Việt Nam trong tháng Ba đã xảy ra 35 vụ đình công, trong số đó có 33 vụ ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tức FDI. Phần lớn các vụ đình công xảy ra tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, vốn là nơi có các khu công nghiệp với nhiều FDI nhất.

Nguyên nhân hầu hết là xoay quanh vấn đề lương thấp, trả chậm, định mức lao động quá cao để tránh trả lương tối thiểu. Ngoài ra còn có một số vụ do chủ nhân xúc phạm nhân phẩm người lao động, điển hình như cán bộ trói chân nữ công nhân vào bàn máy tại xưởng Canon.
Tuy vậy, bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang soạn thảo Nghị định cấm không được đình công. Tham gia các cuộc đình công bị tòa phán quyết là bất hợp pháp, người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ nhân về thiệt hại về tài chính do đình công gây ra, chi phí để ngăn chận đình công và khắc phục thiệt hại.
Được biết theo pháp luật hiện hành thì hầu như không có cuộc đình công nào là hợp pháp vì không được tổ chức công đoàn do nhà nước lập ra, chấp thuận và lãnh đạo, tổ chức cho công nhân đình công.
Trên 200 công nhân đình công đòi tăng lương
Trên 200 công nhân Cà Mau tại xí nghiệp 4 thuộc công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Camimex đình công đòi tăng lương. Tin nói ban giám đốc công ty đã ra gặp gỡ đại diện phía công nhân nhưng không đạt thỏa thuận, người lao động đã kéo tới Phòng Tiếp Dân thuộc sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội địa phương để nhờ giải quyết.
Lý do đình công là vì công nhân phải thường xuyên làm việc nặng nhọc trong môi trường độc hại, lương hướng không rõ ràng, làm đủ công mà chỉ được trả khoảng 900.000 đồng một tháng.
Camimex là công ty quốc doanh vừa được cổ phần hoá , trong đó vốn nhà nước chiếm 51%. Nơi đây có 1.700 công nhân hợp đồng dài hạn, hơn 1000 người khác được mướn theo thời vụ.
Đây không phải lần đầu tiên công nhân Camimex đình công mà trước đây đã từng có nhiều vụ đình công tương tự để đòi tăng lương và cải thiện môi trường lao động.