Gia Minh, phóng viên đài RFA
Một thanh niên 24 tuổi tham gia ủng hộ Khối Dân chủ 8406 đã bị công an theo dõi và bắt đi làm việc sau khi người này đến thăm một số thành viên khác trong phong trào. Cơ quan an nnih đã có nhiều biện pháp để trấn áp nhằm làm nhụt chí đấu tranh và tác động đến nơi làm việc của người đó để không có công ăn việc làm, thế nhưng người đó cho biết vẫn kiên trì với con đường đã chọn.

Đó là anh Phạm Hùng Vỹ, ở Hà Nội, và Gia Minh đã có cuộc nói chuyện với người thanh niên này. Trước hết anh cho biết:
Anh Phạm Hùng Vỹ: Tôi thể hiện tinh thần là khi họ hỏi tôi thế này khi còn ít tuổi, nhưng họ không dùng từ đó mà nói là 'nhóc con'; tôi tránh dùng những từ vô văn hóa của họ trong cuộc trả lời phỏng vấn này. Tôi trả lời họ rằng dân chủ hóa đất nước là xu thế tất yếu thì không phân biệt già trẻ.
Tôi chỉ là một thành phần rất nhỏ thôi. Tôi khẳng định rằng tôi sẽ đi bất cứ nơi nào gặp gỡ bất cứ ai, đấy là được luật pháp Việt Nam qui định và bảo vệ, và luật pháp quốc tế qui định.
Có thể cuộc trả lời phỏng vấn này cũng bị họ đang nghe trộm và ghi âm đó. Tôi không hiểu là nhà nước cho rằng chúng tôi nguy hiểm đến mức phải theo dõi như thế hay không.
Tôi cũng đặt câu hỏi về ngân sách để làm những việc đó thì lấy từ đâu ra; trong khi biết bao khoản phúc lợi xã hội của người dân đang cần thiết mà không được chính phủ đáp ứng. Thế có phải họ đang cho dân vì dân hay không, những điều họ nói và thực hiện khác nhau.
Gia Minh: Đó là những công việc mà ông đang làm, xin ông cho biết tiến trình mà ông đến với phong trào dân chủ hóa đất nước?
Anh Phạm Hùng Vỹ:Tôi có thể tóm tắt thế này: đây là tiến trình của lương tâm và trách nhiệm.
Tôi là một thanh niên trẻ và trong những năm qua với những chuyển biến sâu sắc thì tôi nhận thấy rõ đâu là những tuyên bố hào nhóang tiến lên chủ nghĩa xã hội đem lại ấm no cho dân và đâu là thực tế ở đó các quan chức thế nào, dân thường ra sao. Dân thì không có tiếng nói nào mà quan thì dùng pháp luật như 'sân sau' để họ muốn làm gì thì làm.
Có thể nói không phải tôi mà nhiều người rất không hài lòng khi họ thực thi những nhiệm vụ mà dân giao cho họ. Có thể nói ở Việt Nam có một cơ quan mật vụ rất lớn, bất cứ ai cất lên tiếng nói lương tâm thì lập tức bị đàn áp. Ở Việt Nam có nhiều ngừoi không đồng tình nhưng vẫn im lặng, âm thầm ủng hộ thôi.

Tôi từng là một người như vậy, và khi tôi biết có những phong trào như thế thì tôi liên hệ với những người trong phong trào như anh Bạch Ngọc Dương, Luật sư Nguyễn Văn Đài, anh Nguyễn KHắc Tòan để tìm hiểu về phong trào và đóng góp cho phong trào…
Tôi dám khẳng định hiện có nhiều thanh niên, trí thức, người về hưu cũng ủng hộ nhưng chưa dám công khai vì họ thấy đó chưa phải là cách bày tỏ mà có thể gây ra khó khăn cho gia đình, người thân.
Gia Minh: Ông đã công khai rồi thì những khó khăn đó thế nào?
Anh Phạm Hùng Vỹ:Rất rõ ràng, đa chiều: họ tìm hiểu gia đình và cá nhân tôi rồi đến gây sức ép với gia đình. Cá nhân tôi thì mọi hành tung đều bị theo dõi. Họ còn có thủ pháp cho ngừoi giả danh ủng hộ dân chủ để moi thông tin từ tôi. Họ còn tung tin vu xấu tôi với những người trong phong trào.
Tôi đã ra trường đi làm rồi, thì họ đến gây sức ép để không cho tôi đi làm việc tiếp để gây khó khăn về kinh tế. Nhưng tôi đã tuyên bố là tôi lựa chọn nó. Thành phần trí thức trẻ như chúng tôi ngòai trách nhịêm phản biện và giám sát các giải pháp của chính quyền còn phải đưa ra những giải pháp thực tế cho đất nước thông qua tranh luận.
Tôi đã nói tiến trình dân chủ hóa đất nước phải đấu tranh đối thọai, ôn hòa để công khai về dân chủ đối với thanh niên và mọi ngừoi nhằm tạo ra một mặt trận rộng rãi ủng hộ dân chủ. Mục tiêu của chúng tôi cuối cùng là một đất nước giàu mạnh, người Việt có thể tự hào về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nói chung an ninh có nhiều trò; thế nhưng tôi khẳng định việc họ đàn áp không thể ngăn cản phong trào dừng bước vì đó là xu thế tất yếu, đó là mong muốn của ngừơi dân đó là thực thế cuộc sống thúc đẩy người dân phải có dân chủ.
Gia Minh: Cám ơn anh Phạm Hùng Vỹ đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện vừa rồi.