Cô Somaly Mam, người từng là nô lệ tình dục giải cứu các trẻ em trong nhà chứa ở Đông Nam Á
2006.11.13
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào ngày 30 tháng 10 vừa qua, một phụ nữ từ Campuchia xa xôi, đã vinh hạnh được mời đến toà thị sảnh Carnegie ở New York để nhận giải “Women of the Year” –xin tạm dịch Người Phụ Nữ Tiêu Biểu Trong Năm, do tạp chí nổi tiếng thế giới “Glamour” trao tặng.
Người phụ nữ ấy là Somaly Mam, từng là nô lệ tình dục và nay trở thành sáng lập viên của tổ chức nhân đạo AFESIP, trụ sở ở Phnom Penh, đang cứu giúp hàng trăm phụ nữ và trẻ em Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam không may bị bán vào trong các ổ mãi dâm ở xứ chùa tháp. Trang Phụ Nữ kỳ này xin dành để nói về cuộc đời và công việc của người phụ nữ rất đặc biệt này.
Công việc nguy hiểm
Vào năm 1996, ngay tại Phnom Penh, tổ chức AFESIP ra đời để cứu giúp những trẻ vị thành niên bị bán vào các ổ mãi dâm. Trụ sở của AFESIP được đặt ngay gần các nhà chứa, nơi hàng đêm hàng trăm các em gái bị bắt buộc phải tiếp khách ăn chơi đổ về.
Mặc cho bọn mối lái và chủ chứa tìm mọi cách để ngăn cản sự giải cứu của AFESIP với các nạn nhân, thậm chí còn bị đe doạ tới tính mạng, Somaly Mam vẫn kiên quyết thực hiện cho bằng được ý nguyện của mình bởi vì chính bản thân Somaly Mam, đã từng là nô lệ tình dục trong nhiều năm trời.
Sinh năm 1970, cô không hề biết cha mẹ là ai. Tuổi thơ của cô là những ngày tháng đói khổ, bị đánh đập, bị hành hạ đủ điều. Năm 12 tuổi, cô bị cưỡng hiếp và hai năm sau đó, cô lại bị bắt buộc phải lấy một người chồng nát rượu, ăn chơi cờ bạc. Người chồng này sau khi hành hạ, đánh đập cô lại bán cô vào một ổ chứa. Lúc ấy, cô tròn 16 tuổi và tính ra, cô đã bị cưỡng hiếp đến 70 lần.
Cuộc sống hàng ngày của tôi chẳng dễ dàng gì. Bọn ma cô mối lái có cả một tổ chức thật tinh vi. Bọn chúng buôn bán những em gái nhỏ, những cô gái trẻ cho kỹ nghệ tình dục. Họ rất tinh vi, có rất nhiều, rất nhiều tiền cho nên cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Lúc nào mạng sống của tôi cũng bị đe doạ cả.
Khi làm việc trong nhà chứa, mỗi ngày, trung bình cô bị ép phải tiếp khoảng 5, 6 người khách. Có lần, cô cùng một đồng nghiệp bị lừa tiếp đến 20 người khách và bọn chúng thay nhau hành hạ cô thậm tệ. Năm 1991, cô gặp được một người khách ngoại kiều tốt bụng, sau này trở thành người chồng thứ hai của cô, cứu cô ra khỏi nhà chứa. Năm 1993, cô theo chồng về Pháp. Năm 1995, cô trở về Campuchia bắt tay vào việc cứu giúp các em gái bị bán vào các ổ mãi dâm.
Kể từ năm 1996 cho đến nay, khi AFESIP được chính thức thành lập, đã cứu vớt khoảng hơn 3000 phụ nữ và trẻ em là người Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Sự thành công của AFESIP làm cho bọn nô lệ tình dục rất tức giận. Không những bản thân cô bị đe doạ về tính mạng mà chính con gái của cô, 14 tuổi, cũng đã bị bắt cóc và bị hãm hiếp. Cô cho hay: “Cuộc sống hàng ngày của tôi chẳng dễ dàng gì. Bọn ma cô mối lái có cả một tổ chức thật tinh vi. Bọn chúng buôn bán những em gái nhỏ, những cô gái trẻ cho kỹ nghệ tình dục. Họ rất tinh vi, có rất nhiều, rất nhiều tiền cho nên cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Lúc nào mạng sống của tôi cũng bị đe doạ cả.”
Cuốn sách “The Road of Lost Innocence”
Được biết, trong năm nay, cuốn sách tự thuật của cô với tựa đề “The Road of Lost Innocence” – xin tạm dịch Con Đường Đánh Mất Sự Hồn Nhiên- đã được dịch ra 10 thứ tiếng. Cô cho biết lý do tại sao cô viết cuốn sách này: “Bây giờ tôi không muốn nhắc đến cuộc đời của tôi nữa, nhưng chắc chắn rằng, công việc tôi đang làm bây giờ là một phần cuộc sống của tôi. Tôi muốn mọi người hãy nhìn thấy những nạn nhân, hãy cứu lấy những trẻ em đáng thương đó. Tôi viết cuốn sách này bởi vì tôi biết một ngày kia tôi sẽ bị giết chết, tôi chắc chắn như thế.
Tôi muốn mọi người biết đến những nạn nhân, công việc của tôi đang làm như thế nào. Tôi không muốn những nạn nhân đó sẽ chết theo tôi bởi vì tôi muốn rằng: sau khi tôi chết đi, thì cũng có những người khác biết đến tình cảnh của những nạn nhân và tiếp tục cứu giúp họ, những nạn nhân không có lỗi, chúng ta phải giúp họ. Những nạn nhân bao giờ cũng cho là họ có lỗi, cho nên tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng họ không có lỗi gì cả, mà chính xã hội có lỗi.”
Với 10 năm làm việc, từng ngày đấu tranh với bọn buôn người, từng giờ lo cứu vớt các em, cô tâm sự với Phương Anh rằng: “Tôi không bao giờ hiểu hai chữ “happy” là gì cả. Tôi chỉ sung sướng và vui khi nhìn thấy những em gái mà chúng tôi cứu được đang ở chỗ chúng tôi, đang phục hồi dần dần. Đó là điều sung sướng của tôi. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy mệt mỏi và “deprest”. Khó khăn về tiền bạc để giúp cho các em là điều làm tôi cảm thấy mệt nhọc nhất.
Ngoài việc chống lại bọn ma cô buôn người, ngoài việc tìm cách giải cứu các em, tôi còn phải nghĩ cách làm sao để có tiền nuôi các em và cho các em học. Em nào cũng có mơ ước lên trung học nhưng tiền đâu mà đóng học phí? Bao giờ tôi cũng cảm thấy cô đơn , tôi làm việc hết sức căng thẳng và đêm về, tôi không thể ngủ được vì tôi cảm thấy hình như không ai giúp tôi cả.
Trên bình diện quốc tế, rất nhiều người nói rất hay trong các hội nghị, điều đó cũng tốt, nhưng còn trực tiếp để giải quyết vấn đề thì hình như không có ai giúp tôi cả. Chị nên nhớ rằng: chúng tôi là những người đang trực tiếp làm việc với các nạn nhân, đối đầu với bọn buôn người, bọn mafia, nên khó khăn vô cùng. Có những lần chúng tôi có đủ bằng chứng đưa bọn chúng ra toà thì chúng tôi lại bị thua kiện vì bọn chúng mua chuộc hết rồi!”
Những nạn nhân người Việt
Nhân đây, Phương Anh cũng hỏi thăm về những nạn nhân là người Việt Nam, thì được cô cho hay:
“Rất nhiều những phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị các tổ chức mafia bán sang Campuchia. Bọn chúng rất tinh vi, từ Campuchia, bọn chúng còn đưa sang Thái lan, Malaysia, nhưng hầu hết là sang Malaysia, Macao, Hàn Quốc. Thật khó cho tôi thuyết phục chính phủ Cambodia hiểu tình trạng buôn người như thế nào.
Tôi đã cố gắng rất nhiều, nhiều lắm rồi. Mỗi khi tôi gặp các nạn nhân, trái tim tôi lại nhói lên vì các em còn nhỏ lắm. Tôi nhớ có một lần, tôi gặp em đó tên Ngọc, tôi hỏi em tại sao người em lại bầm tím như thế, em nói rằng em bị người khách Nhật mua dâm đánh…
Tôi đau lòng quá, vì em là người Việt, em không biết tiếng Campuchia, không có một ai quen biết, làm sao em có thể sinh sống nổi. Hiện nay, chúng tôi đã mở một nhà tạm trú cho các nạn nhân là người Việt. Nơi đó, có đồ ăn Việt Nam, có những cán bộ xã hội nói tiếng Việt giúp họ trong quá trình hồi phục.”
Đáng quan ngại
Khi nhắc đến việc các nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã liên kết thành một liên minh chống tệ nạn buôn bán nô lệ tình dục. Việc này đã có tác dụng như thế nào với tình hình hiện nay. Cô cười và cho biết:
“Tất cả chỉ là trên giấy tờ mà thôi. Họ nói rất nhiều. Có thể hiểu rằng, những người làm việc trực tiếp, hàng ngày đối diện với thực tế như tôi, đều cảm thấy rằng họ nói hay lắm, nhưng chỉ nói mà thôi. Tôi biết ở Hoa Kỳ cũng vậy, cũng nhiều người nói hay lắm… Cho nên, khi họ mời tôi tham dự các diễn đàn về Human Trafficking, tôi chẳng đến tham dự vì chỉ mất thời giờ. Họ đề ra phương án, nhưng chẳng theo dõi việc thực hiện.”
Theo lời cô Somaly Mam, một điều khác cũng đáng quan ngại là hiện nay, vấn đề du lịch ở Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia càng phát triển thì càng có thêm những người khách từ Pháp, Úc, Canada, Mỹ về tìm đến những nhà chứa. Và, số lượng đàn ông Á Châu cũng không nhỏ. Cô cho hay:
“Có rất nhiều đàn ông Á Châu đang định cư ở Mỹ, ở Australia, họ trở về quê hương để hành hạ những phụ nữ và trẻ em trên chính đất nứơc của họ. Họ sống ở Pháp, ở Mỹ,…họ nên nhìn thấy những phụ nữ trẻ em đó là ai! Họ đem tiền về để mua vui với những phụ nữ và trẻ em ở Campuchia, Thái Lan, Việt Nam…
Tôi nhớ có một lần, tôi gặp em đó tên Ngọc, tôi hỏi em tại sao người em lại bầm tím như thế, em nói rằng em bị người khách Nhật mua dâm đánh… Tôi đau lòng quá, vì em là người Việt, em không biết tiếng Campuchia, không có một ai quen biết, làm sao em có thể sinh sống nổi.
Tôi thật là giận lắm khi tôi nhìn thấy họ trong các nhà thổ, thực sự tôi chỉ muốn giết chết họ vì họ quá là tàn nhẫn. Tại sao họ lại làm như vậy? Đó là đồng bào của họ kia mà! Tôi biết chắc, họ không cần để ý đến tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, họ chỉ nhìn thấy những cô gái xinh đẹp, những em gái nhỏ 12, 13 còn trinh trắng…”
Sự ủng hộ của quốc tế
Cũng theo lời cô Somaly Mam, thời gian gần đây, chính phủ Campuchia đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tổ chức AFESIP. Cô nói:
“Hiện nay chính phủ bắt đầu ủng hộ tôi. Tôi có thể liên lạc với họ bất cứ lúc nào khi cần. Ngoài ra, tôi cũng được có “body-guard” bảo vệ cho tôi. Nhưng làm sao biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Nhưng tôi không quan tâm đến mạng sống của tôi. Nếu tôi bị giết chết, thì cũng đành thôi, vì tôi không thể bỏ công việc tôi đang làm được.”
Giờ đây, khi được ủng hộ của nhiều tổ chức và cơ quan truyền thông quốc tế, được vinh hạnh là một trong 8 phụ nữ đại diện toàn thế giới cầm cờ Thế Vận Hội trong lễ khai mạc vào tháng 2 vừa qua, cô vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng. Cô nói: “Điều khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tiền tài trợ, tiếp đến là sự ủng hộ từ những nhà làm chính sách, những nhà làm luật bởi vì tôi muốn chấm dứt tệ nạn này. Chúng tôi cứu được 10 em thì lại có 20 trẻ em khác lại bị bán làm nô lệ tình dục.
Việc này xảy ra chỉ vì luật pháp lỏng lẻo, lại tham nhũng, hối lộ, vì bọn ma cô mối lái có tiền nhiều và dễ dàng mua chuộc được tất cả. Với tôi, tôi không chống lại bọn chúng, tôi chỉ muốn nâng cao công việc của chúng tôi đang làm và chính phủ phải sửa đổi luật lệ để làm cách nào làm đó việc thi hành luật phải có hiệu quả.”
Quí vị vừa nghe câu chuyện của cô Somaly Mam, người từng bị bán làm nô lệ tình dục, nay trở thành người đang cứu giúp hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị bán vào các ổ mãi dâm ở Campuchia. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị vào kỳ sau.
Thông tin trên mạng:
- Susanna Lea Associates - THE ROAD OF LOST INNOCENCE
- Wikipedia - Somaly Mam
Những bài liên quan
- Nữ vận động viên xe đạp địa hình của Việt Nam, cô Phan Thị Thùy Trang
- Tình trạng phụ nữ bị lạm dụng và xâm hại ở Á Châu
- Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam ở Berlin – Đức
- Tệ nạn du khách nước ngoài xâm phạm tình dục trẻ vị thành niên tại Việt Nam
- Trầm cảm vì bạo hành trong gia đình
- Hội thảo "Thay đổi Diện mạo của Châu Á: Phụ nữ là một Thế lực Chính trị"
- Ý kiến của nữ giới về đề nghị mức tuổi nghỉ hưu mới
- Trung tâm La Strada - nơi giúp đỡ nạn nhân bị buôn người ở Ba Lan
- Hội chứng phụ nữ chụp hình “nude” ở TPHCM