lừa cho bà mẹ bắt một xe ôm khác, gửi cô con gái mù cho lão xe ôm này, và lão xe ôm cưỡng hiếp. Sau đó, bỏ đi. Câu chuyện rất đau lòng.
Nếu như hôm đó, được kiểm soát bởi một công ty, thì tay lái xe ôm đó không dám làm bừa. Và người bị hại cũng có thể tìm được tay xe ôm này, có thể báo lên công ty. Đó là hai nguyên nhân mà em muốn thành lập công ty này.
Trên bước đường thực hiện mong ước của mình, Kim Ngân gặp rất nhiều trở ngại. Về thăm nhà, cô trình bày ý định của mình, người chị gái của cô hưởng ứng ngay lập tức. Và thế là cả hai chị em hoạch định kế hoạch kinh doanh, chọn một cái tên khá ngộ nghĩnh: CoKbi. Số vốn ban đầu chính là số tiền bố mẹ cô đem cầm căn nhà cho nhà băng. Có tiền, nhưng chuyện thực hiện lại là việc khác. Cô kể tiếp:
Có nhiều khó khăn lắm, thứ nhất là công ty này hoạt động dưạ trên những bác xe ôm trình độ văn hoá rất thấp, xã hội nhìn nhận đó là một nghề rất thấp. Trong khi đó, em ước mong mang nó trở thành chuyên nghiệp hoá, khoác lên nó bộ hình mới, được xã hội trân trọng nó, đón nhận nó và ngưỡng mộ nó.
Giữa hai cái thực tế và ước mơ thì cực kỳ xa vời nhau và em phải nỗ lực. Vì thế, cái mô hình này không mang lại nhiều lợi nhuận cho em, và em phải tìm mọi cách để nâng cao lợi nhuận trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích cho khách hàng và cho lái xe, làm công ăn lương.
Bên cạnh đó, em lại là phụ nữ rất trẻ, chưa từng đi làm, phải điều hành trên 100 bác lái xe, các bác lái xe thì vốn trí thức thấp, nhiều tuổi, dường như là dùng trứng để chọi với đá, cực kỳ khó khăn, chứ không đơn thuần như những ngành hàng khác…
May mắn là em được sự ủng hộ từ gia đình, bố mẹ em vay chút tiền nhỏ thôi, thế chấp căn nhà, vì nhà em rất nghèo…chị gái em là một người luôn sát cánh bên em. Em là người mang ý tưởng mới, cách thức mới, nhưng em lại thiếu kinh nghiệm. Chị em giúp em làm thủ tục đăng ký kinh doanh, tổ chức bộ máy kế toán…Em hoạch định những chiến lược và những cái mới mẻ, đầy sáng tạo.
Những khó khăn
Ngoài việc phải ra sức thuyết phục, uốn nắn các bác tài xế xe ôm thay đổi các thói quen chạy ẩu, ép giá khách hàng, nói năng thô lỗ…Cô nữ giám đốc còn phải đối diện với những sự nghi ngờ từ mọi phía, từ chính quyền sở tại đến những đơn vị kinh doanh khác. Cô cho hay:
Ban đầu, chính quyền điạ phương họ nghi ngờ lắm, kể cả các bác lái xe, cho đến các cơ quan, đi đến đâu họ cũng nghi ngờ, em phải chiến đấu một thời gian dài trên thị trường. Từ đấy, mọi người mới để ý đến em…Thời gian đấy, để mọi người chú ý, em phải đi tất cả mọi vị trí, làm hết tất cả mọi công việc…
Em đi rải tờ rơi, thuyết trình, thuyết phục, mang tiền cho họ để họ chạy cho mình một thời gian. Gọi một 100 người thì mới có một người đồng ý. Cuối cùng thì gây được một nhóm lái xe, cố gắng phục vụ khách hàng đầu tiên của mình từ bạn bè, người thân…rồi từ từ mới đến các đầu mối giao thông như ga Hà Nội. Sau đó được các bến xe quan tâm, chính quyền tạo điều kiện cho mình mở rộng.
Sau hơn nửa năm hoạt động với đầy gian nan thử thách, với sự quyết tâm của mình, dần dần công ty CoKbi đã chứng tỏ khả năng với mọi khách hàng. Cô cho biết: Hiện nay, hơn 100 xe, nhưng sang năm 2008 thì số lượng sẽ tăng rất đột ngột bởi vì hiện nay, đang là giai đoạn bộc phát, rất nhiều công ty quan tâm và nhu cầu lên cao khủng khiếp, rất nhiều yếu tố tác động, người dân mua hàng nhiều hơn, nhu cầu vận chuyển nóng lên.
Nhìn lại, em cảm thấy ngỡ ngàng, vì chính mình thay đổi rất nhiều, từ một cô bé ngây thơ, nghịch ngợm, hồn nhiên, nóng nảy của thời sinh viên, thì bây giờ hiền hoà hơn, chín chắn hơn, biết nghĩ đến người khác nhiều hơn, trưởng thành hơn. Điều này tác động đến phương diện quản lý, dễ dàng hiểu tâm lý của người khác hơn và dễ giúp họ cùng hoà đồng vào nhịp công việc nhiều hơn.
Tham vọng của em không phải chỉ dừng lại ở công ty cung cấp vận chuyển đơn thuần mà còn hướng về những gì tiến bộ hơn nữa, chắc chắn là kết hợp với công nghệ thông tin. Hiện nay, đang nhắm vào vận chuyển hành khách, hàng hoá, và một cái đang triển khai là vận chuyển các tài liệu giữa các văn phòng với nhau.
Thí dụ hai văn phòng cách nhau khoảng 3, 4 cây số, mà người ta có công việc quá bận nên không thể tự mình đưa được tài liệu, không thể nhờ một bác xe ôm được, vì một chứng từ, một hoá đơn cả hàng triệu đô la mà lỡ bác làm mất, chạy mất thì cũng chẳng biết làm sao. Cũng không thể nhờ đơn vị chuyển thư nhanh vì phải mất 1 ngày. Còn bên công ty em thì chỉ mất 30 phút thôi.
Anh Công, một tài xế xe ôm của công ty từ những ngày đầu thành lập cho biết nguyên nhân tại sao lại muốn tham gia vào công ty xe ôm của vị nữ giám đốc trẻ tuổi này:
Mình cảm thấy là vào công ty thì có nhiều ích lợi cho mình. Đứng ở ngoài mình hay bị bắt nạt, không có sự an toàn cho khách…Có khi chạy cả năm, được hơn chục triệu, khi bị tai nạn, mình phải bỏ ra hết, lấy tiền đâu mà đền bù cho khách hàng.
Còn ở công ty thì người ta bảo lãnh cho mình, từ chỗ đứng, các địa điểm đều có công ty thay mặt giải quyết cho mình. Lương thì tôi đang là tự do nên đóng lệ phí cho công ty thì một tháng là 300000, công ty dùng tiền đó để mua bảo hiểm cho các tài xế, hành khách. Nói chung, nhiều mặt thuận lợi hơn, tiền kiếm được thì nhỉnh hơn một chút, nhưng mình cảm thấy yên tâm hơn, khách đi xe cũng cảm thấy yên tâm hơn. Khi hỏi các khách hàng của anh là những thành phần nào, anh cho hay: Dân nghèo, còn dân ở các tỉnh lên, mình nói cho họ hiểu thì họ đi xe mình cũng nhiều hơn, dân trí thức họ đi một lần là người ta đi hoài thôi, nước ngoài cũng nhiều lắm, người ta đi một lần là muốn đi mãi…
Và anh tự hào nói về cô chủ của mình: Cô giám đốc tuổi đời còn trẻ nhưng với nhân viên rất hoà đồng, luôn tạo điều kiện cho anh em làm việc.
Chị Hương, một khách hàng gần một năm rưỡi nay cho biết: Chị không có thời gian để đưa đón cháu, vì phải đèo một lúc hai đưá nên không thể nào đèo được. Xem quảng cáo, thì biết và thử…Ban đầu thì cũng ngại, nhưng dần dần thì thấy tin tưởng. Hình thức này tiện cho các gia đình, mình rất tin tưởng, và thoải mái. Lúc nào chú lái xe bận thì công ty cho người khác đi chở thay, mình yên tâm lắm!
Hoạch định cho tương lai
Trở lại với nữ giám đốc trẻ Trần Thị Kim Ngân, giờ đây, khi công ty đã đi vào ổn định, nề nếp, nhìn lại những ngày qua, cô tâm sự:
Nhìn lại, em cảm thấy ngỡ ngàng, vì chính mình thay đổi rất nhiều, từ một cô bé ngây thơ, nghịch ngợm, hồn nhiên, nóng nảy của thời sinh viên, thì bây giờ hiền hoà hơn, chín chắn hơn, biết nghĩ đến người khác nhiều hơn, trưởng thành hơn. Điều này tác động đến phương diện quản lý, dễ dàng hiểu tâm lý của người khác hơn và dễ giúp họ cùng hoà đồng vào nhịp công việc nhiều hơn.
Được hỏi trong năm mới này, cô có hoạch định gì cho bản thân và công ty. Cô cho biết: Trong 2008, em mong muốn được triển khai thêm ít nhất hai dịch vụ mới nữa. Hai dịch vụ này mới hoàn toàn trên đất Việt Nam, nhưng em hy vọng nó là một nét đặc thù duy nhất. Đó là sự kết hợp giữa du lịch và xe máy, rất là mới mẻ.
Những người phương Tây, khi đến Việt Nam, họ rất thích đi du lịch bằng xe máy, nhưng du lịch bằng cách nào thì phải đợi một thời gian em mới triển khai được. Em chắc chắn là dịch vụ này sẽ rất hay, có bản sắc riêng.
Riêng em thì muốn du học ở nước ngoài để học cái tư duy, học cách người ta tổ chức công việc, môi trường sống và quan trọng hơn cả là em muốn xem người ta đã phát triển đến đâu, có cái gì mới và cái gì có thể ứng dụng trên đất nước của mình.
Qúi vị và các bạn vừa nghe những thông tin về cô gái trẻ, Trần thị Kim Ngân, nữ giám đốc công ty xe ôm CoKbi ở Hà Nội. Cùng với sự sáng tạo, với ý chí, cô đã quyết tâm vượt qua bao khó khăn thử thách để thực hiện mong ước của mình.
Ngày hôm nay, cô đang từng bước đưa công ty của mình ngày càng đứng vững trên thị trường, tạo công việc ổn định cho cả trăm người. Thật là đáng cảm phục. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Nữ chính trị gia Benazir Bhutto – niềm tự hào và ước mơ của người dân Pakistan
- Các nữ tu công giáo
- Mũ bảo hiểm đã thay đổi cách nhìn cố hữu về an toàn giao thông
- Phụ nữ và mũ bảo hiễm
- Phụ nữ khuyết tật ở Việt Nam
- Ngày Quốc tế Bài trừ Bạo hành Phụ nữ
- Lưu xá nữ sinh viên Nam Hoà
- Hậu quả của việc phá thai và thuốc ngừa thai Postinor 2
- Quyền của phụ nữ Việt Nam trong việc sử dụng đất đai