Lưu xá nữ sinh viên Nam Hoà

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Hiện nay, ở Việt Nam, có khá nhiều gia đình ở nông thôn có con em được tuyển vào các trường đại học lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau những năm tháng vất vả trăm chiều để lo cho con ăn học tới nơi tới chốn, thì giờ đây, các phụ huynh lại phải đối diện với một thử thách mới. Đó là việc lo cho con mình có chỗ ăn ở nơi thành phố.

FemaleStudentDorm200.jpg
Lưu xá sinh viên nữ. RFA photo >> Xem hình lớn hơn

Chuyện này không phải là dễ dàng, nhất là khi các ký túc xá của trường lại không đủ chỗ cho dù giá cả cũng không thấp hơn ngoài bao nhiêu. Đó là chưa kể nhiều phức tạp khác xảy ra. Có một số cha mẹ đã phải bán bớt ruộng vườn để lấy tiền xoay sở cho con ăn học trong những năm tháng tại trường đại học.

Bên cạnh đó, chưa kể đến những mối lo canh cánh bên lòng trước những cạm bẫy ngoài đời mà các em sẽ dễ dàng sa ngã nếu không có cha mẹ hay người thân bên cạnh để hướng dẫn, nhất là các em nữ. Trước nhu cầu lớn của các em, một số dòng nữ tu Thiên Chuá Giáo đã thành lập các lưu xá cho nữ sinh viên.

Một trong những lưu xá mở cửa đón tiếp các em nữ sinh viên từ suốt hơn 5 năm qua là lưu xá Nam Hoà, do các sơ dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ phụ trách. Trang Phụ Nữ kỳ này xin được gửi tới quí vị và các bạn những thông tin về lưu xá này

Theo lời của sơ Maria Linh Trang, người phụ trách lưu xá nữ sinh viên Nam Hoà cho biết, thì lúc đầu, ngôi nhà này là hội quán của giáo xứ Nam Hoà. Nhưng vì thấy nhu cầu của các em sinh viên ở quê lên thành phố trọ học ngày càng đông, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là với các em nữ.

Do đó, vị linh mục chánh xứ Trần Văn Đắc, nay đã qua đời, quyết định quyên góp tiền bạc để biến hội quán thành lưu xá cho các nữ sinh viên, và giao cho nhà dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ phụ trách. Sơ Linh Trang kể: "Lưu xá nữ sinh viên Nam Hoà tài sản thuộc về nhà xứ, là hội quán, sau đó thấy tình hình các em ở nhà quê lên đây học, rất đông, đặc biệt là các em nữ lên thành phố học thì rất nguy hiểm. Cho nên họ mới chuyển cơ sở này thành nơi tạm trú. Bây giờ thời mở cửa, gia đình khuyến khích các em đi học. Các em ở miền quê đều thi đại học ở thành phố, và các em đều phải kiếm chỗ trọ ở thành phố để đi học.

Với mức sinh sống ở thành phố, các em không có cha mẹ hướng dẫn, bơ vơ nên có nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là dành cho các em nữ. Tiêu chuẩn chọn là ưu tiên cho các em vùng sâu, vùng xa và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các sơ sẽ trao đổi nội quy của lưu xá với gia đình và các em để các em có cảm thấy sống được ở trong môi trường như thế này hay không.

Lưu xá nữ sinh viên Nam Hoà tài sản thuộc về nhà xứ, là hội quán, sau đó thấy tình hình các em ở nhà quê lên đây học, rất đông, đặc biệt là các em nữ lên thành phố học thì rất nguy hiểm. Cho nên họ mới chuyển cơ sở này thành nơi tạm trú. Bây giờ thời mở cửa, gia đình khuyến khích các em đi học. Các em ở miền quê đều thi đại học ở thành phố, và các em đều phải kiếm chỗ trọ ở thành phố để đi học.

Ở đây các em sinh hoạt như một gia đình. Các sơ có nhiệm vụ làm sao để giúp các em trưởng thành về mặt nhân bản và hoàn thành tốt việc học. Thời gian đầu, hầu như nhận các em Công Giáo nhưng sau này thì nhận luôn cả những em không Công Giáo vào nữa.”

Đến từ khắp nơi

Nằm ngay giữa khu dân cư lao động đông đúc, và diện tích khu đất cũng không lấy gì lớn lắm, nhưng vì nhu cầu quá nhiều nên nhà xứ và các sơ đã phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng sao cho sức chứa các em tối đa, nhưng cũng không ảnh hưởng việc sinh hoạt, học hành. Được hỏi, các sơ đã tổ chức như thế nào và hiện có bao nhiêu em đang ở tại lưu xá, sơ Linh Trang cho hay:

“Có 76 em, diện tích nhà khoảng 15 thước chiều ngang, chiều rộng 10 thước và có 1 trệt, 2 lầu và 1 sân thượng. Ở đây cấu trúc không phải là phòng. Ở dưới là nhà bếp, nhà cơm, phòng khách, 2 lầu trên là phòng ngủ và nhà vệ sinh của các em và phòng làm việc của các Sơ. Các em ngủ giường tầng. Một giường dưới và một giường trên.

Về chi phí thì cho tiền điện, tiền nước, tiền nhà, tiền ăn, mỗi em đóng khoảng 460 ngàn. Nếu xét về tiền nhà thì chỉ lấy 120 ngàn. Nếu ở ngoài thì nhà trọ thuê thì một phòng có 4 em thuê chung, một em phải trả từ 250 đến 300 ngàn một em, đó là tiền nhà mà thôi. So ra, thì các em sẽ tiết kiệm được một nửa.”

Cũng theo lời Sơ cho hay, các em ở khắp nơi đến trọ học. Năm đầu tiên, chính các sơ giới thiệu đến các giáo xứ, nhưng chẳng bao lâu, tiếng lành đồn xa, có rất nhiều phụ huynh muốn đem con đến gửi, nhưng phải đúng tiêu chuẩn thì các Sơ mới nhận.

Mối dây liên kết giữa phụ huynh và lưu xá

Khi sống trong lưu xá, chuyện học hành được coi là ưu tiên hàng đầu. Hàng tuần, các sơ đều tổ chức những buổi nói chuyện, những lớp học về nhân bản để hướng dẫn thêm cho các em về tinh thần, giống như thay mặt cha mẹ để dậy dỗ và nhắc nhở các em thêm. Sơ nói tiếp:

“Các em ở xa nhất là miền Bắc, gần nhất là vùng Hố Nai, Biên Hoà. Thời gian đầu thì các sơ giới thiệu đến các giáo xứ. Sau này chính các em là những người giới thiệu về lưu xá. Lưu xá không có tiền để mua computer cho các em xài chung.

Có một số em thì cuối tuần đi chơi với bạn trai và theo luật của nhà thì 9.30 tối phải có mặt ở nhà. Vấn đề này các sơ luôn nói với các em trước là các em phải ứng xử như thế nào khi các em đi chơi với bạn trai…đây là thuộc về nhân bản mà hàng tuần các em được học và hàng ngày các sơ đều nhắc nhở điều đó cho các em.

Về ăn uống thì các em tự nấu ăn lấy, đi chợ thì có một cặp vợ chồng tình nguyện giúp, đi chợ đầu mối cho rẻ, rồi đưa về cho các em nấu. Một buổi có 5 em, và đăng ký theo ngày, theo lịch học của các em và các em sắp xếp, một tuần một lần cho việc nấu cơm. Về quan hệ với bạn trai thì các sơ luôn khuyến khích các em mời bạn trai tới nhà để nói chuyện, vì nhà có phòng khách…

Có một số em thì cuối tuần đi chơi với bạn trai và theo luật của nhà thì 9.30 tối phải có mặt ở nhà. Vấn đề này các sơ luôn nói với các em trước là các em phải ứng xử như thế nào khi các em đi chơi với bạn trai…đây là thuộc về nhân bản mà hàng tuần các em được học và hàng ngày các sơ đều nhắc nhở điều đó cho các em.”

Ngoài ra, để tạo mối dây liên kết giữa phụ huynh và lưu xá, cũng như các em đã ra trường, hàng năm, các sơ đều tổ chức những buổi họp mặt. Sơ cho hay:

“Các em ra trường vẫn thường xuyên quay về, có những em làm việc ở gần đây, trong thành phố, lâu lâu vẫn ghé về thăm, nên hàng năm, các sơ đều tổ chức những buổi họp mặt cho các em, và qua các buổi họp mặt đó thì các sơ hướng dẫn thêm cho các em trong quá trình đi làm, sống như thế nào.

Đó là những buổi giao lưu theo một số đề tài để các em có thể trao đổi những khó khăn trong cuộc sống. Về phụ huynh thì các Sơ có một ngày mời hết tất cả phụ huynh của các em đến lưu xá. Có nhiều đề tài cho phụ huynh, có khi về con cái, có khi về đời sống tương quan…Hầu như phụ huynh nào cũng đến đầy đủ, trừ trường hợp họ không sắp xếp được, nhưng rất ít, chỉ chừng 5 em ở trở lại.”

Về cơ sở vật chất

Để duy trì cho các em nữ sinh viên nghèo có nơi ăn chốn ở hầu tạo điều kiện cho các em học tập tốt không phải là dễ dàng. Cùng với hai sơ phụ trách, tất cả 76 em đều phải cố gắng hết sức giữ gìn cơ sở vật chất, nhất là mỗi khi mùa mưa đến. Đó là chưa kể hàng ngày, phải tính toán chi li sao cho cơm đủ hai bữa. Sơ nói:

“Ở đây không hề có một nguồn trợ cấp nào, có một số các em khó khăn quá thì các sơ xin phiá nhà dòng xin hỗ trợ một chút xíu. Hầu như tiền các em đóng, vừa sít sao, không dư dả gì cả. Một bữa ăn của các em là 4500 đồng. Chất lượng thì không thể nào bằng một bữa ăn của các em ở trong gia đình được, có canh, rau nhưng thịt thì không có nhiều.

Về cơ sở vật chất thì các sơ cố gắng nói các em bảo quản cho sạch sẽ. Trong những năm qua, cơ sở bắt đầu rạn nứt, cần sự trùng tu nhưng mà nhà xứ vẫn chưa kiếm được tiền cho việc trùng tu này…vì khi trời mưa thì có những chỗ đang bị rò rỉ. Nhà xứ lâu lâu chỉ có thay bóng đèn, chứ còn sửa chữa lớn thì chưa có một ngân khoản naò hết…”

Mô hình này các sơ làm tốt lắm vì các sơ quan tâm đến học hành của các cháu. Ở trong đó, đào tạo nhân bản cho con người tốt lắm. Hiện nay, nhu cầu này nhiều lắm, vì sinh viên nghèo đi thuê nhà ở bên ngoài nhiều lắm, ra ngoài thì phải bươn chải nhiều…nhiều em bị sa ngã nhiều.

Cuộc sống hoà đồng

Nhân đây, Phương Anh cũng liên lạc được với em Bích Vân, hiện đang học ngành thương mại, và được em cho biết rằng:

“Em vô đây được một năm rồi. Em thấy sống ở trong đây các chị rất hoà đồng, giúp đỡ nhau rất nhiều. Quê của em ở Lâm Đồng. Em có quen một chị ở trong đây và được giới thiệu vào lưu xá. Ba mẹ em làm vườn, chăn nuôi heo. Nói chung, đi tìm một chỗ ở rất khó khăn và ba mẹ em cũng không an tâm để em sống ở ngoài vì mới học xong trung học.”

Còn em Lan Anh, đang học năm thứ 4 trường đại học ngoại thương, thì cho hay, cũng nhờ lưu xá này giúp em trong thời gian qua nên em đã không phải bỏ dở việc học. Em nói:

“Em ở đây hơn 3 năm rồi, em sắp ra trường, sống rất vui, thấy ổn định, đảm bảo, an toàn, học hỏi được nhiều từ các bạn. Bạn nào đi chơi nhiều quá hay bỏ bê việc học thì Sơ nhắc nhở…”

Khi hỏi em có điều gì đáng nhớ nhất khi không còn ở lưu xá, em nói: "Nhiều cái để nhớ lắm, nhưng chắc là em nhớ Sơ (cười.) Em cảm thấy lớn hơn nhiều, và mình sống không ích kỷ, sống vì mọi người hơn. Vì may mắn, em mới được vô đây."

Em Võ Ngọc Bích thì cho hay rằng, quê ở Bình Thuận, nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ em rất mừng khi thấy em trúng tuyển đại học Kinh Tế, nhưng cũng buồn rầu vì không có tiền cho em lên học ở Sàigòn. Cũng may, nhờ người giới thiệu, em được nhận vào lưu xá này. Em nói:

“Em vô đây được 3 tháng rồi, quê em ở Bình Thuận, vô đây sống được các sơ hướng dẫn, mẹ em an tâm, vui hơn.”

Ông Tứ, một phụ huynh, là người liên lạc dùm cho gia đình của một em sinh viên quê ở Đà Nẵng cho biết:

“Mô hình này các sơ làm tốt lắm vì các sơ quan tâm đến học hành của các cháu. Ở trong đó, đào tạo nhân bản cho con người tốt lắm. Hiện nay, nhu cầu này nhiều lắm, vì sinh viên nghèo đi thuê nhà ở bên ngoài nhiều lắm, ra ngoài thì phải bươn chải nhiều…nhiều em bị sa ngã nhiều.

Có rất nhiều phụ huynh có con em đi học như thế nhưng những lưu xá như thế lại quá ít. Cho nên nếu có nhiều lưu xá như vậy thì giúp cho sinh viên, nhất là những sinh viên ở dưới tỉnh lên thì tốt lắm…”

Quí vị và các bạn vừa nghe những thông tin về lưu xá nữ sinh viên Nam Hoà. Mong rằng rồi đây sẽ có thêm nhiều lưu xá khác để tạo điều kiện cho các em sinh viên nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các em nữ, không phải bỏ dở việc học, nhất là vào khi các em đều học giỏi, đã thi đậu vào các trường đại học nổi tiếng ở thành phố Sàigòn. Trang Phụ Nữ xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn vào kỳ sau.