Trà Mi, phóng viên đài RFA
Ông Boris Yeltsin, vị Tổng Thống đầu tiên của Nga đã từ trần ngày hôm qua, thọ 76 tuổi. Một viên chức cao cấp của điện Kremlin loan báo tin này cho báo chí, nhưng không nói ông mất vì lý do gì.
Ít giờ đồng hồ sau đó và qua những nguồn tin khác nhau, hãng thông tấn Itarfax cho biết ông Yeltsin chết lúc 3 giờ 45 phút chiều, giờ Matxcơva, tức lúc 6 giờ 45 phút tối giờ Việt Nam. Vẫn theo Interfax, cựu Tổng Thống Nga mất vì bệnh tim.
Xóa bỏ liên bang Xô Viết
Ông Yeltin được thế giới biết đến dưới nhiều bộ mặt chính trị khác nhau. Ông là người đã góp phần xóa bỏ liên bang Sô Viết trên bản đồ thế giới, đã đưa nước Nga đến dân chủ và kinh tế thị trường, nhưng đồng thời cũng là người lúc nắm quyền hầu như không đưa ra được một kế sách hữu hiệu nào để xây dựng đất nước.
Ông cũng là người từng lên tiếng ca ngợi quyền tự do báo chí, những cũng chính là người đã tìm đủ mọi mánh khóe chính trị để lợi dụng báo chí cho những việc riêng tư.
Trong những năm nắm quyền lãnh đạo đất nước, ông là người nắm tất cả mọi quyền hành trong tay, trước khi bất ngờ loan báo từ giã chính trường trong bài diễn văn đọc vào đúng đêm giao thừa năm 1999.
Là một đảng viên cộng sản, ông leo từ chức vụ thấp nhất lên đến vị trí quan trọng nhất khi được trao phó trách nhiệm điều khiển đảng bộ Matxcơva.
Chỉ trích những sai lầm của Đảng
Dù ông nắm chức vụ này nhưng hầu như vẫn chưa được thế giới biết đến, cho mãi đến khi tin từ điện Kremlin lọt ra ngoài cho hay trong một phiên họp của Bộ Chính Trị vào tháng Mười năm 1987, ông mạnh dạn đứng lên chỉ trích những sai lầm của đảng, đặc biệt là những sai lầm về cải cách kinh tế.
Kết quả của vụ này là ông bị khai trừ khỏi Bộ Chính Trị và Tổng Bí Thư thời đó là Mikhail Gorbachev đã từng tuyên bố “sẽ không bao giờ ông Yeltsin có cơ hội trở lại sinh hoạt chính trường”.
Không ai có thể ngờ chỉ một năm sau, ông xuất hiện trở lại với cương vị đại biểu Quốc Hội, và với số phiếu cử tri tín nhiệm lên đến 89.6%. Ðến năm 1990, ông được các đồng viện chọn làm Chủ Tịch Quốc Hội.
Từ đó, ông được các nhà quan sát chính trị Tây Phương coi là một nhân vật đối lập trong hệ thống lãnh đạo đảng Cộng Sản Liên Xô, hay ít nhất cũng được coi là một người can đảm, sẵn sàng cất tiếng nói khác với tiếng nói rập khuôn của những đảng viên đang cầm quyền.
Hình ảnh này còn đẹp hơn nữa vào hôm 21 tháng Tám năm 1991, khi ông đứng trên chiếc xe tăng ở trước cửa Quốc Hội, kêu gọi người ủng hộ làn sóng dân chủ, chống lại âm mưu của phe bảo thủ muốn cướp lại quyền hành cho đảng.
Ba tháng sau đó, ông bí mật tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của Belarus và Ukraina, cùng đưa ra lời tuyên bố rút khỏi Liên Bang Sô Viết để thành lập Liên Hiệp Những Quốc Gia Ðộc Lập. Vào đúng ngày Lễ Giáng Sinh năm đó, Liên Bang Sô Viết thật sự cáo chung và ông Yeltsin trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của nước Nga.
Các quyết định gây tranh cãi
Cũng kể từ đó, người ta thấy một ông Yeltsin hoàn toàn khác với hình ảnh người anh hùng mà dân chúng Nga đã thấy. Ông quyết định hủy bỏ chế độ kinh tế cộng sản để bước vào kinh tế thị trường, nhưng không đưa ra một chính sách rõ rệt để dẫn quốc gia bước vào một sân chơi mới.
Hơn thế nữa, hồi 1993 ông ra lệnh cho quân đội bao vây tòa nhà Quốc Hội, tức dùng võ lực để giải quyết tranh chấp chính trị, và tháng 12 năm 1994, ông ra lệnh mở cuộc chiến chống lại những phần tử đòi ly khai ở Chechnya. Cuộc chiến không đẻm lại kết quả như ông mong đợi, hàng chục ngàn người phải hy sinh mà vẫn không đạt được chiến thắng.
Cho đến ngày ông từ chức, ông Boris Yeltsin không chứng tỏ cho mọi người thấy có khả năng lãnh đạo quốc gia. Bốn lần ông thay đổi toàn bộ chính phủ, và mỗi khi bị chất vấn, thường hay đổ lỗi cho những nhân viên dưới quyền đã làm việc tắc trách.
Người dân Nga có lẽ không bao giờ quên chuyện trong thời gian ông nắm quyền, mức thu nhập bình quân của họ giảm 75%, nhiều tháng trời chính phủ không có tiền trả lương hưu cho dân chúng.
Dù vậy, điều không thể chối cãi là ông đã có công giới thiệu cho người dân và cho thế giới thấy một nước Nga hoàn toàn mới, dân chủ, quyền tự do phát biểu được tôn trọng, bầu cử tự do, sinh hoạt chính trị đa nguyên, đa đảng, mở rộng thị trường, cho phép người dân đi du lịch, xóa bỏ các hàng rảo ngăn cản mà Ðảng Cộng Sản đã dựng lên.
Rất tiếc ông không cứng rắn với tệ trạng tham nhũng, không có một sách lược rõ rệt cho đất nước, dẫn đến kết quả nước Nga dưới quyền điều khiển của ông mỗi ngày một yếu kém hơn trước về nhiều phương diện, từ chính trị, kinh tế cho đến ngoại giao.