Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong cuộc gặp gỡ tuần trước, các bạn trẻ tham gia thảo luận đề tài "Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo trên bản đồ thế giới?" đã bước sang tranh luận về một nguyên nhân được nhà nước cho là làm kèm hãm sự phát triển của quốc gia, đó là do có nhiều thế lực thù địch chống phá.

Tiếp tục ghi nhận ý kiến của người trẻ trong và ngoài nước xoay quanh luận điểm này, Diễn Đàn hôm nay có thêm sự góp mặt của 3 thanh niên từ Mỹ và Pháp, là Vinh và Đức định cư tại California, Trung du học sinh tại Pháp, cùng với Quang tại Hà Nội và Hộ từ Canada.
Vinh: Tôi là Vinh.
Đức: Dạ, tôi là Minh Đức ở California.
Trung: Dạ, mình tên là Trung ạ, đang ở Pháp và ở Lyon. Thực ra nghe Đài cũng lâu rồi, biết chị, thực ra cũng góp thêm ý kiên với các bạn vậy thôi.
Các thế lực thù địch?
Trà Mi: Cảm ơn Trung nhiều. Bây giờ trên đường dây Trà Mi xin giới thiệu lại là ngoài 3 người bạn mới góp mặt ngày hôm nay thì còn có anh Hộ ở Canada, Quang ở Hà Nội. Nếu các bạn đã nghe chương trình kỳ trước thì cũng đã biết là hai người bạn này đã tham gia từ đầu chương trình.
Và tuần trước chúng ta cũng đã bàn luận về nguyên nhân thứ 3 khiến cho Việt Nam là một nước chậm phát triển trên thế giới.thì các bạn đang nói tới một lý do được rất nhiều người nghe tới ở Việt Nam, đó là do Việt Nam có nhiều thế lực thù địch làm ngăn cản sự phát triển. Giờ Trà Mi xin mời các bạn cùng góp ý thêm để chúng ta cùng phân tích lý do này.
Nói về cái nguyên nhân vì có nhiều thế lực thù địch cho nên kềm hãm sự phát triển của Việt Nam đó thì ý kiến của các bạn như thế nào? Mời các bạn góp ý.
Vinh: Người Cộng sản Việt Nam khi nói tới các thế lực thù địch làm giảm sự phát triển của đất nước, đó là một sự tuyên truyền không đúng. Lý do rất là rõ. Nhìn cuộc cải cách ruộng đất năm 45 và nhìn cuộc đánh tư sản năm 78-79, thì bao nhiêu đó cũng thấy được sự trì trệ của đất nước vì đâu mà ra. Nói chung, nó hoàn toàn là do sự lãnh đạo của đảng cả.
Trà Mi: Đó là ý kiến của anh Vinh. Mời các anh khác góp ý kiến thêm.
Đức: Đức xin góp ý kiến thế này. Nói về vấn đề thế lực thù địch thì tôi nghĩ không có thế lực thù địch nào hết, nhưng mà đảng cộng sản mình sự thật là họ không tin người dân cho nên lúc nào họ cũng sợ, hồi hộp. Còn giới trí thức yêu nước, họ không có sợ vấn đề đó tại vì người ta không có tội ác. Còn đảng cộng sản Việt Nam họ gây quá nhiều tội ác cho dân tộc Việt Nam cho nên lúc nào họ cũng hội họp, họ sợ, cho nên họ cứ nghĩ đó là thế lực thù địch.

Những vấn đề của lịch sử
Quang: Xin ngắt lời anh một chút. Cái quan điểm tội ác là gì ạ? Đồng ý là Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, trong chiến tranh thì mọi điều có thể xảy ra. Anh có ý gì khi anh nói tội ác ở đây?
Đức: Bây giờ tôi là khách quan tại vì chúng tôi sinh sau năm 1975 nhưng mà lịch sử ghi lại, ví dụ các bạn thấy như năm 1945 người ta đánh về ruông đất đó, bây giờ sách sử ghi lại rất nhiều, phải nói là rất là dã man, man rợ.
Trà Mi: Tức là anh muốn nhắc tới cuộc cải cách ruộng đất ở Miền Bắc?
Đức: Dạ đúng rồi. Rất là man rợ. Tôi rất là khách quan tại vì tôi học về lịch sử thôi. Rồi chúng ta thấy dân Sài Gòn rất là trí thức, dân Miền Nam rất trí thức, nhưng họ (cộng sản) vô bắt đầu năm 75, các bạn thấy không, họ đánh tư sản nữa, rồi những trại tù cải tạo khủng khiếp, rồi con cái của những nguời ở Miền Nam thì không được đi học vì lý lịch.
Những hình thức mà họ đưa ra làm cho đất nước chúng ta kiệt quệ, cả hàng triệu người bỏ nước ra đi. Rồi đến khi người ta ra đi, người ta chết trên biển, ở những hòn đảo, họ lại áp lực những nước kia phá bỏ bia tưởng niệm người chết. Như vậy chúng ta thấy những tội ác của họ rồi.
Trà Mi: Các anh nghĩ sao nếu như có những lực lượng thù địch...
Quang: Dạ, tôi là Quang từ Hà Nội ạ.
Trà Mi: Dạ, xin mời anh Quang.
Quang: Tôi có thể nói về những thế lực cản trở sự phát triển của Việt Nam hiện nay. Chắc là các anh cũng biết có những người luôn luôn chống lại những cái gì chính quyền Việt Nam làm, không cần biết nó đúng hay sai, mà cứ của chính quyền Việt Nam làm là phải chống.
Đã đành rằng chính quyền Việt Nam làm có việc đúng có việc sai, bất cứ chính quyền nào cũng thế thôi, không phải tất cả những cái người ta làm đều là đúng cả nhưng bất cứ cái gì chính quyền Việt Nam làm cũng chống lại thì phải chăng đó là bộ phận đang chống lại sự phát triển của Việt Nam?
Trà Mi: Xin mời ý kiến phản hồi của các anh.
Trung: Mình là Trung. Mình có hai ý kiến nhỏ. Báo chí nói là thế lực thù địch, trước tiên các bạn biết là báo chí ở Việt Nam mình đã được kiểm soát nghe, rồi theo cái ý của báo chí nữa là cái từ "thù địch" này nè, là báo chí không có ghi rõ thế lực là thế lực nào? Mình không biết luôn. Thực ra bản thân mình nghe, mình nói là chính phủ Việt Nam vẫn làm chưa đúng đâu. Những bạn nào đã hiểu thì đã hiểu.
Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Trung.
Quang: Vấn đề mà các bạn vừa mới nêu ra, thứ nhất là đã đành rằng cái quyết định như anh gì đó vừa nói là cải tạo công thương nghiệp Miền Nam là một quyết định sai trong quá khứ của đảng cộng sản, nhưng mà cái quyết định sai đấy được làm dựa trên cái tâm người ta muốn làm cho mọi người cùng khá nhưng mà cái cách làm chưa được hiệu quả thì có gây sự khó khăn cho một bộ phận đồng bào ta ở Miền Nam.
Vinh: Cho Vinh phản hồi lại ý kiến của anh Quang.
Quang: Xin để em nói hết đã. Đó không thể gọi là tội ác được. Vì tất nhiên là có một bộ phận đồng bào bị khó khăn nhưng việc làm đó đã rất là có ích đối vói một bộ phận khác của dân tộc. Đó là câu trả lời của tôi trong vấn đề của bạn.
Trà Mi: Xin mời anh Vinh .
Vinh: Tôi xin nói thế này. Nếu đó là sự sai lầm thì tại sao không khắc phục liền, mà tại sao nó còn giữ cho tới bây giờ, thì cái đó đúng là sự sai lầm hay là sự cố ý?
Trung: Cho Trung thêm ý kiến nữa.
Trà Mi: Vâng. Mời anh Trung .
Trung: Lý do tại sao mà Charles de Gaulle sau hai nhiệm kỳ mà ông ta làm (tổng thống) ông ta chấp nhận từ chức? Thêm ví dụ thứ hai, là ông Jacques Chirac cái vụ scandal trong thời ổng tại chức đã bị phanh phui rồi nhưng hiện giờ đã 5 lần ông phải ra toà rồi. Cái đó mình muốn nói ở đây là "Ủa, tại sao mình không thấy những hình ảnh đó nơi quốc gia Việt Nam của mình vậy?" Điều đó rất là uổng. Thành ra ai có tội nên được xét xử và xét xử một cách công bằng.
Hộ: Để mình góp ý với các bạn như thế này. Thứ nhứt là cái tội ác ở đây đảng cộng sản đã gây ra không phải chỉ cho người Miền Nam sau này thôi mà nó đã gây ra từ trước năm 1954 rồi ở tại Miền Bắc. Rồi tới năm 1956 thì vấn đề Nhân Văn - Giai Phẩm. Năm 1968 bao nhiêu đồng bào ở tại Huế bị chết, đó là thường dân của Miên Nam Việt Nam trong những ngày Tết bị chết chỉ vì cuộc tổng công kích năm 1968, thì cái đó có phải là tội ác không? Sau năm 1975 rồi kinh tế mới, rồi thuỷ lợi, vượt biên, vượt biển.
Thực tại Việt Nam
Trà Mi: Cảm ơn ý kiến anh Hộ. Đó là những lỗi lầm quá khứ. Có thể là quá khứ chúng ta nên khép lại khi mà nhìn về sự phát triển của tương lai thì mình cũng nên nhìn cái hiện tại
Hộ: Không phải vậy chị Trà Mi ơi. Tôi xin nói thế này này. Khi mình làm một lỗi nào thì thường mình phải biết hối hận. Đường lối chủ trương rất là ảnh hưởng đến cả một đất nước, mà một đảng hay một chính quyền nào khi họ đưa ra chính sách làm kiệt quệ đất nước hoặc làm đau dân tộc mình thì thường thường họ biết sửa sai lầm, họ biết xin lỗi. Nhưng đàng này Đảng CSVN không biết sửa đổi, thứ hai không biết xin lỗi, mà cứ tiếp tục...
Trà Mi: Khi các bạn nêu ra những ý kiến mà lên án Đảng CSVN thì chắc là cũng có nhiều ý kiến phản biện là với những bước chuyển biến tích cực từ khi đổi mới tới giờ, rồi bây giờ chuyển sang kinh tế thị trường thì đã thấy phải chăng đó là những dấu hiệu chứng tỏ đảng đã nhận ra sai lầm và đang sửa sai lầm?
Hộ: Không phải đâu chị. Theo tôi nghĩ, hoàn toàn đảng không nhận sai lầm mà họ cứu cái đảng của họ thôi. Chúng ta thấy khi mà cộng sản Liên Xô sụp đổ thì hồi đó cộng sản Việt Nam không có con đường nào chọn thì họ bắt tay với Trung Cộng và họ mở cửa. Họ mở cửa đây là họ cứu đảng chứ không cứu dân tộc Việt Nam.
Trà Mi: Chúng ta hãy tạm quên sai lầm của quá khứ vì mục đích của cuộc thảo luận là đang nói về cái nguyên nhân được cho là cản trở sự phát triển của Việt Nam, đó là do Việt Nam có nhiều thế lực thù địch, thì xin các bạn cho ý kiến thêm về luận điểm này.
Quang: Bây giờ mình nói đến chuyện trong tương lai này. Bây giờ anh thấy là chính sách đại đoàn kết dân tộc, Đảng CSVN đang kêu gọi đồng bào ta cùng chung tay xây dựng đất nước, nhưng có một bộ phận - không ít đâu - người ta không quên được chuyện của quá khứ, người ta chống phá lại tất cả những cái đảng cộng sản làm mà điển hình ở đây là những tổ chức như Việt Tân, rồi 8406, những tổ chức đó.
Cái mà làm cho Việt Nam phát triển nhanh được những năm gần đây là tại vì Việt Nam là một đất nước rất là ổn định. Vấn đề phát triển phải là ổn định. Tại sao những tổ chức đấy, nếu mà là người ta muốn đóng góp thực sự cho sự phát triển thì đừng làm mất cái ổn định. Người ta thấy Việt Nam không ổn định nữa thì các nhà đầu tư nước ngoài người ta sẽ không vào đâu.
Trà Mi: Mời anh Vinh.
Vinh: Tại sao Quang lại nói đảng Việt Tân hoặc Khói 8406 là những nhóm người chống phá chế độ? Vinh không nghĩ đó là đúng sự thật. Quang có thể cho biết được nhóm 8406 họ làm cái gì mà gọi là chống phá chính phủ Việt Nam? Hay đảng Việt Tân làm cái gì mà gọi là chống phá Việt Nam? Vinh thấy tất cả những gì họ làm đều là tốt cho Việt Nam cả.
Trung: Đúng rồi. Vinh nói đúng rồi đó. Cái điều này mình nên bàn luận thêm một lúc nào khác nữa đó. Điều này Vinh nói rất đúng mà Quang chưa hiểu.
Vinh: Thì bây giờ Quang có thể đưa ra thí dụ thế nào gọi là chống phá nhà nước đi, Quang.
Trà Mi: Mời Quang.
Quang: Thì cái tổ chức đó là cái tổ chức mà người ta tuyên truyền những điều đi ngược lại những điều mà chính quyền Việt Nam nói. Bạn là một người cầm quyền đúng không ạ. Nếu có một ai đó cứ luôn nói ngược lại bạn, cái đó có đúng không?
Vinh: Cái đó là tranh luận đó Quang. Quang à, cái đó là tranh luận chứ không phải là chống lại. Tức là họ đưa ra ý kiến ngược lại để mà xây dựng lẫn nhau. Cái đó không thể gọi là chống lại. Việt Nam đưa ra những luận điệu đó để mà tuyên truyền, để mà bôi nhọ những nhóm người có tinh thần dân chủ, tinh thần yêu nước như 8406 hoặc là Việt Tân thôi. Thật sự Vinh chưa bao giờ thấy họ làm cái gì có hại cho đất nước cả.
Vai trò của chính quyền?
Trung: Dạ đúng rồi. Bây giờ mình xin góp ý một chút xíu. Anh Quang nói ngược lại quyền lợi gì? Những cái đó là đi đúng lòng dân đó anh. Cho nên những người như Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài chỉ dòi hỏi nhân quyền cho người dân, quyền dân chủ của người dân, đó là đúng lòng dân.
Vinh: Đó là đi đúng quyền lợi của người dân.
Hộ: Hộ xin góp ý chút xíu nghe. Anh Quang ơi, tôi là một người Việt gốc Hoa và tôi hiện diện ở tại Ottawa trước Toà Đại Sứ Trung Cộng, trước Toà Đại Sứ CSVN để phản đối vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa.
Trung: Vậy thì mình có thể tóm ý của anh Hộ là anh Hộ không phải là người chống đối mà anh Hộ chỉ đem lại lẽ phải thôi. Chỉ mong anh Quang hiểu giùm.
Hộ: Dạ, đúng.
Trung: Thì bây giờ xin góp ý thêm thế này nghe các bạn. Mình là những người tuổi trẻ, với thời đại bây giờ mình nói cái gì cũng phải khách quan và dẫn chứng nghe. Thì cái này khi Trung Cộng họ lập ra cái Tam Sa để quản lý Trưòng Sa và Hoàng Sa (mà họ chiếm của Việt Nam), anh Quang thấy bây giờ cộng sản Việt Nam họ nói họ rất là nhiều tự do báo chí mà anh kiếm giùm tôi một tờ, một trang nào mà nói về các cuộc biểu tình của thanh niên Việt Nam (ở Hà Nội và Sài Gòn) chống Trung Cộng về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa không anh? Như vậy họ bóp nghẹt hết mọi thông tin, họ kìm hãm thông tin, thì những tiếng nói người ta đòi dân chủ, tức là người ta muốn đưa những thông tin đó cho người dân biết để người dân mình sẵn sàng bảo vệ đất nước. Anh thấy không? Cộng sản họ chỉ bảo vệ đảng của họ thôi chứ họ không bảo vệ tổ quốc, không bảo vệ dân tộc mình.
Hộ: Mình phải thấy cộng sản Việt Nam thừa khả năng trấn áp người dân Việt Nam mình, nhưng lại nhu nhược trước sự xâm lăng của Trung Cộng.
Trung: Anh nói rất là đúng.
Trà Mi: Cuộc tranh luận của các người trẻ vẫn chưa ngã ngũ, chưa biết ý kiến của bên nào sẽ thuyết phục bên đây, nhưng mà thời gian dành cho chương trình hôm nay cũng đã hết. Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi vào giờ này sáng Thư Tư tuần sau.
Mong quý vị đừng quên giờ hẹn nhé!
Quý vị và các bạn muốn tham gia, hoặc góp tiếng, với "Diễn đàn bạn trẻ", xin email về vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác gọi vào Mỹ, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775.
Trà Mi thân ái kính chào.