Nữ tài xế taxi

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Ở Việt Nam ngày nay, với nhu cầu cuộc sống, càng ngày, các phương tiện giao thông càng phát triển. Ở các thành phố lớn, người dân đã quá quen thuộc với các hãng taxi với các bác tài xế đủ mọi lứa tuổi.

TaxiMaiLinh200.jpg
Xe Taxi của Công ty Cổ phần Mai Linh. Hình của BaoBinhDinh Online

Đặc biệt, trong giới tài xế taxi này, có khuôn mặt của một số chị em phụ nữ, đã chọn nghề tài xế taxi, chấp nhận dãi nắng dầm mưa như bao anh tài xế khác. Trong chuyên mục Trang Phụ Nữ kỳ này, Phương Anh mời qúi vị và các bạn nghe những lời tâm sự của một số nữ tài xế taxi, đang hành nghề ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Nguyễn thị Minh Ngọc, năm nay 27 tuổi, hiện đang sống trong một khu nhà trọ ở Gò Vấp, đã hành nghề được 5 năm qua, hiện đang làm cho công ty Vinasun. Một tuần 3 ngày, cứ 6 giờ sáng là chị ra khỏi nhà và cho đến nửa đêm mới về. Chị cho hay:

Quê em ở tỉnh Phú Thọ, em đi vào Nam lúc đó 19 tuổi, em đi làm cho người ta, sau này em thích nghề này nên học. Lúc đầu, em vào khu Chợ Lớn, phụ bán bún riêu cho người ta, đi làm vòng vòng…Điểm cuối cùng, em phụ bán cà phê cho một chị ở lề đường, 4 năm rưỡi…

Thấy mấy anh chạy xe, ghé uống cà phê, nên em thích và học. Em có bằng lái, và nhờ một người quen, có hộ khẩu thành phố và bảo lãnh cho mình xin vào công ty.

Bước đầu nhiều khó khăn

Theo lời chị cho biết, bước đầu gặp nhiều khó khăn không kém, phần vì không biết đường lối, phần vì là nữ nên có nhiều hạn chế trong việc đón khách, nhất là gặp các ông nhậu say xỉn, nhiều khi không chịu trả tiền, chị kể lại:

Bước đầu cũng khó khăn vì đường xá mình không thuộc hết. Nhưng mà một vài tháng thì quen hết. Những người say xỉn, họ không muốn trả cho mình thì dễ kiếm chuyện lắm…họ nói mình chạy sai đường, để đồng hồ thế này thế kia…Em cho người ta xuống thôi. Em ở đây một mình, không có người thân, dưạ dẫm, nên nếu găng với người ta thì chẳng được gì nên thôi…

Cũng có nhiều kỷ niệm lắm, nhớ nhất là lần đầu tiên ra chạy xe, không biết đường mà khách hàng không tế nhị với mình. Họ nói là mình đi dòng dòng, họ không chỉ đường cho mình biết, rồi họ đón xe khác và chửi cho mình một trận. Đó là cái em nhớ nhất! Vui nhất là khi mình lượm được đồ của khách đem lên cho công ty để trả cho khách và công ty tuyên dương.

Tuy nhiên, cùng với thời gian và lòng yêu nghề, cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, chị đã cố gắng vượt qua mọi chuyện, nhưng kỷ niệm thuở ban đầu thì không thể nào quên, chị tâm sự:

Cũng có nhiều kỷ niệm lắm, nhớ nhất là lần đầu tiên ra chạy xe, không biết đường mà khách hàng không tế nhị với mình. Họ nói là mình đi dòng dòng, họ không chỉ đường cho mình biết, rồi họ đón xe khác và chửi cho mình một trận. Đó là cái em nhớ nhất! Vui nhất là khi mình lượm được đồ của khách đem lên cho công ty để trả cho khách và công ty tuyên dương.

Theo lời chị cho biết, mỗi tháng chị kiếm được khoảng 3 triệu. Mỗi lần chạy xe là 24 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Một tuần chị làm 3 buổi, những ngày còn lại thì để…ngủ bù! Số tiền dành dụm được lâu lâu lại gửi về cho mẹ ở quê nhà để giúp nuôi các em ăn học. Khi được hỏi về chuyện tình cảm riêng tư, chị cho hay rằng đã làm nghề này thì phải chấp nhận ít có thanh niên nào để mắt tới, và đôi khi, cũng có lúc chị suy tư:

Nhiều lúc mình cũng muốn như người ta, không phải dang nắng, ngồi trong văn phòng, không phải dầm mưa dãi nắng, nhưng vì hoàn cảnh gia đình không cho phép mình học hết trình độ cao…không có điều kiện để ăn học, số phận mình đã như vậy thì mình đành chịu.

Ngoài ra, chị cũng cho biết rằng, vì xe của công ty nên phải giữ gìn cẩn thận, nhỡ chẳng may, nếu cọ quẹt, va chạm thì phải móc tiền túi ra mà sơn sửa, đền. Chị nói:

Công ty chỉ cho chị các bộ phận bên trong thôi, thí dụ như xe hư, còn ngoài xe thì họ không chịu. Rủi đụng xe thì trước mắt tài xế cứ bỏ tiền ra đã, rồi năm bẩy tháng sau thì bảo hiểm mới đền cho chị.

Chị Nguyễn thị Lệ, hiện đang làm trong khâu quản lý và điều hành xe cho công ty Mai Linh, một công ty taxi lớn ở thành phố Hồ Chí Minh thì cho hay rằng:

Hiện thời, trong đội ngũ Mai Linh có 40 lái xe nữ. Nghe thì nhiều nhưng trong Mai Linh có đến hơn 5000 lái xe, và chỉ có 40 nữ. Tôi xuất thân từ lái xe, bắt đầu lái cách đây 13 năm, sau này tôi mới lên công tác điều hành và quản lý xe. Đa số khách đều thích đi tài xế nữ. Theo như tôi biết là vì tài xế nữ lái xe cẩn thận, và xe nữ thì sạch sẽ và không có mùi thuốc lá.

Xe nữ đặc biệt là sạch và thơm. Tài xế nữ thì sau một cuốc khách, người ta dọn vệ sinh xe rồi mới chạy tiếp, không như các ông nam. Và đường xá ở Việt Nam thì kẹt xe thường xuyên, tài xế nam thì hay lầu bầu, còn tài xế nữ thì không nóng tính. Nhiều khi trên đường gặp sự cố rất vô lý thì mấy ông nam bực tức ngay, còn nữ thì người ta không nóng.

Chị cũng cho biết rằng tuy số lượng nữ tài xế ít ỏi và so ra, công việc của nữ tài xế taxi có cực hơn nam, chẳng hạn như khi gặp sự cố gì đó, thì nữ tài xế cũng phải tự mình giải quyết, nhưng họ cũng không được hưởng quyền ưu tiên nào cả. Chị nói tiếp:

Nói chung về quyền lợi, thì nam hay nữ đều như nhau, không có gì ưu tiên cả. Nhưng thu nhập của lái xe nữ thì cao hơn lái xe nam vì dễ có tiền “bo”. Đúng ra, nó cũng cực vì công việc này không phải là của phụ nữ…ví dụ như bể bánh xe, chạy 24 tiếng, nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân nên nữ cực hơn.

Nói chung về quyền lợi, thì nam hay nữ đều như nhau, không có gì ưu tiên cả. Nhưng thu nhập của lái xe nữ thì cao hơn lái xe nam vì dễ có tiền “bo”. Đúng ra, nó cũng cực vì công việc này không phải là của phụ nữ…ví dụ như bể bánh xe, chạy 24 tiếng, nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân nên nữ cực hơn.

Nói chung, lái xe có nhiều tình huống, đi đêm, đi xa thì nữ phải có cách từ chối, trừ khách quen của mình…Còn say xỉn, thì phải do cách nói của mình…phải để cho họ biết khoảng cách của mình.

Cuộc sống gia đình

Được biết, bản thân chị Nguyễn Thị Lệ cũng là một trong những nữ tài xế taxi đầu tiên ở thành phố, cách nay gần 13 năm, nên chị rất thông cảm với cánh nữ tài xế, nhất là về mặt tình cảm riêng tư, chị tâm sự: Tôi còn nhớ khi tôi lái xe khoảng 2, 3 năm thì có một hôm, các chị em ngồi lại với nhau, tự nhiên nhìn lại, thì hoá ra ai cũng đơn thân độc mã…Về sau này tôi nghiệm lại, cái nghề này người ta nhìn nhận rồi, đến thời điểm này thì có hai vợ chồng cùng sống với nhau nhưng cả hai phải là cùng chạy taxi thì mới sống với nhau được.

Còn thường thì vợ mà lái taxi, chồng làm công việc khác thì hiếm lắm…Hình như họ không thể thông cảm được, nhất là đi sớm về khuya…cho nên người đàn ông khó chấp nhận được tài xế taxi lắm. Nhiều khi mình nhìn lại thấy hơi thiệt thòi vì công việc này của nam rồi, người phụ nữ đã cực với công việc này, họ phải ứng phó khi ra đường mà không được sự đồng cảm của người chồng thì thật là khổ tâm.

Riêng với chị Huệ, năm nay 37 tuổi, quê ở Bắc Ninh, thì kể rằng lúc đầu vào Nam, cũng chỉ muốn kiếm việc gì đó kha khá một chút để có tiền gửi về quê ngay. Nhưng kể từ khi trở thành nữ tài xế taxi thì dần dần lại yêu thích công việc này. Chị nói:

Mới đầu, cũng chỉ nghĩ đây là công việc cơm áo gạo tiền, nhưng sau khi vào làm, thì càng ngày càng cảm thấy yêu mến hơn, trong công việc này mình cũng học hỏi được nhiều điều về khách hàng…kể cả những người không ra gì mình cũng soi được mình vào trong đó.

Có những khách hàng cũng là những người có học, có tri thức uyên thâm, nhưng khi lên xe chỉ có 15 ngàn thôi, nhưng cái cách của họ nói với tài xế, cách cư xử, những lời nói, tác phong…mình học được cách sống, lối sống, về sự cư xử mỗi người với nhau.

Hiện nay, chị đã lập gia đình và được một cháu nhỏ. Ông xã chị hành nghề xe ôm nên cũng rất thông cảm với nghề “làm dâu trăm họ”, đi sớm về khuya của chị. Chị tâm sự:

Điều buồn nhất là có những khách họ coi taxi là tầng lớp không ra gì, họ cứ nghĩ tài xế taxi là những người không thể bằng họ.. họ cư xử mà nhiều khi muốn khóc..Chở khách đêm hôm mưa gió, đến Đồng Nai, giữa rừng cao su bị xẹp vỏ, một tiếng rưỡi chưa tháo được vỏ ra…mình không dám mở đèn, sợ lắm..sợ cướp, sợ đủ các thứ, nước mắt, nước mưa cứ chan hoà, cực lắm…rồi cuối cùng cũng mở được vỏ xe…Xã hội chưa công nhận tài xế nữ taxi, họ cứ nghĩ thế này thế kia, mà mình không thể nào lý giải được

Tất nhiên, thời gian để chăm sóc gia đình và con cái không có, nhưng gặp được người chồng biết cảm thông và chia xẻ. Điều vui nhất là trong một lúc nào đó, mình có thể giúp được một ai đó, trong một cuốc khách, mình gặp một ai cần giúp đỡ, gặp trường hợp cấp cứu…mình giúp được họ.

Điều buồn nhất là có những khách họ coi taxi là tầng lớp không ra gì, họ cứ nghĩ tài xế taxi là những người không thể bằng họ.. họ cư xử mà nhiều khi muốn khóc..Chở khách đêm hôm mưa gió, đến Đồng Nai, giữa rừng cao su bị xẹp vỏ, một tiếng rưỡi chưa tháo được vỏ ra…mình không dám mở đèn, sợ lắm..sợ cướp, sợ đủ các thứ, nước mắt, nước mưa cứ chan hoà, cực lắm…rồi cuối cùng cũng mở được vỏ xe…Xã hội chưa công nhận tài xế nữ taxi, họ cứ nghĩ thế này thế kia, mà mình không thể nào lý giải được

Thưa quí vị và các bạn, về phần khách đi xe, đa số đều rất hài lòng với cung cách phục vụ của các nữ tài xế. Anh Trung, ở quận 10, vì nhu cầu công việc, phải đi taxi thường xuyên cho biết:

Tôi đi taxi cũng nhiều nhưng nếu nói về tài xế nữ thì đúng hai lần, có lẽ vì do lực lượng tài xế nữ ít…Cả hai lần đi thì bình thường nhưng cảm giác an toàn có lẽ là hơn mấy ông nam.

Tuy tài xế taxi phải cạnh tranh nhau mà sống nhưng nữ dẫu sao họ đằm tính hơn nam nên họ chạy an toàn hơn, không có kiểu chụp giật như mấy ông taxi nam, vì có thời gian, mấy tài xế taxi nổi tiếng là chạy ẩu tả, chụp giật…Hai lần tôi đi đều rất tốt, thấy an toàn hơn nam nhiều

Trở lại với chị Nguyễn thị Lệ, một nữ tài xế taxi đã hành nghề 13 năm qua thì luôn mơ ước rằng:

Mơ ước của tôi là nhân ra rất nhiều nữ tài xế, nhưng thực ra, những ai theo nghề suốt thì hiếm lắm, những tài xế nữ sau này thì chỉ một thời gian thôi…Nhưng tôi cũng vẫn mong rằng sẽ có thêm nhiều tài xế nữ và được người chồng của mình thông cảm và hiểu cho. Chị em phụ nữ chúng tôi, là những tài xế taxi, phần nào phụ với kinh tế gia đình, phần nào khẳng định vai trò của mình trong xã hội….

Qúi vị và các bạn vừa nghe những tâm sự của một số nữ tài xế taxi. Trang Phụ Nữ xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn vào kỳ sau.