Luật phòng chống bạo hành trong gia đình: Quan hệ tình dục của vợ chồng được bảo vệ

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Vào ngày 21 tháng 11 năm 2007 vừa qua, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng Chống Bạo Hành Trong Gia Đình. Trong đó, có nêu rõ một điểm rất mới. Đó là việc cưỡng ép quan hệ vợ chồng cũng sẽ bị xử phạt. Người vợ bị ép phải chiều chồng trong quan hệ chăn gối cũng sẽ được luật pháp bảo vệ.

CoupleYouth150.jpg
Bạo lực trong gia đình, nguyên nhân của nhiều vụ ly hôn tại Việt Nam. AFP PHOTO.

Vấn đề này khá tế nhị, ở Việt Nam, theo phong tục người Á Đông, người vợ phải luôn luôn chiều chồng trong bất cứ trường hợp nào vì đó là bổn phận. Vì thế đã nảy sinh nhiều trường hợp bạo lực, cưỡng ép về tình dục. Mặt khác, người phụ nữ vì mang tâm trạng “xấu chàng hổ ai” nên cũng cứ im lặng chịu đựng.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Phương Anh xin gửi tới quí vị ý kiến của một số thính giả và của một nhà xã hội, hoạt động trong lãnh vực bình đẳng giới.

Với định nghĩa của việc bạo hành trong gia đình, không chỉ là đánh đập, hành hung về thân xác mà còn cả sự gây áp lực tinh thần, làm tổn thương tâm lý cho người khác như lăng mạ, chửi bới, cố ý gây xúc phạm đến nhân phẩm, cưỡng ép tình dục…Thông thường, khi người vợ không muốn quan hệ vì lý do nào đó, thường sẽ bị người chồng cưỡng bức.

Hành vi phạm pháp

Đây chính là hành vi bạo lực trong quan hệ tình dục. Ở các nước phương Tây, từ lâu, hành vi này được coi là phạm pháp. Còn ở Việt Nam, chuyện này được chấp nhận một cách bình thường. Đa số phụ nữ đều cho rằng, nếu không chiều chồng thì họ sẽ đi tìm nơi khác, lúc ấy còn nguy hiểm hơn. Chị Nga, một cư dân ở Hà Nội, khi được hỏi ý kiến về việc người chồng cưỡng ép tình dục vợ, thì có nên coi là hành vi phạm pháp không? Chị cho biết:

Cái việc ấy cũng là đúng. Quan hệ quá mức thì người phụ nữ cũng chẳng chịu được, nhưng người đàn ông nếu không quan hệ được thì lại quan hệ ngòai luồng…Nói cho cùng, ở Việt Nam thì cũng phù hợp một phần thôi chứ không hợp lý lắm…

Vì để thỏa mãn cho đàn ông theo kiểu của họ thì rất là khó, vì có những người ốm đau hay có những người đòi hỏi quá mức thì cũng không chịu đựng được. Nếu người đàn ông thông cảm với vợ thì có thể vượt qua bằng nhiều hình thức.

Theo chị, luật Phòng Chống Bạo Hành Trong Gia Đình với nội dung nói đến việc cưỡng ép tình dục là một điều rất lạ lẫm, và phải còn rất lâu, một thời gian dài thì người dân mới thông suốt. Riêng chuyện có ai dám tố cáo hay không thì lại là chuyện khác. Chị nói: Nó rất mới mẻ so với Việt Nam vì mới thông qua quốc hội, chưa phải là đáp ứng hoàn tòan, chưa phải mọi người cũng thông hoàn tòan đâu…về phía hành chính thôi, ban xuống các "ban bệ", còn về thông tin đại chúng thì cũng chưa hoàn tòan rộng rãi.

Có một số ý kiến cho rằng, hành vi cưỡng bức tình dục trong quan hệ vợ chồng chỉ có ở một số người nào đó. Đa số xảy ra ở vùng nông thôn, hoặc với những người có tính rượu chè, nhậu nhẹt, say sưa...Vì thế, việc người vợ được luật pháp bảo vệ là đúng. Anh Hùng, đang cư ngụ ở Hòan Kiếm, Hà Nội nói:

Kiểu như cưỡng bức, nhưng tòan là do những người chồng bảo sao phải nghe vậy. Thực ra, nó có chuyện, nhưng chỉ xảy ra ở vùng nông thôn thôi. Ở thành thị thì cũng có nhưng mà mấy người uống bia, rượu say…về thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.

Theo anh, điều quan trọng hơn cả là liệu người dân có chấp nhận quan niệm mới này hay không. Bởi vì, người Việt Nam vẫn theo truyền thống Á Đông, dù có thực sự xảy ra chuyện cưỡng bức hay không, cũng im lặng chịu đựng, chẳng ai mà đi tố cáo cả. Anh nói:

Từ trước đến nay, quan niệm của người Á Đông vẫn là vợ phải im lặng không thể chấp nhận, bây giờ đưa ra pháp luật để kiện cáo, người ta bênh vực nhưng mà trừ phi như thế nào đó, người ta mới tố cáo chứ còn thường là người vợ phải chịu đựng thôi. Ở Việt Nam, chưa thấy có một trường hợp nào tố cáo, chỉ có chủ yếu là chồng vũ phu đánh đập vợ thôi…chưa có một trường hợp nào chồng cưỡng bức vợ, vợ đi tố cáo cả.

Đó là ý kiến của hai người dân về điều luật mới trong luật Phòng Chống Bạo Lực Trong Gia Đình mới được nhà nước Việt Nam chấp thuận trong năm qua.

Gặp nhiều khó khăn

Riêng với bà Nguyễn Vân Anh, chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu về Giới- Gia Đình- Phụ Nữ và Trẻ Vị Thành Niên, gọi tắt là SAGA, người đã tham gia vào việc sọan thảo Luật Chống Bạo Hành Trong Gia Đình, thì chuyện “quan hệ vợ chồng được luật hóa” rất quan trọng, vì nó sẽ giúp cho người phụ nữ được tôn trọng hơn, được bảo vệ hơn. Bà nói:

Tôi nghĩ rằng Việt Nam trong năm vừa qua đã làm một việc tiến bộ. Bởi vì trước đây, những chuyện như thế trong cái văn hóa Việt Nam thì người ta cho rằng người vợ là tài sản của mình, cho nên người ta có thể làm bất cứ điều gì người ta muốn…đặc biệt là chuyện chăn gối thì người chồng có quyền để đòi hỏi người vợ của mình không cần sự đồng ý hay sự hợp tác, sự vui vẻ của người vợ mà vẫn có quyền đòi hỏi vợ, có nghĩa vụ đáp ứng chuyện ấy…

Nhưng bây giờ, người ta nói rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, quyền về sinh sản, quyền về tình dục, quyền của người phụ nữ mà trước đây không được coi trọng, không được để ý, vì thuộc về nam giới, mà bây giờ thì đã được nói đến…

Tuy nhiên, bà cũng cho biết rằng: để thực hiện luật này và nhất là điều khỏan đó thì cũng khó thực hiện vì quan trọng nhất là những người vợ bị chồng cưỡng bức như thế có dám lên tiếng yêu cầu luật pháp bảo vệ hay không? Đó là chưa kể đến thành kiến của những người thi hành pháp luật, liệu họ có chấp nhận quan niệm mới hay không? Có chấp hành nghiêm chỉnh các qui định về luật Phòng Chống Bạo Hành Trong Gia Đình hay không thì còn lại là chuyện khác. Bà nói:

Để thực hiện luật này, thì còn khó khăn lắm vì ai là người dám tố cáo hay không, hoặc là mình, hoặc là những người đàn ông quậy phá, ép buộc vợ mình quan hệ tình dục..có vi phạm luật hay không, đó còn là cả một bước dài trong việc thay đổi nhận thức.

Nhân đây, bà Nguyễn Vân Anh cũng nhắc đến chuyện tảo hôn của những người dân tộc ở miền núi. Đa số, những người dân ở các vùng này thường không đăng ký kết hôn và chuyện kết hôn khi chưa đủ tuổi vẫn xảy ra hàng ngày như cơm bữa. Nay, trong luật Phòng Chống Bạo Hành Trong Gia Đình, cũng nhắc đến vấn đề này, và chắc chắn, nếu những vụ tảo hôn, hay cưỡng ép kết hôn đều coi như bị vi phạm luật. Bà cho hay:

Cưỡng ép kết hôn cũng nói đến, cưỡng ép kết hôn khi chưa đủ tuổi, tức tảo hôn ở miền núi cao…chẳng hạn như tục cướp vợ thì nó cũng dung túng cho việc làm có thể là cưỡng ép tảo hôn…

Cũng theo ý kiến của bà, để người dân, nhất là những phụ nữ biết đến luật Phòng Chống Bạo Hành Trong Gia Đình, trong đó có việc tránh bị cưỡng bức trong quan hệ vợ chồng, là điều không dễ thực hiện.

Để thay đổi một quan niệm đã có từ lâu đời không phải một sớm một chiều, mà phải là cả một quá trình lâu dài; trong đó, nhiệm vụ của các cơ quan truyền thông quan trọng hơn cả.

Hiện nay, sau khi luật Phòng Chống Bạo Hành Trong Gia Đình được thông qua, tổ chức SAGA của bà đang cùng với một số cơ quan, ban ngành, đòan thể, và Liên Minh Mạng Phòng Chống Bạo Lực Trong Gia Đình ở Hà Nội, để tiến hành một chiến dịch tuyên truyền lâu dài về vấn đề này. Bà cho biết: Tôi nghĩ là không dễ dàng vì truyền thông phải vào cuộc rất nhiều. Chúng tôi cũng đang bàn bạc là sẽ làm một chiến dịch truyền thông về vấn đề này trong một thời gian dài một chút thì nó mới có thay đổi được quan niệm. Để thay đổi quan niệm trong văn hóa phải là cả một quá trình.

Qúi vị vừa nghe một số ý kiến và thông tin sơ lược về nội dung luật Phòng Chống Bạo Hành Trong Gia Đình, trong đó, việc quan hệ chăn gối của vợ chồng được luật hóa.

Tuy rằng đây là một điều rất mới đối với truyền thống Việt Nam, nhưng nhờ đó, cùng với sự phát triển xã hội, phụ nữ được tôn trọng hơn, nhất là trong quan hệ vợ chồng.

Bên cạnh đó, còn làm giảm thiểu tình trạng lây lan, nhiễm HIV cho chị em phụ nữ, không may có chồng nghiện ngập, hút xách. Trang Phụ Nữ xin chấm dứt nơi đây. Phương Anh hẹn gặp lại quí vị và các bạn vào kỳ sau.