Hội luận về mùa thi đại học năm nay

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Diễn đàn của chúng ta trong mấy tuần qua không chỉ sôi nổi với các cuộc tranh luận giữa các bạn sinh viên tìm hiểu lịch sử Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh qua những tài liệu trong nước với các bạn có điều kiện thu thập các nguồn thông tin đa chiều từ bên ngoài, mà còn do lượng email tham gia đóng góp ý kiến của quý thính giả khắp nơi tấp nập gửi đến Ban Việt Ngữ.

studentExam200.jpg
Các thí sinh và giám thị trong phòng thi. Photo courtesy of hssv.vnn.vn

Để “xoa dịu” bầu không khí đặc biệt là trong những ngày hè oi bức như bây giờ, bắt đầu từ tuần này, chương trình xin phép mở ra một đề tài tương đối “nhẹ nhàng” hơn, phù hợp với thời điểm mùa thi đại học đang diễn ra, nói về các ngành học đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ trong nước cũng như tâm lý chọn ngành học và triển vọng sau khi ra trường của các ngành học “nóng”.

Trước tiên, xin mời các bạn hãy cùng làm quen với ba sĩ tử từ các vùng-miền khác nhau hiện đang có mặt tại Sài Gòn để chuẩn bị bước vào cuộc so tài, tranh chiếc vé vào cánh cổng đại học năm nay:

Hải: Em tên Hải, năm nay vừa học xong lớp 12. Em định thi đại học khối K, Cơ khí, chuyên ngành sữa chữa ô tô.

Trí: Em tên Trí, tốt nghiệp phổ thông năm ngoái. Năm ngoái em đã thi đại học nhưng thiếu nửa điểm nên không đậu. Năm nay em thi lại và nghĩ rằng chắc chắn mình sẽ đậu.

Trà Mi: Năm nay bạn định thi ngành nào, trường nào?

Trí: Em thi ngành điện tử viễn thông của Học viện Bưu chính.

Hùng: Em là Hùng. Em vừa tốt nghiệp xong, em định thi ngành Kỹ thuật chế tạo máy, trường đại học Bách khoa TPHCM.

Trà Mi: Trước khi đăng ký dự thi, các bạn tham khảo, tìm kiếm thông tin về các ngành học, về các trường ra sao? Sự lựa chọn đó dựa trên sở thích cá nhân hay đăng ký theo các ngành học "nóng" đang có nhiều người học?

Hùng: Em tìm hiểu thông tin từ quyển sách do báo Tuổi trẻ phát hành hôm tháng 3 vừa qua, trong đó có nói về các ngành học, sau khi tốt nghiệp làm việc ở đâu, như thế nào.

Trà Mi: Thế còn Hải và Trí, các bạn tìm chọn ngành học, trường học dựa trên tiêu chí nào?

Hải: Em chọn theo sở thích của em, đi theo ngành có các môn thi phù hợp với em.

Trà Mi: Còn Trí thì sao?

Trí: Đối với ngành điện tử viễn thông em chọn, thì năm nay có tỷ lệ đăng ký vào thấp nhất.

Trà Mi: Bạn có biết vì sao không?

Trí: Theo em tìm hiểu thông tin thì do ngành này rất khó xin việc làm sau khi ra trường. Những năm đầu khi mới xuất hiện, đây là một ngành rất "nóng", rất được nhiều người đăng ký thi vào. Cho đến những năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp ngành này rất khó xin việc, nên ít ai đăng ký.

Trà Mi: Quýêt định đăng ký thi vào một ngành học tương đối đang gặp "bất lợi" như vậy thì bạn có hy vọng gì không?

Trí: Có chứ. Có thể em không đậu đại học, nhưng cũng đậu được cao đẳng.

Trà Mi: Nhưng vì sao bạn chọn ngành Bưu chính Viễn thông?

Trí: Thứ nhất là do em có người quen làm trong ngành này. Thứ hai là mình cũng thích.

Trà Mi: Do "có người quen làm trong ngành" thì đây là yếu tố quyết định như thế nào?

Trí: Chị cũng biết rồi đó, ở nước ngoài thì người ta xét theo thực lực nhiều, còn ở Việt Nam nói chung cũng phải có người "đưa đẩy" vào. Ngành Bưu chính Viễn thông là một ngành mà hầu như không để lọt ra cho "người ngoài".

Trà Mi: Như vậy những ai không có người thân làm trong đó, mà họ rất thích ngành này cũng như có năng lực cao thì có khả năng chen chân vào được không?

Trí: Dạ được nhưng họ phải tốt nghiệp các trường như đại học Bách khoa, Học viện Bưu chính Viễn thông, đại học Sư phạm Kỹ thuật, hay đại học Khoa học Tự nhiên.

Trà Mi: À tức là yêu cầu đối với những "người ngoài" cao hơn?

Trí: Dạ, có nhiều khi xảy ra một số tệ nạn tham nhũng nữa.

Trà Mi: Bạn có thể nói rõ hơn?

Trí: Có thể nhờ đút lót hay gì đó.

Trà Mi: Nghĩa là muốn vào được ngành Bưu chính Viễn thông, cho dù học giỏi, cũng cần phải có quen biết hay tiền bạc thì mới chen chân được?

Trí: Dạ.

Trà Mi: Trước khi đăng ký các ngành học, trường học cho mùa thi năm nay, chắc chắn các bạn cũng đã thăm dò rất nhiều, biết được các tiêu chuẩn tuyển sinh của từng ngành, từng trường ra sao. Các bạn có thể cho biết các ngành nào đang được xem là thu hút giới trẻ nhiều nhất hiện nay? Những trường nào có số lượng đăng ký đông nhất?

Hùng: Nếu xét theo từng khối, khối B bây giờ là "nhất y, nhì dược". Hiện số lượng hồ sơ nộp thi khối này tăng cao. Bên khối A thì bây giờ đăng ký thi ngành kinh tế rất nhiều như kinh tế đối ngoại hay quản trị kinh doanh. Khối kỹ thuật thì giảm tụt hẳn, tỷ lệ chọi ở một trường lớn như đại học Bách khoa chỉ 1/3.

Trà Mi: Bạn có biết vì sao có sự thay đổi này không?

Trí: Báo chí nêu thống kê cho thấy lượng hồ sơ năm sau tăng hay giảm là tuỳ thuộc vào điểm chuẩn tuyển sinh của trường vào năm trước đó. Ví dụ như năm 2004 trường kinh tế lấy điểm chuẩn là 16 thì năm 2005 lượng hồ sơ đăng ký thi vào tăng vọt lên, nhưng điểm chuẩn lấy vào cho năm 2005 tăng lên đến 19 điểm thì năm 2006 số lượng đăng ký lại giảm xuống.

Trà Mi: Chứ không phải mọi người đang đổ xô nhắm vào ngành kinh tế vì hiện nay Việt Nam gia nhập WTO với nhiều vận hội kinh tế mở ra? Những người đăng ký theo học ngành kinh tế chắc cũng hy vọng là có bằng kinh tế trong tay thì sự nghiệp sau này sẽ sáng sủa hơn chăng?

Trí: Đó là lý do thứ hai. Em thấy các bạn em cũng hay đề cập đến WTO. Người ta muốn thi vào các trường kinh tế mạnh như đại học Kinh tế TPHCM hay đại học Ngoại thương.

Hải: Năm ngoái ngành học của em có số lượng đăng ký rất thấp, nhưng sau khi vào WTO, lượng đăng ký tăng lên rất cao.

Trà Mi: Nghĩa là số lượng đăng ký ngành học, trường học cũng theo nhu cầu xã hội, theo phong trào?

Hải: Dạ, vì người ta nghĩ rằng khi vào WTO, thì ngành cơ khí sẽ lên vì xe ô tô nhập vào nhiều.

Hùng: Một lý do khác khiến lượng hồ sơ thi đại học năm nay tăng lên vì nghe nói là năm nay là năm cuối thi đại học. Dự định kể từ năm sau chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia tổng hợp, vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học luôn, nên những người thi rớt năm trước dồn về tranh thủ thi hết vào năm nay. Trà Mi: Ý kiến của Trí ra sao? Tình trạng nhiều bạn trẻ đổ xô vào các ngành học như kinh tế, quản trị kinh doanh là do nhu cầu xã hội hay do phong trào chạy theo thị hiếu vì tin rằng đó là những ngành học "nóng", có triển vọng?

Trí: Em nghĩ là do Việt Nam vừa gia nhập WTO, nên người ta nghĩ rằng nước ngoài sẽ đầu tư rất nhiều, đặc biệt vào các ngành kinh tế, du lịch.

Trà Mi: Cứ theo thị hiếu chung như vậy thì các bạn thấy lợi hại của việc này ra sao?

Trí: Nó sẽ dẫn đến tình trạng là có một số sinh viên không xác định được sở thích của mình, chỉ học chay cho qua chuyện sao cho ra trường thôi, chứ không có hiệu quả cao bằng học những ngành mình yêu thích.

Hùng: Như vậy chỉ chừng 5 năm sau thôi, cung sẽ vượt cầu thì khả năng xin việc rất khó. Trà Mi: Chạy theo những ngành học "nóng", có chắc là sau khi ra trường cơ hội sẽ tốt hơn những ngành học khác không? Ý của Hải ra sao?

Hải: Em nghĩ mình phải tự tin khi đã chọn một ngành học nào đó, cho nên chọn ngành học "nóng" tương lai sẽ dễ xin việc hơn.

Trà Mi: Nhưng ý kiến của Hùng đưa ra là có quá nhiều người vào những ngành "nóng" đó thì cơ hội cạnh tranh của bản thân sẽ kém đi. Hải có nghĩ tới trường hợp khi ra trường rất nhiều người có cùng cái bằng giống như mình thì mình có cơ hội hay không?

Hải: Dạ, theo lòng tự tin của em, khi thấy nhiều người vô cùng ngành học như vậy, em muốn cạnh tranh với họ thì em phải cố gắng hết mình để vượt trội, nhưng mà đâu phải lúc nào con đường cũng tốt đẹp như thế. Điều đó cũng buồn, nhưng mình đã chọn thì phải chấp nhận. Em nghĩ là sẽ đến một lúc nào đó khi đầu ra dư quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp rất nhiều vì khó xin việc làm. Khi đó, người ta tự động sẽ không đăng ký chen chân nhiều nữa.

Trà Mi: Bản thân bạn, khi đăng ký vào một ngành học "nóng" có quá nhiều người bước vào như hiện nay, bạn có sợ rằng khi ra trường cung vượt cầu thì cơ hội lập nghiệp sẽ bất lợi hơn những người trong những ngành học khác?

Hải: Hùng nói đi.

Hùng: Đang hỏi cậu mà. Em nghĩ không chỉ ngành ô tô của Hải đâu, các ngành như công nghệ thông tin và điện tử cũng vậy. Hiện giờ còn có một số nhóm ngành mới đang đi lên như công nghệ sinh học hay vật liệu mới chẳng hạn. Trước đây, mấy ngành này không ai vào nhiều, nhưng mấy năm sau này bắt đầu được ưa chuộng, đang dần tiến lên.

Trà Mi: Các bạn trẻ chọn trường theo xu hướng ngành "nóng" như vậy, nhìn rộng ra, việc này có ảnh hưởng như thế nào đối với nguồn lực xã hội sau này?

Mời quý vị và các bạn theo dõi phần hội luận tiếp theo, vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau.

(Xin mời theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)

Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org. Trà Mi kính chào.